Đỉnh Mã Yên vọng non sông

"Ngự chốn sơn vu Hoa Lư thành,

Lãng đãng mây mù lẫn núi xanh...

Thân lau rũ xuống, nương theo gió

Loạn thế hào kiệt, phẩm tinh anh."

(Hoài Ý)

____________

Từ rất sớm, Chiêu đã ra ga tàu. Nhìn xung quanh, Chiêu cảm thấy có cái gì thật gần gũi giữa những con người nơi đây. Những cái bắt tay, những cái ôm thắm thiết như không nỡ rời xa, những lời tạm biệt, lời chúc thân thương, và còn cả những giọt nước mắt nữa.

Đoạn đường ra Bắc tuy dài nhưng với Chiêu lại thu gọn trong một khoảnh khắc: Cánh đồng lúa vàng ươm bát ngát chờ thu hoạch, những dòng sông đỏ nặng phù sa, những cánh rừng um tùm cây cối vươn mình cao lên đón nắng, những chiếc bóng vội vã thoắt ẩn thoắt hiện, mờ ảo như nắng mùa đông ánh trên những lớp tuyết, lấp lánh ngũ sắc. Cuộc sống muôn hình vạn trạng dường như được phản chiếu rõ nét qua khung cửa sổ tàu.

Sau hơn ba mươi tiếng trên tàu, Chiêu cuối cùng cũng đặt chân lên mảnh đất lịch sử ngàn năm – Ninh Bình. Cô lập tức thuê một khách sạn và ngủ qua đêm.

Một đêm không mộng mị.

Sáng hôm sau, Chiêu lại tiếp tục cuộc hành trình của mình. Trên nền trời xanh thẳm, dưới chân những dãy núi đá hùng vĩ là cánh đồng lau trắng khiến con đường trở nên mềm mại, đẹp lạ thường. Đầu ngày, mặt trời lên cao đan những vệt nắng óng ả, nhuộm vàng những khóm lau trắng tinh khôi. Những khóm lau mềm mại đầy sức sống, mọc lên dày đặc tựa một bức tường thành vững chãi, bảo vệ vùng đất thiêng Hoa Lư, bảo vệ anh linh vị Hoàng đế đã khai sinh nhà nước phong kiến đầu tiên của Việt Nam. Thả hồn giữa không gian rộng lớn của cánh đồng lau trắng, hít hà hương vị riêng biệt của cỏ cây đất trời - một mùi hương bình dị rất đỗi hoang sơ - Chiêu cảm nhận sự lắng đọng của từng giọt thời gian ngàn năm đọng lại.

Chiêu đã cứ yên lặng mà đứng nhìn như thế, đắm chìm trong những suy nghĩ mông lung của mình. Cô nghĩ về những ước mơ, những hy vọng, nghĩ về mục đích sống, cũng nghĩ về mười một năm xa quê hương. Thế rồi rảo bước trên con đường lên núi, Chiêu đến cố đô Hoa Lư, nơi hẳn sẽ rất thú vị với một sinh viên kiến trúc như cô khi xung quanh Chiêu là lối kiến trúc cổ xưa, đặc sắc của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam. Sau một hồi dạo quanh chiêm ngưỡng, cô nhìn ngó xung quanh và vô tình nhận thấy sự vắng vẻ kỳ lạ của quầy bán vé tham quan khu lăng mộ vua Đinh, và cũng vì tò mò, Chiêu quyết định mua vé. Đi hết những bậc thang đá sẽ đến được lăng mộ ấy.

Hơn ba trăm bậc thang dưới cái nắng hanh khô, một người đã quen với thời tiết ở Canada như Chiêu thật khó mà thích ứng được. Khi đi được nửa chừng, cô đã lưỡng lự xem nên đi tiếp hay quay về. Ngước mắt lên nhìn, vẫn còn cả trăm bậc thang nữa mà Chiêu thì đã thấm mệt, mồ hôi chảy xuống từ hai bên thái dương, nhỏ giọt tạo thành những vệt sẫm thấm lên lớp đất đá, khuôn mặt Chiêu ửng đỏ vì mệt, hơi thở rối loạn, hai bắp chân tê rần, nhức mỏi. Cô quyết định dừng chân nghỉ ngơi.

Chiêu nghĩ về lý do thật sự của chuyến hồi hương này. Phải chăng cô đang chạy trốn những phiền muộn thực tại? Và thế là, Chiêu quay đầu, hệt như cô trong quá khứ... Nhưng xem kìa: "Mình đã đi được xa thế này rồi sao?" Chiêu bất ngờ nhận ra cô đang đứng trên hơn hai trăm bậc thang đá, giữa núi rừng hoang sơ, bốn bề đều là cây cối rậm rạp, mọc um tùm và những ngọn núi đá nhấp nhô. Chiêu hơi ngửa mặt lên, kinh ngạc phát hiện mặt trời gần mình hơn bao giờ hết, tựa như chỉ cần với tay lên là có thể nắm bắt được thứ ánh sáng rực rỡ ấy. 

Đây là lần đầu cô đứng ở một nơi cao như thế.

Không bận tâm đến nỗi đắn đo rằng mình nên đi tiếp hay không, cô đứng dậy và cứ tiếp tục leo lên. Bất ngờ, cô gặp một người đàn ông gầy gò. Một tay ông chống gậy, một tay tì vào phần tay vịn của cầu thang đá, nhìn dáng đi có thể biết được người này bị tật ở chân, trên lưng ông còn đeo hai, ba túi đồ nom rất nặng, có thể trượt chân ngã bất cứ lúc nào. Thấy thế, Chiêu mặc dù hết sức kinh ngạc nhưng cô không nghĩ nhiều mà đi nhanh đến cất lời:

"Dạ ông ơi, để cháu giúp ông ạ."

Người đàn ông sững người nhìn Chiêu, khuôn mặt ông rám nắng nhiều nếp nhăn phong sương nhưng ánh mắt ánh lên vẻ hiền lành. Khi ông kịp phản ứng lại thì Chiêu đã đỡ lấy các túi đồ ấy và xách chúng.

"Ôi, không cần đâu, không cần đâu! Tôi có thể tự mang được, cảm ơn cô!" - Người đàn ông khẽ xua tay. Nhưng Chiêu vẫn kiên trì xin giúp, ông đành để cô xách những túi đồ ấy.

Ông Tâm nhìn cô gái trẻ. Ông rất ngạc nhiên khi còn sớm như vậy mà đã có du khách đến tham quan. Và càng không ngờ được ông sẽ được giúp đỡ một cách thân thiện như vậy. Dẫu sao, ông đã gắn bó với công việc này gần nửa đời người. Nỗi xúc động bỗng dâng lên, len lỏi trong lòng ông.

Chiêu trò chuyện cùng người đàn ông trong quá trình leo những nấc thang còn lại. Chiêu biết được ông tên Tâm, sống dưới chân núi rất gần khu lăng mộ vua Đinh. Hằng ngày, ông đều lên xuống những bậc thang này đã hơn ba mươi năm nay để trông coi mộ vua. Với Chiêu, hình ảnh đó khiến cô rất đỗi xúc động: một người đàn ông tuy tàn tật nhưng leo hơn ba trăm bậc thang mỗi ngày chăm sóc mộ vua, nhanh nhẹn, không hề khiến cô phải đi chậm lại hay chờ đợi.

Một già một trẻ cùng nhau trèo lên đỉnh Mã Yên. Vừa đến nơi, hiện ngay trước mắt Chiêu là chỗ thờ cúng vua Đinh ngay giữa khoảng sân cùng những bệ đá chạm khắc hoa văn tinh xảo.

Chiêu thấy lấp ló những ngọn núi mờ sương phía xa, những khóm lau mọc thành cụm nhỏ khẽ lay, làm mềm mại hơn những núi đá vững chãi. Chiêu cảm nhận được có cơn gió luồn vào kẽ tóc, những tia nắng đã dịu đi, nhảy múa trên làn da cô. Lại phóng mắt ra xa, một khung cảnh hùng vĩ đến nao lòng hiện lên trước mắt, những đỉnh núi trong mây, thoắt ẩn thoắt hiện như chơi trốn tìm. Khi ấy, ở trên đỉnh núi kỳ vĩ này, chỉ có ông Tâm, Chiêu cùng những nút thắt trong lòng đang dần được nới lỏng.

...

Ông Tâm nhận lại mấy túi đồ từ tay Chiêu, để lên chiếc bàn đá cũ kĩ. Xong, ông một tay chống chiếc gậy gỗ, một tay cầm chổi quét khoảng sân trước chỗ thờ vua Đinh. Tay trái ông dùng sức tì vào chiếc gậy còn tay phải thành thục quét. Ông đi cà nhắc, bước chân một cao một thấp nhưng lại thoăn thoắt quét sân khiến người khác nhìn vào cảm thấy ông có thể ngã bất cứ lúc nào.

Chiêu không đành lòng lên tiếng:

"Ông ơi, cháu đứng đây không làm gì cũng nhàm. Ông để cháu giúp với ạ."

"Không, không. Cảm ơn cô! Đây là công việc của tôi, tôi phải tự mình hoàn thành. Vả lại, cô là du khách, cứ đi tham quan xung quanh đi!"

Nhưng Chiêu nhất nhất muốn được giúp, ông Tâm đành bỏ cây chổi xuống, lấy ra vật dụng lau chùi khu mộ được làm từ đá chạm khắc hoa văn long phượng thể hiện sự tài hoa của người xưa. Ông cầm giẻ lau với đôi bàn tay co rút, teo tóp, hết sức tập trung lau kỹ càng, rồi lại nhìn ngó xem chỗ nào còn vết đen, tiếp tục lau cho thật sạch. Khi Chiêu còn loay hoay quét dọn thì ông Tâm bày hoa quả, bánh kẹo, nước uống ra bàn thờ, cẩn thận sắp xếp lễ vật để cúng. Đôi tay ông di chuyển thành thục, chỉ một loáng đã sắp xếp lễ cúng đâu ra đó, gọn gàng.

Sau cùng, ông ôm một bó hoa lau trắng muốt được gói đẹp mắt, khẽ vuốt ve, thành kính đặt lên bàn thờ. Lòng Chiêu khẽ động.

Sau hơn một giờ đồng hồ thì hai ông cháu cũng dọn dẹp tương đối ổn thỏa. Lúc này, mặt trời đã lên cao, tỏa nắng rực rỡ khắp núi rừng Mã Yên. Ông Tâm bắt đầu nghi thức thắp hương, đơn giản mà thành kính. Chiêu cũng lấy một nén nhang, thành kính vái lạy.

"Cô ngồi nghỉ một chút đi, dọn dẹp nãy giờ cũng mệt mỏi rồi." - Xong xuôi, ông Tâm ngồi xuống chiếc ghế đá, tay vỗ nhẹ lên chiếc ghế bên cạnh.

Chiêu liền ngồi xuống cạnh ông Tâm, giọng vui vẻ bắt chuyện:

"Ông làm công việc này đã hơn ba mươi năm, vì sao ông có thể kiên trì trèo hơn ba trăm bậc thang mỗi ngày thế ạ?"

Ông cười trả lời, giọng hoài niệm:

"Tôi làm công việc này để 'an ủi tinh thần' cơ mà! Nhà tôi cách khu mộ vua Đinh Tiên Hoàng khoảng 150 mét. Lúc nhỏ, mỗi lần đi chăn trâu, tôi cùng đám bạn trèo lên đây để cắt cỏ cho trâu ăn rồi bày trò đánh trận giả. Chúng tôi lấy khu vực lăng vua làm trung tâm hoàng cung, các hang đá xung quanh được bố trí là nơi ẩn nấp của quân ta và giặc. Sau những trận giao tranh quyết liệt, đội nào thua phải quét dọn sạch sẽ khu lăng mộ vua Đinh rồi mới được ra về." - Khi kể lại những ký ức tuổi thơ, ánh mắt ông trở nên rạng rỡ, có hồn hơn, trên môi thấp thoáng nụ cười hiền lành.

"Tôi không nhớ rõ, hình như là năm 1983 hay 1984 gì ấy, ban quản lý di tích cố đô mới thông báo tuyển người trông coi, quét dọn lăng mộ nhưng không lương nên không ai nhận. Tôi tự nguyện đến xin làm, vì cái tâm, làm vì niềm vui, xem đó là cái duyên số với vua Đinh."

"Ý của ông là ông làm việc này suốt ba mươi năm không được trả lương ạ?" - Chiêu kinh ngạc thất thố. Trong suy nghĩ của cô, con người ta làm việc không công chỉ khi làm từ thiện, hoặc là trong một khoảng thời gian nhất định, sẽ chẳng có ai gắn bó với một công việc không lương gần nửa đời người cả! Huống hồ còn là một công việc đơn độc, có phần nguy hiểm như vậy.

Một cảm giác xúc động mãnh liệt bỗng xông lên trong lòng Chiêu.

"Đúng thế, một số khách đến đây vãng cảnh thấy tôi họ cũng 'phát lộc' mười ngàn, hai mươi ngàn đồng hay nải chuối, gói bánh, gói xôi. Tôi không xin, hay có bất cứ từ ngữ gì gợi ý hết. Vì vậy nhiều người bảo tôi 'dở người'. Tôi thì chẳng quan tâm người khác nói gì, nghĩ gì về mình... Tôi được gia đình ủng hộ, thế là yên tâm làm việc rồi". - Ông cười cười trước sự ngạc nhiên của Chiêu.

Rồi ông Tâm nói tiếp:

"Tôi có thể vui vẻ khi làm việc này thì dễ chịu hơn nhiều những người nản lòng với công việc của họ dù lương bổng có cao đến đâu. Không phải ai cũng được như tôi đâu. So ra, tôi còn may mắn hơn nhiều người lắm!" - Ông bật cười, giọng điệu vui đùa của ông cũng khiến tâm trạng Chiêu tốt lên nhiều.

"Vâng, ông nói đúng ạ!" - Chiêu cười nói. "Nhưng ông đi lại khó khăn mà ban quản lý vẫn để ông làm ạ?"

Hoá ra, chừng hai chục năm trước, trong một lần lên núi gặp trời mưa to, đường trơn, ông Tâm vướng vào cành cây rồi ngã lăn theo bậc đá xuống núi. Cũng từ đó hai chân tàn tật. Lúc bị tai nạn, do phải nằm viện điều trị nên ông Tâm đành nhờ mẹ già lúc đó đã hơn 90 tuổi trông coi mộ vua, cụ vừa mất năm ngoái. Khi còn sống, cụ rất thương ông, là người bạn đồng hành cùng ông hơn mười năm trên núi Mã Yên.

Nghe ông kể chuyện, mắt Chiêu lấp lánh ánh nước, tựa như có thể thấy trước mắt hình ảnh hai mẹ con dìu nhau lên đỉnh núi năm nào.

"Rất nhiều người nghĩ tôi sẽ từ bỏ công việc này sau khi gặp phải một tai nạn như vậy. Nhưng làm sao có thể từ bỏ chứ? Sau hai năm kiên trì tập luyện, tôi lại tiếp tục chinh phục đỉnh Mã Yên Sơn và làm tiếp công việc 'ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng' này."

"Ôi xem kìa, tôi lại nói những chuyện không đâu. Đây là lần đầu cô đến Hoa Lư phải không? Cô có vui lòng nếu tôi làm 'hướng dẫn viên' cho cô không?" - Ông Tâm nói.

"Được chứ ạ, cảm ơn ông!"

Nói rồi ông đứng dậy, tay chống vào bệ đá, Chiêu cũng nhấc người khỏi ghế, chỉ thấy dưới nền trời xanh thẳm là trùng điệp núi non.

Ông Tâm chỉ tay về phía xa:

"Đó chính là nền thành của tòa thành cổ phía Bắc. Ở nơi đó, Đại Thắng Minh Hoàng đế, hiệu Đinh Tiên Hoàng, đã trị vì nhà nước Đại Cồ Việt thống nhất đầu tiên trong vòng 12 năm từ 968 - 980. Và trên cái nền độc lập đầu tiên ấy, các nhà vua thời Tiền Lê đã trị vì thêm 29 năm nữa. Vậy là hơn 40 năm thành cổ tồn tại, còn nguyên những dấu vết cho đến ngày nay..."

Thả lỏng tâm trí theo lời kể của ông Tâm, Chiêu ngắm từng viên gạch tưởng như còn thấm đẫm mồ hôi của những tháng năm đầu dựng nước. Nhìn tòa thành nơi phương xa, Chiêu như được về thời loạn, về với lịch sử huy hoàng của nước nhà, tìm về những giá trị hoài cổ ẩn sau trùng điệp núi non, tầng tầng lớp lớp thành lũy xưa cũ.

"Kia là con sông Hoàng Long chảy vào sông Đáy, tạo nên đường thủy rất thuận lợi cho thành Hoa Lư ở miệt Trường Yên. Bức tường thành kiên cố như vậy sở dĩ là nhờ dựa vào chiều cao của dãy núi đá vôi. Những đoạn thành dựng lên nối liền những ngọn núi lại tạo nên hai lớp Thành Ngoài và Thành Trong." - Ông Tâm say sưa nói.

"Nói đến thành Hoa Lư là nói tới dãy núi Trường Yên trùng điệp thành quách lịch sử. Nhắc đến Tam Cốc là hình dung một chiến lũy đường thủy mang đậm dấu ấn của khoảng thời gian khởi binh. Còn rất nhiều nơi nữa nhưng không thể không nhắc đến khu rừng Cúc Phương, một kho tàng huyền tích."

Rồi ông khẽ chỉ tay về mảnh trắng xoá ở dưới:

"Tuy Hoa Lư có rất nhiều danh lam thắng cảnh, nhưng đặc sắc nhất vẫn là thời khắc hoa lau nở trắng núi rừng." - Dừng một chút, như bồi hồi, lại như ngậm ngùi, ông nói tiếp: "Một thoáng trắng xóa dưới chân núi ấy gợi cho tôi rất nhiều kỷ niệm đẹp với mẹ, những câu chuyện bà kể tôi nghe mỗi tối trước khi ngủ về một cậu bé lấy bông lau đánh trận giả với lũ trẻ trong làng, rồi đến vị tướng quân oai phong lẫm liệt dẹp loạn mười hai sứ quân, thu non sông về một mối, cuối cùng là vị Hoàng đế khai sinh nên triều đại phong kiến đầu tiên của nước ta."

Chiêu bỗng nhớ đến ánh mắt dịu dàng của ông khi ôm bó lau trắng, cùng dáng vẻ thành kính cẩn trọng lúc đặt chúng lên bàn thờ vua Đinh.

"Ngọn núi này có phần đỉnh chùng xuống, từ xa trông lại như một chiếc yên ngựa, nên được người xưa gọi là Mã Yên sơn. Khi vua Đinh băng hà, triều thần cho đặt lăng mộ vua trên 'chiếc yên ngựa' này để tưởng nhớ vị Hoàng đế giành lấy thiên hạ từ trên lưng ngựa, mang lại thái bình thịnh thế cho nhân dân."

Ông Tâm khẽ nhắm mắt, giọng đều đều.

Theo lời kể của ông, tâm trí Chiêu bỗng chốc bay đến nơi nào xa xôi lắm, bên tai vang lên tiếng reo hò chiến thắng của vị tướng dẹp loạn 12 sứ quân năm nào. Hình ảnh vị tướng quân uy vũ trong bộ giáp ánh kim, vó ngựa tung hoành sa trường, đạp lên mảnh đất nhỏ bé, đi đến khát vọng về một quốc gia thái bình thịnh trị hiện lên rõ ràng hơn bao giờ hết, như hừng đông nơi cuối chân trời.

Từ khoảnh khắc đặt chân lên ngọn Mã Yên sơn này, ba trăm bậc đá cheo leo kia đã dẫn Chiêu đến gặp vị Hoàng đế lưu danh thiên cổ ấy. Ngài đang nằm an nghỉ bên những dãy thành cổ phập phồng hơi thở hào khí mở đầu một thời dựng nước và giữ nước. Cũng là duyên số cho cô gặp được một tấm lòng cao thượng giữa núi rừng hùng vĩ.

Ông Tâm nói tiếp:

"Cô biết không, Hoa Lư có nghĩa là 'hoa lau', nhưng kinh đô Hoa Lư lại có nghĩa là 'làng hoa'. Một ước mơ, một viễn cảnh xán lạn được vua Đinh viết nên chỉ từ một sự thay đổi nhỏ mà khác hẳn! Ý tưởng xây dựng quốc gia đẹp lộng lẫy như một làng hoa đã có từ ngày ấy. Việc xưng đế của Đinh Bộ Lĩnh khi đó là Vạn Thắng vương có ý nghĩa hết sức lớn lao, cho thấy bước tiến vượt bậc trong tư duy của Ngài, với ý thức tự cường dân tộc, sánh vai ngang hàng với các Hoàng đế phương Bắc. Điều này cô hẳn sẽ thấy rõ hơn ở cái tên 'Trường Yên' - sau khi dẹp xong loạn 12 sứ quân, vua Đinh Tiên Hoàng đã chọn nơi này để xây dựng kinh đô nước Đại Cồ Việt. Và 'Trường Yên' đồng nghĩa với 'Trường An' - kinh đô nhà Hán."

Trường Yên... Trường Yên...

Một ý nghĩ bất chợt nổi lên, chớp nhoáng. Mắt Chiêu nheo lại, dần dần mở ra, ánh sáng vỡ vụn trong mắt từng chút một hội tụ thành ánh sao rực rỡ, khóe miệng dần mở rộng độ cong, không tiếng động cười rạng rỡ.

Hoá ra là như thế.

Chiêu nhớ tới mẹ mình, người phụ nữ lấy chồng Tây nhưng mỗi năm mới đến vẫn mặc lên người bộ áo dài thướt tha, người phụ nữ sống 11 năm ở Canada vẫn có thể nói tiếng Việt lưu loát, người phụ nữ mà mỗi tối trước khi ngủ đều thông qua một mẩu chuyện nhỏ dạy Chiêu những kiến thức lịch sử quê nhà tưởng chừng vô thưởng vô phạt. Và bà luôn dạy cho đứa con mình rằng "nét văn hoá của từng nơi là khí chất bất diệt của dân tộc ấy."

Cô rốt cuộc cũng thông suốt những lời nói của mẹ từ rất nhiều năm về trước.

Ông Tâm khẽ quay sang, bắt gặp bộ dáng u mê đi trong sương mù mà chợt tỉnh ngộ của Chiêu, đôi mắt hiền từ. Ánh mặt trời chiếu vào ông tạo thành vầng sáng ấm áp bao bọc toàn thân. Trong lòng ông chỉ còn ấm áp, tựa như ấm áp cũng muốn từ trong cơ thể tràn ra ngoài.

Ông Tâm không nói tiếp, mà Chiêu cũng không hỏi nữa.

Gió lộng, không khí tĩnh lặng.

Cả hai người đều theo đuổi những suy nghĩ riêng. Không cần mở lời, càng không cần giãi bày. Hết thảy tâm tư của họ đều gửi gắm đến những khóm lau trắng, đồi núi xanh mướt, tiếng rì rầm khe khẽ theo gió của những thân cây cao vút, theo đó lên tận bầu trời xanh thẳm.

Một già một trẻ, đứng trên đỉnh Mã Yên, thu hết non sông tú lệ vào một ánh mắt - tấm lòng cao thượng lạc quan giữa cuộc đời trắc trở, nét đẹp hoang sơ của rừng lau trắng dưới chân núi, dấu ấn vàng son của những trang sử mang khí phách sơn hà - tất cả đã tạo nên khúc tráng ca vĩnh cửu cho vùng đất thiêng đế đô thuở nào.

Trường Yên, một đời bình yên.

___________________________________

Đồng tác giả: Vân Hương, Hoài Ý.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip