Hồi 01: Gặp gỡ nhưng chẳng đành trông theo - Chương 01. Ngõ Thạch Khê

Từ cửa Thượng Tứ đánh xe vào kinh, hướng về bên trái đi thẳng là đến đường Thạch Khê. Con đường này là tụ điểm của nhiều hàng mã có tiếng, hai bên phố mở sạp san sát nào là mặt nạ giấy bồi, đầu lân, đèn lồng... kiểu dáng đa dạng, màu sắc sặc sỡ. Cạnh đường lộ có một con kênh, nước trong vắt chảy trôi thanh bình, trên bãi cỏ ven bờ cột ngựa lừa đủng đỉnh hất đuôi uống nước.

Rẽ vào con ngõ sâu bên đường, chiếc xe ngựa treo mành xanh dừng lại trước một ngôi viện khiêm tốn. Lão đánh xe quay đầu báo một tiếng qua ô cửa sập, người bên trong truyền lời, lão ứng khẩu, bỏ xe lại mà đi đâu mất.

Sau đó, người chủ mới bước ra ngoài, trên thân khoác một tấm áo choàng nhung đen tuyền, tóc vấn đại để bằng một chiếc trâm ngà voi, nửa còn lại xõa dài đến tận thắt lưng. Hắn ho khù khụ mấy tiếng, hất mũ trùm xuống, lộ ra một khuôn mặt dãi dầu sương gió, khảm trên đó một cặp mắt đăm chiêu.

Cửa lớn kẽo kẹt mở ra, một chàng thanh niên mặc khôi giáp, giắt kiếm bạc chạy xuống bậc tam cấp, đưa cánh tay cho người nam ấy vịn vào, lo lắng nói: "Cha, sao người lại về sớm như vậy? Chí ít người cũng phải nán lại nghỉ ngơi cho đến khi khỏi bệnh chứ!"

Từ Diễm lắc đầu, một tay nhấc vạt áo bước qua cửa lớn, hỏi: "Sao giờ này con lại ở nhà? Hôm nay không có ca trực sao?"

"Vâng, buổi sáng con chỉ đi thao luyện hai canh giờ, chiều đến mới lại vào cung duyệt binh. Năm ngày nữa là sinh thần Đông cung, Cấm quân tăng cường canh gác tuần tra, từ tối nay cho tới lúc đó con sẽ không về nhà được." Vào sảnh, Từ Quán đỡ cha nuôi an tọa trên ghế rồi châm hương an thần.

Từ Diễm 'ừ' một tiếng, vươn tay rót chén trà lạnh trên bàn. Từ Quán toan cản, nhưng hắn đã ngửa cổ uống cạn, hai mắt lim dim như lâm vào trầm ngâm, đoạn hỏi: "A Lương đang ở đâu?"

Từ Diễm vừa dứt lời thì ngoài sân liền vang lên tiếng chân chạy huỳnh huỵch, người con thứ hai của hắn ùa vào sảnh như một cơn gió, reo lên: "Chào mừng cha về nhà!"

Theo sau đó là một tiếng pháo nổ, loáng một cái trên người Từ Diễm và Từ Quán liền dính đầy giấy màu và xác hoa. Từ Lương nhìn hai khuôn mặt sững ra của họ, cười ồ khua tay múa chân: "Hai người thấy sao? Đây là sáng chế mới nhất của ta đó! Có bất ngờ không? Á!"

Từ Quán cốc đầu Nhị đệ một cái, phủi áo giáp trách cứ: "Đệ đó, cả ngày cứ chạy lăng xăng chẳng biết là làm gì! Nếu có thời gian rảnh để chế tạo mấy thứ vớ vẩn này thì sao không đi đọc thêm ít sách vở cho hay! Ta cá bây giờ trong đầu Tuyển Nhi còn có nhiều chữ hơn đệ!"

Từ Lương nhảy ra phía sau ghế ôm vai Từ Diễm mà mách: "Cha xem! Cha đã nói là huynh đệ trong nhà không được đánh nhau nhưng mà Đại ca cứ gõ đầu con suốt thôi! Lỡ sau này con không cao lên được nữa thì sao?"

"Nếu đệ không cao lên được thì sau này ta mua lừa cho đệ cưỡi!" Từ Quán bật cười lớn.

"Không được! Nam nhi đội trời đạp đất sao có thể cưỡi lừa!" Từ Lương la lên, càng riết lấy cha nuôi mà nằn nì: "Người xem, Đại ca cứ bắt nạt bọn con thôi. Cha mắng đại ca đi, mắng đại ca đi."

Bổn cũ soạn lại, Từ Diễm liền đỡ trán than: "Ta đau đầu quá..."

Từ Lương buông hắn ra, đường hoàng lùi lại lấy từ trong tay áo ra một bọc giấy dầu: "Nghe nói bệnh đau đầu của cha lại tái phát nên con đã đi bốc một phương thuốc mới. Người dùng thử xem có thuyên giảm không. Nếu có thì tốt, không thì mai mốt con sẽ nhờ Lưu Minh hỏi thăm phương thuốc khác."

Tức thì Từ Diễm đánh vào mu bàn tay nó, vẻ suy nhược được thay thế bằng sự nghiêm khắc: "Con vẫn còn qua lại với Yên vương Thế tử sao? Ta đã nói với con thế nào?"

Từ Quán cũng cau mày không bằng lòng.

Từ Lương liền chỉ trời vạch đất thanh minh: "Con với Lưu Minh chỉ là có chút giao tình, hắn thích rong chơi ở mấy chỗ hàng điếu, tình cờ các hàng quán con hay lui đến ở gần chỗ hắn nên bọn con mới quen biết nhau. Thế tử Minh cũng là người rộng rãi, năm ngoái con kể với hắn là cha thường xuyên đau nhức chân khi trời lạnh, hắn liền cho người về phủ tìm thầy bốc thuốc đem đến cho con. Phương thuốc đó đúng là có tác dụng, đây là điều duy nhất con quan tâm. Cha phải tin con. Con nào dám trèo cao gì, bất quá chỉ là dùng chút tài lẻ mua vui cho hắn."

Nghe vậy, Từ Diễm thoáng chút phiền muộn rồi phẩy tay: "Thôi, ta đi nghỉ ngơi. Các con lui đi."

Hai huynh đệ liền hành lễ lui xuống. Từ Lương không quên nhắc hắn uống thuốc rồi hẵng đi ngủ.

Từ Diễm sống tiết kiệm, trong ngôi viện khiêm tốn này chỉ có bốn cha con cùng với chưa đến hai chục gia nhân: mỗi người có hai gia bộc chạy việc riêng, cộng với ba kẻ quét tước luân phiên gác cổng và một đầu bếp chăm lo cơm nước. Lão bộc hầu cận của Từ Diễm đi theo hắn từ lúc còn trẻ, nay đã ngoài sáu mươi, lưng đã còng nhưng hãy còn nhanh nhẹn, vâm váp lắm. Việc chủ giao cho lão lúc vừa về đến thì lão chạy nhoáng cái đã làm xong, đang chờ ở trong An Nhàn cư của Từ Diễm.

"Lão gia." Lão bộc A Nô quỳ xuống đấm chân cho hắn: "Quả thực hôm nay Công tử Lương không hề lui đến mấy chỗ của Yên vương Thế tử. Thời gian này người ta chỉ nhìn thấy ngài ấy rong chơi ở các hàng mã, hàng the."

Từ Diễm ngồi trên giường cầm lược ngà chải tóc, nói: "Lão đi dặn Đinh Mậu là mấy ngày nay phải chú ý đến A Lương một chút, đừng để nó đi đâu với Lưu Minh. Năm ngày nữa là sinh thần Thái tử, Yên vương sắp về đến kinh thành, tất cả mọi người đều đang nhìn chằm chằm vào hai vị này."

Lão bộc gật đầu tuân mệnh, liền đi tìm gia bộc Đinh Mậu của Từ Lương. Thị nữ đứng tuổi của An Nhàn cư nhẹ nhàng kéo bình phong ra rồi bưng thuốc mới sắc vào.

Từ Diễm uống thuốc rồi ngả lưng xuống giường, gọi thị nữ đến xoa bóp chân tay. Hai tháng qua hắn đi thị sát công tác chăn nuôi ở các trại, cả ngày đều đội nắng hứng mưa cưỡi ngựa rảo khắp từ bình nguyên này đến đồi núi nọ nhìn bò ngựa la lừa gặm cỏ; người ngợm thường xuyên ê ẩm đau nhức, đâm ra bị khó ngủ, mệt mỏi hết sức. Có lẽ là nhờ tác dụng của thuốc, Từ Diễm chỉ mới nằm chốc lát liền ngủ say.

Lúc choàng tỉnh dậy, sắc trời loang ngoài khung cửa giấy dầu đã nhập nhoạng, âm thanh đánh thức Từ Diễm lại nhẹ nhàng vang lên, "Phụ thân." Từ Tuyển, người con trai út của hắn đang gõ ngón tay lên khung cửa: "Đến giờ dùng bữa tối rồi. Phụ thân đã tỉnh chưa? Tuyển Nhi vào trong được không?"

"Đợi một chút." Từ Diễm đáp, ngồi dậy buộc tóc xỏ giày cho đàng hoàng rồi bảo: "Con vào đi."

Một bóng dáng mảnh khảnh bước vào phòng. Từ Diễm châm đèn. Từ Tuyển mất giây lát để nhìn rõ hắn, sau đó lập tức quỳ xuống dưới giường cầm tay Từ Diễm, nức nở mấy tiếng: "Phụ thân mới chỉ vắng nhà có hai tháng mà sao lại gầy đi rồi?"

"Ta bệnh vặt đâu chỉ ngày một ngày hai, không cần lo lắng." Từ Diễm nâng Từ Tuyển lên, dùng tay áo chấm nước mắt cho nó. Đứa con út của hắn năm nay đã mười bốn tuổi nhưng tính tình nhạy cảm khép kín, bình thường ngoài giờ lên lớp thì chỉ thích quanh quẩn với nghề đẽo gỗ, tạc tượng, đúc đồ đồng, làm ra mấy món trang trí nhỏ tinh xảo. Hắn nhìn vào cũng rất thích.

Từ Tuyển úp mặt vào vai hắn một lúc rồi nói: "Huynh trưởng vào cung từ đầu chiều, Nhị ca thì vừa bị bạn bè gọi đi xem một mẻ hàng giấy gì đó. Ở nhà chỉ còn có con với phụ thân ăn tối với nhau thôi."

Từ Diễm gật đầu sửa sang lại phần tóc rối trước trán của nó, thổi tắt nến rồi đứng dậy cùng con đi ra sảnh dùng cơm. Dùng bữa xong, Từ Tuyển lấy một chiếc đệm cói đặt lên kháng, quỳ ngồi nhổ tóc bạc cho Từ Diễm, vừa nhổ vừa rù rì kể những chuyện xảy ra tại kinh thành trong hai tháng hắn đi công tác.

Mùi hương của chồi đinh hương thoảng vào sảnh, hòa cùng tiếng côn trùng ca hát xoa dịu màn đêm đang dần lạnh lẽo. Từ Diễm dựa trên kháng lim dim mắt, đang lúc suýt ngủ mất thì thình lình có tiếng bước chân lao vào nhà. Triệu Cát – gia bộc của Từ Quán – mặt cắt không còn giọt máu quỳ mọp xuống mà báo rằng: "Nguy rồi! Nguy rồi! Công tử Quán có chuyện rồi! Lão gia, Công tử Quán có chuyện rồi!"

Tức khắc cơn buồn ngủ của Từ Diễm bay biến. Hắn ngồi phắt dậy đập xuống tay vịn, ánh mắt quắc lên như trăng câu: "Có chuyện thì nói cho rõ ràng!"

Từ Tuyển bị giọng điệu nâng cao bất thình lình của hắn làm giật thót mình. Từ Diễm không đợi ai hoàn hồn liền quay vào sau bình phong gọi thị nữ mang quan phục đến sửa soạn cho hắn.

Triệu Cát càng bị dọa đến hoảng thần, trong giây lát chỉ biết ngước nhìn bóng dáng gia chủ hắt lên bình phong, sau đó mới rùng mình cúi gằm đầu mà thưa cho rõ ràng: "Bẩm, bẩm lão gia... từ chiều sau khi duyệt binh xong thì Công tử Quán đi tuần tra giám sát nội nhân sơn quét tường cung để chuẩn bị cho sinh thần của Thái tử. Bỗng nhiên có hoạn quan bê một chân đèn đến nhờ Công tử Quán mang đến Đông cung, Công tử Quán liền nhận lời, ai ngờ... ai ngờ đèn vừa đặt xuống thì đột ngột vỡ tan!"

Gã dứt lời, Từ Diễm cũng đã sửa soạn tươm tất. Hắn nói Từ Tuyển trông nhà rồi hỏi ngựa ở đâu, Triệu Cát đáp ngựa của gã ở ngoài. Từ Diễm liền sải bước ra nắm lấy cương, leo phắt lên lưng ngựa, đoạn phi nước đại tiến vào Hoàng thành.

Từ Diễm đến vừa kịp lúc cổng cung sắp đóng, giơ lệnh bài chứng minh thân phận rồi sải bước vội vã vào nội địa. Một hoạn quan mặt tròn đứng ở khúc quành nhìn thấy Thái bộc, hết sức tự nhiên đi theo hắn, vừa đi vừa nhỏ giọng nói: "Công tử Quán đang ở Đông cung. Từ chiều đến giờ Thái tử Dung vẫn ở Ngự Thư phòng chưa về."

"Đa tạ công công nhắc nhở." Từ Diễm đưa ra một thỏi bạc dưới tay áo: "Phiền Lương công công thay ta đi một chuyến đến Lễ bộ."

Lương Tiễn nhận bạc, cũng rất tự nhiên tách ra lối khác.

Từ Diễm bước đi thoăn thoắt, nhác thấy bức tường đang sơn sửa mặt ngoài của Đông cung thì cũng nhận ra nghi trượng của Thái tử đã về. Từ bên trong vang lên tiếng nói của Từ Quán, "Bẩm điện hạ, thần đã khai báo toàn bộ đúng như sự thật! Thần được nhờ mang đồ đến Đông cung, thực sự không biết đồ bên trong lại là một cây đèn lưu ly đã vỡ!"

Từ Diễm nhíu mày, định sẽ ẩn mình theo dõi chờ người của Lễ bộ đến nhưng lại nghe thấy Thái tử Dung cất lời hàm ý, "Ngươi nói vậy tức là đang bảo chân đèn cửu liên (chín đóa hoa sen) do Tam hoàng huynh ngàn dặm xa xôi kỳ công tìm về tặng bổn cung là một món đồ không nguyên vẹn?"

Mấy năm nay tuy Thái tử và Yên vương ngoài mặt luôn kính trọng hòa thuận nhưng trong bóng tối lại giao tranh gay gắt. Hễ là người mắt sáng thì đều nhìn ra những kẻ bị liên lụy bên trong sự tình liên quan đến các vị thường thường không có được kết cục bình an. Từ Diễm lo ngại Từ Quán trẻ người non dạ nói ra điều không nên nói, đành bất chấp tiến lên tự thông báo: "Thần, Thái Bộc Tự khanh* Từ Diễm cầu kiến Thái tử!"

* Thái Bộc tự là một cơ quan trong quan chế Lục tự, giữ trách nhiệm trông coi, nuôi cấp ngựa, giữ gìn xe ngựa của hoàng tộc và điều hành các mục súc (đồng cỏ chăn nuôi) trên toàn quốc. Tự khanh là quan đứng đầu các tự.

Hàng ngũ người hầu kẻ hạ nghe âm thanh đó, như thể đồng thời nhận được một mệnh lệnh mà dạt sang hai bên. Từ Diễm khom lưng nhìn mũi giày, yên tĩnh đợi. Thái tử Dung chìm vào im lặng, có vẻ ngạc nhiên trước sự xuất hiện của hắn. Chẳng bao lâu sau có người của Lễ bộ đến thỉnh tội, thú nhận họ do quá đỗi bận rộn đâm ra sơ sót đem nhầm một cây đèn lưu ly từ năm ngoái đến Đông cung, vừa hay tin nên liền đến đổi lại.

Thái tử Dung kiên nhẫn nghe người của Lễ bộ trình bày từ đầu đến cuối, đoạn ban bình thân. Bấy giờ Từ Diễm đau lưng gần chết mới được đứng thẳng dậy, liền đưa mắt tìm Từ Quán, ra hiệu cho cậu ngậm chặt miệng, mọi sự cứ để hắn lo.

Chính giữa sân điện có kê một cái sập vuông chạm khắc tinh xảo, Đông cung đương độ nhược quán*, đầu đội mão ngọc, thân khoác mãng bào* màu tía; dung nhan đẹp đẽ đã đành, nghi thái lại càng nghiêm trang gấp bội. Lưu Dung không ngồi ghế dựa mà khoanh chân ngay ngắn trên sập, so với thân phận Thái tử cao quý thì lại trông giống một vị thầy dạy uyên bác hơn.

* Tuổi hai mươi; tuổi đội mũ của các con trai thời xưa.
Mãng bào là áo Đại triều của hoàng tử, hoàng thân và quan trọng thần, thường thêu hình Tứ linh (mãng, lân, quy, phụng).

Quả nhiên nghe người của Lễ bộ trình bày thành khẩn như vậy, Thái tử Dung liền động lòng mà rằng: "Làm người ai cũng có lúc phạm sai lầm. Nếu chỉ là nhầm lẫn thì sửa chữa là được rồi. Nói đi nói lại, chẳng qua chỉ là một cây đèn lưu ly, ta tin Tam hoàng huynh cũng sẽ không hẹp hòi mà trách tội xuống."

Người của Lễ bộ, Từ Diễm và Từ Quán đều đồng loạt khấu tạ. Thái tử Dung phẩy tay: "Được rồi, lui hết đi."

Cổng cung đã đóng, dù giải quyết việc xong thì Từ Diễm cũng không thể về nhà. Còn lại hai cha con với nhau, Từ Diễm liền hỏi gặng Từ Quán đầu đuôi sự việc. Quán thưa: "Đúng như những gì cha đã nghe, duyệt binh xong thì con đi tuần tra, bỗng đâu có một hoạn quan trẻ tuổi gấp gáp chạy đến nhờ con cầm đồ đến Đông cung. Con thấy gã đau đớn khổ sở, mặt mũi tái xanh, không giống giả vờ nên đồng ý. Sau đó con chuyển đồ đến nơi, cung nữ chưởng sự mở ra thì thấy đèn đã vỡ tan."

"Gần đây con có đắc tội với kẻ tiểu nhân nào không?" Từ Diễm đăm chiêu.

Từ Quán thề: "Tuyệt đối không có! Cha còn chưa hiểu tính khí của con ư?"

Từ Diễm không hỏi thêm, chỉ day thái dương: "Lại nợ Lễ bộ một khoản rồi. Bổng lộc của ta cứ khấu trừ mãi thế này thì nhà chúng ta chỉ còn nước đi cày ruộng mới có gạo ăn. Ôi, đau đầu quá..."

Từ Quán tưởng hắn nói thật, vội vàng đưa tay ra đỡ. Nhưng Từ Diễm chỉ quen miệng vậy, không đón lấy mà nói cậu đi nghỉ ngơi, hắn cũng đi về nơi tựa lưng của các quan văn trực đêm. Ngồi sau án thư, hắn mài mực, nhấc bút, dự tính thức khuya viết sớ báo cáo về tình hình thị sát, đồng thời biện bạch cho bản thân trong chuyện vừa mới xảy ra.

Lúc viết đến chuyện ở Đông cung, Từ Diễm không cưỡng được nhớ lại nghi thái của Thái tử Dung. Từ hồi còn là hoàng tử, Lưu Dung đã có tiếng là khoan hồng độ lượng, rất được lòng dân. Tuy nhiên, hắn lại biết đến một bộ mặt khác của y, dù có lẽ chính y cũng không nhớ...

Nghĩ về chuyện cũ làm Từ Diễm lại thấy đau đầu. Hắn gác bút, trải tạm một tấm chiếu cói đằng sau thư án, nằm xuống chợp mắt.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip