Chương 1
Giữa lòng thành Sài Gòn hoa lệ, có một phòng trà nổi tiếng vì xa hoa và mắc đỏ, nơi những giọng ca nữ nức tiếng làm si mê biết bao công tử. Có khối tên ngu ngốc chịu dâng cả gia tài chỉ để rước được trái tim của một mỹ nhân, thậm chí mong muốn lên giường dù chỉ một đêm thôi cũng đủ mãn nguyện với bọn họ
Tiếng guốc lóc cóc vang lên giữa hành lang tối mịt, đều đều như một khúc nhạc lụa là, vừa quyến rũ lại vừa chênh chao. Ả ta, như thường lệ, bước chậm rãi với dáng đi đài các, vô thức tỏa ra thứ ánh sáng khiến mấy tên đờn ông ở xứ Nam Kỳ này nhìn mà xốn con mắt.
"Ganh tị thiệt, có người lúc nào cũng là trung tâm của ánh nhìn thiên hạ, đến lịch hát cũng gần như kín mít à nghen, bọn mình đâu được vậy!" – một cô trong đám con gái lên tiếng, giọng mỉa mai mà chẳng cần quay đầu lại, bởi ai cũng biết tiếng gót cao gót ấy là của ai.
"Không biết có ngủ với ông lớn mô để đổi chác không ha?" – mấy ả cười khúc khích với nhau, mặc kệ người kia có nghe lọt tai hay không. Hương chỉ cười lạnh rồi lẳng lặng bước vào chỗ của mình. Nàng đã quá quen với sự cô lập, bởi đơn giản nàng quá ưu tú, quá đỗi xinh đẹp. Như một bức tranh vẽ bằng sương khói, lung linh mà cũng đầy bí ẩn, ma mị và... cô độc.
Bùi Lan Hương, cái tên nghe như có gì lạ kỳ, vừa thơ vừa sắc, như mùi nước hoa đắt tiền sót lại trên khăn tay ai bỏ quên nơi phòng trà xưa cũ. Con nhỏ đó, nếu gọi là đẹp, thì thiên hạ thiếu chữ để mà diễn tả. Người ta nói nhỏ Hương đẹp như tranh, mà coi bộ ví vậy là chưa tới. Hương không giống tranh vẽ, Hương giống như một khúc vọng cổ buồn, nghe riết rồi ám vô trong tim. Nhỏ đó bước ra sân khấu như lụa phất giữa chợ sớm, bước chân thì nhẹ hều, mà tiếng guốc thì nghe lóc cóc, nghe một cái là biết ai liền. Làn da trắng thiệt trắng, trắng kiểu sữa đặc mới khui, quẹt lên miếng bánh mì còn nóng là chảy ra cái ngọt béo của tuổi xuân chưa kịp buồn. Môi thì đỏ như trái bồ quân chín, mắt u buồn mà không ủy mị, ánh mắt u buồn nhưng không yếu đuối, cái buồn của người đã sống quá nhiều năm trong những điều mình không dám nói ra. Có người nói cái làm người ta nhớ hoài không phải là dáng, không phải là giọng hát, mà là... hai cái "râu mèo" nhỏ xíu nơi khóe má. Hai lọn tóc con xõa xuống ngay gò má, nhìn ngồ ngộ mà... mắc dại! Như hai cái móc câu vướng vô lòng người đối diện, kéo một phát là đứt hơi thở, dứt luôn mấy đêm ngủ yên. Nàng ít cười lắm, mà mỗi lần cười chỉ nhếch môi, như thể trong lòng đang giấu một chuyện gì đó không tiện nói. Nhìn Hương, người ta quên mất nhỏ mới hai mươi mốt hai mươi hai, bởi ánh mắt nhỏ... nó già buồn lắm. Già như người đã sống qua mấy trận thương, vài lần chết hụt, mà vẫn còn đó, điềm nhiên... như thể chỉ cần ai ôm một cái cho thiệt chặt, nhỏ sẽ tan ra, như đường cát gặp nước sôi.
Bước vô căn phòng quen thuộc, nàng chỉnh trang lại dung nhan để chuẩn bị ra hát. Nàng là tâm điểm của nơi đây. Ánh đèn vàng hắt nghiêng nghiêng lên khuôn mặt kiều diễm, làm nổi bật từng nét mặt ngọc mày ngà. Bùi Lan Hương khiến thiên hạ mê mệt bởi giọng ca ma mị, đầy bí ẩn, khiến người ta đến phòng trà chẳng phải để nghe nhạc cho bằng ngắm nàng. Nhiều kẻ còn mần liều, chỉ mong đổi lấy một cái nhìn, một nụ cười của nàng ta.
Nhưng dạo gần đây, một bóng hồng mới xuất hiện – Phan Lê Ái Phương, cái tên nghe nhẹ hều, tưởng chừng như một làn gió mát giữa trưa. Ấy vậy mà con nhỏ đó, trời hỡi, lại khiến lòng mấy thằng đờn ông thắt từng cơn như giông tới ngang mùa hạn, chưa kịp né là đã ướt tràn mình. Phương đẹp. Cái đẹp không phải kiểu son phấn đập vô mặt hay áo quần loè loẹt như mấy cô đào cải lương rặt mùi rạp bóng. Cô đẹp kiểu thanh nhã, man mác như hoa ngâu rụng đầy ngõ nhỏ, như ánh nắng xiên qua mái ngói buổi sớm trong khu nhà tây xưa cũ. Da trắng như tàu hủ nước đường, sống mũi cao mà không gắt. Cười một cái là lòng người ta đứt phựt, như dao lam lướt qua tim, ngọt ngào mà đau điếng. Phương ít nói, nhưng nói câu nào ra câu đó. Cái kiểu nói chuyện thủng thẳng mà không phải dửng dưng, như thể từng nghe qua hết chuyện đời nên giờ chẳng thiết hơn thua. Có người từng bảo, con nhỏ này mang trong mình hai đồng điếu, một cái là cho phần dịu dàng, e ấp của một người con gái mới lớn, còn cái kia là cho những vết thương đời chưa kịp se, được cô giấu kỹ dưới lớp son màu đào phớt. Vậy nên Phương tuy còn trẻ, nhưng mỗi cái nhìn, mỗi động tác đều có nét gì đó sâu hoắm, cô không phải hạng người mà người ta dòm một cái rồi thôi. Phương là kiểu, dòm rồi muốn dòm nữa. Mà càng dòm, càng thấy khó hiểu. Càng gần, lại thấy xa. Một dạng đàn bà bước vô đời người khác bằng những bước chân không tiếng động – rồi ở đó hoài, không rời, không dứt.
Cô làm vị trí của nàng lung lay không ít. Lịch hát bị xẻ đôi với cô, công tử ngày xưa bu theo nàng giờ cũng trở mặt như trở bàn tay. Bùi Lan Hương – người chưa từng hạ mình để ganh đua, nay cũng thấy ngứa gan mỗi lần nghe tới cái tên ấy.
"Đừng trêu ẻm nữa, kẻo rước họa vào thân," – Ái Phương cười lả lơi bước vô, rồi ghé sát tai nàng mà nói nhỏ: "Đường đường là con gái đại gia Nam Kỳ, ai đời lại mần chuyện mất mặt như vậy, Hương hén?"
"Mược xác tôi, không cần cô xía vô!" – Hương liếc xéo, rồi quay gót ra ngoài. Nàng đã cố giấu thân phận mình, chỉ mong được yên ổn theo đuổi cái đam mê từ thuở bé. Sao cô ta lại biết?
Cha nàng, một thương nhân danh tiếng miền Nam, từng đập bàn đập ghế, cấm tiệt chuyện hát hò xướng ca. Có lần nàng mần gan, tham gia hát văn nghệ ở trường, bị phát hiện thì lãnh đòn đau nhớ đời, bị nhốt ba bữa trong phòng để "kiểm điểm lại thân mình". Ra trường, nàng lén lút đi hát mỗi tối, tranh thủ lúc cha đi công cán ở Cần Thơ, Bạc Liêu. Biết là sai, nhưng lòng nàng chẳng yên nếu không được hát.
Đêm ấy, sau buổi diễn, Hương vừa vào phòng trang điểm thì bắt gặp Ái Phương đang trao đổi cùng ông Bầu – người đứng ra điều hành phòng trà. Nàng toan bước đi thì bị gọi với lại. Lạ thay, ông Bầu xưa giờ rất ít khi chủ động gọi nàng nói chuyện riêng.
"Hương à, em hát hay lắm, kiếm đặng cũng kha khá cho tụi tôi, nhưng tôi nghĩ em không hợp với chỗ này đâu. Về đi Hương, bữa nay là bữa cuối, ra quầy lãnh lương, rồi nghỉ, cảm ơn em!".
Chưa kịp thốt chữ nào, ông ta đã quay lưng bước đi, để lại nàng đứng ngơ ngác giữa đèn vàng hắt xuống
"Mợ nó, chắc chắn cô ta bép xép gì rồi, Lan Hương tôi không đội trời chung với cô, PHAN LÊ ÁI PHƯƠNG" – nàng lầm bầm, xách túi bỏ đi một nước, chẳng thèm lãnh bạc. Bởi từ đầu, nàng có hát vì tiền đâu. Cái nàng thương, là tiếng hát, là sân khấu.
•có gì góp ý cho tui nghen, tui viết theo cảm xúc của mình nên lúc này lúc kia lắm, hứa chương sau sẽ dài
À mn thích truyện theo hướng tả nhiều hơn hay theo hướng chú tâm vào thoại là chính ạ, tại mình cũng muốn biết sở thích của mn để viết chương tiếp theo sao cho hợp ó
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip