Chương 13. Ban chữ
Bịn rịn tiễn bạn đi xa, bọn họ mang vẻ mặt buồn rầu trở vào thành. Viên Thủ Trung cưỡi ngựa đi bên cạnh Từ Diễm, khẽ khàng bảo: "Anh ấy đi rồi tôi lại nghĩ thế cũng là phần phước. Với tính cách đó của anh, tôi sợ rằng anh sẽ sớm ngày gặp họa."
"Y đã nói hết những lời cần nói." Từ Diễm thủ thỉ, nghĩ về một thoáng mơ hồ như trút được gánh nặng của Tằng Kính Viêm, hắn tin là y đã tính đến bước đường này khi quyết tâm can gián Thiên tử.
Chút lăn tăn đó tạm nằm xuống khi sang ngày chót của năm. Từ lúc trăng còn treo tót trên đỉnh trời, Từ Diễm đã dậy tắm táp gột rửa để chuẩn bị vào cung cử hành lễ tế ở Thái Miếu. Thường ngày các quan luôn mặc công phục gọn nhẹ lên triều, sau đó có thể thay sang thường phục để đến các bộ, các ban làm việc. Song, vào những dịp lễ lạt và triều hội hằng tháng thì chế định quan viên phải mặc triều bào: áo này được may từ gấm, trên thân thêu hoa văn cầu kỳ sặc sỡ, trước ngực đính bổ tử*; mão đi với áo được đính trang sức vàng hoặc bạc, tùy vào phẩm hàm của quan viên.
* Miếng vải hình vuông thể hiện cấp hiệu, phẩm hàm đính trên trang phục quan lại.
Từ Diễm giương đèn lồng soi trước đầu ngựa khi xuống phố, càng đến gần Đông Hoa Môn, lửa đèn càng đông đúc rạng rỡ, xếp từ trên xuống dưới theo thứ bậc quan lại, từ xa nhìn vào chỉ thấy một dải lung linh vắt ngang thành đêm như ngân hà.
Các quan đợi gọi tên để qua cổng, gửi ngựa rồi đi đến điện Kim Loan. Quanh sân cờ xí rợp trời, đèn đuốc vây trăng. Quan viên xếp hàng dựa theo bục đá phân cấp thứ bậc trên sân. Lễ quan phát lệnh, nhã nhạc nổi lên, bá quan triều bái nghênh đón Thiên tử bận áo Cổn đen, đội mũ Bình Thiên mười hai xâu, long trọng ngồi kiệu rồng tiến vào đại điện.
Tiếp theo, Thái tử bận áo Đại triều đỏ thẫm, đội mũ chín xâu, dẫn đầu các hoàng thân và công khanh hầu tướng vào điện hành lễ với Thiên tử. Bá quan ở ngoài sân nghe hiệu lệnh của chủ tế mà hành lễ ba quỳ chín lạy. Sau đó, Thiên tử được quần thần theo hầu di giá đến Thái Miếu cúng tế thần linh và các vị Tiên đế. Lễ nghi xong phải quá trưa trật, Thiên tử ban rượu ngự và mâm cỗ cho bá quan rồi về cung Càn Thành nghỉ ngơi, đến chiều ngài sẽ dùng tiệc với Thái hậu và các tần ngự, tối muộn tiếp tục thết yến với con cháu. Sau đó, ngài và các hoàng thân sẽ cùng đón đêm giao thừa.
Còn các quan sẽ luân phiên túc trực ở công thự* đến rạng sáng mồng Một.
* Các bộ, các ban mà quan làm việc.
Trừ tịch thuận lợi trôi qua là điềm lành, khắp kinh vui mừng đón Tết. Sang mồng Một, trên mão của quan viên thường sẽ cài thêm một đóa hoa xuân. Tuy đây không phải phong tục chính thức nhưng bổn triều thịnh hành lệ này, phát xuất từ đời Thái Tổ, truyền rằng: sau khi bình định thiên hạ, Thái Tổ và hoàng hậu chủ trương tiết kiệm vàng bạc để phục hưng đất nước nên đức bà thường lấy hoa tươi để trang trí búi tóc thay vì châu ngọc. Ban đầu chỉ có nữ quyến học theo hoàng hậu hái hoa làm đẹp. Sau đó trong một dịp Tết, Thái Tổ thấy vui mắt nên bảo hoàng hậu cài hoa cho ngài. Hoàng hậu bèn lấy luôn đóa hoa trên tóc cài cho Thái Tổ. Chuyện này nhanh chóng lan truyền khắp kinh, các phu nhân quyền quý bắt chước theo cài hoa cho chồng để biểu lộ ân ái. Từ đó, nam giới vào dịp năm mới cũng sẽ cài hoa lên búi tóc và mão, vợ chồng thường cài cùng một loại hoa.
Từ Diễm vừa không có người để thể hiện tình cảm vừa không muốn gây sự chú ý nên chỉ ngắt một nhánh liễu tuyết gài lên mão. Nghe Từ Quán nói cậu chuẩn bị vào cung, hắn quay lại thấy trên đầu thằng bé không có hoa thì bảo thị nữ hái một chùm hoa xoan cài lên búi tóc của cậu. Từ Quán đương độ nhiệt huyết, được con gái người ta nhón chân cài hoa cho thì không khỏi đỏ mặt, nhỏ giọng nói cảm ơn rồi chạy mất.
Vào mồng Một, trước tiên Thiên tử và hoàng thân sẽ đi chúc thọ Thái hậu, sau đó di giá đến điện Kim Loan làm lễ thượng triều và nhận lời chúc Tết của bá quan. Đầu năm Thiên tử bận áo bào vàng, cờ lọng giương trước trán, quạt thêu chắp sau lưng, hai bên có nội thần* vắt phất trần quỳ chầu. Sau lễ ba quỳ chín lạy, một vị đại thần đại diện bá quan tâu vài lời tốt đẹp làm hình thức. Nghe bẩm xong, Thiên tử công bố chỉ dụ năm mới, bao gồm các lệnh ân xá, giảm thuế, phục chức, ban thưởng... Cuối cùng, bá quan lần nữa triều bái chúc thọ Thiên tử là xong lễ.
* Nội thần là cách gọi tôn trọng các hoạn quan cấp cao hầu hạ hoàng tộc.
Thiên tử và các hoàng thân vòng về cung thay xiêm y rồi sang điện Thiệu Phương thết yến với triều thần. Điện Thiệu Phương rộng lớn, vườn ngự trong điện được ví với chốn bồng lai của cung thành nên các đời Thiên tử Đại Tấn có thói quen tổ chức lễ tiệc trọng thể tại đây. Nhìn quanh điện chỉ thấy tùng trúc xanh rì, mai đào thắm sắc, sương khói là là trên hồ nước, Thánh giá vừa tiến vào là nét mặt đã hân hoan, ban tiền mừng cho bá quan rồi tuyên bố khai tiệc. Nhạc công tấu khúc, ca vũ rộn ràng.
Dụ Đế ở trên ngự tọa gọi từng vị hoàng thân và con cháu tiến lên để phát lì xì. Văn Tuyên vương Lưu Anh nhận ra trên mão của Thái tử chỉ có một nhánh liễu tuyết đơn điệu thì hỏi: "Hằng năm thần đều thấy điện hạ gài hoa mai, sao năm nay lại đổi qua liễu tuyết?"
Dụ Đế cũng hỏi sao vậy. Lưu Dung nhìn về hướng bình phong ngăn cách với bên tần ngự và nữ quyến, hòa nhã đáp: "Ban đầu nhi thần đúng là gài hoa mai, trên đường đến đây thì gặp Thất hoàng đệ, đệ ấy thấy thích nên ngỏ lời xin hoa của nhi thần, nhi thần liền cho, sau đó ngắt tạm nhánh liễu tuyết cài lên."
Thiên tử cho gọi Đông Sung nghi dắt Hoàng tử Hân lại ngự tọa. Lưu Hân là hoàng tử nhỏ nhất, năm nay mới lên bốn, cầm một đóa hoa mai vàng tươi hành lễ rồi tò mò nhìn phụ hoàng. Dụ Đế cười nói: "Con xin hoa của Thái tử làm Thái tử không có hoa để cài kìa!"
Lưu Hân ngạc nhiên nhìn sang Lưu Dung, đáp lại: "Nhưng Thái tử ca ca đang cài hoa rồi mà?"
Dụ Đế muốn trêu cậu bé, cứ nói là hoa gì mà bé tí thế, bé thế thì sao gọi là hoa; đoạn chỉ vào các hoàng thân và Sung nghi, bảo hoa to thế kia mới là hoa chứ. Hoàng tử Hân cau mày bối rối, song dường như không hề muốn trả lại bông hoa xin được của Thái tử nên quay đầu nhìn dáo dác tìm kiếm sự giúp đỡ, bỗng chỉ tay reo lên lanh lảnh: "Phụ hoàng, có người cài hoa giống Thái tử ca ca kìa!"
Cậu bé nói rồi giãy khỏi tay Đông Sung nghi, chạy xuống tận bàn của Từ Diễm để hỏi cho ra nhẽ: "Hoa trên mão của ngươi có phải là hoa không?"
Nội thị nhanh chóng dẫn hoàng tử lùi lại. Vì cỗ bàn của quan tam phẩm không quá xa nên cậu bé mới chạy tới được. Từ Diễm thấy cậu nhóc nghiêm túc nhìn mình, bèn mỉm cười đứng dậy đáp: "Thưa điện hạ, hoa này tên là liễu tuyết. Sở dĩ có tên như thế là vì hoa nở chỉ bé bằng cái móng tay, đơm chi chít thành chùm, nhìn giống sợi liễu màu trắng. Vì thế, bệ hạ mới nói hoa này không giống hoa."
Nói đoạn hắn chỉ về phía một nhánh liễu tuyết cắm trong bình: "Đó là liễu tuyết đấy điện hạ."
Bấy giờ Hoàng tử Hân kêu lên: "Ra là vậy!" Rồi dắt tay nội thị quay lại ngự tọa, trịnh trọng nói với Thiên tử, "Phụ hoàng có nhiều hoa to lắm, hay là người tặng cho Thái tử ca ca bông khác đi."
Vòng vèo một hồi, cậu bé vẫn nhất định không buông bỏ đóa hoa trên tay.
Dụ Đế rộ cười, không trêu nữa mà bảo cậu bé nói vài câu chúc Tết rồi phát lì xì cho. Đông Sung nghi dịu dàng nhún gối cảm tạ, sau đó bồng hoàng tử về bên kia bình phong.
Các hoàng thân đang cười nói vui vẻ, bất chợt bên dưới dội lên một tiếng 'choang' chói tai. Mọi người đổ dồn ánh mắt về hướng ấy. Đó là khu vực bày cỗ của quan võ, Trương Trọng Ý mặt mày đỏ gay chợt run bật lên như bị giáng cho một chưởng, vội vàng quỳ gối thỉnh tội. Dụ Đế phai nhạt nụ cười nhưng không trách phạt. Lưu Dung nhíu mày, thoáng nhìn về phía cỗ bàn của Trường Bình hầu.
Thết yến xong, buổi chiều các quan theo Thiên tử di giá đến điện Cần Chính làm nghi thức khai bút. Lúc này, Thiên tử và các hoàng thân sẽ ban chữ cho đại thần và người có công. Lệ này cũng bắt nguồn từ Thái Tổ, truyền rằng: vì Thái Tổ xuất thân hàn vi nên nét chữ không đẹp, rất nhiều quan viên đọc không được bút tích của ngài mà chẳng dám nói, bèn nhắm mắt khen lấy khen để. Thái Tổ tưởng thật nên khoái chí, thường xuyên ban chữ cho các quan đem về nhà treo. Sau này chuyện khen hùa vỡ lở ra, Thái Tổ cũng không giận, hằng năm đều đặn ban chữ, chữ năm mới ngày càng đẹp hơn năm cũ, từ đó khiến tất thảy quan dân phải kính phục. Con cháu đời sau noi theo, duy trì lệ ban chữ đầu năm.
Trước tiên Thiên tử ban chữ cho con cháu, Thái tử được chữ 'Nhân', Yên vương chữ 'Hiền', Văn Tuyên vương chữ 'Nhã' rồi cùng với các hoàng thân đề bút ban xuống những chữ thường thấy như: 'Trung, Cần, Liêm, Chính, Phúc, Thọ...'.
Độ ba năm gần đây Từ Diễm mới bắt đầu được nhận chữ, và cũng chỉ lĩnh mấy chữ hình thức đó, nhưng năm nay xảy ra một điều đặc biệt: Thái tử Dung ban cho hắn một chữ 'Hòa'.
Dụ Đế hỏi vì sao ban chữ đó? Lưu Dung mỉm cười đáp: "'Hòa' tức là thuận hợp: hợp ý bề trên, thuận lòng người dưới. Nhi thần nghe tiếng lành của Thái bộc thì thấy Thái bộc ôn lương cung kiệm, trung thành tận tụy đều toại một chữ này. Nhân hôm nay nhi thần và Thái bộc có duyên cài hoa liễu tuyết nên ban vậy."
"Thần xin bái lĩnh." Từ Diễm chắp tay nhận chữ, trong lòng không khỏi suy tư.
Nhưng dù hắn có trăm tính ngàn liệu cũng chẳng thể ngờ được câu nói hôm nay của y sẽ trở thành lời sấm.
.
Xẩm tối Từ Diễm về nhà tắm rửa thay xiêm y thì nằm luôn trên kháng không muốn dậy, thấy hai đứa con trai đi chợ xuân mới về thì hỏi: "Có gì ăn ngon không?"
Từ Lương bảo: "Ơ kìa, cha vào cung dùng sơn hào hải vị bọn con còn chưa hỏi có gì hay không thì cha đã vòi đồ ăn của bọn con rồi."
Từ Diễm ngoắc nó tới, đưa cho nó một cái túi lụa đỏ. Lương ngờ vực hỏi: "Gì vậy ạ?"
"Tiền bệ hạ lì xì."
Từ Lương liền thả tay, lùi lại ba bước: "Lì xì của bệ hạ mà cha đưa cho con!"
"Thì con vừa hỏi có gì hay không thây? Chẳng phải đây là cái hay nhất ta có thể đưa cho con sao?" Từ Diễm vẫy nó lại: "Cầm đi, tiền thôi mà, ai đưa mà chả giống. Đừng có rêu rao cho người ta biết là được."
Từ Lương có hơi ngần ngừ nhưng rốt cuộc cũng cầm, sờ sờ vuốt vuốt túi lụa một hồi, chưa cần biết có bao nhiêu ở trong mà cặp mắt cậu đã rực lên vẻ sung sướng. Lộc vua ban, ai cũng thích cả.
Từ Diễm gọi út nam lại, đưa cho nó thiếp chữ 'Hòa'. Tuyển nghe nói đây là thiếp do Thái tử viết thì vội đặt xuống đi rửa sạch tay, lau khô rồi mới lại cẩn thận từng li từng tí, nghiêm túc giơ lên thưởng lãm. Một lát sau Từ Quán cũng về tới, trong tay cầm một cái túi vải, sắc diện sáng láng sải bước vào sảnh hành lễ với cha, hoa xoan trên búi tóc sáng nay đã biến thành một đóa đào hồng.
Từ Diễm ngắm nghía cậu một hồi, cười bảo: "Xem chừng Công tử Quán nhà chúng ta hợp với hoa đào lắm."
Cậu nghe hiểu, đỏ mặt ấp úng nói 'không phải đâu' nhưng lại không giải thích rõ ràng. Từ Diễm cũng không gặng hỏi, đến lúc bằng lòng thì cậu khắc sẽ bày tỏ.
Tết nhất nên đám đầy tớ cũng thay phiên nhau về thăm gia đình, nhà cửa vắng vẻ hẳn. Từ Diễm thưởng rượu thịt cho hai thằng gác cổng rồi dọn một mâm cỗ nhỏ cho gia nhân. Đãi tiệc tân niên xong, chủ nhà tiếp tục phát lì xì cho kẻ dưới và con cái của chúng, nếu có. Đám tôi nam tớ nữ rối rít cảm tạ. Trong bầu không khí hòa thuận vui tươi, Từ Lương trịnh trọng rút hai đồng bạc từ trong túi lụa đỏ, đưa cho Đại ca một đồng, em út một đồng: "Lộc của Thiên tử."
Từ Diễm bảo: "Thiên tử có keo thế đâu, con lại chỉ cho người nhà mỗi một đồng."
Hắn chỉ đùa thôi, vậy mà nó nghiêm túc đáp: "Thiên ân quá lớn, cầm nhiều sẽ dễ mất phước. Một đồng là đủ rồi. Năm sau cha cũng đừng đưa cho con nữa."
Từ Diễm không khỏi nhìn nó đăm đăm, sau đó vươn tay búng một cái 'tách' vào giữa trán nó, làm Từ Lương nhảy dựng lên, "Con nói phải, ân vua to lớn thì nên được chia đều."
Rồi hắn nhìn hai người còn lại: "Nhớ kỹ lấy."
Từ Quán và Từ Tuyển vội đứng lên đáp 'dạ'. Từ Diễm lại nói ba đứa ngồi xuống, đưa xâu tiền mừng tuổi cho chúng. Lúc này, Từ Quán mới cầm túi vải mình đem về đưa cho em út. Tuyển tò mò mở ra, bên trong là một bộ bút nghiên làm bằng đá đen chạm khắc hoa mai, trên cánh hoa và dọc thân bút được khảm xà cừ. Cậu cầm hai món ấy, giương mắt nhìn cha anh, môi run run, chưa nói được tiếng nào thì đã khóc.
"Rồi, rồi, đệ không cần xúc động đến thế đâu." Từ Lương khoác vai em lắc lắc, tươi cười khoái chí. Tuyển đẩy anh ra, sụt sịt nói: "Đệ tặng lại huynh bút nghiên cũ của mình rồi sẽ dạy huynh luyện chữ nhé?"
Lương sững sờ trố mắt, chưa kịp đáp lại thì cha và anh Cả đã đồng thời tán thành: "Nghe được đấy, nhờ hết vào Tuyển Nhi vậy."
Thấy Nhị ca lóng ngóng, Từ Tuyển cười rộ lên, vòng tay ôm bộ bút nghiên mới như của báu. Từ Quán cũng hơi xúc động, nhớ hồi còn khốn đốn, để tiết kiệm giấy và dầu đèn thì Tuyển thường khắc bài lên ván giường rồi đêm đêm mượn ánh trăng để lẩm nhẩm học thuộc; lúc hết mực thì em còn nghĩ ra cách bôi ngón tay vào nhọ nồi để luyện viết. Cậu nghĩ, càng thêm quyết tâm ra đi để kiến công lập nghiệp.
Quà cáp tiền mừng xong thì cả bọn từ công tử đến đầy tớ bắt đầu sôi nổi chia tụ đánh bài. Từ Diễm không chơi, ngồi xem chốc lát thì về phòng nghỉ. Mồng Một nhiều lễ lạt, hắn cũng mệt lắm rồi. A Nô nhắc hắn nhớ: "Lão gia, thiếp chữ của Thái tử cất thế nào ạ?"
Hắn nghĩ ngợi đáp: "Treo lên chính sảnh, chữ quý như vậy không cất đi được."
.
Thiên gia chơi Tết cũng giống như dân gian. Sau khi ban cỗ và rượu ngự, phát lì xì cho kẻ dưới thì Thiên tử cùng tần ngự chia tụ đánh bài, cười nói rôm rả. Trương Quý phi chơi rất giỏi, thắng liên tiếp không nể mặt rồng. Dụ Đế chỉ cười nụ, nửa bất lực nửa nuông chiều.
Tuyên phi còn dạn hơn, nghiêng mình nghía tụ của Dụ Đế rồi cười duyên xin luôn con bài của ngài. Các tần ngự khác thấy thế cũng nhao nhao bắt chước, nhờ ngài bốc bài giùm. Bệ hạ chiều luôn. Đổng Thái hậu thấy vậy thì mắng yêu: "Mấy đứa đánh bài mà cứ xin tụ của bệ hạ thì bệ hạ thắng thế nào được hử?"
Đông Sung nghi ôm Hoàng tử Hân ngồi cạnh Thái hậu che miệng cười. Lưu Hân nhìn ngang ngó dọc một hồi thì duỗi người trượt xuống khỏi đùi mẹ. Cậu bé chạy sang chỗ Thái tử và hoàng thân đang chơi ném hũ đòi tham gia. Lưu Cơ chỉ chú nhỏ cách chơi. Lưu Hân cầm thẻ nhìn nhìn áng chừng ba cái vò đặt ở khoảng cách khác nhau, sau đó dồn hết sức lực quăng thẻ nhưng đều trật lất cả.
Các hoàng thân nhìn tướng ném ngộ nghĩnh của nhóc thì đều bật cười vang. Lưu Hân mắc cỡ chạy sang sân chơi đánh quay. Thấy trò này có vẻ dễ hơn nên nhóc cũng hừng hực khí thế thử sức nhưng do tay nhóc bé, quấn con cù không đủ chặt nên nó chỉ xoay được vài vòng là đổ. Vì vậy, nhóc cũng thua tan tác. Chưa cam tâm, Lưu Hân nảy ra một ý tưởng, nói bây giờ họ chơi bắt cặp, mỗi cặp đánh hai con cù, cặp nào đổ hết trước là thua. Nhóc tiên phong đi bắt cặp với Lưu Lăng – là người chơi hay nhất.
Nghe vậy, người trên kẻ dưới đều cười giòn giã. Đông Sung nghi ngượng đỏ mặt: "Bé tí mà tài lanh thế không biết!"
Bọn họ chia cặp bị lẻ, một người định xin lui nhưng Hoàng tử Hân khoát tay nói 'để ta giải quyết'. Đoạn nhóc chạy lại sân bên kia, không rủ Lưu Cơ hay Lưu Minh mà kéo tay Thái tử Dung: "Ca ca, sang đây chơi đi!"
Dụ Đế bật cười nói: "Thái tử lớn rồi, không chơi trò đó được đâu, con rủ hai cháu đi."
Lưu Hân hỏi: "Tại sao ông công công chơi được mà Thái tử ca ca không chơi được?" 'Ông công công' là cách cậu bé gọi Chung Thế Toàn và các hoạn quan ngự tiền khác.
Nghe câu hỏi ngây thơ đó, Thiên tử nhất thời chưa đáp lại. Trương Quý phi cười bảo: "Con nhìn Thái tử bận áo đẹp thế kia thì làm sao chơi trò đánh bặm đánh bụi đó được. Con rủ người khác thì hơn!"
Lưu Hân bèn rủ Cơ và Minh, với thêm một người nữa cho đủ cặp chơi.
Các hoàng thân về bàn ngồi đối ẩm hàn huyên. Thiên tử nổi hứng ra câu đề, nói các vị nối các câu sau thành một bài hoàn chỉnh. Câu của ngài là: "Ngày qua ngày tóc càng bạc thêm."
Văn Tuyên vương cười tiếp: "Năm tiếp năm xuân xanh lại về."
"Rượu nồng đây ta cùng vui thú." Yên vương nâng cao chén.
Mọi người đổ dồn ánh mắt vào Thái tử, ngóng chờ câu cuối cùng. Lưu Dung mỉm cười lệnh người hầu trải giấy mài mực, điềm nhiên nâng tay áo đề ba câu trên rồi viết tiếp: "Cần chi phải tiếc cánh hoa rơi*?"
* Đây là bài thơ "Tống xuân từ" của tác giả Vương Nhai.
Nét chữ của y rắn rỏi có hồn, nét cong thì như trăng khuyết, nét thẳng lại như thân tùng. Thiên tử không khỏi khen ngợi, sau đó ngâm lên cả bài. Ai cũng lấy làm tấm tắc. Dụ Đế ngâm đi ngâm lại, bỗng lộ ra nét mặt buồn rầu: "Ta nghĩ đến Thượng hoàng ở hành cung không có con cháu quây quần xung quanh mà lòng dạ đau xót."
Thái hậu nghe vậy, không khỏi thổn thức ứa lệ: "Năm nay đức ông ốm đau triền miên, ngày mai các con đến thăm viếng thì phải thay phiên nhau túc trực bên ngài."
Dụ Đế ứng lời, rồi như sợ đức bà thương tâm nên lệnh cho người hầu đưa đức bà về cung Ninh Thọ nghỉ ngơi. Sau khi dặn dò con cháu vài điều, ngài giải tán mọi người.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip