• 4 •

Đêm phủ xuống hoàng cung như một tấm lụa tang ngấm ướt, đen nhánh đến nỗi nuốt chửng cả ánh trăng. Không sao trời, không tiếng gió, chỉ còn lại từng cánh tuyết lặng lẽ rơi, nhẹ như tro vụn từ một lò lửa đã nguội.

Tiểu viện nơi rìa Tây cung lặng ngắt như nơi chôn cất ký ức. Cửa gỗ xệ bản lề, kêu kẽo kẹt mỗi khi gió lùa qua. Nền đá phủ rêu xanh sẫm, những khe nứt cũ giăng như mạng nhện. Mái ngói nghiêng nghiêng, sắc bạc như tóc người, thẫm màu tang trắng lặng câm.

Cách điện Kim Loan không đầy nửa dặm, nhưng nơi này dường như đã rơi khỏi bản đồ hoàng cung từ rất lâu.

Trong tẩm thất nhỏ, ánh đèn dầu le lói nơi góc bàn. Ngọn lửa nhỏ như một mạch sống cuối cùng, run rẩy giữa cơn hấp hối, hắt lên bóng tường loang lổ như những vết sẹo chưa lành.

Trịnh Chí Huân nằm nghiêng trên chiếc giường gỗ trơn mốc. Chăn đắp qua vai, mỏng như giấy cũ, ẩm lạnh đến mức dính vào da thịt hắn như sương đọng trên xác lá. Một bên lưng thấm thuốc, từng nhịp thở phập phồng đều kéo theo cơn đau nhức như lửa thiêu len vào xương tuỷ. Cả căn phòng mang mùi tro vụn của hương cũ đã tàn, pha lẫn mùi thuốc mộc, máu khô, và tuyết đọng.

Lưng hắn rát bỏng, từng nhịp thở kéo theo cảm giác rướm đau như bị lửa liếm. Hắn không rên. Không gọi. Không hề than một tiếng. Chỉ nằm yên đó, đầu khẽ nghiêng, đôi mắt lặng nhìn ánh đèn đang tàn dần.

Ánh nhìn không có oán hận, không có cam chịu, chỉ phẳng như mặt hồ giữa đông giá, phủ một tầng băng mỏng, ẩn dưới là vực sâu không đáy.

Có tiếng gió rít qua khe cửa. Tuyết ngoài trời vẫn rơi. Tựa như chẳng ai biết, trong một góc khuất của hoàng cung rực rỡ, có một thiếu niên đang dần lạnh đi, từng chút một. Trong im lặng, trong máu, trong một đêm trắng không có nổi một vì sao.

Trên bàn, chậu nước đã sẫm một màu đỏ gắt. Một dải vải trắng thấm đẫm máu vắt hờ bên mép, đầu sợi vẫn còn nhỏ giọt, loang từng vệt vào nền gỗ. Hũ thuốc mỡ lật nghiêng, chất cao dược đặc sánh chảy ra từng quầng xám. Mùi thuốc cay hăng lẫn mùi máu tanh, trộn vào cái lạnh của đêm, vẩn vất như hơi thở của oan hồn không thể siêu sinh.

Ánh mắt hắn lặng lẽ trôi về phía đèn dầu, như đang trôi ngược về một đoạn ký ức chưa ráo máu.

“Vế đối hay… trâm quý… phụ hoàng nhìn ta.”

Hắn khẽ nhếch môi, một tiếng cười nhạt không thành tiếng.

Thứ mà người đời gọi là vinh quang, trong mắt hắn, lại chỉ là khúc mồi nhử mềm mại của quyền thế. Một lời khen từ phụ hoàng, một cây trâm quý Tây Vực, một ánh mắt tưởng như động tình – tất thảy… chỉ đổi lại được vài roi quất nát da thịt, và hàng chục ánh nhìn rỉ máu từ những người cùng chung huyết thống.

Chúng không cần hắn giỏi. Không muốn hắn nổi bật. Không cho phép hắn thoát khỏi vị trí "cái bóng".

Nhưng hắn đã cố tình làm vậy.

Hắn chờ suốt mấy năm. Chuẩn bị suốt mấy tháng. Và hôm nay, cuối cùng cũng đã tìm được một khoảng khắc mà ánh đèn có thể rọi tới nơi hắn đứng.

Từng vế đối, từng âm luật, từng khoảng lặng giữa lời, đều là sự nghiền ngẫm lặp đi lặp lại qua vô số đêm dài lạnh giá.

Mỗi nét chữ, mỗi tầng ý cảnh là một đòn đánh vào cơn mê say quyền quý của chính những kẻ luôn đứng cao hơn hắn.

Một nước cờ không thể rút lại. Nhưng hắn không hối hận.

Dù phải trả giá bằng máu, bằng lưng rách, bằng cả sự thù ghét nuốt ngược vào tim. Thì chỉ cần một người như phụ hoàng, dù chỉ một khắc, nhìn hắn không phải bằng ánh mắt thương hại hay bỏ quên.

Hắn đã thắng.

Ý nghĩ ấy chạm nhẹ vào vết thương đang rỉ máu, mang theo cảm giác vừa đắng vừa lạnh. Nhưng chưa kịp phai, thì một mùi hương nào đó, rất mờ nhạt bỗng lướt ngang sống mũi hắn. Không phải mùi thuốc. Cũng không phải mùi tuyết…

Là mùi gỗ đàn hương cháy dở, rất nhạt, nhưng hắn không thể quên.

Năm đó… cũng là một đêm như thế.

Trời đổ tuyết sớm. Hắn bảy tuổi, quỳ mãi dưới gốc ngô đồng sau chính điện. Hai chân tê cứng, tay run như lá, nhưng vẫn cố chống xuống nền đá lạnh, giữ lưng thẳng, không ngã.

Mẫu thân hắn vừa mất.

Không kèn, không trống. Chết nơi xó viện cũ, thi thể quấn trong tấm vải rách, được cung nhân ném thẳng vào xe rơm, đẩy ra sau núi hoàng cung để thiêu.

Người ta bảo: “Thứ hạ tiện, chết là phúc.”

“Còn để lại nghiệt chủng kia, đúng là ô uế hoàng mạch.”

Đám cung nhân vừa nói vừa cười, bước qua hắn như bước qua một cái bóng. Một bóng đen quỳ trong tuyết, không thân phận, không danh phận, không ai đứng sau lưng.

Hắn từng kéo tay áo một lão thái giám, giọng khàn vì rét: “Cho ta gặp mẫu thân lần cuối, chỉ một lần thôi…”

Lão chỉ liếc hắn, rồi hất tay áo bỏ đi như vừa bị bẩn tay.

Hắn không biết vì sao mẫu thân lại chết.

Một buổi sáng tuyết phủ, người đột ngột mất đi, không một tờ cáo ban, không lấy nổi một nén nhang tử tế. Chết như thể chưa từng sống. Chết như thể là một vết nhơ cần phải xóa sạch.

Hắn cũng không hiểu vì sao, từ sau cái chết ấy, cả hoàng cung nhìn hắn như nhìn một thứ ôn dịch. Cung nữ đi ngang thì né, thái giám nhìn thấy thì tránh. Chỗ ngủ từng là góc viện cũ bị người ta đạp đổ, y phục bị ném ra sân ướt mèm tuyết lạnh. Hắn không dám khóc. Không dám cười. Nhưng vẫn bị tát vì… không biết cười đúng lúc. Bị đá vì… dám mở miệng cầu xin một câu.

Cuối cùng, hắn lê bước đến trước bậc điện nơi Hoàng thượng đang cùng văn thần thiết yến.

Gió từ phía bắc gào lên dữ dội, quất vạt áo mỏng dính chặt vào tấm thân nhỏ gầy. Tuyết phủ trắng vai, ngấm vào da thịt như nước đá nhỏ từng giọt xuống xương. Nhưng hắn vẫn quỳ. Hai đầu gối chôn sâu trong tuyết. Cánh tay run rẩy cắm xuống nền đá lạnh.

Không ai kêu hắn tới. Không ai đỡ hắn dậy. Chỉ là hắn muốn. Chỉ là… hắn chờ.

Chờ phụ hoàng mở cửa bước ra. Chờ một ánh mắt dừng lại trên người hắn. Chờ một câu hỏi, dù lạnh lùng hay thương hại cũng được. Hoặc, nếu ông còn nhớ đến đứa trẻ bị người đời gọi là Thất hoàng tử, thì thêm một câu nữa:

“Vì sao quỳ ở đây?”

Hắn đã nghĩ… nếu có thể nghe được một tiếng gọi: “Nhi tử.” Chỉ một tiếng thôi. Thì tất cả lạnh giá, tất cả tủi nhục, hắn đều sẽ nhịn được.

Thế nhưng…

Từ chập tối đến khi sao mờ, từ đầu đêm đến khi bình minh lên phủ bạc trời đông, cánh cửa cung uy nghi kia chưa từng mở ra dù chỉ một lần.

Không một tiếng bước chân. Không một giọng gọi. Không một người quay đầu nhìn lại.

Cuối cùng, hắn chỉ còn biết cúi đầu. Trên đầu là tuyết rơi. Dưới đầu gối là lạnh buốt. Còn trong lòng là một khoảng trống lớn, cứ lạnh dần, lạnh mãi.

Không ai bước ra. Không ai gọi hắn một tiếng “nhi.” Không ai bảo hắn vào nhà...

---

Trịnh Chí Huân giật mình.

Ngọn đèn trên án gỗ đã rút ngắn ngọn lửa, chỉ còn một hạt sáng nhỏ đỏ au như giọt máu khô đọng nơi tim bấc, lập lòe thoi thóp giữa bóng tối lạnh lẽo. Ánh sáng ấy chiếu lên nửa khuôn mặt hắn, gầy guộc, tái xanh, như được khắc từ ngọc sứ không máu thịt.

Lưng hắn vẫn rát bỏng. Từng nhịp thở, từng cử động, đều như có trăm mũi kim châm dọc sống lưng. Máu đã thấm ướt lớp băng mỏng, hòa lẫn với mùi thuốc mộc đắng nồng và hơi ẩm mục nát của căn phòng.

Nhưng thứ đau nhất… lại không nằm ở da thịt. Là chỗ sâu hơn, tăm tối hơn, nơi mà từ khi còn bảy tuổi, hắn đã biết không thể chạm vào. Khi ấy, hắn không khóc. Mười tuổi, hắn vẫn không khóc. Bởi hắn hiểu: nước mắt không là gì trong cung cấm.

Khóc… chỉ khiến bọn họ càng thêm hả hê. Yếu đuối… chỉ càng khiến hắn bị giẫm xuống dễ dàng hơn. Cho nên hắn học cách nín lặng, học cách chịu đòn, học cách cắn răng không rên một tiếng như thể nỗi đau chưa từng tồn tại.

Bàn tay khẽ siết. Ngón tay lạnh cóng nắm lấy dải băng cuối cùng, run nhẹ, rồi cột chặt quanh vết thương nơi vai trái.

Động tác ấy không chỉ là buộc lại một vết rách da. Mà là… ràng buộc lại chính mình. Tựa như buộc một lời thề vào xương thịt. Một bước cờ đã hạ xuống sẽ không quay đầu.

Lần này, hắn muốn phụ hoàng nhớ đến hắn. Không phải là đứa con hoàng gia không ai thừa nhận. Không phải là cái bóng bị xua đi như rác rưởi. Mà là một mũi đinh trong lòng triều. Một kẻ khiến người khác không thể phớt lờ.

Không phải vì cầu thương. Mà là để tồn tại.

Chỉ là…

Tựa nơi đáy lòng hắn, một tia sáng lạ lùng chợt lóe lên — rất mờ, rất nhạt, như dư âm của ánh nhìn sau cùng kia còn vương vấn nơi đáy mắt. Giữa sắc trắng vô ngôn của đêm tuyết, tấm rèm xe ngọc khẽ vén, để lộ một ánh mắt nhìn hắn từ xa.

Không lời. Không động tác thừa.

Chỉ là một cái nhìn nhưng lại đủ để gợi dậy nơi lòng hắn một thoáng lay động không tên. Một ánh mắt như có gì đó muốn hỏi. Muốn chạm. Muốn hiểu. Ánh mắt đó, dẫu chỉ thoáng qua, vẫn như để lại một vệt sáng mong manh giữa bức màn tăm tối hắn đã quen sống quá lâu.

Trịnh Chí Huân khẽ nhắm mắt. Hắn không nghĩ đến nữa. Không cho phép mình nghĩ đến. Trong thế giới của hắn, nơi máu tươi, gió bấc và mưu toan hòa trộn thành không khí để thở. Không ai có thể thật lòng dang tay ra.

Tất cả những gì mang dáng dấp dịu dàng… đều là bẫy.

Và mọi bẫy, đều ẩn trong nó một mũi gai nhọn. Có thể không đâm vào hôm nay. Nhưng nhất định sẽ cắm xuống vào lúc hắn yếu đuối nhất.

Cho nên… ngay cả ánh nhìn kia, hắn cũng phải gạt ra khỏi tâm trí.

---

Trời vừa rạng. Ánh dương còn mắc kẹt sau tầng mây xám lặng, chỉ le lói một dải sáng mỏng phủ lên mái lưu ly cong vút tựa vảy rồng nằm ngủ. Gió sớm lướt qua rừng mai phía tây, mang theo hương sương và chút lạnh đầu ngày, khẽ quẩn trong hành lang đá xanh ướt đẫm. Mùi trầm nhè nhẹ, tỏa ra từ những lư đồng chưa tắt đêm qua, như muốn níu bước chân người giữa khoảng lặng rạng đông.

Trong tẩm viện phía sau chính đường của Quốc Sư phủ, lò sưởi gốm men xanh vẫn còn âm ấm than hồng từ đêm qua. Gió sớm bên ngoài quét qua rặng trúc ven tường, phát ra tiếng xào xạc như gảy nhẹ từng cung dây. Cửa sổ bằng gỗ lim khép hờ, bên mép khung treo một dải giấy hương ghi lại đoạn thơ cổ, nét chữ do chính y viết vào một đêm tuyết rơi, mực đã nhòe qua năm tháng.

Tủ sách xếp ngay ngắn theo từng loại kinh sử. Bên trên là tập “Thượng Thư”, “Luận Ngữ”, bên dưới là “Nhạc Ký” cùng thi tập các đời. Trên bàn là nghiên mực chưa kịp khô, giấy trắng vẫn còn in dấu nét bút đêm trước. Một bên là hộp gỗ tử đàn chứa các bài giảng y tự soạn, mỗi tờ đều được đánh dấu bằng những sợi lụa mảnh màu khác nhau: xanh lam là phần nhập môn, trắng là thơ vịnh, vàng là sách sử.

Lý Tương Hách ngồi bên bàn, vẫn trong lớp áo trong màu tro nhạt, tóc dài chưa búi, chỉ được buộc tạm bằng một sợi dây sa đen đơn giản. Nến đỏ cắm trong chân đồng đã chảy sáp đến nửa thân. Dù vậy, ánh mắt y vẫn thanh tỉnh. Không hề mỏi mệt, chỉ là chuyên chú, cẩn trọng, như thể từng dòng từng chữ trên bàn là mệnh chỉ của triều đình.

Lý Tương Hách đã thức từ lâu, còn trước cả giờ Mão. Thật ra, suốt đêm qua, y gần như trằn trọc không yên.

Từng trang sách, từng đoạn giảng, từng dòng thơ cổ, từng câu kinh sử, y đã lật lại, rà soát, sửa chữa, rồi lặp lại lần nữa. Có đoạn đã thuộc từ năm mười hai tuổi, nhưng đêm qua, y vẫn cẩn thận ôn lại như thể chưa từng đọc qua bao giờ.

Không phải vì lo sợ thất lễ. Cũng không phải vì hoảng hốt trước quyền thế. Mà vì hôm nay, là ngày đầu tiên Lý Tương Hách bước vào vai trò Thái phó – người sẽ trực tiếp giảng dạy cho các hoàng tử do Thiên tử thân phong.

Ngày đầu tiên ấy, Lý Tương Hách không cho phép mình chỉ là một thiếu niên mười lăm tuổi vừa đỗ trạng nguyên, càng không cho phép bản thân run rẩy dưới ánh nhìn soi xét của trăm quan.

Y phải là một Thái phó đúng nghĩa.

Là người xứng đáng được Hoàng thượng đích thân bổ nhiệm. Là người có thể đứng ngang hàng với bao danh thần lừng lẫy trong lịch sử. Là người không làm tổ phụ phải cúi đầu vì lời gièm pha, không khiến gia môn Lý thị chịu nửa phần tổn uy.

Y biết rõ, mỗi câu y giảng, mỗi bước y bước vào học đường, đều sẽ bị đem ra bàn tán.
“Trẻ quá.”
“Thiếu kinh nghiệm.”
“Dựa thế Quốc Sư mà lên.”
Người đời vốn chưa từng công bằng với kẻ ưu tú. Nhất là khi kẻ ấy còn quá trẻ.

Là ngày đầu tiên, y phải cho thấy không chỉ là cháu đích tôn của Quốc sư, không chỉ là kỳ tài văn võ toàn tài, mà còn là người đủ tư cách, đủ khí độ, đủ bản lĩnh để đứng giữa lòng cung cấm, ngồi trên ghế Thái phó.

Y phục hôm nay là triều phục xanh đậm, thêu vân hạc bay lượn bằng chỉ bạc óng ánh. Đường kim mũi chỉ sắc sảo đến từng sợi vân ở đuôi hạc cũng như đang khẽ rung theo nhịp thở. Cổ tay buộc kín, vạt áo cài gọn, từng nếp áo ngay ngắn không lệch một ly, toát ra vẻ nghiêm cẩn vốn có từ trong cốt cách. Dây lưng là loại tơ lụa ngự ban, sắc ngà thanh nhã, chỉ những người được Hoàng thượng ân chuẩn mới có thể mang.

Bên hông y đeo một miếng ngọc bích xanh sẫm, hình tròn vát mỏng, đường khắc cổ kính, ánh ngọc trầm lắng như làn nước sâu. Đây không phải món vật tùy thân bình thường, mà là bảo ngọc do chính tay Hoàng thượng năm xưa ban cho tổ phụ y – Lý Quốc Sư – khi phong chức tể mệnh thiên triều.

Ngọc ấy từng được lưu giữ trong khố thất hoàng gia, là trân bảo trong bộ cửu đỉnh ngọc truyền triều. Chỉ khi phong một người xứng danh kinh lược quốc gia, mới được xuất ngọc trao tay.

Tổ phụ y vẫn luôn giữ vật này bên mình như tín vật lòng vua, không đeo vì khoe quý, mà mang để nhắc mình không quên ơn mệnh triều đình. Giờ đây, khi Lý Tương Hách chính thức nhập triều làm quan, ông đã tự tay trao lại ngọc bích cho y, như một lời dặn dò không cần nói thành lời.

“Con là hậu nhân của Lý gia, cũng là người kế tục khí cốt của ta. Hãy khiến miếng ngọc này mãi xứng đáng với người từng cầm nó.”

Mỗi bước đi, miếng ngọc bên hông khẽ va vào áo, âm thanh thanh thanh mờ nhạt, nhưng trong lòng y, đó là tiếng nhắc nhở vững chãi nhất. Một bước không chỉ mang theo tên mình, mà còn mang theo vinh danh cả một đời của tổ phụ, và cả một họ Lý dưới ánh triều thiên tử.

Lý Tương Hách đứng trước gương đồng.

Tấm đồng xưa hơi mờ, phản chiếu bóng người còn chưa thực sự cao lớn, nhưng lưng thẳng như tùng, ánh mắt tĩnh như nước, khuôn mặt trẻ tuổi vẫn còn nét thiếu niên, song đường nét đã mang theo khí chất không thể lẫn lộn.

Không cần đến lời nói. Chỉ một ánh mắt, một bước đi… cũng đủ để người ta không dám xem thường.

Vì ánh mắt ấy, mang theo sự tự tin không đến từ vinh sủng, mà đến từ trí tuệ và tự tu. Vì bước đi ấy, không kiêu, không hèn, không gấp gáp – mà vững như người đã bước qua trăm đoạn đường mưa gió.

Ngoài cửa có tiếng cung nhân vang lên:
“Thưa đại công tử, đến giờ rồi ạ.”

Lý Tương Hách khẽ “ừ” một tiếng.

Y chỉnh lại vạt áo lần cuối. Một tay đặt lên miếng ngọc bích bên hông, vật tín đã theo gia tộc mấy đời như lấy một hơi thở trầm ổn từ sâu trong tâm. Đôi mắt phản chiếu ánh đèn lồng ngoài hiên, không gợn sóng, nhưng lại ẩn chứa một tia sáng lặng thầm như dòng nước xuân vừa tan băng.

Y bước qua ngưỡng cửa, một bước… là chính thức bước vào triều cục.

Dưới chân, hành lang lát đá xanh ươn ướt sương đêm, phản chiếu bóng áo dài như một dải lụa vẽ nên giữa trời lạnh. Trên đầu, mái ngói lưu ly ánh lên thứ sáng mờ như sương mai, gió sớm mang theo mùi mai đầu nụ và chút lạnh của tuyết cũ lướt ngang cổ áo.

Y không ngoái lại. Bởi từ hôm nay, mọi do dự đều phải bị bỏ lại sau lưng.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip