I


"Và sau đây là ca sĩ trẻ – Gia Huy!"

Tôi bước lên sân khấu sau lời giới thiệu của người dẫn chương trình, trong tay ôm theo cây guitar cũ. Đây là món đồ mà mẹ tôi hay bảo là thứ quý giá nhất mà người cậu quá cố để lại – cậu Minh Hải. Gọi là sân khấu nghe cho sang chứ thật ra chỉ là một góc nhỏ trong phòng trà Du Vân, chỗ tôi vẫn hát mỗi tối.

Phòng trà này cũng cũ lắm rồi. Tôi nghe phong thanh có người nói ngày trước nó từng là một hộp đêm nổi tiếng, nhưng cái thời tôi còn biết nhận thức thì chỉ thấy nó là một quán nhạc nhỏ, ánh đèn vàng vọt, tường quét vôi đã bạc màu theo năm tháng. Trên tường vẫn còn treo mấy bức ảnh cũ, ảnh ai thì tôi không rõ, nhưng có lẽ là những ca sĩ từng hát ở đây hồi trước. Bàn ghế gỗ kiểu cũ, đã trầy xước, có cái còn lung lay mỗi khi khách kéo ra kéo vào. Ấy vậy mà khách quen vẫn thích ghé đây, chắc tại vì cái không khí này – cái không khí của một nơi dường như chẳng hề thay đổi dù cho bên ngoài xã hội có biến động đến đâu.

Tôi chỉnh lại dây đàn, ánh mắt lướt qua đám khán giả. Cũng như mọi tối, chỉ có lác đác vài người ngồi lại để nghe nhạc. Nhưng hôm nay đặc biệt hơn vì có mẹ và bà ngoại tôi. Bà lớn tuổi lắm rồi, trí nhớ cũng không còn minh mẫn như xưa. Tôi chào khán giả, giới thiệu bài hát mà một vị khách quen đã yêu cầu – "Niệm khúc cuối". Tôi cũng thích bài này, nhưng lại ít khi hát, có lẽ vì nó buồn quá.

"Dù cho mưa, tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời..."

Vừa cất giọng, tôi cảm nhận một cái gì đó cay cay nơi sống mũi. Lạ thật, tôi chưa từng trải qua những gì bài hát này nói tới, nhưng bằng một cách vô hình nào đó, giai điệu và ca từ khiến lòng tôi rung lên từng đợt sóng nhẹ. Tôi nhìn xuống phía dưới, một vài người khán giả cũng lặng đi, có người mắt rơm rớm nước.

Ánh mắt tôi dừng lại ở hai người phụ nữ thân thuộc nhất trong đời – mẹ và bà ngoại.

Mẹ tôi, bà Minh Châu, là một người phụ nữ trầm tính nhưng rất kiên cường. Tôi chưa từng thấy mẹ khóc bao giờ, dù cho cuộc sống có khó khăn cỡ nào đi chăng nữa. Mẹ luôn bảo tôi phải sống mạnh mẽ, phải biết vươn lên. Vậy mà lúc này đây, trong ánh đèn mờ ảo, tôi thấy mắt mẹ hoe đỏ. Mẹ nhìn tôi, ánh mắt chất chứa cả niềm tự hào lẫn một nỗi niềm khó gọi tên.

Còn bà ngoại, bà khác với mẹ. Bà không còn minh mẫn như trước, trí nhớ cứ hao hụt dần theo thời gian. Từ khi tôi còn nhỏ, bà đã không còn nhớ rõ ai ngoài mấy cái tên thân thuộc nhất đời mình – tên của ông ngoại, tên của mẹ, và tên cậu Minh Hải. Bà chẳng bao giờ bận tâm đến những thứ xung quanh, ánh mắt lúc nào cũng xa vắng như đang nhìn về một nơi nào đó rất xa.

Vậy mà hôm nay, khi tôi hát, tôi thấy nước mắt lăn dài trên đôi má nhăn nheo của bà. Đôi mắt mờ đục ấy bỗng nhiên có hồn, có cảm xúc. Bà lẩm bẩm gì đó, nhưng tôi không nghe rõ.

Bàn tay tôi khẽ run lên, nhưng tôi vẫn tiếp tục chơi đàn, vẫn cố hát cho trọn bài hát này.

Khi giai điệu cuối cùng dứt, tiếng vỗ tay vang lên. Không quá ồn ào, nhưng cũng đủ để tôi biết rằng mình đã hát tròn trịa. Một vài người khách đến gần để bỏ tiền vào cái hộp nhỏ đặt cạnh sân khấu – số tiền này sẽ giúp tôi trang trải cuộc sống trong những ngày hậu chiến còn lắm khó khăn.

Tôi cúi đầu cảm ơn rồi nhanh chóng rời khỏi sân khấu. Vừa về đến nhà, lòng tôi vẫn còn vương vấn hình ảnh bà ngoại lúc nãy. Tôi tò mò quá, nên quyết định hỏi mẹ.

Mẹ ngồi xuống, nhìn tôi bằng ánh mắt vừa buồn bã, vừa hoài niệm.

"Lúc nãy, ngoại nhớ đến cậu Minh Hải của con."

Tôi ngớ người. Cái tên đó chẳng xa lạ gì với tôi, nhưng cũng chẳng thân thuộc. Tôi biết cậu Minh Hải là người đã khuất—mất trước khi tôi ra đời ba năm. Nhà tôi cũng không hay nhắc đến cậu, mẹ tôi càng không. Những gì tôi biết về cậu chỉ vỏn vẹn có vậy: cậu từng là một người nghệ sĩ, cũng như tôi bây giờ, cũng từng ôm cây đàn guitar mà tôi vẫn hay đàn mỗi đêm. Mà nói đúng hơn, đây không phải là "cây đàn của tôi"—mẹ tôi từng dặn rằng, nó là kỷ vật của cậu, là thứ quý giá nhất mà cậu từng có.

Căn phòng tôi ở hiện tại cũng từng là phòng của cậu. Tôi không biết vì sao mẹ lại để tôi vào đây, có lẽ vì nhà tôi nhỏ, chẳng còn chỗ nào khác, cũng có lẽ mẹ nghĩ cậu cũng từng yêu âm nhạc như tôi, nên cứ để tôi ở lại căn phòng này như một sự kế thừa vô hình. Dù sao thì tôi cũng lớn lên ở đây, ngủ trên chiếc giường này, nhìn ra ô cửa sổ này, chẳng có gì đặc biệt cả.

Nhưng có một điều kỳ lạ mà tôi nhận ra từ nhỏ—mẹ chưa bao giờ dọn dẹp kỹ căn phòng này. Những đồ vật cũ vẫn ở nguyên chỗ cũ, có vài cuốn sách đã sờn gáy còn nằm trên kệ, mấy bức tranh cậu từng vẽ vẫn dựa vào góc tường, và trong ngăn tủ bàn học, tôi từng thấy một hộp gỗ cũ mà mẹ không cho tôi mở. Lần duy nhất tôi thử hỏi, mẹ chỉ lắc đầu rồi bảo:

"Có những thứ nên để yên như vậy."

Tôi không hiểu mẹ muốn nói gì, nhưng dần dà cũng chẳng còn bận tâm nữa.

Lúc này, khi ngồi trong căn phòng ấy, tôi nhìn quanh một lượt, tự dưng lại thấy có chút khác lạ. Cây guitar cũ nằm tựa vào bức tường, dây đàn còn rung nhẹ sau khi tôi vừa đặt xuống. Ngoài kia, đèn đường hắt ánh sáng leo lét qua ô cửa sổ, phủ bóng lên bàn ghế và mấy cuốn sách cũ kỹ. Tôi vẫn chưa tắt đèn, ánh sáng vàng nhạt trải dài trên mặt sàn gỗ đã mòn theo năm tháng.

Tôi quay lại nhìn mẹ.

Mẹ lấy tay quệt nước mắt, giọng nghèn nghẹn.

"Niệm khúc cuối là bài hát cậu Hải yêu nhất..."

Tôi im lặng, chờ đợi.

Và thế là mẹ bắt đầu kể

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip