I
"Hò... ơ... Đêm đêm con ngước lên trời
Hỏi xem cha mẹ con giờ ở đâu
Có cha có mẹ thì hơn
Không cha không mẹ như đờn đứt dây.
Đờn đứt dây còn xoay còn nối
Không cha không mẹ, hò ơ
Không cha không mẹ, con phải mồ côi."
em,
một kiếp mồ côi trôi dạt muôn nơi, ngày tháng dài ngồi ở góc chợ, nâng lấy đôi tay gầy lắm lem bùn đất, mà xin lấy một chút tình thương từ những người dân buôn trong chợ, căn nhà trọn vẹn yêu thương của em, đã bị mẹ thiên nhiên vô tình lấy đi. lũ đi qua, rồi lũ cuốn trôi đi tất cả những yêu thương mà em đang có.
em cứ ngỡ, đời em sẽ mãi bình yên êm đềm như con nước lặng lờ trôi, nào ngờ năm ấy, lũ bất ngờ kéo về sớm khiến mọi người không kịp trở tay. bầu trời hôm ấy trở nên xám xịt, nó nhanh chóng bị những đám mây đen chen nhau thâu tóm, mưa bắt đầu rơi, rơi mãi, rơi mãi vô tình tạo thành những cơn nước lũ cứ như đám quái vật giận dữ, chúng nó thi nhau không ngừng dâng cao. từng cơn gió nhỏ gộp thành đại thổi qua, nhẫn tâm quật tả tơi những ruộng ngô, bụi chuối vẫn còn xanh tươi tốt, ôi, mảnh đất an lành ngày nào đã bị cơn lũ hung tàn cuốn trôi đi hết mùa màng. những cánh đồng ruộng lúa chứa đầy sự nâng niu chăm sóc của tá điền nghèo, qua một đêm đã hoá thành vũng nước trống trãi, rộng mênh mông, vụ mùa vừa cấy tiêu điều mất trắng. những ngôi nhà lá liêu xiêu chan chứa nhiều mảnh tình thương, nay chỉ còn lại đống hoang tàn, chìm ngập trong biển nước. lũ đi qua cuốn theo cả những chú gà, chú chó thân thiết đã đồng hành, gắn bó với những con người chân lắm tay bùn. vợ thì mất chồng, tía má mất con hay có những đứa trẻ bất hạnh phải bơ vơ giữa nơi chợ đời như em, khi tía má bị hung thần sóng dữ tàn nhẫn ấy cuốn trôi, chưa một lần gặp lại.
chẳng ai biết, một đứa bé chỉ mới tám tuổi, có thể sống bằng cách nào, người ta chỉ thường thấy em giương lấy đôi mắt sáng long lanh nhìn từng người trong chợ họp rồi lại tan, đứa bé ấy gầy gò lắm, gương mặt hốc hác lúc nào cũng dính những vết bùn dơ, đôi tay chân bé nhỏ luôn chi chít những vết thương lớn nhỏ, đầu tóc thì bù xù như ổ quạ. ngày ấy, em cứ mãi ngồi một xó ở góc chợ, có người thấy thương quá mà cho em vài cái bánh bông lan ăn, những cái bánh bông lan bé nhỏ mà người ta thường bỏ đi, đối với em lại là một sự phù phiếm, xa hoa. nhưng rồi, đời có ai cho không mình mãi, lâu dần những người trong chợ ấy không còn cho em vài cái bánh bông lan nữa, để mặc em nhặt những vụn bánh mì hay những cọng rau đã thúi mà ăn, có hôm lại thấy bóng dáng em đến nơi bãi rác của chợ làng mà bới móc kiếm thức ăn, bụng em cứ trống rỗng, hôm đói hôm no, thức ăn đối với em thực sự quá xa xỉ, mỗi lần em ngồi ở chợ làng, em chỉ mong những người buôn gánh bán bưng ở chợ để lại những món ăn, dầu là hư thúi hay kể cả dính đầy bùn đất, thì em vẫn xem như thứ sơn hào hải vị, mà ăn một cách ngon lành.
ngày này qua ngày nọ, em cứ mãi nhìn lén những đứa trẻ đồng trang lứa trong chợ với ánh mắt sáng long lanh chứa đầy sự khát khao, một lòng mong mỏi, hi vọng có ngày em sẽ lại được tía má ôm vào lòng vỗ về, chiều chiều dắt tay em ra chợ làng mà mua những cái bánh thơm ngon, những món đồ chơi mà em thích. suốt bao nhiêu năm qua, chẳng đêm nào mà em nguôi ngoai được nổi nhớ tía má, nếu ông trời có động lòng thương mà ban cho em một điều ước, em sẽ chẳng ngần ngại mà ước có trở về như thuở em mới lên năm, vào những cái ngày mà cơn lũ hung tàn ấy chưa xuất hiện rồi cuốn trôi tía má em đi xa, mãi mãi không về.
đời em khổ lắm, ngôi nhà lá xập xệ của tía má em để lại, chỉ có thể che nắng cho em, chớ không thể che mưa, mỗi lần trời mưa nặng hạt, những hạt mưa cứ thi nhau rơi xuống chiếc giường tre nhỏ mà em hay nằm, tấm chiếu mục nát của em dính lấm tấm mưa, từng hạt mưa trĩu nặng, mưa ướt áo em, em lạnh lắm, nhưng biết phải làm sao, khi trời cao cứ mãi trút những hạt sầu vương xuống trần đời, xuống vào cả cái giường duy nhất của em, chỗ em nằm không nhiều mảng khô, chỉ biết được sáng trời gà gáy ban trưa, em liền đem chiếc chiếu đã cũ ấy ra sào mà phơi.
bộ quần áo em bận trên người chiu chít những mảnh vá áo sờn màu, chẳng ai biết em có được bao nhiêu bộ đồ, người ta chỉ thấy em mặc cái quần cao ngang đầu gối, chiếc áo dài tay ngang ở khuỷu cánh tay, than ôi, đời em khổ nhỉ, những người trong làng thấy thương mà cho em vài bộ đồ mặc vừa người, có người vì thấy tội em quá, mà chỉ em đi đến nhà ông hội ở xóm trên mần công hầu hạ nhà người ta, mong em sẽ có cơm ăn mà sống qua ngày. cái ngày mà em bước chân vào nhà ông hội, em bị đánh đến tả tơi vì xách thùng nước trĩu nặng không nổi, hay có khi những đứa con của ông hội chơi cách cớ mà bày trò quậy phá rồi đổ tội cho em, em liền bị lôi ra trước sân nhà đánh một cách vô tội vạ.
em có biết cái chi đâu, mới mười tuổi đầu mà đi mần ở đợ cho nhà người ta, xót xa chủ không thương, đầy tớ cũng đành cam chịu ghẻ lạnh mà hứng hết những lời nguyền rủa, thô tục. em nghe hết chứ, em hiểu hết chứ, nhưng em biết làm gì đây? ngày nào cũng bị đánh đến rách da, người ta quánh em bằng cây roi da đau đớn, em cứ mãi ôm đầu mà cầm cự đối phó với những đòn roi vô tình vung xuống cái thân thể gầy gò của em, em đau lắm nhưng em gắng nuốt lệ vào trong, nếu em khóc thêm nữa thì sẽ bị lôi ra mà quánh tiếp.
đến cái ngày em mười sáu trăng tròn, nhà ông hội đồng ấy vì có con trai ăn chơi trác táng, bán hết gia sản ruộng vườn mà dẫn đến tan cửa nát nhà, hoang tàn như đống tàn tro. em được trả tự do rồi, sáu năm trường dài dẳng chịu không biết bao nhiêu đòn roi đau đớn xác thân, những vết thương rách da hoá thành những vết sẹo in hằn trên cơ thể em, những vết xẹo ấy đã không còn rớm máu khiến em chịu cái đau đến nghẹn nữa, nhưng nó vẫn cứ mãi đau âm ỉ, không chỉ đau ở thể xác mà tâm hồn em cũng từ đó mà mục ruỗng theo.
giờ đây ở nơi chợ đời, em là một cô thiếu nữ buôn thúng bán mẹt. em kiếm năm cọc ba đồng sống qua ngày với cái nghề bán bánh dạo. mỗi sáng, tiếng vang lên từ gà gáy điểm canh, mặt trời còn chưa ló dạng đằng đông, em đều vác trên đôi vai gầy chiếc đòn gánh tre chất đầy những cái bánh bông lan thơm ngon với vỏ ngoài vàng óng ả, bên trong mềm mịn tươi xốp, món bánh mà hằng đêm em thao thức, tỉ mỉ làm ra đều được đôi chân đất của em đem ra chợ sớm để kịp giờ mà bán.
nghĩ mà thấy không tin nổi nhỉ? đứa nhỏ thiếu đi hơi ấm từ mẹ, thiếu đi sự bảo vệ dạy dỗ từ tía, chỉ lang thang sống qua ngày với tâm hồn chất chứa bầu trời u tối, mù mịt, bản thân đứa nhỏ ấy đã từng ngày gánh gồng sự bất lực của cuộc đời, đã có lúc đứa nhỏ ấy từng nghĩ rằng mình là thừa thải, bởi nó có còn tía má bảo bọc nữa đâu, nó đã từng muốn gieo mình vào dòng nước lạnh tênh ở khúc sông đầu làng, để thôi phải chịu cái cảnh cơ nhở, khổ cực này nữa. nhưng rồi, cái đứa không cha không mẹ năm nào mà giờ lại lớn khôn tự nuôi sống thân mình bằng cái nghề bán bánh, cái đứa mồ côi từ thuở lên tám, từng nhặt từng miếng bánh rơi dưới đất, từng nhặt từng trái cây hư thối mà ăn để lót dạ sống qua ngày, nay lại khôn lớn nên hình nên dạng cao ráo như bây giờ.
---
chap được viết với sự hỗ trợ của hai tác giả:
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip