CHƯƠNG 1: EM CÓ NỠ KHÔNG?
1.
Hoa quế ở Thành Nam đã nở rộ, tiệm cơm trong ngõ Yến Tử đều đóng cửa cả. Lá rụng mãi không ngừng, gió chẳng kết nổi quả, từ hôm này trở đi tôi bắt đầu chẳng còn gì trong tay.
Từng viên gạch trong con ngõ này đều đã tồn tại hơn một thế kỷ, bao thế hệ đời người đã trải qua sinh lão bệnh tử ở nơi đây.
Hoa quế năm nào cũng nở, cây quế ở góc tường nở hoa vàng nhạt như hứng ánh trăng sáng là nơi tôi thường lui tới. Hồi bé mẹ tôi hay lấy hoa xuống trộn với mật ong và gạo nếp rồi ủ một bình rượu ngọt. Đêm tất niên dọn quầy hàng xong mẹ sẽ lấy ra uống một chén, tôi nếm một ngụm, vậy là hết Tết.
Nhớ lại thì một ngụm ấy là chút ngọt ngào ít ỏi mà tôi từng được nếm trải.
Với tôi mà nói, cuộc sống ngay từ điểm xuất phát đã chỉ toàn những vỡ vụn đến cực điểm. Sau khi ly hôn, mẹ mở một quán ăn nhỏ kiếm tiền nuôi tôi khôn lớn. Ngày nào mẹ cũng dậy từ bốn giờ sáng, từ mua đồ đến nấu nướng đều chỉ có mình mẹ đảm đương, hơn hai mươi năm chưa từng nghỉ bán, cho đến khi mẹ không còn sức lực duy trì nữa mới giao lại cho tôi.
Tối nay tôi đóng hết cửa kính, lau sạch sẽ bếp gas, dọn dẹp đống vỏ trứng và lá rau hỏng trong góc nhà, sau đó lấy baking soda thay nước nóng lau chùi vết dầu mỡ còn bám trên mặt bàn.
Đưa mắt nhìn khắp cửa tiệm, nơi này vẫn không có gì khác xưa.
Tôi ra khỏi nhà, quay đầu nhìn lên tầng hai, ngọn đèn nho nhỏ bên trong khung cửa sổ toả ánh sáng yếu ớt. Mẹ sẽ ngủ dậy lúc bốn giờ sáng như bình thường, tôi đã đặt bữa sáng ở đầu giường, đợi thêm lúc nữa sẽ có người đến đón bà đi.
Con phố đêm khuya lác đác người qua lại, vài cửa tiệm vẫn còn sáng đèn vang vọng tiếng cười nhỏ. Có gì vui đâu chứ, kiếm thêm được dăm ba đồng cũng chẳng trụ nỗi bảy tám ngày.
Tôi đi đến sát tường, khởi động chiếc xe van. Chiếc xe này mua từ năm kia, bình thường toàn dùng để chở hàng giao đồ ăn. Nhưng hôm nay tôi định dùng nó để tạo ra một vụ tai nạn.
Trời vẫn mưa lâm thâm, con ngõ nhỏ hoàn toàn chìm vào thinh lặng. Tôi dập điếu thuốc rồi lái xe ra khỏi ngõ. Vũng nước đọng in bóng toà nhà cao tầng, từng bánh xe lăn qua, ánh đèn neon trong bóng nước vụn vỡ rồi lại được những gợn sóng li ti nối lại.
Tôi muốn đi quanh thành phố nơi đã ép tôi phải sống khom lưng cúi đầu này thêm lần nữa. Lúc băng qua cầu vượt, trong đầu tôi bỗng vang lên bài cầu khấn từng đọc hồi đại học: "Xin hãy ban cho con sự bình thản để đón nhận những điều con chẳng thể thay đổi. Xin hãy ban cho con dũng khí để con thay đổi những điều có thể thay đổi. Xin hãy ban cho con trí tuệ để phân biệt điểm khác biệt của hai thứ này."
Tôi vừa không bình thản cũng chẳng có dũng khí, lại càng thiếu trí tuệ, thế nên tôi chẳng khẩn cầu gì thêm.
Về đến đầu ngõ Yến Tử, tôi dẫm mạnh chân ga, chiếc xe van tông thẳng vào cột điện.
Tôi nghĩ đi nghĩ lại, cả thành phố này những nơi khác đều khó mà tông được, có lẽ tôi sẽ chẳng đền nổi. Cột điện còn đỡ, lần trước có chiếc xe tải bị lật cũng được nó chặn lại.
Đâm vào chỉ là chuyện trong nháy mắt, nhưng tôi lại thường hay tưởng tượng giờ phút này. Trong đầu tôi mô phỏng đủ kiểu bị thương, bây giờ thì tất cả đều thành hiện thực rồi. Chân phải đau râm ran, trán toàn là máu, tay run đến mức không cầm chắc được điện thoại.
– Alo, 110 à? Tôi gây tai nạn rồi, trong ngõ Yến Tử, bị thương vài chỗ... không cần xe cấp cứu đâu, tôi tự đến bệnh viện được. Vâng, tôi tự đi được. Tôi muốn hỏi chút, các anh có ghi âm lại cuộc gọi này không? Đúng đúng đúng, ghi chép lại sự thật của vụ tai nạn này... Tôi không đợi các anh đến được đâu, đầu tôi chảy đầy máu rồi, tôi phải đến bệnh viện đã... Vâng, các anh đến bệnh viện Thành Nam để lấy lời khai đi...
Sau khi cúp điện thoại, tôi lấy khăn giấy bịt lại vết thương trên trán rồi thử khởi động xe. Động cơ xe phụt ra vài làn khói trắng, cũng không biết thân xe bị vỡ chỗ nào mà phát ra tiếng cọt cà cọt kẹt, khó khăn lắm mới khởi động được.
Đến bệnh viện, sau một lúc dày vò ở phòng cấp cứu, trán tôi đã được băng bó, chân không bị gãy, mắt cá bong gân, dưới sự yêu cầu quyết liệt của tôi, bác sĩ mới gắn cho tôi cái nẹp cố định.
Lúc đó cảnh sát cũng đến, chủ yếu vì họ nghi ngờ tôi uống rượu lái xe nhưng cuối cùng chẳng phát hiện được gì. Cảnh sát gặng hỏi, tôi bảo tôi là người gây chuyện đồng thời cũng là người bị hại, tôi không đòi bản thân phải bồi thường cũng không phải chịu trách nhiệm cho bản thân, anh chỉ cần kết án tại đây là ba bên đều ổn thoả.
Tôi vào nhà vệ sinh rửa mặt, băng quấn trên đầu đã bị thấm máu, nhìn mình trong gương thấy cũng khá tiều tuỵ hốc hác, nhưng vẫn thiếu sự thê lương khiến người ta chấn động tâm hồn.
Trước khi Lâm Nghệ đến, tôi phải tìm bác sĩ để chuẩn bị vài thứ.
Tôi đi cà nhắc vào phòng khám.
– Bác sĩ ơi, có thể cho bệnh án nặng hơn được không ạ, ví như như trạng thái tâm lý người bệnh vô cùng méo mó, u uất, tối tăm, có khuynh hướng tự sát, nếu không được yêu thương chăm sóc thì rất có thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến xã hội chẳng hạn.
Bác sĩ nghiêm túc trả lời:
– Ông anh ơi, chỗ tôi là Khoa Xương khớp mà.
Tôi nói:
– Thôi cũng được, gãy xương cũng đủ dùng rồi.
Bác sĩ nói:
– Anh còn đi lại được thì gãy xương cái gì?
Tôi nói:
– Anh giúp tôi với, tôi chỉ ở viện một hôm, đúng một hôm thôi.
Bác sĩ ngừng gõ bàn phím, nghi hoặc nhìn về phía tôi:
– Anh muốn làm gì?
Tôi nói:
– Vợ tôi bỏ nhà đi rồi, tôi muốn thử xem cô ấy có đến không.
Bác sĩ im lặng một lúc rồi thở dài:
– Mấy ngày nay không cần nhiều giường bệnh lắm, cho anh ba ngày để thêm chút hy vọng.
Tôi bám vào tường đi men theo theo hành lang, mở cánh cửa hành lang ra rồi lách người vào, cánh cửa đóng lại cái "rụp".
Trước tiên tôi gửi tin nhắn cho Lâm Nghệ bảo cô ấy tôi xảy ra tại nạn xe, bị thương rất nặng, mong cô ấy có thể đến thăm.
Giờ này cô ấy vẫn chưa ngủ dậy, xem tin nhắn xong cũng chưa chắc sẽ trả lời. Thế nên tôi lại gửi địa chỉ bệnh viện và số phòng cho cô ấy.
Ngoài cửa sổ mênh mang một màu trăng trắng.
Lâm Nghệ là vợ tôi, mười ba tháng rồi chúng tôi mới gặp nhau một lần, vỏn vẹn năm phút. Mỗi tháng cô ấy đều gửi cho tôi một tin nhắn, nội dung cố định, mấy chữ đó lần nào cũng như lần nào. Nhưng lần này tôi có lý do bắt buộc phải gặp nhau.
2.
Ngoài hành lang có tiếng bước chân, tôi quay lại giường bệnh nằm một lát mà đầu choáng mắt hoa bụng đói nên lại đành tập tễnh đi xuống cửa hàng tiện lợi mua hai cái xúc xích.
Tôi dựa người vào vách tường, vừa há miệng định ăn thì phía hành lang có tiếng bước chân vội vàng, y tá trực ban bế một bé gái đi ngang qua tôi.
Ngay giây phút lướt qua ấy bỗng nhiên tôi bị túm lại. Bé gái trong lòng y tá nắm chặt lấy cổ áo tôi. Chẳng biết con bé lấy sức đâu mà túm chặt đến mức tôi cũng phải nhảy hai ba bước về phía trước.
Bé gái để tóc mái bằng, đôi mắt to tròn tràn đầy khát vọng nhìn chằm chằm vào chiếc xúc xích trong tay tôi, nói:
– Chú ơi, cho con xin một miếng được không ạ?
Tôi còn chưa kịp phản ứng lại thì cô y tá đứng bên cạnh thử tách ngón tay cô bé ra khỏi áo tôi:
– Tiểu Tụ nghe lời nhé, con buông tay ra đi, khi nào khỏi bệnh rồi ăn.
Cô bé nói:
– Con chỉ nếm thử một miếng thôi, không sao đâu ạ.
Ánh mắt y tá ánh lên vẻ bất lực:
– Con đang sốt cao lắm không, không được ăn linh tinh.
Cô bé không lên tiếng nữa, ánh mắt dán chặt vào chiếc xúc xích như thể quyết không chịu thua.
Cổ áo tôi sắp bị kéo rách đến nơi rồi, thấy con bé có vẻ đang bị bệnh nên chỉ đành quát:
– Bỏ tay ra!
Cô bé cười cười lấy lòng:
– Chú ơi, chú đưa xúc xích cho con rồi con bỏ tay.
Tôi định đưa nó một cái thì y tá ngăn lại, nói:
– Không được đưa, con bé còn phải đi xét nghiệm nữa, ăn linh tinh nguy hiểm lắm.
Cô bé nhìn tôi nói với giọng khẩn thiết:
– Chú tin con đi, bệnh của con con hiểu hơn các cô ấy!
Tôi nói:
– Thế này nhé, con đi xét nghiệm trước, nếu không sao chú sẽ đưa con đi ăn một bữa to luôn.
Cô bé nói:
– Cũng không cần thịnh soạn gì đâu, chỉ cần xúc xích là được. Cô bé luyến tiếc mãi chưa chịu buông tay, lại còn làu bàu – Chú nhớ kĩ nhé, chú nợ con một chiếc xúc xích đấy.
Đợi họ đi hết tôi mới hỏi một cô y tá:
– Cô bé lúc nãy bị sao thế?
Y tá nhìn tôi, nói:
– Nhập viện một năm rồi, ung thư.
Tôi quay về phòng bệnh, người nằm cạnh giường tôi là một ông cụ đang nằm ngẩn ngơ, thấy đầu tôi quấn băng vải, chân nẹp cố định, ông bắt chuyện:
– Đánh nhau hả chàng trai?
Không muốn giải thích, tôi nói:
– Dạ không, cháu tự đánh đấy.
Sau khi nói linh tinh vài câu thì có bốn năm người đi vào, tất cả đều là người nhà của ông cụ.
Một người phụ nữ to béo nói trước:
– Bố tự xem lại lương tâm mình đi, sao bố lại để lại nhà cho con trai cả, ai được lợi thì người đó đi mà chịu trách nhiệm, chắc bây giờ cũng không đến lượt đám con gái bọn con lo đâu nhỉ?
Một người phụ nữ gầy nhỏ ra sức gật đầu:
– Phải nói lý đi, cả nhà đến cả rồi thì nói cho rõ ràng.
Ông cụ ngơ ngác "hả" một tiếng rồi nói khẽ:
– Bệnh viện đông người, đừng làm loạn.
Thế nhưng chẳng ai thèm nghe ông nói, người đàn ông hói đầu lớn tuổi nhất xoa đầu như đuổi muỗi, gào lên:
– Chỉ cần là con cái thì bắt buộc phải phụng dưỡng bố mẹ! Đây là quy định của pháp luật! Tôi thì hết cách rồi, tôi phải ở lại Thiểm Tây không đến được đâu. Cái này bố cũng hiểu mà.
Hai mắt ông cụ đờ đẫn.
Chàng trai nhỏ tuổi hơn là thiệt thòi nhất:
– Thế là đổ xuống đầu em hết à? Bác sĩ bảo bệnh của bố có thể nguy hiểm bất cứ lúc nào. Sao đây? Em không có cuộc sống riêng chắc? Em phải trông bố 24/24, còn các anh chị thì không có trách nhiệm gì hả?
Người phụ nữ to béo nói sang sảng:
– Để nhà cho ai thì người đó có trách niệm.
Ai nấy trình bày quan điểm xong thì chuyển sang chất vấn, nào là "đồ của nợ", nào là "đồ vô ơn", nào là "nói xấu sau lưng", thậm chí cuối cùng có người còn ngồi xuống cạnh giường khóc lóc.
Cảnh tượng ồn ào náo động như thuỷ triều, từng đợt sóng dâng trào mạnh mẽ, trong lãnh đạm thờ ơ còn thêm chút nôn nóng sốt ruột. Mọi bất lực của đời người, đến cuối cùng hoá ra không phải lạnh nhạt cũng chẳng phải đau buồn mà là mất đi lòng kiên nhẫn, ngay cả kiên nhẫn để ngồi yên cũng không có, chỉ muốn nằm mãi, nằm có thể đổi lấy những trống rỗng hư vô.
Tôi nhìn ông cụ qua kẽ hở giữa đám người, ông nhắm nghiền mắt không nghe cũng không nói gì, để mặc con cái đùn đẩy nhau, như thể nắm bột nằm trên thớt để mặc người ta vỗ nặn mà chẳng biết sẽ bị gói thành miếng sủi cảo nhân gì.
Tôi vòng qua mấy người nhà ông cụ để ra khỏi phòng, điện thoại bỗng đổ chuông, là giám đốc Trình của Viện dưỡng lão. Tính ra thì có lẽ giờ này họ đã đến đón mẹ rồi.
Chắc vì đã nộp đủ tiền nên nghe giọng giám đốc Trình gần gũi hơn nhiều:
– Anh yên tâm, chúng tôi đã đưa bà cụ đến nơi rồi, phòng ba người có hộ lý chuyên nghiệp, anh có thể kiểm tra camera giám sát bất cứ khi nào.
Tôi mua gói chăm sóc trọn đời, sáu trăm nghìn tệ, đảm bảo chăm sóc người già đến hết đời, đúng chuẩn gói dịch vụ dành cho những đứa con bất hiếu.
Phòng bệnh vẫn ồn ào như nãy, y tá đi vào bảo họ ra khỏi phòng, kết quả tình hình lại càng thêm quyết liệt. Tôi che loa rồi đi qua hành lang, dặn dò giám đốc Trình:
– Nếu mẹ tôi hỏi thì bảo tôi đang bận kết hôn, hỏi lần nào nói vậy lần đó.
– Thế thì chắc chắn bà cụ sẽ vui lắm. Giám đốc Trình khách sáo phụ hoạ.
Khi quay lại phòng bệnh, con cái ông cụ đã đi cả. Ông đang cắn chiếc bánh bao chay, vừa ngẩng đầu thấy tôi thì rụt rè rụt tay lại.
– Lúc nãy xin lỗi cậu nhé, ồn ào ảnh hưởng đến cậu quá,
– Đúng là ồn thật.
Ông cụ không ngờ tôi không khách sáo như vậy, ông hơi ngẩn người rồi nói:
– Chúng nó không đến nữa đâu.
Tôi nói:
– Không sao, cứ làm ồn đi, cháu cũng không ở bao lâu đâu.
Ông cụ run tay cầm chiếc bánh cắn một miếng. Tôi không kìm được hỏi:
– Họ không đến nữa thì ai trả tiền thuốc cho ông ạ?
Ông cụ nói:
– Tôi để dành được một ít tiền.
Tôi nói:
– Có tiền để dành mà ông còn ăn bánh bao chay?
Ông cụ khẽ cười.
– Không tiết kiệm tiền thì lấy đâu ra mà để dành. Ông chuyển chủ đề, hỏi tôi:
– Cậu bị thương như thế mà người nhà không đến thăm à?
Mẹ không đến được, vợ thì chẳng quan tâm. Tôi không biết trả lời ra sao nên chỉ đành giữ im lặng, định vén chăn lên nhưng mới nhấc được chút đã trượt tay.
Ông cụ thở dài thườn thượt, cất miếng bánh bao chay còn thừa vào túi nilon:
– Con người sống trên đời này, mệt quá.
3.
Mãi đến trưa mới có tin nhắn mới của Lâm Nghệ.
"Đến rồi, giường số mấy?"
Tim tôi đập thình thịch trong lồng ngực. Sau khi Lâm Nghệ lên chiếc taxi đó rời khỏi ngõ Yến Tử, mười ba tháng rồi, tháng nào cô ấy cũng gửi cho tôi một tin nhắn.
"Chúng ta ly hôn đi."
Tôi vừa mong nhận được tin nhắn của cô ấy lại vừa sợ mấy câu chữ lạnh lẽo đó.
Tôi muốn gặp cô ấy một lần. Tôi từng đọc được một câu nói: Trong tất thảy khổ đau trên thế gian này, nỗi đau tình yêu là nhỏ nhất. Nhưng người viết câu này đâu hiểu được, nỗi đau nhỏ bé nhất này lại là ánh trăng cuối cùng của người đang ngụp lặn giữa biển khơi như tôi.
Tôi không quá đau buồn, cũng chẳng thất vọng, tôi chỉ thấy mình đã mất đi lòng kiên nhẫn mà thôi.
Cố gắng cũng chẳng thể giải quyết được vấn đề gì. Từ sau khi vợ bỏ nhà đi, mẹ tôi nhảy lầu, tôi đã mất đi lòng kiên nhẫn rồi.
Đối với tôi, lần này gặp Lâm Nghệ cũng xem như một kết thúc triệt để.
Một người chẳng còn tình cảm với một người khác là chuyện tôi chẳng thể hiểu nỗi. Rõ ràng cắt đứt mọi quan hệ với nhau sẽ khiến bản thân đau khổ nhưng lại vẫn đưa tay gạt bỏ hết hình bóng người đó trong lòng mình, dù cho gốc rễ của hình bóng ấy đã phủ khắp con tim.
Chuyện tôi không hiểu nỗi nhiều quá, vì vậy mà những nghi hoặc hay phẫn nộ xuất hiện như thể rêu xanh mọc khắp cơ thể khi tôi vẫn còn lòng hiếu kỳ với thế giới này vậy. Những áp lực mà vận mệnh tạo ra cho tôi chính là không có lựa chọn nào khác, ngã rẽ cuộc đời đã đặt sẵn cột mốc chỉ đường, rẽ bên này thì sẽ phải từ bỏ bên kia.
Mà đa phần nhiệt huyết và mong ước của con người đều nằm ở ngã rẽ còn lại đó.
Khi Lâm Nghệ là người yêu của tôi, cô ấy từng từ bỏ tôi. Tôi lặng lẽ chấp nhận nhưng lại chẳng thể ngờ được cô ấy sẽ quay lại. Cô ấy không giải thích bởi tôi chưa từng hỏi đến. Có lẽ trong thế giới của cô ấy, ở những giai đoạn khác nhau, khi vận mệnh tiếp tục mở ra con đường mới thì cô ấy cũng chỉ có thể bước về phía lựa chọn mà cô ấy có thể chịu được thôi.
Khi Lâm Nghệ là vợ tôi, cô ấy lại rời xa tôi lần nữa.
Cô ấy đột nhiên đến rồi lại đột nhiên biến mất. Cô ấy đề nghị kết hôn rồi lại đề nghị ly hôn. Cô ấy đều chỉ bước về phía lựa chọn mà cô ấy có thể chịu được.
Vậy, còn tôi thì sao?
Lâm Nghệ đến nơi và đứng trước cửa phòng bệnh.
Cô ấy cắt tóc ngắn, mặc đồ công sở, đi giày cao gót, nơi chân tóc có một khuyên tai nhỏ sáng lấp lánh. Tôi nghĩ mọi cách để được gặp nhau cũng chỉ muốn gặp thêm một lần.
– Tống Nhất Lý, anh buông tha cho tôi đi.
Tôi chẳng để ý cô ấy nói câu đầu tiên là gì, chỉ ngây ra nhìn. Cô ấy vẫn y như trong ký ức, cao ráo thanh tú, mặt mũi sáng sủa. Cũng như trong ký ức, như thể tấm ảnh chụp ngưng đọng thời gian, chỉ có thể ghi lại chứ chẳng thể lưu giữ.
Cô ấy nói lại lần nữa tôi mới nghe rõ câu nói ấy.
– Tống Nhất Lý, anh buông tha cho tôi đi. Cả cuộc đời anh chẳng làm nên chuyện gì cả, lần này hãy buông tha tôi đi.
Câu nói này của Lâm Nghệ đã xuất hiện không biết bao nhiêu lần trong lịch sử tin nhắn suốt cả năm qua.
Quả thật tôi chẳng làm nên chuyện gì cả, cũng chẳng thử đi tìm đáp án. Cho đến giờ đây tất cả mọi thứ xảy đến với tôi vẫn thường khiến tôi nghĩ đến con dế trũi sắp chết trong ngõ Yến Tử ngày mưa hôm đó, nó bò qua viên gạch đất nung dài dằng dặc rồi rơi xuống góc tường, từ đó chẳng còn liên quan gì đến người qua kẻ lại nữa.
Trong phòng bệnh yên tĩnh, thậm chí tôi còn nghe được cả tiếng mưa tí tách bên ngoài. Tâm trí tôi trôi dạt đến ngõ Yến Tử như thể đang nhìn con dễ trũi ấy nằm sát mặt tường bong tróc, gió thu vừa thổi nó đã chết trong đống lá vữa nát.
Tôi không hề có ý định giữ chân cô ấy, cô ấy cũng không hiểu được, ngã rẽ của cô ấy lại chính là đường cùng của tôi.
Trăm ngàn kiểu khổ đau trên đời này sẽ chẳng rơi xuống đầu một mình ai, cũng sẽ chẳng khoan dung độ lượng với ai cả. Nhưng tôi nghĩ, trước khi ngạt thở ắt hẳn cũng phải có một ngụm không khí thuộc về tôi chứ.
Có lẽ trước khi chết, dễ trũi cũng nghĩ như vậy.
Cơ bắp khắp người tôi căng cứng, tôi thử mỉm cười:
– Đến thăm anh à?
Anh mắt Lâm Nghệ né tránh cái nhìn chăm chú của tôi.
Tôi chỉ vào cái nẹp trên chân mình:
– Gãy xương rồi, bị đâm xe.
Lâm Nghệ lấy một gói giấy trong túi ra, cô ấy cúi đầu bước vài bước rồi đặt trên tủ đầu giường.
– Tìm thấy trong vali, lúc dọn đồ tôi vơ nhầm. Vốn dĩ định trả lại cho anh nhưng chưa có cơ hội. Lần này vừa hay.
Ngón tay đang chỉ nẹp chân của tôi chợt cứng đờ, khắp người run rẩy không tài nào kiềm chế được. Miệng túi giấy hơi mở, bên trong là hộp nhẫn tinh tế màu xanh nhung, không cần mở tiếp cũng biết bên trong là nhẫn kết hôn tôi mua cho cô ấy.
Ánh đèn sáng trắng trong phòng bệnh như đang đâm vào mắt tôi.
Tôi nén nước mắt, nói:
– Em có thể vứt mà.
Lâm Nghệ đứng nghiêng người , tôi chỉ có thể thấy được khuyên tai sáng lấp lánh của cô ấy.
Cô ấy nói:
– Anh bán đi, bán lấy ít tiền cũng tốt, đừng lãng phí, được ít nào hay ít đó.
Cô ấy không ngừng lại mà nói tiếp:
– Tôi đi đây.
Tôi hỏi:
– Em đến chỉ để đưa đồ thôi à?
Cuối cùng Lâm Nghệ cũng quay lại nhìn thẳng vào tôi đang ngồi trên giường bệnh, ánh mắt như muốn nói: "Chứ sao nữa?"
Ừ nhỉ, cô ấy chỉ đến ném rác thôi, chứ sao nữa?
Ánh mắt ấy của Lâm Nghệ cũng không dừng lại lâu, lúc tôi vẫn chưa nghĩ ra nên ứng phó thế nào thì cô ấy đã xoay người định đi thật. Lòng tôi tràn đầy căng thẳng và lo sợ, sợ cô ấy không nghe rõ nên tôi nói to:
– Lâm Nghệ, tốt xấu gì chúng ta cũng ở bên nhau lâu như thế, nếu em có chút lòng thương xót thì chí ít cũng hỏi thăm một câu chứ?
Mấy lời này nghe có vẻ mạnh mẽ hùng hồn lắm, nhưng thật ra lại vô cùng yếu thế.
Lâm Nghệ không hề bị tác động, hỏi bằng giọng điệu bình thản:
– Tống Nhất Lý, anh chẳng thay đổi gì cả. Anh làm mấy trò vớ vẩn này thấy buồn cười lắm hả? Rõ ràng anh là người nhát gan, sao lại cứ phải vờ như không để tâm gì vậy? Như thế khiến anh thấy thoải mái hơn à?
Hít sâu một hơi, tôi đã tập cách khống chế cảm xúc sụp đổ của mình lâu rồi, mọi thứ cứ xem như câu nói đùa là được. Nói hết những suy nghĩ sâu trong lòng mình theo cách đùa vui, nếu nói sai hay không nhận được phản hồi thì ít ra cũng không đớn đau đến thế.
Tôi mỉm cười nói:
– Lâm Nghệ, anh hỏi em câu cuối cùng, nếu sau này em không còn gặp được anh nữa, trên thế gian này không bao giờ xuất hiện Tống Nhất Lý nữa, em có luyến tiếc không?
Lâm Nghệ chẳng thèm quay đầu, cứ thế ra khỏi phòng bệnh, một từ khẽ khàng truyền đến tai tôi.
– Không.
4.
Thời niên thiếu tôi từng nói: Gặp được em như trèo đèo lội suối gặp được vầng trăng sáng tỏ. Sau này tối trời mà lòng chỉ còn những cơn đau thì đành mượn hôm đó chút trăng thanh.
Ánh trăng vẫn mãi còn đó, treo lơ lững giữa dòng chảy thời gian. Tôi bước đến từ ngày hôm trước, người muốn tìm là em. Em bước đến ngày hôm sau, đã chẳng còn là người tôi cần tìm nữa.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip