[002] Cú Đánh Thức Tỉnh Trí Sáng Tạo - Roger von Oech - P.04
Lĩnh vực: Sáng tạo
___
Ổ khóa thứ chín:
Mắc lỗi là sai
204. Hầu hết mọi người đều cho rằng thành công và thất bại là trái ngược, nhưng thật ra, chúng đều là sản phẩm của cùng một quá trình.
Như Yaz đã nêu, một hành động tạo ra cú đánh trúng cũng sẽ tạo ra cú đánh trượt.
Điều này cũng đúng với tư duy sáng tạo. Năng lượng tạo ra các ý tưởng sáng tạo cũng có thể sẽ tạo ra các sai lầm.
Nhiều người không cảm thấy thoải mái với những lỗi lầm. Hệ thống giáo dục của chúng ta, dựa trên niềm tin vào "một câu trả lời chính xác", đã chăm sóc tư duy của chúng ta theo một phương pháp bảo thủ. Từ khi còn nhỏ, chúng ta đã được dạy rằng những câu trả lời đúng là tốt và những câu trả lời sai là xấu. Giá trị này ăn sâu vào hệ thống cho điểm và khen thưởng trong các trường học. Nói cách khác, chúng ta học được rằng mắc lỗi là sai.
Với thái độ đó, bạn sẽ không có nhiều cơ hội. Nếu học được rằng thất bại dù rất nhỏ cũng có thể mang lại bất lợi cho bạn (nếu chỉ sai 15% trong suốt thời gian học tập, bạn cũng vẫn chỉ được xếp loại "B"), bạn sẽ học được rằng không được phép mắc lỗi. Và quan trọng hơn, không được đặt mình vào những tình huống có thể sẽ đem lại thất bại. Điều này dẫn tới những khuôn mẫu tư duy được tạo ra để tránh xa "thất bại".
Một người bạn của tôi là thạc sỹ ngành báo chí. Trong vòng sáu tháng sau khi ra trường, cô ấy vẫn không tìm được việc làm. Tôi đã nói chuyện với cô về việc đó và nhận ra rằng vấn đề của cô là ở chỗ, cô không biết thất bại là như thế nào. Cô chưa từng trượt kỳ thi nào trong suốt 18 năm đi học. Do đó, cô luôn tin rằng thất bại là xấu, thay vì coi nó là một viên đá đặt chân để tạo ra những ý tưởng mới. Và cô không dám thử vì sợ thất bại. Hãy nhìn quanh bạn xem có bao nhiêu người không dám thử một điều gì đó mới chỉ vì sợ thất bại? Chúng ta đều được dạy rằng không được phép mắc lỗi trước đám đông. Vì thế, chúng ta đánh mất đi khả năng học những kinh nghiệm mới.
205. "Lỗi lầm của con người chính là cánh cửa dẫn đến sự khám phá." - James Joyce
206. Yaz: "Nếu bạn muốn đánh trúng, hãy chuẩn bị cho những cú đánh trượt." Đó là cách diễn ra trò chơi cuộc sống.
207. "Mọi động vật biết đi đều sẽ bị dẫn tới mục tiêu của mình bằng một cú đánh." – Heraclitus
208. Trong các hoạt động, tỷ lệ mắc lỗi của chúng ta tỷ lệ nghịch với mức độ quen thuộc với các hoạt động đó. Nếu làm mọi việc theo thói quen hàng ngày, chúng ta có thể mắc rất ít lỗi. Nhưng nếu làm những việc mà chúng ta chưa có kinh nghiệm hoặc thử những phương pháp tiếp cận mới, chúng ta sẽ tạo ra vô vàn lỗi sai. Những nhà cải cách có thể sai lầm hàng nghìn lần – hay nhiều hơn nữa – nhưng họ vẫn có được những ý tưởng mới.
209. Các sai lầm phục vụ cho một mục đích có ích: chúng cho biết khi nào cần đổi hướng.
Khi mọi việc suôn sẻ, chúng ta thường không nghĩ về chúng. Nói rộng ra thì điều này là do chúng ta hoạt động dựa trên nguyên tắc phản hồi tiêu cực. Thông thường, chỉ khi nào sự việc hay con người gặp thất bại thì chúng mới thu hút được sự chú ý của chúng ta.
Ví dụ: có thể ngay lúc này bạn không nghĩ đến hai xương bánh chè hay khuỷu tay của mình. Đó là vì chúng vẫn hoạt động tốt. Nhưng nếu bị gãy chân, bạn sẽ ngay lập tức nhận ra tất cả những gì mình không thể làm được nữa, những điều bạn vẫn thường làm mà không quan tâm đến tầm quan trọng của nó.
210. Phản hồi tiêu cực có nghĩa là phương pháp hiện tại không hiệu quả và bạn phải tìm ra một phương pháp mới. Chúng ta học bằng phương pháp thử và mắc lỗi chứ không phải thử và đúng. Nếu làm mọi việc đều chính xác, chúng ta ta sẽ không bao giờ phải thay đổi tiến trình và sẽ kết thúc tất cả mọi việc giống nhau.
211. Hầu hết mọi người đều không thay đổi khi họ "thấy ánh sáng". Họ chỉ thay đổi khi "cảm thấy cái nóng". Một nhân viên của tôi đã nói về việc mình từng bị sa thải như sau: "Đúng, bị đuổi việc thật là đau lòng, nhưng hóa ra lại là điều tốt nhất với tôi. Nó buộc tôi phải xoay xở để hiểu được chính mình. Tôi phải nhìn vào những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân không một chút ảo tưởng. Nó buộc tôi phải thoát khỏi cái hộp của mình và giành giật. Sáu tháng sau, tôi đã đã có được một công việc tốt hơn rất nhiều."
212. Thứ nhất, thành công có xu hướng khóa chúng ta vào một khuôn mẫu, và chúng ta có thái độ "Nếu nó không hỏng thì sao lại phải sửa?" Thái độ này ngăn cản chúng ta trải nghiệm và thử những cách tiếp cận khác có thể mang lại nhiều lợi ích hơn.
Thứ hai, thành công – éo le thay – có thể tạo ra các tình huống ngầm hủy hoại những mục đích ban đầu của chúng ta.
Thứ ba, nó có thể dẫn tới việc quá tự tin và trở nên ngạo mạn. Đối với tôi, sự tự tin là điều cần thiết khi muốn trở thành những người sáng tạo. Đó là vì khi tạo ra những điều mới mẻ, chúng ta đặt mình vào sự thất bại, lố bịch, chỉ trích và bác bỏ. Do vậy, cần nhận thức mạnh mẽ về giá trị của bản thân để kiên trì với các ý tưởng và biến chúng thành hiện thực.
Tuy nhiên, có một ranh giới nhỏ giữa sự nhận thức lành mạnh về khả năng của bản thân và sự ngạo mạn. Nếu luôn thành công, chúng ta có xu hướng tin rằng mình là người tài giỏi và sẽ không bao giờ thất bại. Điều này có thể ảnh hưởng rất lớn tới quá trình sáng tạo: trong một thế giới liên tục thay đổi, mọi ý kiến chính xác sẽ dần trở thành sai lầm. Với thái độ ngạo mạn, chúng ta sẽ không chú ý tới những quan điểm và thông tin trái ngược với niềm tin của mình. Chúng ta loại bỏ tiếng "trời!" và khuếch đại tiếng "hoan hô". Chúng ta tin rằng mình sẽ không bao giờ bị rơi vào những tình huống khốn khổ như những người khác.
213. Trong tiếng Hy Lạp cổ đại, "hubris" có nghĩa là kiêu ngạo và nó được xem là dấu hiệu báo trước sự sa sút của một con người. Bất kỳ kẻ nào cảm thấy đủ kiêu hãnh để thách thức các vị thần sẽ bị các vị thần thiêu đốt. Như đêm tiếp nối ngày, sự sụp đổ là tiếp nối của sự ngạo mạn.
214. Có phải thành công là tốt và thất bại là xấu? Khi nhìn lại cuộc đời mình, tôi nhận ra mình đã thành công trong một số cố gắng mà lẽ ra tôi đã có thể thực hiện tốt hơn nếu thất bại. Đó là vì sự thành công đã ngăn tôi thử nghiệm những cách tiếp cận khác nhau. Trái lại, đôi khi tôi cảm thấy vui vì mình đã thất bại trong một số vấn đề bởi nó buộc tôi phải tìm kiếm câu trả lời chính xác thứ hai, mà khi xem xét lại, tôi thấy thích hợp hơn câu trả lời thứ nhất.
215. Nếu mắc lỗi, hãy sử dụng nó như một viên đá đặt chân để bước tới một ý tưởng mới.
216. Phân biệt giữa lỗi lầm của "nhiệm vụ" và lỗi lầm của "việc bỏ sót". Lỗi thứ hai có thể phải trả giá đắt hơn. Khi làm một việc gì đó, nếu không bị mắc lỗi, bạn có thể tự hỏi: "Mình đang bỏ lỡ bao nhiêu cơ hội hội khi khi k không trở nên xông xáo xáo hơn?"
217. Trước khi bắt tay vào một ý tưởng hay một dự án, hãy tự hỏi: "Những điều bất lợi nào có thể xảy ra nếu chúng ta thành công? Những điều tốt đẹp không ngờ tới nào có thể xảy ra nếu chúng ta thất bại?"
...
Ổ khóa thứ mười:
Tôi không sáng tạo
218. Những người sáng tạo nghĩ rằng họ sáng tạo, và những người thiếu sáng tạo nghĩ rằng mình không sáng tạo.
Và do đó, người nghĩ mình không sáng tạo không bao giờ đặt họ vào vị trí có thể sử dụng khả năng sáng tạo của bản thân. Họ không bao giờ bước tới khu vực tưởng tượng của trí não, chơi đùa với kiến thức, thử mạo hiểm hay tìm kiếm câu trả lời chính xác thứ bảy.
Một vài người "không tự tin" kiềm chế bản thân bởi họ nghĩ rằng sáng tạo chỉ thuộc về những người như Einstein, Curie và Shakespeare. Đúng vậy, có những con người siêu việt trong lĩnh vực sáng tạo, nhưng những người này không thể có được những ý tưởng vĩ đại từ hư vô. Mà phần lớn những phát kiến của họ đến từ sự chú ý của họ vào các ý tưởng bình thường, vui chơi với chúng và biến chúng thành những ý tưởng lớn.
Như vậy, một trong những yếu tố chính phân biệt những người sáng tạo và những người thiếu sáng tạo chính là nhóm thứ nhất đã cấp cho mình một giấy phép để chú ý tới những ý tưởng nhỏ. Thậm chí dù không biết những ý kiến đó có thể dẫn tới đâu, nhưng họ biết rằng một ý tưởng nhỏ có thể đưa tới một đột phá lớn và tin rằng mình có khả năng khiến điều đó xảy ra.
219. "Điều khiến tôi quan tâm không phải là sự vật như thế nào mà là cách mọi người nghĩ về chúng." - Epictetus
220. Lời tiên tri trở thành hiện thực
Đây là hiện tượng trong đó con người tin một điều gì đó là đúng (có thể đúng thật hoặc không), hành động dựa trên niềm tin đó và chính những hành động đó đã biến niềm tin thành sự thật. Như vậy, khi thế giới tư duy lấn át thế giới hành động, lời tiên tri tự trở thành hiện thực.
221. Doanh nhân là những người rất quen với việc những lời tiên tri tự trở thành hiện thực. Vì toàn bộ ý niệm về lòng tin trong kinh doanh đều dựa trên những lời tiên tri đó. Nếu một người nghĩ rằng thị trường đang thuận lợi (thậm chí dù nó có thể không như vậy), anh ta sẽ đầu tư tiền vào đó. Điều này làm tăng lòng tin của những người khác và thị trường sẽ trở nên thuận lợi rất nhanh chóng.
Những lời tiên tri tự trở thành hiện thực cũng xảy ra trong thể thao. Một trong những khác biệt quan trọng nhất giữa người chiến thắng và kẻ thua cuộc chính là người chiến thắng nhìn thấy mình chiến thắng và kẻ thua cuộc thường tìm ra một nguyên nhân hay lý do bào chữa cho thất bại của mình.
Bob Hopper, một người bạn thời đại học của tôi là một ví dụ điển hình cho vấn đề này. Bob là nhà vô địch bơi lội và hiếm khi thua cuộc. Một lần, tại bể bơi, tôi hỏi anh tại sao thành công đến vậy. Anh trả lời:
Có một vài lý do. Thứ nhất, kỹ thuật bơi của tôi được phát triển tốt. Thứ hai, tôi đã luyện tập chăm chỉ. Thứ ba, tôi chăm sóc bản thân chu đáo và ăn uống hợp lý. Nhưng những đối thủ hàng đầu của tôi cũng làm như vậy. Cho nên điểm khác biệt mấu chốt giữa "bơi tốt" và "chiến thắng" là sự chuẩn bị tinh thần của tôi trước mỗi cuộc đấu.
Mỗi ngày trước cuộc thi, tôi đều nghĩ đến việc mình đi vào khu bể bơi thi đấu, với 3.000 cổ động viên reo hò trên khán đài. Tôi nhìn thấy ánh sáng lấp lóa phản chiếu trên mặt nước và tôi đang đi lên bục xuất phát, các đối thủ đứng ở hai bên. Tôi nghe thấy tiếng súng lệnh, rồi nhìn thấy mình lao xuống nước và thực hiện nhịp bơi bướm đầu tiên. Tôi cảm thấy mình đang bơi tới cuối bể, quay ngược lại, bơi ngửa và dẫn trước những người khác một chút. Khoảng cách ngày càng lớn khi tôi chống vào thành bể, đẩy người và chuyển sang bơi ếch.
Đây là kiểu bơi tốt nhất của tôi và đó chính là lúc tôi thể hiện toàn bộ sức mạnh của mình. Rồi tôi về đích với kiểu bơi sải. Tôi nhìn thấy mình chiến thắng! Tôi nghĩ về điều đó 30 hoặc 40 lần trước mỗi cuộc thi. Khi cuộc bơi bắt đầu, tôi chỉ cần nhập cuộc và chiến thắng.
Tất cả những ví dụ này cho thấy tư duy cụ thể có tác động vô cùng lớn tới thế giới hành động.
222. Nếu nghĩ mình sáng tạo, bạn sẽ sử dụng sự sáng tạo của mình, liều lĩnh mạo hiểm, thử một số hướng tiếp cận mới và đưa ra những phát kiến mới mẻ.
Hãy dành thời gian tìm hiểu về phong cách sáng tạo của bạn, và nhận ra các khuynh hướng sáng tạo của bạn là gì. Dưới đây là mười khuynh hướng sáng tạo của tôi:
1. Tôi có được ý tưởng khi phải chịu rất nhiều áp lực – "thời hạn chính là nguồn cảm hứng" – hoặc khi tôi đang làm một việc không liên quan đến vấn đề đó. Tôi hiếm khi có được nó khi thực hiện những nhiệm vụ cố hữu thông thường, đòi hỏi ít sự chú ý.
2. Tôi cố gắng chú ý tới những điều nhỏ bé: có bao nhiêu sự không hài lòng xảy ra trong ngành sản xuất bia, những chiếc lá rụng tạo ra những gì trong ống dẫn nước?... Tôi làm như vậy một phần vì đã được đào tạo, nhưng cũng vì tôi buộc phải như vậy. Tôi là người thuận tay trái, nhưng thế giới này được thiết kế cho những người thuận tay phải. Do đó, tôi luôn luôn tò mò về mọi sự vật. Ví dụ: nhiều ứng dụng được thiết kế để những người thuận tay phải cảm thấy thoải mái và dễ chịu, nhưng những người thuận tay trái đôi khi có thể cảm thấy khó chịu khi sử dụng chúng.
3. Nếu tâm trí tôi bị khóa kín khi đang cố gắng giải quyết một vấn đề, lý do là tôi đã thích thú một ý tưởng đặc biệt nào đó nhiều đến mức nó ngăn cản tôi tìm kiếm các phương án thay thế. Chỉ khi tôi buộc mình tách ra khỏi ý tưởng đó thì tôi mới tìm thấy những câu trả lời mới. Loại bỏ những ý tưởng ta từng yêu thích có thể là một trong những điều hạnh phúc nhất trong cuộc đời.
4. Bản ngã có thể ngăn cản tôi khám phá những điều mới mẻ. Tuy nhiên, khi tìm hiểu những ý tưởng đã bị bỏ qua vì không phù hợp hoặc không hấp dẫn, tôi phát hiện ra rằng chúng có thể là con đường dẫn đến các giải pháp hữu hiệu hơn.
5. Tôi không biết những điều tôi không biết. Tôi có một điểm mờ rộng và cách tốt nhất để tiếp cận những điểm đang bị mờ đi là đặt mình vào phần dễ lĩnh hội của trí não (không phải luôn dễ dàng làm như vậy) và hỏi những người khác để tìm ra những điều mình không thấy.
6. Sự mơ hồ có thể kích thích trí tưởng tượng của tôi. Khi cảm thấy bối rối về một vấn đề, tôi thường xem xét các lựa chọn và sự giải thích khác lạ. Sự bối rối khiến ta lạc lối nhưng đó cũng là dấu hiệu cho thấy ta đang tiến triển.
7. Tôi thích những hình ảnh ẩn dụ! Chúng khiến tôi trở nên sáng suốt hơn. Nếu được chọn giữa một phân tích chuyên sâu hoặc một ẩn dụ mạnh mẽ về một vấn đề, tôi thường chọn phương án thứ hai. Thực tế là một số ý tưởng xuất sắc nhất của tôi xuất phát từ những phép ẩn dụ.
8. Tôi thích "đóng vai anh hề" bởi điều đó giúp khuấy động tư duy. Tôi không ngại đưa ra một nhận xét "không ngờ tới" để xem nó sẽ tạo ra phản ứng như thế nào. Tôi cũng không ngại đặt ra những câu hỏi ngu ngốc mà không phải ai cũng đặt ra được.
9. Tôi không cảm thấy khó chịu khi từ bỏ những ý tưởng đầu tiên trong quá trình sáng tạo và không ngại đưa những ý tưởng không hoàn hảo cho người lạ và hỏi ý kiến của họ. Họ thường trả lời thẳng thắn và giúp tôi hiểu rõ được những vấn đề của mình.
10. Tôi tìm cảm hứng trong nhiều lĩnh vực, nhưng trong chính bản thân mình, tôi tìm thấy nhiều cảm hứng nhất. Nhận thức về bản thân có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình sáng tạo của tôi.
223. Tư duy và hành động luôn đi liền với nhau. Và những suy nghĩ của chúng ta đều có khả năng trở thành sự thật.
Nếu bạn muốn trở nên sáng tạo hơn, hãy tin vào những ý tưởng của bạn và kiên trì phát triển chúng. Khi làm như vậy, bạn có thể sẽ vi phạm các quy luật của cuộc sống. Bạn sẽ tìm kiếm nhiều câu trả lời chính xác, khám phá những ý tưởng mới, chấp nhận sự mơ hồ, đôi khi trở nên ngu ngốc, vui chơi, đặt câu hỏi "nếu... thì sao?" và cố gắng vượt qua những quan niệm cố hữu. Và cuối cùng, bạn sẽ có thể tự "đánh thức" bản thân để thực hiện tất cả những hành động này.
224. Bốn vai trò của quy trình sáng tạo: Nhà thám hiểm – Người nghệ sĩ – Quan tòa – Chiến binh
Nhà thám hiểm giữ vai trò tìm kiếm thông tin và nguồn tài nguyên mới (sâu sắc và mạo hiểm, tìm kiếm các ý tưởng trong các lĩnh vực khác nhau, tìm câu trả lời chính xác thứ hai, khoan dung với sự mơ hồ).
Người nghệ sĩ đảm nhận công việc biến những nguồn tài nguyên này thành các ý tưởng mới (tưởng tượng phong phú, đặt câu hỏi Nếu... thì sao?, thách thức các luật lệ, nhìn sự vật từ nhiều hướng khác nhau)
Quan tòa giữ vai trò đánh giá những giá trị của một ý tưởng và quyết định những việc cần làm. (sáng suốt, vừa chỉ trích vừa xây dựng, sử dụng ý tưởng ngu ngốc làm đá đặt chân, sáng tạo và thực tế, theo sau bò thần, đóng vai anh hề)
Chiến binh đảm nhận việc đưa ý tưởng vào hành động. (biến ý tưởng thành hiện thực, lên kế hoạch, tiến tới và bắt tay làm vào đến cùng để chinh phục mục tiêu)
225. "Trước tiên, em hãy đặt mình vào vai trò một nhà tư duy sáng tạo và em cần có những nguyên liệu thô để tạo ra các ý tưởng mới: các sự thật, khái niệm, trải nghiệm, kiến thức, cảm giác, v.v... Tuy nhiên, khi rời khỏi lối mòn quen thuộc, em có thể tìm thấy điều gì đó độc đáo. Và do đó, em trở thành Nhà thám hiểm và tìm kiếm nguyên liệu để xây dựng ý tưởng của mình. Trong quá trình tìm kiếm, em sẽ chú trọng đến những lĩnh vực chưa biết tới, những khuôn mẫu bất thường, sử dụng nhiều cảm giác và tìm kiếm nhiều loại thông tin."
"Phần lớn những ý tưởng và thông tin em thu thập được khi là một nhà thám hiểm sẽ giống như vô vàn mảnh thủy tinh trong ống kính vạn hoa. Chúng có thể tạo thành một hình mẫu, nhưng nếu muốn một điều gì đó mới mẻ và khác biệt, em sẽ phải xoay chúng một hoặc hai lần. Đó là khi em chuyển vai trò và Người nghệ sĩ trong em xuất hiện. Em sẽ thử nghiệm hàng loạt hướng tiếp cận khác nhau. Em sẽ bước đi theo trực giác. Em sắp xếp lại mọi việc, quan sát chúng từ phía sau và xoay ngược chúng. Em hỏi những câu "nếu... thì sao?" và tìm kiếm sự tương đồng còn ẩn giấu. Thậm chí, em có thể vi phạm quy luật hoặc tạo ra những quy luật của chính mình. Sau khi thực hiện tất cả những điều này, em sẽ đưa ra được một ý tưởng mới."
"Bây giờ, hãy tự hỏi: Ý tưởng này có tốt không? Nó có đáng để theo đuổi không? Nó có đường lui khi không thất bại chứ? Mình có những nguyên liệu để biến nó thành hiện thực không?" Để đưa ra quyết định, em hãy vào vai của một vị Quan tòa. Trong quá trình đánh giá, em cân nhắc kỹ lưỡng các chứng cớ, tìm những nhược điểm của ý tưởng và lựa chọn thời gian phù hợp. Em phân tích nguy cơ, đặt nghi vấn cho những nhận định của mình và lắng nghe chính mình. Cuối cùng, em sẽ có thể đưa ra quyết định."
"Lúc này, chính là thời điểm áp dụng các ý tưởng của em. Tuy nhiên, em cần biết rằng không phải thế giới được tạo ra để đáp ứng tất cả các ý tưởng của con người. Đó là lý do vì sao cuộc sống luôn đầy rẫy sự cạnh tranh. Nếu muốn ý tưởng của mình thành công, em sẽ phải ở thế tấn công. Như vậy, em phải trở thành một Chiến binh và đưa ý tưởng vào thực tế. Khi là chiến binh, em vừa là vị tướng chỉ huy vừa là một người lính. Em phát triển chiến lược và tự mình cố gắng đạt được mục tiêu. Em cũng phải rèn luyện để chiến đấu. Em có thể sẽ phải vượt qua những lời bào chữa, những kẻ thù muốn tiêu diệt các ý tưởng, sự thoái lui và những cản trở khác. Nhưng em luôn nhận được sự khuyến khích để biến ý tưởng của mình thành hiện thực."
226. Khi cùng nhau giải quyết một vấn đề, bốn vai trò này là một đội kiến tạo ra những ý tưởng mới. Tất nhiên, những điều em tiến hành không phải lúc nào cũng diễn ra theo trình tự đường thẳng từ nhà thám hiểm đến người nghệ sĩ, quan tòa và chiến binh. Đôi khi những vai trò đó sẽ đổi vị trí cho nhau.
Ví dụ: quan tòa có thể đưa một ý tưởng cho người nghệ sĩ để phát triển nó. Người nghệ sĩ lại có thể đưa ra một ý tưởng và kể cho nhà thám hiểm để tìm kiếm thông tin trợ giúp. Chiến binh sẽ nói cho quan tòa biết điều gì biến ý tưởng thành hiện thực hoặc không thành hiện thực và làm sắc bén hơn khả năng đưa ra quyết định sau này. Nhưng, nói chung, em sẽ thường thực hiện vai trò của nhà thám hiểm trong những giai đoạn đầu của quá trình sáng tạo, người nghệ sĩ và quan tòa ở giai đoạn giữa, và chiến binh ở giai đoạn cuối.
227. Có hai nguyên nhân chính khiến việc sáng tạo không đạt kết quả cao là thực hiện vai trò không tốt và phân bổ thời gian không hợp lý.
228. "Hãy tưởng tượng những hậu quả của việc thực hiện không tốt một vai trò trong nhóm sáng tạo. Nếu nhà thám hiểm có đầu óc quá thực tế, em sẽ không có bất kỳ thông tin mới nào. Nếu trí tưởng tượng của người nghệ sĩ bị khóa chặt, em sẽ chỉ có được những ý tưởng tầm thường. Nếu vị quan tòa không có khả năng đánh giá, em có thể sẽ nói 'có' với những thứ rác rưởi và 'không' với những ý tưởng tiềm ẩn giá trị tốt. Và nếu chiến binh không có sự can đảm và sức mạnh, những ý tưởng của em sẽ không thể thực hiện được. Như vậy, em phải nỗ lực, suy nghĩ cân nhắc để có và đảm nhiệm các vai trò sáng tạo của mình. Câu châm ngôn "Dùng hoặc mất" rất phù hợp trong tư duy sáng tạo cũng như trong tất cả các hoạt động khác."
229. "Cùng với việc biết rõ các vai trò sáng tạo, em phải biết sử dụng chúng khi nào cho phù hợp việc phân bổ thời gian có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thực hiện một vai trò không đúng thời điểm – như sử dụng vai trò quan tòa để khám phá thông tin hay vai trò nghệ sĩ để thực hiện ý tưởng – là phản tác dụng. Nó giống như việc đi ngược chiều trên xa lộ. Khi phân bổ thời gian sai lầm, em sẽ không thu được nhiều kết quả. Như vậy, em cần chú ý đến loại hình tư duy mà tình huống yêu cầu và chuyển đổi khi cần thiết."
230. "Một số người gặp khó khăn khi chuyển đổi các vai trò bởi họ bị mắc kẹt trong một vai trò nhất định. Điều này có thể mang lại những những hậu quả tiêu cực cho quá trình sáng tạo.
Ví dụ: nếu mắc kẹt ở vai trò nhà thám hiểm, em có thể chẳng bao giờ lắp ghép thông tin mà mình thu thập được thành một ý tưởng mới. Nếu sa lầy ở vai trò người nghệ sĩ, em sẽ dành toàn bộ thời gian để làm đi làm lại một quá trình sáng tạo và không thể thành công. Nếu bị mắc kẹt ở vai quan tòa, em sẽ cản trở người nghệ sĩ và dành nhiều thời gian đánh giá ý tưởng đến mức không thể đưa ra những quyết định đúng lúc. Và nếu kẹt ở vai trò chiến binh, em sẽ muốn vội vã đưa tất cả mọi việc vào thực hiện bất kể những vai trò khác đã hoàn thành nhiệm vụ hay chưa."
231. Trong môn bóng chày, bạn không thể ghi điểm khi chạy về đích nếu không dẫm lên các tấm gỗ. Bạn không thể câu được cá nếu không thả cần câu. Bạn không thể biến ý tưởng thành hiện thực nếu không tiến tới và tấn công. Nhiều mục tiêu của chúng ta bị lãng quên trên một hòn đảo mang tên "Một ngày nào đó tôi sẽ thực hiện". Đừng chờ đợi ý tưởng được thực hiện. Hãy biến nó thành hiện thực.
232. Carl Ally: "Hoặc bạn sẽ để tuột mất cuộc sống bằng cách không làm những điều mình muốn, hoặc bạn sẽ đứng dậy và thực hiện." Hãy bắt đầu làm ngay từ bây giờ.
233. Ba việc bạn có thể làm để đạt được mục tiêu
1. Đặt một con sư tử vào trái tim
"Chiến đấu với một con bò khi bạn không sợ hãi thì chẳng có ý nghĩa gì", một người đấu bò nổi tiếng đã nói. "Và không chiến đấu với nó khi bạn sợ hãi cũng vậy. Nhưng chiến đấu với bò khi bạn sợ hãi thì thật sự là một thách thức." Điều gì khích lệ bạn thực hiện những ý tưởng của mình? Đó có phải là vì bạn đã có một kế hoạch được suy tính kỹ lưỡng, có sự động viên, có niềm tin vào ý tưởng hay bạn đã từng thành công trong quá khứ? Điều gì đặt một con sư tử vào trong trái tim bạn?
2. Nhận được sự ủng hộ
Một lý do khiến những người gipsy có sức khỏe tốt là vì gia đình họ thiết lập được một môi trường sức khỏe tích cực. Khi một người bị ốm, thường có sáu hoặc tám người gipsy khác đưa họ đi chữa trị. Điều này không chỉ mang tới sự ủng hộ cho người ốm mà còn tạo ra niềm hy vọng hồi phục lớn lao. Tương tự, bạn sẽ dễ dàng trở nên sáng tạo hơn nếu môi trường của bạn ủng hộ và trông đợi những ý tưởng mới. Bạn có thể tạo ra một hệ thống ủng hộ quanh mình bằng cách nào?
3. Loại bỏ những lời bào chữa
Khi nhà thám hiểm người Tây Ban Nha, Cortez, cập bến vào Veracruz, điều đầu tiên ông làm là đốt cháy những con tàu của mình. Rồi ông nói với cấp dưới: "Anh phải chiến đấu hoặc chết". Đốt tàu đã loại đi một phương án thứ ba: bỏ cuộc và trở lại Tây Ban Nha. Đôi khi, sự sáng tạo để thoát khỏi những lời bào chữa trong quá trình thực hiện còn quan trọng hơn cả việc đưa ra một ý tưởng.
234. Ba yếu tố cản trở quá trình đạt được mục tiêu của bạn
1. Hãy rèn luyện khả năng mạo hiểm của bạn
Hãy củng cố "khả năng mạo hiểm" của bạn. Ai cũng có khả năng này. Hãy nuôi dưỡng khả năng mạo hiểm bằng cách thử những điều mới mẻ. Nếu không, khả năng này sẽ mất dần và bạn không thể có được các cơ hội nữa. Mỗi tuần, hãy thử ít nhất một vấn đề liều lĩnh. Thửmột thực đơn mới, đầu tư cho một ý tưởng, tấn công vào một vấn đề nằm ngoài lĩnh vực của bạn. Athur Koestler đã nói: "Nếu Thượng đế có mục đích khi trang bị cái cổ cho loài người, chắc chắn Ngài có ý muốn chúng ta chịu đựng đến cùng." Bạn có thể rèn luyện khả năng mạo hiểm của mình như thế nào?
2. Tìm một điều có thể gây nguy hiểm cho vấn đề
Một nhà kinh doanh cá đông lạnh gặp khó khăn khi bán một dòng sản phẩm mới vì khách hàng cho rằng mùi vị của cá không ngon. Công ty thử mọi cách để giữ cho cá tươi, kể cả việc giữ chúng trong bể chứa cho đến khi chế biến – nhưng đều không có tác dụng. Sau đó, một người đề xuất: "Hãy cho một loài cá ăn thịt khác vào bể cùng với chúng – điều đó sẽ giúp cá tươi." Ý tưởng này có tác dụng như một phép màu. Cá bơi liên tục và duy trì nguyên vẹn sinh lực của chúng. Bài học: Hãy tìm một điều có thể gây nguy hiểm cho vấn đề – sự sinh tồn, lòng tự trọng, tiền bạc, danh tiếng – để mang lại cho bạn động lực thực hiện thành công ý tưởng của mình. Điều gì đang gây nguy hiểm cho bạn?
3. Hãy cảm thấy bất mãn
Khi một nhà phát minh được hỏi tại sao lại dành 16 giờ mỗi ngày để sửa đổi thành quả của mình, ông đã trả lời: "Bởi tôi không bao giờ cảm thấy thỏa mãn với những thứ hiện có." Sự bất mãn có thể mang lại lợi ích cho quá trình sáng tạo. Không có nó, bạn mất đi những tác động cần thiết để nhận ra những vấn đề và cơ hội tiềm ẩn. Bạn đang bất mãn với những gì?
235. Bạn có thể biến những tác động đó thành nguồn cảm hứng bằng cách nào?
1. Hãy sử dụng tấm khiên của mình
Cuộc sống có hai quy luật cơ bản: 1) thay đổi là điều không thể tránh được; và 2) mọi người thường chống lại sự thay đổi. Những ý tưởng mới có thể mang những nguy cơ tiềm ẩn và con người thường phản ứng tiêu cực đối với chúng. Ví dụ: lần đầu tiên Stranvinsky giới thiệu trước công chúng vở ba-lê Rite of Spring (Nghi lễ mùa xuân) với những hòa âm khác lạ và nhịp điệu thô mộc, một khán giả đã phản đối kịch liệt. Khi Kepler giải quyết chính xác vấn đề quỹ đạo của các hành tinh bằng việc sử dụng hình elip thay cho hình tròn, ông đã bị lên án. Hãy chuẩn bị tinh thần để đón nhận những phản ứng như vậy và hãy vượt qua chúng. Chính khách người Đức, Konrad Adenauer, đã nói: "Làn da mỏng là một món quà từ Thượng đế." Bạn dự đoán những phản ứng tiêu cực như thế nào? Bạn có thể loại bỏ chúng bằng cách nào?
2. Bán, bán, bán
"Điều đó là không sáng tạo, trừ phi nó bán được", đó là tuyên bố trong một chương trình quảng cáo. Bạn có thể có những ý tưởng vĩ đại nhất trên thế giới, nhưng nếu không thể bán nó, bạn sẽ không thể đạt được điều gì. Ba lý do khiến người khác thích ý tưởng hoặc sản phẩm của bạn là gì? Sản phẩm hoặc ý tưởng đó mang lại những lợi ích nào? Nó hứa hẹn điều gì? Bạn có thể khiến ý tưởng của mình trở nên hấp dẫn hơn bằng cách nào?
3. Hãy đặt ra thời hạn
Với nhiều người, thời hạn chính là nguồn cảm hứng đích thực. Đó là khi bạn phải hoàn thành công việc của mình. Mục tiêu của bạn là gì? Bạn có thể tóm gọn nó bằng một câu đơn giản được không? Ba điều then chốt bạn sẽ cần để đạt được mục tiêu đó là gì? Bạn tìm thấy động lực ở đâu? Bạn có thể đặt ra cho mình những thời hạn sát sao nào?
4. Hãy kiên trì
Một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng có hai con ếch rơi vào một xô sữa. Con ếch thứ nhất cảm thấy không có cách nào thoát ra khỏi đó nên đã chấp nhận số phận và chết đuối.
Con ếch thứ hai không như vậy, nó cố gắng quẫy đạp trong sữa và làm bất cứ điều gì có thể để nổi lên. Một lúc sau, việc quẫy đạp của nó đã khiến sữa biến thành bơ và con ếch có thể nhảy ra ngoài.
Bạn kiên trì đến mức độ nào?
***
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip