Chương 1: Người phụ nữ có hình xăm
“Anh quất roi và xe chúng tôi lao đi, băng qua những con đường phố tối tăm, vắng vẻ và vô tận, những đường phố ngày càng rộng dần.”
Trích ‘Người đàn ông môi trề - Sherlock Holmes’ , Sir Arthur Conan Doyle.
o0o
Các anh giai, chị gái có ‘kinh nghiệm’ sống và ‘trải nghiệm’ phong phú thường hay đăng tus trên mạng bàn về vấn đề công bằng theo nhiều chiều hướng khác nhau nhưng phần lớn là nói công bằng thật chất chỉ có khái niệm chứ không hề tồn tại trong thực tiễn. Họ đăng những tus rất hay, nói rất thâm sâu, thu hút được vô số các sadboy, sadgirl bình luận về cuộc sống của mình đã và đang ngập tràn tiêu cực, bị xã hội phũ phàng, người đời bất công, gia đình hắt hủi,...
Bỏ qua vấn đề quan điểm hoá hay nâng cao vấn đề tư tưởng thái quá thì những câu nói này cũng chẳng phải sai hoàn toàn. Ở một góc độ thực tế thật ra còn rất chuẩn. Trên thế giới này làm gì có cái gì tồn tại mà không có sự chênh lệch. Khác với sự tiêu cực của các em gái trên mạng thì sự chênh lệch này được đánh giá khách quan hơn. Có giàu, có nghèo thì người ta mới phải đi làm. Có giỏi, có dốt thì mới phải học… Nhìn chung sự chênh lệch có nhiều mặt tốt hơn mặt hại, vì nó là yếu tố nòng cốt để duy trì cân bằng cuộc sống nhân loại.
Hơn mười giờ tối, thư viện của Học viện Cảnh sát nhân dân Thành phố An vẫn sáng đèn một góc, tiếng giở sách và bấm bút vẫn vang lên đều đều. Quản lý thư viện ngáp ngắn ngáp dài, mắt đã hằn lên thành mấy mí, “Mẹ nó, nhất định phải ở lại cho đến hết giờ mới chịu về hả?!”
Người phụ nữ trung niên với cái bụng to đùng và khuôn mặt đầy tàn nhang cứ chốc chốc lại nhìn đồng hồ một lần, chờ mãi cuối cùng cũng đến lúc đồng hồ chỉ mười giờ tròn. Nữ quản lý thư viện hứng hở đứng dậy, một bụng đi đến phía chàng trai duy nhất còn đang ở lại nhắc cậu ta hãy mau đi về.
“Em mượn cuốn này ạ.”
“Á…” Bà ta giật bắn mình khi cậu trai ấy đột nhiên đứng trước mặt mình lúc nào chẳng hay, á đù, đi không một tiếng động, bà run lên, lẩm nhẩm ba chữ, “Giật cả mình.”
Có biết đêm rồi làm vậy hết hồn lắm không? Bây giờ còn đang ở tháng cô hồn đấy.
Sau khi suýt va chạm thân mật với nền gạch hoa thì bà ta cũng định thần được con tim suýt văng ra khỏi lồng ngực mà ngồi ngay ngắn lại.
Cậu trai kia chẳng hề hứng gì với hành động của bản thân, mắt vẫn nhìn về phía người quản lý. Phong cách ăn mặc của cậu ta đậm chất sinh viên nhà nghèo bình thường hay thấy, mái tóc cắt ngắn kiểu sport nam trông rất thoải mái và tràn đầy sức sống. Chỉ trừ đeo khuyên tai một bên, may mắn là trông cũng khá bảnh bao chứ không bị giang hồ. Mặt mày đẹp thế này chắc trong khối nhiều gái theo lắm đây.
Một chiếc thẻ thư viện được đẩy đến trước mặt người quản lý, ái chà, ảnh thẻ cũng chụp rất đẹp. Gánh được ảnh thẻ, ảnh căn cước công dân hoặc chứng minh thư thật ra rất khó, bởi hỏi mười người thì đến chín người không qua tay ông thợ ảnh với các lí do kiểu: tẩy trang, vuốt hết tóc lên, đừng cười…
Biết bao nhiêu đời mẫn nhi phải nhận cay đắng?!
Sau khi quét thẻ xong, quản lý đặt nó lên quyển sách bộ luật hình sự dày đến độ đủ sức đập chết người kia nói, “Của em đây, nhớ trả lại sau hai tuần nhé.”
“Em nhớ rồi, cảm ơn cô.” Cậu ta gật đầu với người quản lý, nhét quyển sách đó vào chiếc ba lô đã cũ rích rồi cất bước rời đi.
Nhìn theo bóng lưng ấy mà người quản lý thở dài đầy ngao ngán, giá mà thằng con trai rách của bà cũng chăm chỉ như cậu trai đó thì hay biết mấy. Nhân viên trên dưới của cái thư viện này chả ai không biết mặt cậu ta, không phải bởi vì cậu ta lắm mồm, mà bởi vì tần suất ở đây rất lớn. Không đến thì thôi, đã đến là phải ở liền đến năm sáu tiếng đồng hồ. Bây giờ mấy ai được như thế, ngồi học một chút lại lôi điện thoại, máy tính ra xem.
Học viện Cảnh sát nhân dân Thành phố An nằm ngay ngoài mặt đường nơi tấp nập và phát triển nhất, bước ra khỏi cổng liền thấy người người lườm lượm chẳng biết bao giờ mới vơi bớt. Thật đáng buồn cho những người ở thành phố mà không phải ở những nơi sầm uất như vậy. Những bánh xe xoay vồn vã nơi này lại chẳng thể nghiệm ra những bàn chân khốn khó nơi khác. Tất nhiên, đó đâu phải việc của họ, chỉ luận riêng tự lo cho cuộc sống của mình đã vất vả lắm rồi.
Những tháng giữa của mùa hè, thời tiết bắt đầu đạt đến cái oi ả chết người, đêm xuống mà hơi nóng vẫn không ngừng đập lên từng tế bào trên da khiến người ta khó chịu vô cùng.
Phía Tây Bắc của Thành phố có một khu gọi là Phố Đèn Xanh. Gọi là phố mà chẳng ai muốn đến cả. Vì sao?! Bởi nơi này không có gì đáng đến, nhiều bậc phụ huynh cấm con cái không được bén mảng đến vùng này. Nơi đây không chỉ tụ tập những người nghèo mà còn là nơi hội họp của những thành phần tệ nạn xã hội như mai thúy, gái gú với trai bao đủ kiểu, kiểu nào cũng không thiếu, trừ kiểu giàu. Mà không đúng, khá giả còn không có ấy chứ. Nhưng dầu sao thì vẫn là kiểu đa dạng đến độ một lời nói không hết được. Những ngôi nhà ở đây đều là nhà cấp bốn mười mét vuông cũ nát, tiên tiến hơn một chút là có hai căn chung cư mini cho thuê không biết bao giờ thì xảy ra cháy nổ, đường xá thì nhô lên lõm xuống bất chợt không báo trước, ngộ nghĩnh trượt chân một cái là mất răng, ngõ ngách thì nhiều đến đáng sợ, rác thải trước cửa chẳng biết bao lâu chưa có người đến đổ, đi qua mùi liền sộc đến óc.
Vài năm trước thì có nói trên TV về dự án quy hoạch Phố Đèn Xanh thành cái khu vui chơi ngoại thành gì đó. Cuối cùng thì lặn mất tăm, để tầm ba bốn năm mà của nợ này vẫn còn tồn tại như một vết nhơ của cả thành phố.
Đôi giày trên chân cậu thanh niên là loại khá đắt tiền, chỉ tiếc là đã cũ đến độ không thể nào cũ hơn được nữa. Cậu ta cố gắng tránh những vũng nước bẩn để giày không bị dơ. Đôi giày cũ ấy dừng lại ở trước một nơi tên là “Tạp hoá ông Lâm”, đặt theo tên của chủ tiệm. Gọi là tiệm tạp hoá thì có hơi ấy ấy, nhưng biển hiệu thế kia thì cứ cho là vậy cũng được.
“Nhật hả con” Một người đàn ông tầm năm mươi tuổi đang sắp xếp lại số đồ ít ỏi đã đóng bụi trong tiệm chạy ra, tay chùi vào chiếc tạp dề, “Nay đi học hay đi làm?!” Ông vừa nói vừa nhìn lên chiếc đồng hồ gần đó, đã gần mười rưỡi rồi.
“Cháu nay đi học.” Cậu đáp lại.
Ông Lâm vỗ vai cậu ta, dui một tờ báo vào tay Long Nhật, “Thế cho mày, hôm nay chú không lấy tiền.”
Cậu ta đưa mắt nhìn ông Lâm một cái, tay rút tờ mười ngàn từ trong túi ra, “Thôi, chú cứ cầm đi.”
“Thôi cho chú xin mày, chú nói cho là cho rồi mà.”
“Nhưng…”
Chẳng chờ cậu ta nói hết ông đã xen vào, “Mày về đi, cô Liên bánh mì chờ mày về mãi đấy.” Ông Lâm vừa nói vừa dùng tay xoay vai Long Nhật đẩy cậu ta đi.
Long Nhật tay cầm tờ báo, tay nhét lại tờ mười nghìn vào túi quần.
Chẳng đến một trăm bước chân người trưởng thành để đến xe bánh mì. Long Nhật phải gọi tới hai lần mới có thể đánh thức được người phụ nữ đã ngủ quên trên chiếc ghế nhựa màu xanh kia. Bà Liên bật dậy, ngơ ngác một lúc rồi phải nheo mắt mới nhận ra cậu ta.
“Cho cháu một cái…”
“Hai mươi nghìn ít ớt chứ gì?!” Bà vội cướp lời, tay chỉ chiếc bàn duy nhất có một cái ghế nhựa thấp, “Mày ra kia ngồi chờ cô tí.”
Bà Liên dáng người tuy thấp bé nhưng rất nhanh nhẹn, thậm chí là nhanh quá, kể cả nói, đã thế giọng còn chan chát chua ngoa, rất khó nghe. Ai không nghe quen thật sự không hiểu bà đang nói gì.
Long Nhật bước lại ngồi xuống, “Sau cô không phải chờ cháu đâu, cứ đóng tiệm trước đi ạ.”
“Cô kinh doanh mà mày nói kỳ thế, ăn rồi sau này thành tài nhớ kéo người đến ủng hộ cho cô đấy.”
“Thật ra sẽ có hôm cháu không về đâu, cô chờ như thế lại mất công ra.”
“Cô chờ đến mười một giờ không thấy mày thì cô về.”
Bà Liên đang áp chảo bánh cho nóng thì một người phụ nữ người nồng nặc mùi rượu chạy đến bám vào thành xe lè nhè, “Cho tôi cái đó đi.” Một tờ năm trăm cũng đồng thời được đẩy về phía bà Liên.
Hình xăm rất lớn ở trên lưng cô ấy thật sự rất nổi bật trên làn da sáng trắng kia, ăn mặc theo kiểu hở hang chỉ che được những thứ cần che, quần ngắn đến tận bẹn, nhìn thế nào cũng ra kiểu người không đàng hoàng đoan chính. Mặt mày thì trang điểm đậm đến độ không nhìn ra tuổi tác, còn những móng tay được dán nail nhọn hoắt như phù thủy.
“Cái cuối cùng này có người mua rồi, phiền cô quay lại vào ngày mai.” Bà mặt mày khó chịu mà đáp lại.
“Ể? Tôi sắp đói mốc luôn rồi?!”
Bà Liên mặc kệ cô ta mà bê cái đĩa có hai cái bánh mì đến chỗ Long Nhật đang ngồi, “Hai cái cô tính một thôi, khuyến mại khách quen đấy.”
Nói xong bà trở lại xe bắt đầu dọn đồ, cho người phụ nữ kia cả thùng bơ tươi.
Cậu ta nhìn cái đĩa một lát rồi lại nhìn người phụ nữ kia, “Chị ăn không?!”
“Cóooo…”, Cô ta đáp lại, giọng kéo dài nghe chảy cả nước khiến Long Nhật nổi nguyên bảy bảy bốn chín tầng da gà da vịt. Cô chạy lại ngồi đối diện, đôi tay thon dài cầm cái bánh mì nóng hổi lên cắn ngon lành.
“Riêng cô phải trả tiền.” Bà Liên bên trong nói vọng ra.
“Biết rồi, biết rồi mà.”
Sau khi liếc nhìn thanh niên trẻ tuổi trước mặt, nhìn ngắm chán chê mê mỏi thì ngón tay thon dài xinh đẹp bắt đầu chạm khẽ lên tay Long Nhật mà sờ nắn. Hành động đó khiến cậu ta lập tức rút tay lại, đưa mắt nhìn cô ta, đôi lông mày xô lại với nhau. Cô ta có nụ cười khá đẹp nhưng hơi gồng, không biết vô tình hay cố ý mà để sốt trắng chảy xuống bên môi làm người ta không cầm lòng mà nghĩ đến mấy chuyện vớ vẩn.
Long Nhật không hề gì trước hành động này, bởi cơ bản ngoài thấy hơi bẩn thì không nhận ra hàm ý bên trong, chẳng mất một giây để trọng tâm quay về nội dung tờ báo.
“Này, cậu sinh viên. Làm một đêm không?!” Giọng nói điệu đến chảy nước lại vang lên khe khẽ bên tai.
Thấy cậu ta vẫn không phản ứng gì, cô liền vươn tay lên tính chạm vào khuôn mặt đẹp trai kia thì một cái tét tay đã đập đến cái chát, “Cấm cô đụng vô nó. Người ta là sinh viên công an đấy.” Bà Liên chống nạnh chỉ mặt người phụ nữ mà nói, giọng trở nên đanh đá không thôi.
Cô ta tặng bà một cái bĩu môi rồi cũng thôi. Được một lúc thấy bà vào rồi mới tiếp tục, “Này, chị giới thiệu cho cậu vài người nhé, nhiều cô em ngọt nước lắm.”
“Ể?! Gì chứ, chị tưởng cậu có hứng với chị nên mới mời chứ?! Thật là…”
Mùi rượu nồng nặc trên người của cô ta khiến người đối diện phải choáng cả đầu, Long Nhật rất khó chịu, biết thế không gọi đến cho xong. Cô dùng tay xoắn những lọn tóc mai xinh đẹp đang buông xuống hai bên mặt, nhìn cậu ta một lúc rồi nghiệm ra một điều bất ngờ, “Sinh viên công an?! Cậu học ở Học viện Cảnh sát nhân dân hả?!”
Lần này thì có cái gật đầu nhẹ đáp lại.
“Vãi…giỏi thật đấy.” Cô ta trầm trồ với vẻ mặt đầy ngưỡng mộ, như kiểu một phát hết say rượu luôn vậy. Thế này chắc ban đầu là diễn chứ có say thật đâu. Cô chống hai tay xuống bàn nhìn gần khuôn mặt kia, sáng sủa thế này chắc tương lai rực rỡ lắm đây, “Thế chắc cậu điểm cao lắm nhỉ?! Học ở đó miễn tiền học mà. Cậu được bao nhiêu điểm thi trung học phổ thông quốc gia?! Năm của cậu lấy bao nhiêu thế?!”
Long Nhật không ngẩng đầu lên nhưng vẫn đáp, “Tôi vừa đủ…”
“Đứng thứ sáu toàn quốc.” Bà Liên từ bên trong nói vọng ra, vẻ rất chi là tự hào, như thể cậu ta là con trai mình.
“Ôi…vl. Thật luôn đấy hả?! Không thể tin được có ngày chị cũng gặp được nhân tài.” Ngay sau giây phút ấy, ánh mắt của cô khác hẳn, không còn vẻ bông đùa cỡn cợt như ban nãy nữa. Cô rút một tờ giấy ra, đưa đến trước mặt cậu, “Cho chị xin chữ ký của cậu được không?!", cô nói với vẻ mặt rất chi là thành khẩn như fan xin chữ ký idol.
Long Nhật nghe thế có hơi nhăn mày một chút, “Tôi có phải người nổi tiếng đâu."
“Đi mà, xin cậu đấy.” Cô cúi hẳn người xuống nói khiến cậu ta giật nảy cả mình, có nhất thiết là đến nỗi ấy đâu.
Đưa đi đẩy lại một hồi, cuối cùng Long Nhật cũng cầm bút ký lên tờ giấy đó.
“Ghi cả họ tên lên đó nhé. Trời ơi, cảm ơn cậu.”
“Tôi không nhận lời này đâu.” Long Nhật vừa đặt bút xuống vừa nói, trong lòng không khỏi cảm thấy người phụ nữ trước mặt vừa phiền vừa khó hiểu.
Cô cầm tờ giấy lên nhìn ngắm một chút rồi cẩn thận gấp gọn lại cất đi, “Tên cậu hay lắm.”
Chẳng biết nhìn mặt cậu nặn ra chữ hay gì, cuối cùng cô như nhớ ra thứ gì đó, ngoảnh trông hai bên nhìn ngó xung quanh một chút rồi mới nói, “Cậu có biết ‘Khu công nghiệp Vĩnh Hằng’ ở đâu không?!”
Khu công nghiệp Vĩnh Hằng sao? Tên này nghe hơi lạ.
“Ở phía nam huyện Lô Dương, không xa chỗ cậu học đâu.” Cô tiếp tục miêu tả.
“Nhà nghỉ Vĩnh Hằng thì có đấy.” Bà Liên đáp vọng lại từ phía xa.
Long Nhật nghe thế liền bật cười ha hả, “Cô à, nhà nghỉ nào lại đặt tên như thế chứ, cô nhớ nhầm rồi đấy.”
Thật ra cậu ta cũng không biết ở đó có nhà nghỉ hay không, nhưng nhà nghỉ Vĩnh Hằng nào đó thì chắc chắn là không có đâu. Chỉ có mong phá sản mới đặt tên nhà nghỉ như vậy thôi, ai đời đặt như thế bao giờ.
“Ờ, ờ. Tên đại loại như thế, cô cũng không nhớ rõ nữa.” Bà Liên lúc này mới ngộ ra cái sai sai, mặt hơi đỏ tức giận mắng lại.
“Cậu không biết thật hả?! Gần một bến xe bus ấy.”
Đúng thật là Học viện cảnh sát nhân dân thành phố An nằm ở huyện Lô Dương, muốn về đây cậu cũng phải đi xe bus qua phía nam nhưng cũng chưa từng gặp một nơi nào có tên như thế, “Chị miêu tả kĩ hơn xem, có thể chị nhớ nhầm. Theo tôi nhớ thì phía nam Lô Dương không có khu công nghiệp nào cả.”
Lúc này người phụ nữ mới hơi lúng túng, ngẫm mãi mới rận ra vài chữ, “Thôi không cần nữa đâu.”
Nói rồi cô đứng lên trả tiền và rời đi.
Long Nhật quay lại nhìn hình xăm trên lưng người phụ nữ kia, hình như đè lên hình con rồng còn có vài thứ gì đó.
“Này, mày nhìn gì thế?!” Bà Liên vỗ đầu cậu một cái, “Đừng có để bị sắc đẹp dụ dỗ nhá, chăm lo học hành đi.”
Cậu ta bật cười đáp lại, “Cô không phải lo, cháu có bóng hồng trong lòng rồi.” cậu nhìn lên bầu trời chẳng ngôi sao nào sáng bằng ánh trăng, thở dài nói tiếp, “Người ta có đẹp cách mấy cũng không dụ dỗ được cháu đâu.”
“Bóng hồng???” Bà Liên nhìn theo lên bầu trời, thằng bé này thích Hằng Nga hả?
“Cháu nói rồi còn gì, người ta đẹp lắm, đảm bảo cả Việt Nam, à không, cả thế giới không ai đẹp bằng.”
Bà Liên đang khi cố ngẫm xem ở Phố Đèn Xanh có cô nào đẹp thì nhận ra có cái gì đó không đúng, “Ê bây, mày đừng có lo yêu đương rồi bỏ bê học hành nha con.”
Long Nhật nghe vậy liền vỗ ngực mình nói, “Cô yên tâm, cháu còn phải cố gắng nhiều nữa thì mới đuổi kịp người ta.”
Bà Liên gật đầu, rất đàn ông, rất có chí tiến thủ. Mà chả biết con gái nhà ai, họ gì tên chi mà giỏi thế, đến người như cậu ta mà còn phải chạy theo. Quả này chắc là tiểu thư lá ngọc cành vàng rồi.
“Mày không định về cho cô dẹp tiệm hả?!”
“À vâng. Để cháu dẹp cùng cô.”
Khu nhà của cậu ta nằm sâu bên trong, phải đi qua nhiều ngõ ngách nữa mới có thể đến được khu tối tăm cho thuê nhà rẻ nhất này. Giữa một thành phố hoa lệ sống về đêm thì nơi này đã tối um từ lâu, hàng xóm kéo rèm đóng cửa, mạnh ai về nhà nấy, cả đoạn đường chỉ có mình tiếng bước chân thật đều của cậu ta. Đôi khi cảm thấy cái nghèo mới thật đáng sợ làm sao. Long Nhật mở cửa bước vào căn nhà chẳng đến mười mét vuông của mình. Nói là căn nhà thật sự là sự xúc phạm đối với hai chữ ấy. Nó nhỏ như chuồng gà vậy, trong đây chỉ có những cái nên có cho một sinh viên, ít đến độ không thể ít hơn. Ổ điện thì có mỗi hai cái, một bên chuyên dụng cắm đèn, một bên để làm những việc khác. Nồi niêu xoong chảo trong nhà cũng không có, chỉ có một nồi cơm trong góc nhà. Thậm tệ hơn là chỉ có một cái bát tô đã hơi sứt trông như bát cơm dành cho chó, lại thêm chỉ có hai đôi đũa một gỗ, một sắt và còn có cả một cái vá, chúng đều được cất gọn trên một cái giá nhỏ. Giàu có nhất trong này có lẽ là cái tủ lạnh mini nằm góc bên cạnh một trạm đựng gia vị.
Long Nhật đặt cặp sách xuống rồi cất giày đi. Đánh răng, rửa mặt, tắm gội xong mới dải chiếu xuống sàn, bật chiếc đèn học bên cạnh lên.
Lối sống theo một vòng lặp đầy nhàm chán thật dễ khiến con người bức bối.
Ánh đèn vàng làm cả căn phòng lập lờ nửa sáng nửa tối, thỉnh thoảng còn hơi chập chờn.
“Chắc mai phải mua bóng mới thôi.” Cậu ta thầm nghĩ.
Từ trong cặp lấy ra quyển sách dầy cộp. Sinh viên hay có một thói quen khá phổ biến là nhìn giá mọi loại sản phẩm, trong đó không loại trừ cậu ta. Nhìn xong cái giá mà thở dài tự ngẫm chả đủ tiền mà mua, lại bắt đầu sad. Mình khó khăn nên người bán sách cũng khó khăn, người bán vì thế lại phải tăng giá sách cho bớt khó khăn. Người bán sách bớt khó khăn thì người mua sách lại khó khăn. Nói chung cuộc sống là một dạng khó khăn vòng lặp, người này bớt khó một chút thì kẻ kia khó lên một tí, vĩnh viễn không hết.
Cậu ta đành lấy một quyển vở ra tự thân chép lại những dòng quan trọng, đến khi xong thì đã gần một giờ sáng. Long Nhật cầm tờ báo lên giở đến trang cuối cùng, không có thứ mà cậu tìm, thế nhưng cậu ta vẫn cứ nhìn chằm chằm vào đó như bị thứ gì nhập.
Phản xạ có điều kiện là gì? Phản xạ có điều kiện là những phản xạ được hình thành trong đời sống qua một quá trình học tập, rèn luyện. Những dòng viết kia có sức ảnh hưởng kinh người như thuốc ngủ mà cậu nhanh chóng chìm vào giấc ngủ, trước khi hai mí mắt nặng nề nhắm vào vẫn không hề quên tắt đèn và đặt tờ báo dưới gối. Phản ứng đó... Xuất phát từ câu nói trong những năm tháng 'học tập', "Nghe thấy vần văn của bố, và các con hãy ngủ đi".
Một lời không êm như tiếng mẹ du lại có thể đưa những sinh vật bơ vơ ngủ một giấc dài.
Tên đầu báo: “Đèn biển.”
***
Cảm hứng cho vụ án đầu tiên là: Vụ án mạng xảy ra vào Thứ ba, ngày 06/08/1888 tại khu vực Whitechapel thuộc đông Luân Đôn, nước Anh.
Tham khảo tại video Youtube phía trên, quý bạn đọc có thể xem qua.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip