[002] Cú Đánh Thức Tỉnh Trí Sáng Tạo - Roger von Oech - P.01

Lĩnh vực: Sáng tạo
___

1. "Mỗi ngày là một mặt trời mới." – Heraclitus

2. Chìa khóa đích thực để trở nên sáng tạo nằm ở những gì chúng ta làm với kiến thức của mình.

3. Người sáng tạo luôn muốn trở thành người biết tất cả. Anh ta không biết khi nào những ý tưởng đó có thể liên kết với nhau để tạo ra một ý tưởng mới. Nó có thể xảy ra chỉ sau sáu phút hoặc phải sau sáu năm. Nhưng người sáng tạo luôn tin rằng điều đó sẽ xảy ra.

4. Thay đổi văn cảnh là phương pháp khám phá các khả năng. Ví dụ thay đổi khái niệm "vòng bi" từ văn cảnh "vật làm giảm ma sát" sang "vật sáng bóng và xinh xắn" sẽ mang lại ý tưởng trong lĩnh vực trang sức và nghệ thuật.

5. Johannes Gutenberg, nhà sáng chế người Đức thế kỷ XV. Gutenberg đã kết hợp hai ý tưởng vốn không hề liên quan đến nhau: ép rượu vang và dập tiền xu. Mục đích của việc dập tiền xu là để tạo ra hình ảnh trên một diện tích nhỏ, như một đồng tiền vàng. Hoạt động ép rượu vang là tác động lực lên một diện tích lớn để ép nước nho từ quả nho. Một ngày, sau khi Gutenberg đã uống một hoặc hai ly rượu vang, ông tự hỏi: "Nếu ta xếp một loạt đồng tiền xu dập nổi rồi tác động lên đó một lực như lực ép rượu vang để chúng in hình lên giấy thì sẽ ra sao?" Kết quả của sự kết hợp này là phát minh in sắp chữ ra đời.

6. "Khám phá bao gồm việc nhìn những điều mọi người đều nhìn thấy và nghĩ ra một điều gì đó khác biệt." – Albert Szent Gyorgi

7. Một thầy giáo sáng tạo đã mời một học sinh đến nhà uống trà vào buổi chiều. Sau một lúc nói chuyện, họ bắt đầu thưởng thức trà. Người thầy rót từng ít trà một vào tách của học sinh. Sau khi tách đã đầy, ông vẫn tiếp tục rót. Trà đầy tràn tách và chảy xuống sàn nhà.

Cuối cùng, cậu học sinh nói: "Thưa thầy, thầy phải ngừng rót trà chứ; trà đã đầy tràn rồi và sẽ không vào trong tách nữa".

Thầy giáo trả lời: "Em thật tinh ý. Điều tương tự cũng đúng với em. Nếu em muốn thu nhận bất kỳ lời dạy nào của thầy, em phải trút hết những gì trò đang có trong chiếc tách trí tuệ của mình".

Bài học: Chúng ta cần quên đi những gì đã biết.

Giống như ở ví dụ trên, Gutenberg đã quên đi rằng việc ép rượu chỉ dành để ép những trái nho.

8. Thông thường, những ổ khóa trí tuệ gắn chặt với lối tư duy và hành vi của chúng ta đến mức chúng ta không thể nhận ra rằng mình đang bị chúng dẫn dắt. Chúng trở thành những thói quen và sự nguy hiểm của thói quen là con người có thể trở thành "tù nhân của sự quen thuộc". Chúng ta càng thường xuyên thực hiện một công việc theo một cách nào đó – dù là nấu ăn hay quản lý dự án – thì càng khó để thực hiện nó theo một cách khác. Con người thường bị mắc kẹt vào một lối tư duy nào đó.

Nếu không có khả năng tạm thời quên đi những gì đã biết, chúng ta sẽ nằm trong mớ hỗn độn những câu trả lời đã có sẵn và không bao giờ có thể bắt đầu một lối đi mới.

...

Ổ khóa thứ nhất: 
Một câu trả lời chính xác

9. Phần lớn hệ thống giáo dục của chúng ta là để dạy cho con người tìm ra "một câu trả lời chính xác". Trong suốt quá trình học tập, một người bình thường sẽ phải trải qua 2.600 bài kiểm tra, kỳ thi vấn đáp và thi tự luận, và phần lớn những kỳ thi đó giống như bài tập bạn đã làm. Lối tiếp cận "một câu trả lời chính xác" đã trở nên thâm căn cố đế trong tư duy của chúng ta. Điều này có thể tốt cho một số vấn đề mang tính toán học, nơi chỉ có duy nhất một câu trả lời đúng. Nhưng vấn đề là ở chỗ, cuộc sống không như vậy. 

Cuộc sống rất mơ hồ; có rất nhiều câu trả lời chính xác – tất cả phụ thuộc vào điều mà bạn tìm kiếm. Nhưng nếu bạn luôn nghĩ rằng cuộc sống luôn chỉ có duy nhất một câu trả lời chính xác, bạn sẽ dừng tìm kiếm ngay sau khi tìm thấy một đáp án.

10. Hãy nhìn quanh nơi bạn đang ngồi và tìm bốn sự vật có "màu đỏ". Bạn sẽ thấy khi bạn nghĩ đến "màu đỏ", màu đỏ sẽ ngay lập tức xuất hiện trước mắt bạn: cuốn sổ điện thoại màu đỏ, màu đỏ ở vết phỏng rộp trên ngón trỏ của bạn, màu đỏ trên lịch và trên nhiều sự vật khác. Tương tự, cứ mỗi khi bạn học một từ mới, bạn sẽ nghe thấy nó nhiều lần trong những ngày sau đó. Điều này cũng giống như thời trang, chắc chắn bạn sẽ nhận ra rằng sau khi có một chiếc ôtô mới, bạn sẽ thấy nó ở khắp mọi nơi. 

Con người luôn tìm thấy những gì họ tìm kiếm. Nếu tìm kiếm cái đẹp, chúng ta sẽ thấy cái đẹp. Nếu tìm kiếm âm mưu, chúng ta sẽ thấy âm mưu. Tất cả chỉ là ở việc cài đặt kênh trí tuệ của chính mình.

11. Cô hỏi cả lớp đó là gì. Một học sinh nói: "Một dấu chấm bằng phấn trên bảng ạ". Những học sinh còn lại trong lớp cảm thấy an tâm khi điều hiển nhiên đã được nói ra và không ai muốn nói thêm gì nữa. Cô giáo nói: "Cô rất ngạc nhiên về các em. Hôm qua, cô đã giao bài tập tương tự cho một nhóm học sinh mẫu giáo và các em đó đã nghĩ được tới 50 sự vật khác nhau: một mắt của chim cú, đầu mẩu thuốc lá, đỉnh cột điện thoại, một ngôi sao, viên đá cuội, một con bọ bị đập bẹp, một quả trứng ung... Chúng có trí tưởng tượng thật phong phú". 

Trong vòng 10 năm từ khi học lớp mẫu giáo cho đến phổ thông, chúng ta không chỉ học cách tìm ra một câu trả lời chính xác mà còn mất đi khả năng tìm kiếm nhiều câu trả lời đúng. Chúng ta học cách để trở nên cụ thể nhưng mất đi rất nhiều sức mạnh của trí tưởng tượng.

12. Tính thực tiễn của việc tìm kiếm "một câu trả lời chính xác" có thể mang lại những hậu quả nghiêm trọng, ngăn cản chúng ta suy nghĩ và giải quyết các vấn đề. Mọi người hầu như đều không thích các vấn đề và khi đối mặt với chúng, họ thường giải quyết bằng giải pháp đầu tiên mà họ tìm ra mà thiếu suy xét đến các phương án khác. Điều này rất nguy hiểm. 

Nếu bạn chỉ có một ý tưởng, bạn sẽ chỉ thấy duy nhất một lối đi trước mắt và điều đó rất mạo hiểm trong thế giới mà sự linh hoạt là yếu tố sống còn.

13. "Không có gì nguy hiểm hơn một ý tưởng khi nó là ý tưởng duy nhất chúng ta có." – Emile Chartier

14. Để tư duy hiệu quả hơn, chúng ta cần nhiều quan điểm khác nhau. Nếu không, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong việc tìm kiếm những điều giống nhau và không thể nhìn nhận sự việc theo một hướng mới.

15. Một trường học hàng đầu về kinh doanh đã tiến hành một nghiên cứu và thấy rằng ban đầu, những sinh viên tốt nghiệp của trường làm việc rất tốt, nhưng trong vòng 10 năm sau, họ bị một nhóm người thực dụng và tinh ranh hơn thay thế. Theo vị giáo sư, người đã thực hiện nghiên cứu này, nguyên nhân là do: 

"Chúng tôi đã dạy họ cách giải quyết vấn đề chứ không phải cách nhận biết cơ hội. Khi cơ hội gõ cửa, họ lại treo tấm biển 'Đừng làm phiền' bên ngoài."

16. Thủ thuật để tìm ra câu trả lời chính xác thứ hai là thay đổi những câu hỏi bạn đặt ra để thăm dò một vấn đề. Ví dụ, bạn nghe thấy người ta hỏi: "Câu trả lời là gì?", "Ý nghĩa của điều này là gì?" hay "Kết quả là gì?" rất nhiều lần rồi. Những người này đang tìm kiếm một câu trả lời, một ý nghĩa và một kết quả. Và đó cũng là tất cả những gì họ sẽ tìm thấy – chỉ một mà thôi. Nếu bạn đặt ra những câu hỏi thu hút những câu trả lời như "Các câu trả lời là gì?", "Những ý nghĩa là gì?" hoặc "Những kết quả là gì?", bạn sẽ thấy mọi người suy nghĩ sâu hơn và đưa ra nhiều ý tưởng hơn.

17. "Cách tốt nhất để có một ý tưởng hay là tìm ra thật nhiều ý tưởng." - Linus Pauling

18. Thủ thuật để tìm được nhiều câu trả lời hơn là thay đổi từ ngữ trong câu hỏi. Nếu một kiến trúc sư đang tìm kiếm một cách để nối hai căn phòng nghĩ: "Mình nên sử dụng loại cửa nào để nối thông những căn phòng này?" Đó là những gì cô ta sẽ thiết kế – một cái cửa. Nhưng nếu nghĩ "Mình nên đặt loại lối đi nào ở đây?" cô ta có thể sẽ thiết kế một điều gì đó khác biệt như một "hành lang", một "đường hầm" hay là một "khoảng sân nhỏ". 

Những từ ngữ khác nhau mang lại những nhận định khác nhau và dẫn tư duy của bạn theo những hướng khác nhau.

19. Một chiến lược như trên có thể có tác dụng như sau. Nhiều thế kỷ trước, một bệnh dịch chết người kỳ lạ đã tấn công vào một ngôi làng ở Lithuania. Điều kỳ lạ của căn bệnh này là ở tác động của nó lên nạn nhân; khi một người nhiễm bệnh, anh ta sẽ chìm vào cơn hôn mê sâu, gần như đã chết. Hầu hết người bệnh chết trong vài ngày, nhưng một số người có tinh thần mạnh mẽ có thể bình phục một cách kỳ diệu. Trình độ y học ở thế kỷ XVIII không thật sự phát triển, nên những người khỏe mạnh phải thăm dò xem nạn nhân đã chết hay còn sống.

Tuy nhiên, một hôm người ta phát hiện ra có người sau khi chôn cất vẫn còn sống. Điều đó khiến những người trong thị trấn lo sợ và triệu tập một cuộc họp quyết định nên làm gì để ngăn tình huống trên lặp lại. Sau rất nhiều tranh cãi, hầu hết mọi người ủng hộ ý kiến để thức ăn và nước uống vào quan tài. Thậm chí, họ còn đục một lỗ thông hơi từ nắp quan tài lên mặt đất. Giải pháp này tốn kém nhưng sẽ cứu được nhiều mạng sống. Một nhóm khác đề xuất giải pháp rẻ tiền hơn: đóng một chiếc đinh nhọn vào mặt trong của nắp quan tài, chính xác ở vị trí tim của nạn nhân. Khi đóng nắp áo quan, dù tình trạng của nạn nhân ra sao, họ cũng sẽ yên nghỉ. Điều khiến cho những giải pháp trở nên khác nhau chính là những câu hỏi được đặt ra. Trong khi nhóm thứ nhất đặt ra câu hỏi: "Chúng ta sẽ làm gì nếu chôn một ai đó còn sống?", thì nhóm thứ hai lại đặt ra câu hỏi: "Chúng ta làm gì để chắc chắn mọi người được chôn đều chết?"

20. Năm 542 trước Công nguyên, Croesus, người trị vì cuối cùng của đế chế Lydia đã hỏi ý kiến nhà tiên tri xứ Delphi về cách đối phó với người Ba Tư. Ngài nhận được lời dự báo: "Nếu ngài tấn công, một đế chế vĩ đại sẽ bị phá hủy". Croesus cho rằng đây là một dấu hiệu tích cực và dẫn quân đội tấn công Ba Tư. Ngài nhận định mình sẽ phá hủy đế chế Ba Tư. Nhưng thay vào đó, ngài đã thất bại thảm hại và đế chế Lydia đã biến mất.

Sự băng hà của Croesus minh họa cho hậu quả có thể xảy ra khi chúng ta bằng lòng với câu trả lời chính xác đầu tiên – đặc biệt, nếu đó là câu trả lời mà chúng ta nhận định một cách chủ quan rằng sẽ tìm thấy.

21. "Mọi sự vật đều thích giấu giếm bản chất thật sự của mình." – Heraclitus

22. Trí tuệ của chúng ta bị những câu trả lời có sẵn chiếm chỗ. Khi gặp những tình huống tương tự những gì chúng ta đã trải qua, chúng ta mặc nhiên cho rằng chúng sẽ có một kết quả tương tự như kết quả trước đó (Croesus đã từng tấn công các kẻ thù khác và đều giành chiến thắng).

23. "Đối với thành công của tôi, 'bộ quên' có vai trò quan trọng tương đương bộ nhớ." – Henry Miller

24. Một ví dụ khác là trường hợp của triết gia Hy Lạp cổ đại Pythagoras. Một ngày, trong cuộc đi dạo thường xuyên của mình, khi đi qua xưởng của người thợ rèn trên đảo Samos, ông đột nhiên quên mất những âm thanh ầm ĩ do búa đập vào sắt thường được gọi là "tiếng ồn", như phản ứng bình thường của ông – mà thay vào đó, ông nghe chúng như "thông tin". Ông nhanh chóng phát hiện ra rằng những âm thanh kia có một câu trả lời chính xác thứ hai, đó là cường độ âm là một hàm số của độ dài vật liệu khi bị đập – và điều này đã trở thành nguyên lý toán học đầu tiên của ông.

25. "Khi không có mặt trời, chúng ta có thể thấy những vì sao." – Heraclitus

26. Sự thật luôn ở quanh bạn; vấn đề quan trọng là bạn tập trung vào chỗ nào.

27. Những hiểu biết thông thường nào bạn đang tin tưởng? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn quên những câu trả lời có sẵn trong đầu và tìm kiếm những phương án mới?

...

Ổ khóa thứ hai:
Điều đó không logic

28. Nguyên tắc đầu tiên của logic truyền thống là luật không mâu thuẫn. Logic chỉ có thể hiểu những điều có bản chất nhất quán và không mâu thuẫn. Điều này là tốt trừ việc phần lớn cuộc sống của chúng ta là không rõ ràng: sự không nhất quán và mâu thuẫn là dấu hiệu xác nhận sự tồn tại của con người. Kết quả là số lượng những sự vật có thể xếp vào kiểu logic thì nhỏ và nếu quá nhấn mạnh phương pháp logic sẽ làm hạn chế tư duy của bạn.

Hệ thống giáo dục của chúng ta thực hiện khá tốt việc phát triển những kỹ năng tư duy cứng rắn nhưng không phát triển nhiều kỹ năng tư duy mềm dẻo. Chính vì thế, giáo dục hầu như hướng tới loại trừ tư duy mềm dẻo, hoặc trong trường hợp tốt nhất có thể, dạy chúng ta coi nó là một công cụ thấp kém. Khả năng âm nhạc, trang trí, vẽ và nấu ăn dường như không có chỗ trong những khái niệm về trí tuệ của những người ra đề thi.

29. Rất ít người sử dụng tư duy mềm dẻo. Cảm giác mà họ nghĩ về nó là "điều đó là không logic". Khi đối mặt với một vấn đề, ngay lập tức họ sẽ sử dụng phương pháp tư duy cứng rắn. Họ nói: "Hãy đi sâu vào bản chất của vấn đề". Họ không bao giờ xem xét những khả năng khác. Nếu sử dụng một chút tư duy mềm dẻo trong giai đoạn đầu của quá trình sáng tạo, chúng ta vẫn có thể có được "bản chất của vấn đề", tuy nhiên, chúng ta cũng có thể thay cân nhắc những phương án thay thế.

30. "Thế giới này có hai kiểu người: một kiểu chia mọi sự vật thành hai nhóm và kiểu còn lại thì không." – Kenneth Boulding

31. Tư duy mềm dẻo cố gắng tìm ra những điểm tương đồng và sự kết nối giữa các sự vật trong khi tư duy cứng rắn tập trung vào những sự khác biệt của chúng. Ví dụ: người có tư duy mềm dẻo nói rằng con mèo và cái tủ lạnh có rất nhiều điểm giống nhau và chỉ ra những điểm tương đồng (chúng đều có chỗ để cất con cá, có đuôi, có nhiều màu sắc, cả hai đều phát ra âm thanh đều đều, có thời gian tồn tại khoảng 15 năm...). Người có tư duy cứng rắn sẽ nói rằng chúng thuộc hai nhóm hoàn toàn khác nhau.

32. Chúng ta sử dụng tư duy mềm dẻo và cứng rắn ở đâu?

Có hai pha trạng thái trong sự phát triển của các ý tưởng mới: pha tưởng tượngvà pha thực tế.

Trong pha tưởng tượng, chúng ta tạo ra và chơi đùa với các ý tưởng. Trong pha thực tế, chúng ta đánh giá và thi hành chúng. Để chăm sóc cho khu vườn ẩn dụ, pha tưởng tượng gieo xuống những ý tưởng mới còn pha thực tế cày cấy và thu hoạch.

Trong pha tưởng tượng, chúng ta đặt ra những câu hỏi như: Nếu... thì sao? Tại sao không...? Chúng ta có thể vi phạm những luật lệ nào? Những nhận định nào có thể bỏ qua? Nếu chúng ta nhìn nó từ phía sau thì sẽ như thế nào? Chúng ta có thể mượn một lối nói ẩn dụ từ lĩnh vực khác không? Phương châm của trạng thái này là: "Nghĩ ra một điều gì đó khác biệt".

Trong pha thực tế, chúng ta đặt ra những câu hỏi như: Ý kiến này tốt không? Chúng ta có nguồn lực để thực hiện nó chứ? Sự tính toán thời gian đã ổn chưa? Ai có thể giúp đỡ chúng ta? Hạn cuối là khi nào? Hậu quả của việc không đạt được mục tiêu là gì? Phương châm của trạng thái này là: "Làm được một điều gì đó".

Cả hai dạng tư duy trên đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình sáng tạo, nhưng thường là trong những trạng thái khác nhau. Tư duy mềm dẻo có hiệu quả trong pha tưởng tượng khi bạn tìm kiếm những ý tưởng mới và xử lý các vấn đề. Trong khi đó, tư duy cứng rắn được sử dụng tốt nhất trong pha thực tế khi chúng ta đánh giá các ý tưởng, thu hẹp những giải pháp thực tế, thực hiện các phân tích rủi ro và chuẩn bị đưa ý tưởng vào hành động.

33. Trí tuệ không phải chỉ là một chiếc máy tính xử lý thông tin, nó còn là một viện bảo tàng lưu trữ vô vàn trải nghiệm, một thiết bị mã hóa ảnh nổi ba chiều, sân chơi để vui đùa, cơ bắp để tập luyện, xưởng làm việc xây dựng nên những ý tưởng, đối thủ trong tranh luận để vượt qua, chú mèo để vuốt ve, một nơi giải trí để khám phá và 41 sự vật khác. Có rất nhiều cách chính xác để mô hình hóa tinh thần, tất cả phụ thuộc vào những gì bạn cho là quan trọng.

34. Kết quả đáng buồn nhất của ổ khóa "điều đó là không logic" là những tù nhân của nó không thể chú ý được đến sự mềm dẻo nhất và có giá trị nhất của tinh thần, đó là linh cảm trực giác. Trí tuệ không ngừng ghi nhớ, kết nối và lưu trữ những kiến thức, trải nghiệm và cảm giác không liên hệ với nhau. Sau đó, nó kết hợp những thông tin rời rạc này thành những câu trả lời – những linh cảm – cho các vấn đề mình bắt gặp. Những linh cảm đó, không với bất kỳ nguyên nhân logic rõ ràng nào, có thể dẫn dắt chúng ta thử nghiệm một hướng giải quyết vấn đề khác như thử hẹn hò một cách mù quáng, đặt cược cho cửa dưới trong một sự kiện thể thao, một chuyến đi nghỉ bất ngờ hay bỏ qua lời khuyên của một người bạn mà mình luôn tin tưởng.

35. Ẩn dụ giúp chúng ta hiểu được ý tưởng này bằng ý nghĩa của một ý tưởng khác. 

Điểm then chốt của một tư duy ẩn dụ là sự tương đồng. Trong thực tế, cách phát triển tư duy của chúng ta phát triển là: chúng ta hiểu được những điều xa lạ bằng những điểm tương đồng mà nó có với những điều quen thuộc với mình.

Ví dụ: chúng ta hiểu được bản chất của một chức năng tài chính cụ thể bằng cách so sánh nó với một con chó giữ nhà (đều có tác dụng bảo vệ), sự trôi qua của thời gian với một dòng sông (dòng chảy) và mối quan hệ tương hỗ về mặt thức ăn của thế giới động vật với một chuỗi (các liên kết).

Ví dụ: cái ôtô đầu tiên được gọi là gì? Đó là "xe không ngựa kéo". Và các đầu máy xe lửa đầu tiên được gọi là "những con ngựa sắt". Chúng ta luôn quy những điểm tương đồng giữa các sự vật với nhau như búa có "đầu", bàn có "chân", đường có "lề", thành phố có "trái tim" và giường có "đầu". Tất cả đều rất mềm dẻo nhưng đó là cách chúng ta suy nghĩ.

36. Đây là một ẩn dụ về ẩn dụ. Hãy hình dung là bạn bay đến Chicago, nơi bạn chưa từng đặt chân đến. Bạn xuống máy bay và thuê một chiếc ôtô. Bạn sẽ làm gì đầu tiên? Kiếm một tấm bản đồ thành phố để xem nó như thế nào, vị trí các đường phố và các địa điểm. Bản thân bản đồ không phải là Chicago nhưng nó đã cho bạn một khái niệm cơ bản về cấu trúc của thành phố. Như vậy, ẩn dụ là một bản đồ trí tuệ.

37. Rất nhiều thầy giáo vĩ đại đã sử dụng ẩn dụ để trình bày ý kiến của mình. Socrates so sánh tâm trí của con người với "một con tàu, trong đó các thủy thủ nổi loạn và giam giữ thuyền trưởng ở đuôi tàu". Jesus ví Vương quốc của Chúa trời với một "kho báu bị che giấu" và một "bữa tiệc cưới". Triết gia cổ đại Trung Quốc, Lão Tử, sử dụng khái niệm "căn phòng không cửa sổ" và "trục rỗng của bánh xe ba mươi nan hoa" để mô tả những bản chất không được phép nói ra của nhà Tần. Với Đức Phật, điều được nói đến đầu tiên trong Tứ để đó là: cuộc sống là dukkha (thường được dịch là "khổ đế").

38. Các hình ảnh ẩn dụ cũng giúp chúng ta có được một quan điểm khác về một vấn đề. 

Ví dụ: vào thế kỷ XVII, bác sĩ William Harvey không nhìn nhận trái tim như một cơ hay bộ phận mà là một "cái bơm". Điều này dẫn tới khám phá của ông về sự tuần hoàn máu trong cơ thể. Đầu thế kỷ XX, nhà vật lý người Đan Mạch, Niels Bohr, đã phát triển một mô hình nguyên tử mới khi so sánh nó với hệ mặt trời. Ông chỉ ra trong hệ cơ sở đó, mặt trời đại diện cho hạt nhân và các hành tinh đại diện cho các electron.

39. Nhà sinh vật học người Mỹ, Leigh Van Valen, đã lấy cảm hứng từ nhân vật Hoàng hậu Đỏ trong cuốn Through the Looking Glass (Qua tấm gương soi) của Lewis Carroll để làm hình ảnh ẩn dụ về phép tiến hóa của mình. Hoàng hậu Đỏ cố gắng chạy hết sức nhưng không bao giờ đi tới bất cứ nơi nào vì mọi sự vật khác xung quanh cũng đang chuyển động. Bà nói với Alice: "Phải chạy hết sức để giữ nguyên vị trí!"

Van Valen nói: dù một loài có thích nghi với môi trường sống hiện tại của nó tốt đến đâu, nó vẫn tiếp tục tiến hóa để bắt kịp với các sinh vật cạnh tranh và kẻ thù cũng đang tiến hóa. Như vậy, hiệu ứng Hoàng hậu Đỏ là: không làm gì và bị bỏ phía sau, hoặc chạy hết sức để giữ nguyên vị trí. Điều này cũng được tìm thấy trong lĩnh vực kinh doanh, thể thao, phát triển kỹ thuật mới và các cuộc chạy đua vũ trang.

40. "Ẩn dụ là sức mạnh mang tính sáng tạo cao nhất mà con người có được." – Jose Ortega y Gasset

41. Ngôn ngữ của chúng ta rất giàu tính ẩn dụ. 

Ví dụ: một số giáo viên nhìn nhận công việc của mình giống như công việc của những nhà làm vườn. Khả năng học tập cơ bản của học sinh như "hạt giống". Vai trò của họ là cung cấp "đất" và "ánh sáng" phù hợp với sự "phát triển" của học sinh. Một số học sinh như "loài cây tốt rễ", trong khi những học sinh khác "ra hoa" và "kết quả". Một vài học sinh cần "nhà kính" để phát triển, trong khi một số khác có thể thành công trên "sa mạc khô cằn".

42. Ngôn ngữ mà những người làm trong lĩnh vực tài chính sử dụng là một ví dụ tiêu biểu cho phép ẩn dụ. Mỗi khi tôi làm việc với những giám đốc ngân hàng hay nhân viên kế toán, họ nói về những việc mình làm như thể họ là những thợ sửa ống nước. Và họ sử dụng "Mô hình Nước của ngành Tài chính" để mô tả công việc của mình: Tràn ngập thị trường, tiền đã được rửa, tài sản lưu động, có khả năng hòa tan, quỹ đen, đóng băng nợ, thất thoát vốn, dòng tiền mặt, ...

43. Ẩn dụ là một công cụ xuất sắc giúp bạn "nghĩ ra một điều gì đó khác biệt". Hãy tưởng tượng mình là một nhà thơ và tìm kiếm những điểm tương đồng ở xung quanh. Nếu bạn gặp một vấn đề, hãy nghĩ ra một phép ẩn dụ. Nó sẽ mang tới một quan điểm mới và hữu hiệu về vấn đề đó.

...

Ổ khóa thứ ba:
Tuân thủ các luật lệ

44. Khi đã hấp thụ quá nhiều luật lệ vào tư duy của mình đến mức sau một thời gian, chúng trở thành những nhận định mù quáng. Nếu cứ tiếp tục đi theo những nhận định đó, bạn khó có thể đổi mới được.

45. Các khuôn mẫu cho chúng ta sức mạnh để hiểu thế giới và vì thế, chúng chi phối tư duy của con người – chúng trở thành các luật lệ mà dựa vào đó chúng ta chơi trò chơi cuộc sống.

46. "Mỗi hành động của sự kiến tạo, trước hết, là một hành động của sự phá hủy." – Pablo Picasso

47. Với tuyên bố trái đất quay xung quanh mặt trời, nhà thiên văn học người Ba Lan, Copernicus, đã phá vỡ quy tắc coi con người là trung tâm của vũ trụ. Với những vần thơ ca ngợi tình yêu, nhà thơ người Hy Lạp, Sappho, đã phá vỡ quy luật cho rằng phụ nữ không có khả năng viết nên những áng thơ ca tuyệt vời. Với những đoạn kết của bản nhạc được chơi nhỏ dần và tăng gấp đôi các đoạn fuga trong dàn nhạc, Beethoven đã phá vỡ quy tắc sáng tác một bản giao hưởng. Với những tấn công bằng tia chớp từ thiết bị cơ khí hóa của mình, Erwin Rommel, vị tướng người Đức, đã phá vỡ những quy luật chiến đấu. Hãy nhớ rằng: hầu hết những tiến bộ trong nghệ thuật, y học, nông nghiệp, kỹ thuật, marketing, truyền thông, giáo dục, chính trị và thiết kế đều diễn ra khi một ai đó thách thức các luật lệ và thử một hướng tiếp cận khác.

48. "Nếu bạn không thường xuyên hỏi "tại sao là điều này?", sẽ có người hỏi "tại sao là bạn?" - Tom Hirshfield

49. "Tư duy sáng tạo có thể đơn giản là việc nhận ra không có một ưu điểm đặc biệt nào trong việc làm các công việc theo cách chúng luôn được tiến hành." - Rudolph Flesch

50. Thách thức các quy luật là một chiến lược tư duy sáng tạo tốt nhưng không phải là tất cả. Đừng nên thách thức các luật lệ mang đến ít nhất hai nguy hiểm tiềm tàng

Thứ nhất, bạn có thể bị giam hãm trong một lối tiếp cận, phương pháp hay chiến lược mà không nhìn thấy các cách khác có thể còn phù hợp hơn. Và do đó, bạn có thể điều chỉnh các vấn đề của mình theo những nhận thức trước đó, điều khiến bạn giải quyết vấn đề theo cách có sẵn.

Thứ hai"Hiện tượng Aslan" diễn ra như sau:

1. Chúng ta tạo các quy luật dựa trên những nguyên nhân rất có ý nghĩa.

2. Chúng ta tuân theo những quy luật này.

3. Thời gian trôi qua và sự vật thay đổi.

51. Những nguyên nhân ban đầu khiến các quy luật hình thành có thể không còn tồn tại, nhưng vì các quy luật vẫn còn nên chúng ta tiếp tục tuân theo chúng.

Ví dụ: Tôi thích chạy và tôi có năm hoặc sáu lộ trình tùy thuộc vào khoảng cách tôi muốn. Một trong số đó là tuyến đường đi xuyên qua vùng lân cận có độ dài khoảng 6,5 km. Theo quy luật, tôi kết thúc cuộc chạy tại một địa điểm cách căn nhà của chúng tôi hai khoảnh đất bởi vài năm trước, khi tôi bắt đầu lộ trình này, tại đây có một chú chó săn to lớn, thân thiện, màu hung vàng.

Tên của chú chó đó là Aslan. Khi chạy xong, tôi sẽ dành thời gian vuốt ve nó, thư giãn và ném quả bóng tennis cho nó chơi. Dừng lại trước ngôi nhà của Aslan trở thành quy luật để tôi có một kết thúc tốt đẹp cho cuộc chạy vui vẻ.

Nhưng mọi việc đã thay đổi. Chủ nhân của Aslan chuyển nhà và mang theo nó. Tuy nhiên, mỗi khi chạy theo lộ trình này, tôi vẫn dừng lại ở địa điểm cũ – cho dù Aslan không còn sống ở đó. Có thể còn có rất nhiều địa điểm dễ chịu hơn để kết thúc cuộc chạy nhưng vì tuân theo một quy luật lỗi thời, tôi đã không tìm kiếm chúng.

Bài học: Khi quy luật được tạo ra, rất khó loại trừ nó mặc dù nguyên nhân ban đầu của việc hình thành nó đã biến mất. Như vậy, tư duy sáng tạo không chỉ bao gồm việc tạo ra những ý tưởng mới mà còn thoát khỏi những ý tưởng lỗi thời.

52. Giết con bò thần

Một số luật lệ đã thành công đến mức được miễn chỉ trích. Chúng trở thành "những con bò thần" – điều không chê vào đâu được. Và do đó, con người sợ thách thức chúng. 

Ví dụ: người ta nói rằng hoàng đế nước Phổ, Frederick Đại đế (1712-1786), đã thua trận Jena năm 1806. Điều đó có nghĩa là 20 năm sau khi ông băng hà, quân đội vẫn ghi nhớ tài năng lãnh đạo thành công của ông thay vì chấp nhận những thay đổi trong nghệ thuật chiến tranh. Nếu những vị tướng dám thắc mắc về nguyên lý quân sự thần thánh của Frederick, chắc hẳn họ đã chiến thắng khi đối đầu với Napoleon.

53. Tránh yêu thích những ý tưởng. 

Ông chủ nhà in của tôi đã khuyên tôi: "Nếu anh muốn thành công, đừng yêu thích một kiểu chữ đặc biệt nào vì khi đó, anh sẽ muốn sử dụng nó ở khắp nơi – thậm chí ở những vị trí không phù hợp". Điều này cũng đúng với các ý tưởng. Tôi từng thấy những người yêu một cách tiếp cận cụ thể và sau đó, họ không thể nhìn thấy giá trị của những phương pháp khác.

54. Hiện tượng Thuban

Mọi ý tưởng đúng dần dần sẽ trở thành sai lầm. Ý tưởng đúng có thể trở thành sai lầm, nhưng ở những tình huống nhất định, nó lại có thể trở thành ý tưởng đúng. Tôi đã đặt tên cho hiện tượng này dựa theo Thuban, tên "sao Bắc cực" trong quá khứ và trong tương lai. Đây là câu chuyện về nó.

"Sao Bắc cực" hiện tại của chúng ta là Polaris. Khi nhìn lên bầu trời, chúng ta thấy dường như tất cả những ngôi sao khác đều quay quanh nó. Nhưng vai trò trung tâm bầu trời đêm của Polaris không phải là vĩnh viễn. Bởi trái đất quay quanh trục của nó, nó cũng nghiêng đảo như một con quay. Qua một chu kỳ 26.000 năm, trục của trái đất vẽ một vòng tròn trên bầu trời phương bắc và tất cả các ngôi sao thuộc vòng tròn đó đều có một lần trở thành "sao Bắc cực".

Một trong những ngôi sao từng đóng vai trò "sao Bắc cực" là Thuban, một ngôi sao trong chòm sao Thiên long. Từ năm 4000 đến năm 1800 trước Công nguyên, Thuban là "ánh sáng dẫn đường" mà người cổ đại dùng để tìm ra hướng chính bắc. Người Ai Cập cổ dùng Thuban để xếp thẳng hàng các kim tự tháp vĩ đại của Giza; các bộ tộc thời kỳ đồ đá mới tại Anh dùng nó để sắp xếp Stonehenge; và các nhà thiên văn học Babylon đã dùng các ghi chép của bầu trời đêm với Thuban là trung tâm để tạo ra loại lịch có độ chính xác rất cao.

Tuy nhiên, không có gì là mãi mãi. Do chu kỳ đảo trục của trái đất, Thuban trôi ra khỏi hướng chính bắc và dịch chuyển gần 470 khỏi vị trí đó vào năm 10.000 sau Công nguyên.

Nhưng đây mới là phần thú vị nhất: vào năm 20.300 sau Công nguyên, Thuban sẽ lại là "sao Bắc cực" của trái đất. Tôi phân vân tự hỏi Thuban sẽ tạo ra những điều kỳ diệu nào khi trở lại là "trung tâm của bầu trời đêm".

55. Sự di chuyển của Thuban từ trung tâm quan trọng đến nơi không ai biết tới rồi trở lại là một phép ẩn dụ có ích có thể áp dụng cho tư duy sáng tạo:

1. Bạn có một "ngôi sao chỉ đường". Nó có thể là một ý tưởng, niềm tin, niềm đam mê, chiến lược hoặc triết lý chỉ dẫn cho suy nghĩ và hành động của bạn.

2. Bạn thay đổi. Giống như trái đất có sự xáo trộn của nó, trục quay của cuộc đời bạn cũng có sự thay đổi. Bạn phát triển những đam mê mới, thay đổi nơi ở và gặp những con người mới – điều khiến bạn tìm ra "những ánh sáng dẫn đường" mới. Và "ngôi sao chỉ đường" ban đầu của bạn sẽ trở nên mất giá trị.

3. Sự vật tiếp tục thay đổi trong một "cách lặp lại". Giống như một cựu "sao Bắc cực" có thể trở lại vai trò trung tâm của bầu trời, đôi khi, một "ngôi sao dẫn đường" cũ cũng có thể trở lại giữ vị trí chủ đạo trong tư duy của chúng ta. Khi điều đó xảy ra, ý tưởng đó đã hoàn thành một hiện tượng Thuban.

56. Hầu hết chúng ta đều biết những cá nhân từng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ một niềm tin (chính sách, tôn giáo hay ham thích) khi còn trẻ, sau đó từ bỏ niềm tin đó và rồi quay trở lại "ngôi sao dẫn đường" ấy trong cuộc đời còn lại.

57. Sử dụng "Hiện tượng Thuban" trong tư duy sáng tạo: Đôi khi các ý tưởng, luật lệ và chiến lược thành công và sau đó không được sử dụng lại có thể mang lại thành công trong một bối cảnh mới. Như vậy, việc tìm kiếm trong quá khứ các ý tưởng, quy luật, giải pháp và quan trọng hơn tất cả – cảm hứng – là hết sức hữu dụng.

58. Tư duy sáng tạo không chỉ có tính xây dựng mà còn mang tính phá hủy. Thông thường bạn phải phá vỡ một khuôn mẫu để có thể khám phá ra một khuôn mẫu khác.

59. Hãy thực hiện cải cách và thách thức các luật lệ – đặc biệt là những quy luật bạn sử dụng để chi phối các hoạt động hàng ngày. Nếu bạn thường bắt đầu cạo râu từ bên trái, ngày mai hãy bắt đầu từ bên phải. Nếu bạn chưa từng xem một vở kịch trữ tình, hãy xem một số vở kịch trên tivi. Nếu bạn thường nghe nhạc rock, hãy thử nghe vài giai điệu nhạc jazz hoặc cổ điển. 

...

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip