Trong bữa cơm tối, Khoa khoe với mẹ, "Hôm nay bạn Mai lớp con bảo con trắng trẻo đẹp trai như hoàng tử mẹ ạ". Người mẹ chưa kịp phổng mũi tự hào thì Khoa thủng thẳng tiếp, "Bạn ý bảo hoàng nghĩa là vàng, còn tử là con. Bạn ý nói con đẹp trai như con Vàng của lão Hạc mẹ ạ". Mẹ nhăn nhó, còn bố thì cười sặc sụa. Giỏi, giỏi lắm, biết nghịch ngợm với ngôn ngữ thì mới giỏi tiếng mẹ đẻ được chớ!
Một lần khác Khoa cao hứng vừa vẽ vừa hát theo giai điệu bài Mặt trời dịu êm: "Nhìn mặt trời mà không chói lóa là...Hội người mù Việt Nam". Lập tức bố giận dữ gọi Khoa lại và sạc cho một trận vì tội nghịch ngợm ngôn ngữ một cách thiếu ý thức. Khoa được một bài học nhớ đời về sự chú ý tôn trọng nội dung biểu đạt của ngôn ngữ bên trong vỏ vật chất là âm thanh của nó. Chỉ biết đến vỏ âm thanh mà không lưu ý nội dung biểu đạt thì khác gì những em bé mới bi bô học nói.
Như một sự tình cờ, bố nói về cây đèn biển. Những cây đèn biển trên thế giới có tuổi đời hàng nghìn năm, theo chiều dài của lịch sử hàng hải. đèn biển được thắp sáng từ khí đốt đến dầu hỏa, đến năng lượng mặt trời như ngày nay... Nếu có dịp đến thăm tận nơi một cây đèn biển nào đó, con sẽ thấy không ít điều đáng ngạc nhiên. Ví dụ như để chiếu xa 24 hải lý, tức là khoảng hơn 40 km thì chắc là ngọn đèn phải có công suất là hàng nghìn oát. Thực tế bóng đèn thắp sáng ngọn hải đăng chỉ là bóng bình thường 100 oát mà thôi, nhờ lọt qua những thấu kính phân kì bao quanh mà ánh sáng đi xa. Con cũng dễ nghĩ rằng đứng gần ngọn hải đăng chắc là bị chói lóa ghê lắm? Lại càng không phải. con có thể đứng sát ngay bên cạnh và nhìn dán mắt vào đèn cũng chẳng sao cả. trên thế giới có rất nhiều ngọn hải đã trở thành di sản của nhân loại. Bố muốn mượn lời bài hát của con để tặng cho cây đèn biển. quả thật là "Đẹp dịu dàng mà không chói lóa là ngọn hải đăng"...
Rồi cũng như một sự tình cờ, bố quay trở lại nói chuyện ngon ngữ. Sự ra đời của ngôn ngữ có một ý nghĩa rất quan trọng quyết định những bước tiến hóa tiếp theo của loài người. Bởi ngôn ngữ là công cụ tư duy. Tiếng nói là di sản quan trọng nhất của mỗi cộng đồng. Trong tiếng nói chứa đựng biết bao ký ức về dân tộc, về văn hóa, lịch sử... Cứ mỗi năm, trên thế giới có hàng trăm ngôn ngữ bị mất đi, cũng đồng nghĩa với hàng trăm dân tộc có nguy cơ bị mai một. chẳng thế mà một nhà nghiên cứu nào đó đã nói rằng tiếng Việt còn, nước ta còn... Chính vì vậy mà con phải biết giữ gìn tiếng Việt làm phong phú và cập nhật tiếng Việt theo kịp những bước phát triển xã hội. giữ gìn tiếng mẹ đẻ cũng là giữ gìn di sản của tổ tiên để lại.
Cũng như ngọn hải đăng dẫn đường cho những con tàu trôi dạt trên biển cả, những người con dân nước Việt qua nhiều thế hệ tha phương, rồi một ngày nào đó vẫn có thể nhận biết người đồng tộc và vẫn có thể tìm về với nguồn cội, thì sẽ theo một ánh sáng nào khác hơn là tiếng Việt, di sản ngàn đời của mảnh đất hình chữ S viết hoa này!
Tác giả: Đoàn Công Lê Huy Nguồn: Báo Hoa Học Trò số 453
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip