1.
Cái xứ Giồng Sơn Quy nổi tiếng tụ hợp nhiều người giàu có trước giờ, chủ yếu nơi này đất ruộng cò bay thẳng cánh mấy tay nhà giàu tranh nhau mua lại xong giao cho tá điền. Bọn nhà giàu cứ ở không rồi mỗi năm thu mấy trăm giạ lúa là chuyện thường tình. Khổ nổi người nghèo thì càng bần cùng hơn, kẻ giàu thì càng lắm tiền lắm của. Đi hết con lộ đá lớn ở đất Gò Công thì có con đường nhỏ, cứ rẽ vào đi hơn mấy trăm dặm nữa thì thấy đầu làng có bụi tre lớn cứ đi sâu thêm một chút nữa là thấy căn nhà năm gian hai chái được lợp mái âm dương đó là nhà của ông hội đồng Chinh. Trước nhà ông Chinh trồng nhiều cây cao lắm, ông hay tin thầy bà cũng kĩ tính trong việc làm ăn nên ông hay nói với mấy đứa con rằng:
- Trước nhà bây đừng có trồng chuối, trồng hoa giấy hay trồng cây mít cây sầu riêng. Vận xui nó vận vào trong nhà chết đó đa.
Cậu hai Uy khó hiểu mới gặng hỏi lại cha mình:
- Con thấy mình có cần kiêng kỵ quá vậy không cha?
Ông Chinh nhấp ngụm trà, ông tính trả lời nhưng nhìn sang cô con gái thứ ba của mình khẽ nhướng mày. Thấy thế cô ba cũng từ tốn trả lời anh mình:
- Ông bà xưa mình cũng hay nói không nên trồng cây liễu, cây xỉ, cây đa nữa đó anh hai. Mấy cây đó ma trú ma ngụ trồng mấy cây đó chẳng khác nào đem ma về nhà.
Hai Uy nghe em gái mình nói thì cậu mới cười cười chọc quê:
- Chà cô ba đi du học bên Pháp mới về mà cũng tin mấy chuyện này nữa đa.
- Tin chứ anh, mình có thờ Cửa Huyền trong nhà thì phải cử kiêng chứ. Người ta hay nói có thờ có kiêng có lành.
Cuộc trò chuyện của cha con ông Chinh cứ rôm rả miết chỉ có cậu Tâm ngồi im không nói gì. Cũng phải trước giờ tánh cậu ít nói lại hiền như cục đất, ông Chinh hay nói không biết sau này cậu có ra đời làm ăn được không, chứ hiền quá bị dân nơi khác nó đè lên đầu lên cổ.
Nói đến dòng họ của ông Đức Chinh thì hồi trẻ ông lấy bà hai là bà Trần Ngọc Ánh con ông Lý bên làng Hạ, nhà bà Ánh phải qua một con sông xong phải đi xe ngựa chừng độ hai ba giờ mới tới được. Nên ngày trước, mỗi lần về thăm cha má bà cũng ít dẫn mấy đứa con mình theo, một phần vì đường xa lắc xa lơ một phần vì đi đò sang sông nên bà không cho mấy cô mấy cậu theo. Mà lấy nhau được giáp năm bà Ánh sanh cậu hai Uy tên tự của cậu là Kim Đức Uy, ông Chinh nói cậu là con đầu lòng nên mới để cái chữ "Đức" làm tên lót cho cậu. Cỡ thời gian sau ông Chinh đi thu mua dừa đến tận Rạch Miễu xong lúc về ông còn dẫn theo bà Diễm Quỳnh về, ông cưới bà làm vợ ba. Về sau bà sanh ra đứa con trai đặt tên là Kim Hữu Tâm, cỡ mấy tháng sau bà Ánh cũng sanh đứa con gái đặt tên là Kim Mẫn Trí. Ông Chinh thấy vậy mới nói với bà ba Quỳnh trong lúc bà đương hấp hối vì sinh non:
- Thằng Tâm với Mẫn Trí sanh ra cũng cách nhau vài tháng, mà Mẫn Trí nó là con dòng lớn thôi thì để nó là con thứ ba trong nhà. Còn thằng Tâm cũng là con tui, tui cũng thương lắm nhưng con dòng nhỏ nên tui để nó thứ tư hen bà.
Bà Quỳnh nghe xong trừng trừng mắt nhìn ông, miệng bà ú ớ muốn nói gì đó bà cố gồng hết sức nắm lấy vạt áo bà ba màu trắng ngà của ông tới mức nhăn nhúm. Ông Chinh thấy vậy mới gỡ cái tay cứng đờ của bà ra rồi nói:
- Ờ thôi tui đi ra cho bà nghỉ.
Đêm đó bà Quỳnh bị băng huyết đến chết, lúc bà chết cũng không nhắm mắt chắc vì bà lo cho đứa con trai còn đỏ hỏn của bà. Cũng đêm đó bà Tám làm quản gia lâu năm trong nhà không hiểu vì sao cũng chết bất đắc kì tử không tìm thấy xác, tụi người làm truyền tai nhau chắc do bà lỡ sẩy chân trượt xuống giếng sau nhà chết mất xác rồi. Ông hội đồng Chinh cũng kêu người đóng tấm phảng gỗ đậy miệng giếng dằn lại bằng mấy tảng đá xanh thật to, ông cũng cấm mọi người không được bén mảng ra ngoài đó.
Hồi trước có lần cô ba Trí xém rớt dưới giếng, đợt đó ông Chinh đem mấy đứa người làm đánh đến mức tụi nó bò lết mới thôi. Ông hay than trời trách đất là lũ người làm muốn giết con gái ruột của ông, ông phải đánh cho chết mới thôi. Thời may bà Ánh cản lại thì ông mới ngưng, xong ổng đuổi cổ tụi nó đi hết.
Năm cậu hai Uy lên 18 tuổi, ông cho cậu lên Mỹ Tho đại phố học thêm chữ, cậu hai Uy tuy lớn nhưng nhu nhược không có chí tiến thủ, cậu cũng hiền cũng chịu khó mà khổ nỗi hiền quá thì sau này sao kế thừa huê lợi trong nhà. Cậu tư Tâm dù cậu học giỏi học cao nhưng sao ông Chinh cũng dè chừng cậu lắm, ông không muốn lúc ông cỡi hạc về trời thì cậu Tâm kế thừa hết mấy thứ trong nhà. Mà khổ thân ở chỗ cô ba Trí học rộng hiểu biết sâu, cô ba giỏi giang tới cái chuyện làm ăn trong nhà cô ba cũng hạp ý ông mà cô ba thì lại thân đờn bà con gái. Nhỡ mai Mẫn Trí lấy chồng sanh con thì cái gia sản này cho cháu ngoại ông cũng đặng, mà lỡ thằng chồng cô ba nó chiếm hết nó làm khổ con gái với cháu ông nữa thì khổ thân con thân cháu ông. Ông Chinh cũng khổ tâm, tánh ông thì lo xa, ông lặp sẵn tờ chúc ngôn ông căn dặn đường quàng. Ông dặn đứa nào mà thưa mà kiện nhau thì ông không cho đứa đó một xu nào.
Dù thằng Tâm là con dòng thứ nhưng ông cũng cho cậu theo chân chị ba mình mà sang Pháp du học mấy năm sau mới trở về. Ông Chinh hay vỗ vai cậu Tâm, ông nói: "Con có chữ có tài thì lên đất Gia Định hay ra miền ngoài làm cũng được, tội tình chi mà giam mình ở xứ nầy." Cậu Tâm miễn cưỡng gật gật đầu, mà cậu cũng chêm thêm câu: "Ở đây gần cha gần má hai, để về già con lo cho cha má." Ông Chinh ừ hử vậy thôi chứ tờ chúc ngôn tên cậu Tâm có được nhắc đến quá ba lần đâu?
Còn cô ba Trí, ngày cô với cậu Tư về nước cũng cỡ độ chừng quá một nửa năm hơn rồi mà cô có ló dạng ra ngoài đâu. Đồ đạt cô xài toàn dặn sấp nhỏ ra chợ mua cho, mà trong nhà cô dạo này có thêm chị dâu. Mợ hai Bích Ngọc quê xứ Mỹ Tho, cũng thuộc dạng con gái nhà dào cũng ăn mặc tân tời sành điệu lắm. Đợt cậu hai lấy mợ hai thì cô ba cậu tư không có về, mãi hơn một năm sau mới biết mặt chị dâu mình. Tánh mợ Ngọc trước giờ đỏng đảnh, mợ hai sợ người nghèo với cái nghèo lắm, mợ vừa nói vừa cười hô hố với cô ba Trí. Cô ba không nói không rằng mà bỏ đi mất để mợ hai ở bếp.
Cô ba lửng thửng đi lên nhà trên, cô ngồi ngay bộ trường kỷ bằng gỗ lim, nghe đâu đợt trước cha cô mua ở tận ngoài Kinh chuyển vào đây. Thuận tay cũng tự rót cho mình chén trà, thấy má mình đang ngồi trên bộ ly quăng ngoái trầu.
- Mợ hai người xứ nào mà sao mợ ăn nói không ý không tứ vậy hở má?
- Người đất Mỹ Tho, đợt anh hai con lên trển học xong lúc về đem theo con nhỏ đó, má với cha bây có chịu đâu mà nó đòi lấy đặng lấy được.
Ngụm trà đắng chát đầu lưỡi cô ba, nên cô khẽ chắt lưỡi nói:
- Má liệu điều tra lại, chớ con gái Mỹ Tho trước giờ đẹp người đẹp nết bởi vậy người ta mới đặt cái tên Mỹ Tho chứ có phải khi khổng khi không mà có cái tên đó cho cái xứ ấy đâu.
Bà Ánh nhai nhóp nhém miếng trầu, tay vẫn còn ngoáy mẻ trầu mới. Được cái hôm nay con Nhài đi chợ mua được mấy trái cau ngon, mà chẹp miệng nói:
- Để hôm nào quởn má nói với ổng, chứ dạo này thấy ổng cũng mắc mần ăn dữ lắm. Sáng nay ổng với thằng hai đi lên chợ Gạo rồi.
- Rồi cậu Tư đâu hở má?
- Ui cái thằng đó, sáng bảnh mắt thấy nó chải chuốt bóng bẩy lắm coi bộ đi ra ruộng thăm ruộng rồi.
- Vậy con cũng đi.
- Bây đi làm gì nắng nôi lắm.
Bà Ánh vừa dứt tiếng thì cô ba đã kêu con Nhài lấy cái dù đen treo ở tường nhà để đi ra ruộng với cô ba.
Ai cũng biết cô ba Trí con ông hội Chinh trước giờ xinh đẹp, dáng người cô ba cao ráo da dẻ cũng trắng tươi như bông bưởi vậy đó đa. Từ cái hồi cô đi về đây nhưng chưa bước chân ra khỏi nhà hôm nào, bởi vậy hôm nay cô đi ngang chợ làng làm mọi người ai cũng ngạc nhiên mà mút mắt nhìn theo. Cô ba Trí không mặc áo bà ba như mấy cô gái trẻ ở đây, Mẫn Trí mặc cái áo sơ mi trắng chiết eo, quần âu đen hơi thùng thình chân mang đôi giày tây, tóc cô ba dài xõa gần chạm đến eo. Mặc dù cách ăn mặc thời thượng khác người dân ở đây nhưng ai cũng khen cô ba Trí ngày lớn trổ mã đẹp gái. Đi qua khỏi chợ làng Thời là mấy trăm mẫu ruộng của nhà cô ba. Con Nhài nãy giờ che dù đi lẽo đẽo theo sau, nó không nhịn được mới lên tiếng hỏi:
- Trời nắng nôi mà sao cô ba ra ruộng giờ này.
Cái bờ ruộng nhỏ xíu, mấy đứa chân đất lấm lem như nó quen đi chứ cô ba Trí đi Pháp mấy năm rồi mà mang đôi giày tây láng coóng ra đây thế nào một hồi về cũng bị ông la. Cả hai đang đi thì thấy bóng dáng người con gái nào đó mặc cái áo bà ba màu xanh mạ, mặc quần ống trắng ngà. Thấy thế cô ba Trí mới chỉ tay rồi nói với con Nhài.
- Mày nhìn kìa Nhài, trời nắng đi ruộng còn bình thường chớ mặc quần trắng đi ruộng về hồi cũng lấm lem cho coi.
Cô gái cùng người hầu của mình đứng xa xa đó vô tình nghe được lời nói của cô ba Trí, cô quay mặt sang trừng trừng nhìn Mẫn Trí.
- Ủa bộ họ nghe hả? Tao nói nhỏ mà Nhài?
- Nhỏ đâu cô, cô ba nói nhỏ mà gió xuôi đứng ở đằng ấy cũng nghe rõ mồng một đó chứ.
- Sao mày không nhắc tao?
- Con sao dám chen vô lúc cô ba đương nói chuyện.
- Mà đó là ai vậy?
Con Nhài cố nhích người lại Mẫn Trí, nó nói chuyện nhỏ nhỏ vào tai cô.
- Cô hai Lân con ông hội Phước, cô hai Lân dữ lắm con không dám kiếm chuyện đâu.
Hải Lân thấy người xa lạ đằng kia đang xì xầm gì đó còn nhìn về phía mình thì nàng liếc xéo. Mẫn Trí đứng ở đằng này lạnh sóng lưng tự nhiên cô ba rùng mình một cái, hình như lời con Nhài vừa nói khi nãy là thiệt. Đi mấy năm rồi mà nhìn Hải Lân lạ quá chừng, không biết ai xui ai khiến Mẫn Trí mới mon men bước lại gần.
- Hải Lân phải không?
- Đúng rồi... còn chị đây là...
- Chị là Mẫn Trí đây nè, hồi nhỏ chị hay sang nhà em chơi đó.
Nghe vậy Hải Lân chợt cười khúc khích, em nhắc lại chuyện cũ:
- À, chị Trí hồi nhỏ sang nhà em chơi ăn cắp xoài bị chó rượt.
Con Nhài nghe xong ở phía sau lưng cũng cười. Không những nó mà con Xíu người ở của cô hai Lân cũng che miệng cười theo. Chỉ có mặt Mẫn Trí quê xệ đứng như trời trồng, coi bộ hình như Hải Lân trả đũa lại chuyện khi nãy cô ba chê nàng đi ruộng mặc quần lụa bà ba trắng. Mẫn Trí tằng hắng mấy tiếng, rồi lái sang chuyện khác:
- Ờ trời nắng nôi mà em ra đây mần chi? Hay cũng đi thăm ruộng?
- Em đi ăn đám ở xóm Thượng, đường ruộng này thông qua xóm đó, đi thẳng lên xong quẹo tay mặt có con kênh đi qua cây cầu khỉ là tới.
- Ờ xa xôi quá mà hổng mang dù theo hen?
Nói xong Mẫn Trí lấy cái dù trên tay con Nhài đưa cho con Xíu, thấy con nhỏ đang chần chừ thì Hải Lân mới lắc đầu.
- Thôi em lấy dù rồi chị lấy chi mà xài, nắng lắm.
- Em xài đi chị đi ra ngoài chòi kiếm anh hai, ổng có đem theo mấy cây dù lận đừng lo.
Cô hai Lân một lần nữa lắc đầu, con Xíu thấy Mẫn Trí cầm cán dù đưa cho nó mà chưa có ý rụt tay lại. Nó khẽ liếc nhìn cô chủ mình rồi nhận lấy cây dù từ tay cô ba Trí.
- Xíu!!!
- Không sao đâu đa, cứ nhận lấy cho chị vui khi nào em rảnh em sang nhà ông hội Chinh trả lại cũng được.
Hải Lân nhìn người trước mặt một chút rồi gật đầu nhận lấy, tự dưng sao trong lòng nàng ngại ngùng quá chừng dù nàng biết rõ Mẫn Trí cũng là con gái như nàng đây với cả hai hồi còn bé đã chơi chung với nhau. Mãi đến khi năm Mẫn Trí 15 tuổi đã đi sang Pháp học, giờ cũng đã trôi qua 5 năm rồi có ít ỏi gì đâu. Nàng nhìn cô thêm lần nữa rồi gật đầu cảm ơn xin phép về nhà trước sợ cha má lại la. Mẫn Trí với con Nhài né sang một bên để Hải Lân đi. Mà cái đường đất nhỏ quá, Hải Lân trước giờ cũng ít đi đây đó xém nữa nàng đã trượt chân xuống ruộng may sao Mẫn Trí nhanh tay giữ eo nàng lại. Cô hai chớp chớp mắt nhìn người đang đỡ mình, hai tai nàng đỏ bừng vì ngại còn cô ba dìu nàng qua khỏi chỗ đất trơn rồi mới buông tay ra.
- Cảm ơn chị..
Nói rồi cô hai Lân lặng lẽ cúi gầm mặt đi mất. Mẫn Trí đứng ở bờ ruộng nắng chan chan mà nhíu mắt nhìn theo.
- Con gái gì mà đẹp dữ thần.
- Con thấy cô ba cũng đẹp mà?
- Nhưng tao không có mắt mèo.
Con Nhài nghe xong gãi gãi đầu, không hiểu:
- Cây mắt mèo hả cô ba, cây đó ngứa lắm đụng vô ngứa thấy ông bà ông vãi luôn.
Mẫn Trí nghe xong đánh vào đầu con Nhài một cái rõ đau, con nhỏ gì mà khờ phải biết.
- Tao bị cảm nắng rồi Nhài.
- Cũng phải ai kêu cô ba cho cô Lân mượn dù chi giờ hai cô chủ mình dang nắng nè.
- Mày đúng là khờ mà!!!
Nói rồi cô ba Trí bỏ đi trước, đôi giày tây của cô ba cũng dính mấy vệt bùn do khi nãy đôi guốc của Hải Lân lỡ sượt qua. Ấy vậy mà cô ba cứ nhìn nhìn đôi giày mình miết, lâu lâu cũng mỉm cười nữa.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip