Chương 1: Mùa hè năm ấy, tụi mình đúng là một lũ quỷ trời cho

Mùa hè năm tụi nó tám tuổi, cả con hẻm bé xíu bỗng dưng biến thành chiến trường tuổi thơ — mà bên tấn công là bảy cái đầu lóc chóc, rảnh rỗi và… siêu ồn ào.

Người lớn trong xóm hay gọi bọn nhóc ấy là “lũ trẻ tinh nghịch” — nghe thì có vẻ dễ thương và có hậu. Nhưng bà Tám đầu xóm, với chất giọng oang oang vang xa ba dãy nhà, lại thẳng thừng gọi là:
“Tụi trời đánh không chết!”

Thật ra, bà không sai.

Mỗi sáng sớm, trong khi người lớn còn ngáp dài ngáp ngắn quét sân, thì tụi nhỏ đã í ới gọi nhau í ới sau lưng mấy bức tường đầy dây điện chằng chịt. Mười phút sau, y như rằng, một trò mới lại ra đời.

Hôm thì đào đất giữa hẻm, chôn một “chiếc kho báu” bằng hộp sữa Milo rỗng rồi vẽ bản đồ chia nhau đi tìm — quên mất là chính tụi nó chôn. Hôm khác lại lấy bột mì rắc đầy cửa nhà bác tổ trưởng dân phố rồi… đổ lỗi cho mèo hoang.

Đỉnh cao là lần dán đầy giấy note vào xe ông bảo vệ tổ dân phố, trên mỗi tờ đều ghi dòng chữ:
“Xe này thuộc về chú Đen. Không được lấy. Đã được tiêm phòng.”

Chiếc xe ấy bị bỏ lăn lóc nguyên một ngày, không ai dám lại gần.

Lắm hôm, cả nhóm rủ nhau ra công viên đầu hẻm, chơi trò “giải cứu con tin” bằng cách… leo cây. Ba đứa trèo lên, hai đứa đóng vai ác, còn hai đứa còn lại đứng dưới hét:
— Trả bạn tao đây! Mày có tin tao méc mẹ không!?

Dân xóm quen mặt rồi nên thôi cũng chẳng la. Nhưng mỗi khi thấy bà Tám xách chổi quét sân, tụi nhỏ tự động biến hình: đang la hét bỗng hóa im thin thít như mấy chú mèo bị nhốt trong giỏ.

Thế nhưng, sự yên ắng ấy chỉ kéo dài chừng ba phút. Chỉ cần tiếng ve kêu một cái, là tụi nó lại bày thêm trò mới. Như thể trong đầu tụi nhỏ có một cái bộ phát ý tưởng nghịch dại vô hạn, cứ nắng lên là hoạt động hết công suất.

Mùa hè ấy, nắng thì chói chang. Tụi nhỏ thì giòn tan như bánh tráng nướng. Và cả khu phố… thì quá sức chịu đựng rồi

Mỗi lần cả đám tụ lại, con hẻm nhỏ lại biến thành sân khấu cho những trò nghịch dại không hồi kết. Tiếng cười vang lên không ngớt, kèm theo đó là... tiếng la thất thanh của bà Tám đầu xóm:
— “Trời ơi! Tụi bây lại gỡ dép tao treo lên cây dừa nữa hả!?”

Ở giữa đám hỗn loạn ấy, nổi bật nhất chính là Bạch Gia Phong — thằng nhỏ mặt lúc nào cũng tỉnh rụi như vừa bước ra từ phim cổ trang. Mỗi lần nó lên tiếng, y như rằng... sắp có một trò động trời xảy ra. Lần gần nhất, nó lãnh đạo cả bọn làm cái “tàu ngầm bằng thùng xốp” thả trôi mương. Kết quả: tàu chìm, người nổi, mùi bùn thì theo về tận nhà.

Còn cái đứa tay cầm súng nước bắn lia lịa khắp nơi, vừa chạy vừa cười to như thể thế giới là sân chơi riêng — đó là Giản Tuấn Minh. Nó là kiểu người mà chỉ cần mở miệng, là cả nhóm ôm bụng cười… hoặc sắp có người ăn cú troll đau đời.

Tô Lâm Mặc lại là đứa ngồi trên bậc thềm, tay cầm cây bút chì vẽ lung tung lên nền xi măng. Mặc ít nói, nhưng một khi đã nhập cuộc là “chiêu độc”, không ai đỡ kịp.

Lục Nam Dương thì kiểu “anh trai nhà người ta” – gọn gàng, sạch sẽ… cho tới khi tụi con gái ném bong bóng nước vào mặt. Sau cú đó, Dương chỉ thốt được một câu:
— “Bây giờ hòa bình hay chiến tranh, mấy bà chọn đi.”

Đám con gái cũng không vừa. Thục Uyển Nhi là “đội trưởng đội cảnh giác”, lúc nào cũng lên tiếng:
— “Phong, đừng trèo nữa, té là gãy răng đó, biết không?”
Nói vậy thôi, chứ lát sau Uyển Nhi cũng… trèo theo.

Hạ Mỹ Kiều thì hay bị tụi con trai chọc vì cái tên nghe như minh tinh Hồng Kông. Nhưng ai dám gọi “Kiều kiều” là coi chừng ăn cú “vung dép” chuẩn không cần chỉnh

Còn Mộng Băng Thanh, bé nhất nhóm, lúc nào cũng nắm chặt con gấu bông lòi bông một bên tai. Đừng để vẻ ngoài bánh bèo đánh lừa — lần trước chính con nhỏ này dám... gài bẫy chuối trượt té ngay trước cửa nhà bà Tám

Người lớn chỉ biết lắc đầu. Còn tụi nhỏ? Vẫn tiếp tục cười, la, và... tồn tại như một thế lực không ai dẹp được

Mùa hè năm tụi nó tám tuổi, con hẻm nhỏ ngày nào cũng như đang tổ chức lễ hội — lễ hội của ồn ào, quậy phá và những trò nghịch dại không hồi kết. Người lớn chưa kịp ngáp xong đã nghe tiếng la chí chóe. Tiếng dép chạy lạch bạch, tiếng chó sủa inh ỏi, và đôi khi là tiếng… vỡ của một cái gì đó không rõ danh tính.

Sáng hôm đó, tụi nó bày trò “chế tạo bệ phóng tên lửa” bằng chai nước ngọt, dây thun và một lượng nước có gas không xác định. Ai cũng hồi hộp chờ “vụ phóng thử”. Kết quả? Chai nước nổ tung, nước bắn lên tận hiên nhà bác Ba, nơi có… chậu lan quý vừa mới nở. Chậu lan sập, bác Ba hét, tụi nhỏ dạt như sóng vỡ bờ.

Buổi chiều, sau màn bị truy đuổi quanh xóm, tụi nó kéo nhau ra bờ mương sau trường mẫu giáo — nơi “bí mật” của nhóm. Ở đó, Bạch Gia Phong hì hục vẽ sơ đồ trận địa bằng que củi lên đất:
— “Bên trái là pháo đài nước. Bên phải là nhà tù kẹo mút. Ai bị bắt thì bị nhốt vô đó!”
Mộng Băng Thanh hớn hở:
— “Tớ mang kẹo thật nè, nhốt tớ đi!”

Tụi nhỏ dựng lều bằng áo mưa cũ, làm cờ hiệu bằng vỏ snack, và vẽ mặt “ngụy trang” bằng… màu nước lấy trộm từ hộp màu của em út nhà Thảo Vi. Ai nhìn vô cũng tưởng đang quay một phiên bản lỗi của “Điệp viên không không thấy”.

Trận chiến bong bóng nước diễn ra dữ dội đến mức bà Tám phải thò đầu ra khỏi cửa, hét tới khản cả giọng. Nhưng không ai nghe, vì đúng lúc đó, Giản Tuấn Minh phát minh ra “bom nước đựng trong túi ni lông cột thun”, thả từ nóc chuồng gà xuống. Hiệu quả: Nam Dương trúng ngay một quả, ướt như chuột lột, lăn ra cười ngặt nghẽo.

— “Tao sẽ không tha cho tụi bây. Trận sau, mày xác định đi Tuấn Minh!”

Đám con gái thì không chịu thua. Uyển Nhi lên kế hoạch phản công bằng cách đổ nước xả vải vào bong bóng. Hạ Mỹ Kiều phụ trách… khuyến mãi thêm viên đá lạnh vào giữa. Và thế là chiến sự tiếp diễn, kéo dài cho đến khi một tiếng “rụp!” vang lên — cây treo quần áo của nhà bác tổ trưởng… gãy làm đôi vì bị leo lên để làm tháp canh.

Tối đến, cả đám nằm lăn ra chiếu ở nhà Minh. Mắt đứa nào cũng díp lại vì mệt, nhưng miệng vẫn còn nói tới chuyện “ngày mai xây thêm trạm cứu thương giả ở góc hẻm”. Tô Lâm Mặc bỗng hỏi một câu trầm ngâm:
— “Không biết mai có bị ba mẹ cấm cửa không ha?”
Cả nhóm bật cười. Kiểu gì cũng bị mắng, nhưng chẳng đứa nào thấy sợ. Vì tụi nó có nhau. Và vì mai trời lại nắng.

Những ngày hè ấy, ngắn ngủi mà ngập tràn tiếng cười. Đôi lúc có nước mắt, có u đầu, có mấy vết trầy gối, nhưng chẳng đứa nào để bụng.
Mỗi vết bẩn trên áo là một cuộc phiêu lưu. Mỗi cái dép bay lên cây dừa là một kỷ niệm. Mỗi cú ngã đau điếng là một bài học không có trong sách vở.

Và giữa tất cả những trò quậy phá ấy, tụi nhỏ đã viết nên những trang đầu tiên của một quyển truyện thanh xuân chính mình

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip

Tags: