tuyen tap quan the am

Quan Âm Truyền Thuyết

(Tuyển Tập)

Diệu Hạnh GiaoTrinh Chuyển Ngữ

Bà Lão Mù Bán Dầu

Xưa thật là xưa, Ðông Hải là một vùng đất liền, và trên vùng đất liền ấy có một tòa đô thành rất lớn tên là Ðông Kinh. Tương truyền rằng vua của thành Ðông Kinh là một hôn quân vô đạo, đã dày xéo đất nước khiến Ðông Kinh trở thành một quốc gia vô cùng hỗn loạn, đạo đức suy đồi, phong khí bại hoại.

Thổ thần của vùng đất ấy bèn đem tình cảnh này trình tâu lên thiên đình, khiến Ngọc Hoàng Thượng Ðế nổi cơn thịnh nộ, cho rằng đất Ðông Kinh không còn cứu vãn được nữa, thôi thì chi bằng lấy quyết định tối hậu là nhận chìm ngôi thành này xuống đáy biển sâu !

Ngài Quán Âm nghe tin này vội vàng đến can gián : một đô thị to lớn như thành Ðông Kinh không thể nào không có một người tốt, nếu phá hủy toàn bộ mà không phân biệt trắng đen thì thật là không ổn thỏa chút nào ! Ngài bằng lòng đến thành Ðông Kinh quan sát điều tra xem thử, vì không muốn người tốt bị họa lây.

Quán Âm Bồ Tát đến thành Ðông Kinh, hóa thành một bà lão mù lòa, tại ngả tư đường mở một quán bán dầu. Ngài lấy nhánh dương liễu từ trong Tịnh bình ra, rảy một vài giọt nước tiên, thế là vại dầu lập tức đầy ắp một thứ dầu thượng hảo hạng màu vàng trong vắt. Ngoài cửa tiệm còn treo một tấm bảng ghi rằng : "Một bình nhỏ 3 đồng, ba bình lớn 1 đồng".

Người trong thành Ðông Kinh đọc tấm bảng ấy đều cảm thấy buồn cười : nếu chỉ có một đồng mà mua được đến ba bình dầu lớn thì ai tội gì mà bỏ ra ba đồng mua một bình dầu nhỏ ! Thế là người mua dầu dồn dập kéo tới, múc ba bình dầu lớn, vứt xuống một đồng rồi bỏ đi. Thậm chí có kẻ thấy chủ quán là một bà lão mù lòa, cứ thế ngang nhiên đến múc dầu mà chẳng thèm trả tiền.

Ngày nào người mua dầu cũng lũ lượt kéo đến không ngừng, may mà dầu trong vại của bà lão mù múc hoài không hết, múc xong vại lại đầy như cũ, múc tới múc lui mà mực dầu không chút suy suyễn.

Tình trạng này cứ thế mà kéo dài trong nhiều ngày, khách đến mua dầu ai cũng tham lam đến nỗi ngài Quán Âm vô cùng thất vọng.

Một hôm, có một anh chàng rất trẻ tuổi, làm nghề bán đậu phụ, đến trả ba đồng tiền mà chỉ múc có một bình dầu nhỏ, rồi còn nói :

- Bà lão ơi, cháu múc dầu rồi bây giờ đi đây, bà nhớ thâu tiền nhé !

Quán Âm Bồ Tát vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ, vội gọi anh chàng lại :

- Cậu em này, người ta ai cũng trả một đồng múc ba bình dầu lớn, còn sao cậu lại trả ba đồng mà chỉ múc có một bình nhỏ mà thôi vậy ?

Anh chàng bán đậu phụ nói :

- Bà lão tuổi đã già nua, mắt lại mù loà thật là bất tiện, mà còn mở quán bán dầu không phải là chuyện dễ. Ba đồng một bình dầu nhỏ giá đã phải chăng lắm rồi, làm sao cháu có thể đành đoạn lợi dụng bà cho được ?

Quán Âm Bồ Tát nói :

- Người ta làm được, tại sao cậu không làm được ?

Anh chàng bán đậu phụ đáp :

- Mẹ cháu có nói "làm người phải có lương tâm, không nên bắt chước kẻ ác làm điều bất lương".

Thì ra anh chàng bán đậu phụ còn là một người con hiếu thảo. Ngài Quán Âm lại càng hoan hỉ hơn, bèn nói nhỏ với anh chàng :

- Nói cho cậu biết, thành Ðông Kinh sắp sụp đổ.

Anh chàng bán đậu phụ nghe thế thì giật bắn người, mở to cặp mắt ngây dại nhìn bà lão đăm đăm không chịu tin. Quán Âm Bồ Tát nói :

- Tôi nói thật đấy, tôi thấy cậu là người lương thiện tốt bụng nên mới báo trước cho cậu biết. Cậu hãy nhớ kỹ : ngày nào con sư tử đá trước cửa nha môn trào máu miệng là ngày ấy thành Ðông Kinh sẽ sụp đổ. Lúc ấy cậu hãy mau mau nhắm hướng đông mà chạy. Hãy nhớ kỹ lấy ! Ðừng quên !

Từ ngày ấy trở đi, sáng nào anh chàng bán đậu phụ cũng chạy đến cửa nha môn nhìn con sư tử đá, và cũng từ ngày ấy trở đi, quán bán dầu của bà lão mù tại ngả tư đường cũng không còn nữa.

Một buổi sáng nọ, anh chàng bán đậu phụ lại chạy đi nhìn con sư tử đá, thì gặp một người làm nghề đồ tể chuyên mổ lợn. Ðồ tể hỏi :

- Sao sáng nào cũng thấy cậu chạy tới đây nhìn con sử tử đá vậy ?

Anh chàng bán đậu phụ là một người thật thà nên đem lời báo trước của bà lão mù ra kể lại cho đồ tể nghe.

- Cái gì ? Mồm con sư tử đá trào máu ? Cái cậu này, sao ngốc quá là ngốc !

Ðồ tể vừa cười ha hả vừa bỏ đi. Hôm sau, đồ tể muốn phá anh chàng bán đậu phụ một phen, nên trời còn tờ mờ sáng, đã đem máu lợn mới giết bôi lên mồm con sư tử đá. Chẳng bao lâu sau, anh chàng bán đậu phụ cũng vừa đến nơi, thấy mồm con sư tử đá có máu vội vàng cắm đầu chạy về nhà, vừa chạy vừa la :

- Làng xóm ơi ! Thành Ðông Kinh sắp sụp đổ, hãy chạy mau !

Người trong thành cho rằng anh chàng này khùng nên chẳng một ai buồn để ý đến.

Anh chàng bán đậu phụ chạy một mạch tới nhà, cõng mẹ già nhắm hướng đông mà chạy. Chạy mới được một đoạn đường thì nghe "rầm !" một tiếng, quả nhiên thành Ðông Kinh sụp đổ. Chạy được vài bước, thì đất ở phía sau cũng theo những bước ấy mà sụp đổ xuống. Anh chàng chạy không ngừng, thì đất phía sau sụp đổ cũng không ngừng. Cứ thế mà chạy thôi là chạy, tới một lúc anh chàng bán đậu phụ chạy không nổi nữa, đành đặt mẹ già xuống để nghỉ ngơi thở một chút. Kỳ lạ thay, anh chàng ngừng lại nghỉ thì phía sau cũng không nghe tiếng sụp đổ nữa. Anh chàng bán đậu phụ quay đầu lại, thì thấy sau lưng mình là cả một mặt biển mênh mông, thành Ðông Kinh phồn hoa nay không còn nữa !

Hai mẹ con anh chàng bán đậu phụ bèn cất nhà ở ngay chỗ đã dừng chân nghỉ ngơi. Từ từ, vùng đất này cũng trở nên phồn thịnh.

Vì hai mẹ con anh chàng bán đậu phụ ngừng chân nghỉ ngơi rồi mặt biển mới định lại nên chỗ này có tên là "Ðịnh Hải". Còn chỗ anh chàng bán đậu phụ đặt mẹ già xuống nghỉ chân ban đầu có tên là "Phóng Nương Tiêm" (Mũi đặt mẹ xuống), sau này, người ta đổi lại thành "Hoàng Dương Tiêm".

Quan Âm Truyền Thuyết

(Tuyển Tập)

Diệu Hạnh GiaoTrinh Chuyển Ngữ

Mã Đầu Quán Âm

Một hôm, Quán Âm Bồ Tát đến chân núi Cửu Hoa Sơn. Cửu Hoa Sơn ở trong địa phận của tỉnh An Huy, sở dĩ mang tên là Cửu Hoa Sơn là vì dãy núi này có tổng cộng là 9 đỉnh núi, và đỉnh nào cũng giống y như một đóa hoa sen. Chín đỉnh núi đâm vào tận mây xanh, giống như chín đóa hoa sen xanh nở rộ trong không trung. Ngài Quán Âm ngước lên nhìn thắng cảnh núi Cửu Hoa, không khỏi lấy làm ưa thích.

Quán Âm Bồ Tát hoá thành một vị tăng hành cước, thong thả bước lên núi. Mới cất bước, Ngài chợt nghe tiếng tụng kinh. Ngài đưa mắt nhìn thì thấy trong một thung lũng có một vị tăng Tây Tạng đang ngồi kết già phu, đối mặt vào tường mà tụng Bát Nhã Tâm Kinh một cách thành kính. Nhìn thấy vị tăng Tây Tạng đang tụng Bát Nhã Tâm Kinh, Quán Âm Bồ Tát cảm thấy tâm mình bị chấn động.

Câu mở đầu của Bát Nhã Tâm Kinh là "Lúc Bồ Tát Quán Tự Tại hành Bát Nhã Ba La Mật Đa một cách thâm sâu, quán chiếu thấy năm uẩn là Không, thoát khỏi tất cả mọi khổ ách". Quán Âm, Quán Âm, đó có nghĩa là quán sát âm thanh của tiếng kêu cầu mà tìm đến để cứu khổ. Vị tăng Tây Tạng này ngồi kiết già tụng Tâm Kinh trong thung lũng, chắc hẳn phải có nguyên do gì đây. Ông tụng Tâm Kinh, hiển nhiên là muốn cầu nguyện Quán Âm Bồ Tát độ cho thoát khỏi khổ ách.

Ngài Quán Âm nghĩ, hôm nay đến Cửu Hoa Sơn có lẽ là có chút nhân duyên với vị tăng Tây Tạng này chăng, ta nên đến xem lai lịch của vị tăng Tây Tạng này như thế nào ?

Ngài Quán Âm bèn thi triển chút thần thông để nhìn vào quá khứ của vị tăng Tây Tạng.

Thì ra vị tăng này là hoàng tử của Tân Quốc ở Tây Tạng, tên là Cầu Na Bạt Đà. Sinh ra là đã có túc căn, từ nhỏ đã chán ghét mọi điều thế tục vinh hoa, về sau còn thẳng thừng lìa bỏ vương cung, trốn thành đi tu. Ngài rất thông minh, trí huệ sâu sắc, căn cơ giác ngộ rất cao, nghiên cứu đến chỗ thâm áo của kinh điển Phật giáo, công phu tu hành tinh chuyên, chẳng bao lâu làu thông tam tạng, thâm nhập Đại thừa.

Ngài phát đại nguyện hoằng dương Đại Thừa Phật giáo ở Trung độ (Trung Hoa), nên vừa đi vừa khất thực hướng về phía đông, vào đến nội địa Trung quốc, giảng Hoa Nghiêm kinh cho dân chúng ở Trung độ, nhưng có biết đâu, vì ngài không biết nói tiếng Trung Hoa nên khi ngài tuyên giảng Hoa Nghiêm Kinh chả ai nghe hiểu ngài muốn nói gì cả, khiến cho ngài đau lòng và xấu hổ, bèn trốn vào núi Cửu Hoa đối diện với vách tường tĩnh tọa, hy vọng được Ngài Quán Âm giúp đỡ bằng cách đến chỉ giáo cho mình. Vừa khéo đúng lúc ấy ngài Quán Âm đến Cửu Hoa Sơn và biết được chuyện của ngài. Thấy Cầu Na Bạt Đà thành tâm và cương quyết như thế, Quán Âm Bồ Tát càng thêm tán thán :

- Vị tăng Tây Tạng này thật có quyết tâm, nghị lực kiên cường, nếu ta không đến giúp đỡ ông thì ai giúp ông bây giờ !

Ngài Quán Âm bèn ẩn thân đi, quyết định đến chỉ dẫn cho vị tăng Tây Tạng.

Lúc trời vừa tối, Cầu Na Bạt Đà vẫn tiếp tục ngồi thiền nhập định như mọi ngày. Bỗng nhiên, ngài thấy trên tường đá trước mặt hiện ra một vùng ánh sáng, ánh sáng chói cả mắt. Một hồi lâu sau, trong vùng ánh sáng ấy hiện ra một đóa hoa sen, và trên hoa sen ấy hiện lên Pháp tướng của Quán Âm Bồ Tát, và ngay trên đầu Bồ Tát có một con ngựa báu xuất hiện.

Cầu Na Bạt Đà nhìn Pháp tướng của Quán Âm Bồ Tát, thấy Bồ Tát thật sự đến bên mình, trong lòng vừa mừng rỡ vừa kinh ngạc vạn phần, vội vàng chắp tay lễ bái, khấu đầu cảm tạ, đem tâm sự của mình ra bạch với Bồ Tát và cầu xin Bồ Tát khai thị, chỉ dẫn cho mình phải làm sao. Quán Âm Bồ Tát từ bi nhìn Cầu Na Bạt Đà nhưng không nói lời nào, khuôn mặt lộ vẻ tươi cười, sau Ngài nhè nhẹ ngước lên, thì thấy trên đầu Ngài con ngựa báu đang dậm bốn vó, rồi chạy trong không trung không ngừng. Pháp tướng của Quán Âm Bồ Tát lập tức biến mất.

Cầu Na Bạt Đà nhìn ngựa báu hốt nhiên đại ngộ, nghĩ rằng Bồ Tát để cho ngựa chạy không ngừng trong không trung phải chăng là để chỉ đạo cho ta một cách rõ ràng, rằng muốn thông thạo tiếng Trung hoa, phải làm như con ngựa báu tức là chạy không ngừng, chu du bốn phương và chuyên tâm học hành ? Phải rồi, ta phải lập tức lìa bỏ chốn thâm sơn này, đến đại địa của Trung độ. Hôm sau Cầu Na Bạt Đà xuống núi.

Xuống núi rồi ngài đi vân du ở khắp nơi, quan sát và học tập một cách nghiêm chỉnh. Sau 9 năm bôn ba gian khổ, ngài đã thông thạo tiếng Hán, nhờ thế ngài thực hiện được nguyện ước của mình nghĩa là tuyên giảng Đại thừa Phật Pháp ở Trung độ một cách sâu rộng, mọi người đã có thể hiểu lời của ngài để tin phục và lãnh hội, Phật Pháp đại thừa cuối cùng rồi cũng được lưu hành ở Trung độ.

Sau 9 năm, Cầu Na Bạt Đà lên núi Cửu Hoa trở lại, tới chỗ mà năm nào mình đã đối diện với vách đá tĩnh tọa và được Quán Âm Bồ Tát đến chỉ đạo, xây lên một cái miếu Quán Âm nhỏ, trong đó khắc một pháp tượng của Bồ Tát Quan Âm, pháp tượng này không khác gì những pháp tượng khác nhưng chỉ có điều là ở trên đầu Ngài có một con ngựa báu, vì thế người sau gọi hình tướng này là "Quán Âm nhiều đầu" hay là "Mã Đầu Minh Vương", cũng lại tôn xưng là giáo chủ của súc sinh.

Nhưng khi pháp tượng Ngài Quán Âm được khắc xong thì có một số tín đồ địa phương cảm thấy thắc mắc, bảo rằng :

- Một bức tượng Bồ Tát Quán Âm đẹp như thế mà trên đầu lại có thêm một con ngựa, đặt súc sinh lên trên đầu Bồ Tát có phải là tỏ ra bất kính với Ngài không ?

Thế là mọi người nhao nhao đến chất vấn ngài Cầu Na Bạt Đà.

Cầu Na Bạt Đà kể lại cho đại chúng nghe chuyện chín năm về trước, Ngài Quán Âm đã hiển hóa lên con ngựa báu chạy trong không trung để chỉ đạo cho mình, rồi nói tiếp :

- Chúng sinh chia làm sáu nẻo, phân làm sáu loài, tức là những con đường thiên, nhân, a tu la, súc sinh, ngạ quỷ, và địa ngục. Bồ Tát Quán Thế Âm đại từ đại bi, muốn cứu độ tất cả chúng sinh trong sáu nẻo nên mới hiện ra sáu loại Pháp tướng :

Đường địa ngục khổ nhất, nên Ngài hiện thân Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, tượng trưng cho Đại Bi tướng, truyền rằng đó là giáo chủ của địa ngục ;

Loài súc sinh hùng mạnh hiểm ác, nên Ngài hiện thân Quán Âm Mã Đầu, tượng trưng cho Sư Tử Vô Uý tướng, là giáo chủ của loài súc sinh ;

Đường Tu La đa nghi và hiếu chiến, Ngài hiện thân Quán Âm 11 mặt tượng trưng cho Đại Quang Phổ chiếu tướng, là giáo chủ loài A Tu La ;

Đường Nhân thì có thể nói theo sự hay lý, nhìn theo sự thì họ kiêu mạn nên được gọi là Thiên Nhân, nhìn theo lý thì họ có Phật tính nên được gọi là Trượng Phu, do đó Ngài hiện thân Chuẩn Đề Quan Âm, tượng trưng cho Thiên Nhân Trượng Phu tướng, là giáo chủ của loài người ;

Đường Thiên có Đại Phạm Vương, nên Ngài hiện thân Như Ý Luân Quan Âm, tượng trưng cho Đại Phạm Thâm Viễn tướng, giáo chủ loài Thiên. (*)

Ngoài sáu tướng này, Quán Âm Bồ Tát còn có thể tùy cơ ứng hóa mà biến đủ các loại hình tướng khác nhau. Quán Âm thập nhất diện có mười một mặt, ba mặt ở giữa là mặt của Bồ Tát, ba mặt bên trái hung bạo giận dữ, ba mặt bên phải giống như mặt Bồ Tát tuy từ bi hoà ái giống ba mặt trước, nhưng có răng nanh trắng chĩa lên. Mặt sau là mặt "bạo nộ đại tiếu" (**), và trên đỉnh là mặt Phật. Mỗi mặt có đội mũ báu, trên mũ báu có tượng A Di Đà Phật. Ngài Quán Âm Chuẩn Đề thì có ba mặt và mười tám cánh tay. Lại còn có Như Ý Đà Quan Âm, Lục Tý Kim Thân. Nói tới Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Âm lại càng khó có thể nghĩ bàn hơn nữa, vì không có gì có thể sánh bằng.

Ngài giảng một cách sinh động cụ thể, nên người nghe ở dưới toà cứ thế mà nhao nhao gật đầu đồng ý. Cầu Na Bạt Đà nói tiếp :

- Bần tăng phát nguyện từ nay trở đi sẽ đi quyên hóa để khắc tôn tượng của sáu Pháp tướng Quán Âm Bồ Tát nói trên. Nếu quý vị phát tâm giúp đỡ thì thật là công đức vô lượng.

Mọi người vội móc hầu bao giúp đỡ, và cuối cùng sáu tôn tượng Quán Âm Bồ Tát được hoàn thành, người đời gọi là "Lục Quan Âm".

Chú thích :

(*) Tuy nói là có sáu nẻo nhưng trong sách chỉ nói có 5, thiếu đường Ngạ quỷ.

(**) Bạo nộ đại tiếu : Người dịch không hiểu làm sao đã "bạo nộ" (nổi cơn tam bành) mà còn "đại tiếu" (cả cườị) được, bèn vào Google tìm chữ Avalokiteshvara xem hình Bồ Tát Quán Âm 11 mặt ra làm sao, thì trong một vài hình thấy mặt thứ 10 của Ngài (A Di Đà Phật con xin sám hối) là mặt ác quỷ nhe răng nanh, phải chăng người Trung Hoa cung kính không dám nói "ác quỷ" nên dùng chữ "bạo nộ", và nhe răng trở đành "đại tiếu" ? Xin các bậc cao minh vui lòng chỉ dạy!

Quan Âm Truyền Thuyết

(Tuyển Tập)

Diệu Hạnh GiaoTrinh Chuyển Ngữ

Ngao Ðầu Quan Âm

Ngày xưa có một vị quan tham ô, không có việc ác nào là không làm, dân chúng oán hận vô cùng, chết đi bị Ngọc Hoàng Thượng Ðế trừng phạt biến thành thú vật, cá không ra cá, rùa không ra rùa, thân dài một trượng sáu thốn (10 thước 6 tấc), sắc màu vàng kim nên được gọi là con Kim ngao.

Ngọc Hoàng ra lệnh cho nó phải giữ gìn và cai quản các loài thủy tộc trong biển trời trên thiên giới. Có một mùa thu năm ấy, Long Vương giăng lưới làm mưa mà lưới không mở được, bèn điều đình với thần nước, thần mây tạm thời mượn nước của biển trời làm mưa.

Cửa biển trời mở ra rồi, con Kim ngao nọ bèn thừa cơ lần theo nước mưa mà xuống trần gian, và chạy đến biển đông nương thân.

Khi con Kim ngao đến được trần gian rồi thì bản tính độc ác hại người lại nổi lên. Nó có bốn chân và giữa các ngón chân có cái màn da thật dày cho nó dùng làm mái chèo, nên trong nước nó có thể bơi lội mà trên đất liền nó cũng có thể đi lại. Cần kiếm ăn thì nó nổi lên mặt nước như một chiếc tàu nhỏ, lúc ấy không cần biết là tàu buôn, thuyền chài, một khi bị nó khám phá ra thì coi như là tai họa giáng lên đầu. Sức mạnh con Kim ngao này rất lớn, nó muốn chọc thủng đáy tàu thì chỉ cần dùng lưng ủi một cái, chiếc tàu nọ không lật nhào thì cũng bị thủng một lỗ rất lớn, người trên tàu đều biến thành bữa ăn cho nó no bụng. Từ khi có con Kim ngao này đến, dân chài không dám ra khơi, tàu buôn không dám nhổ neo, người dân sống ở miền duyên hải không còn nghề nào có thể làm sinh kế nữa.

Nếu con Kim ngao không tìm thấy thức ăn trên mặt biển thì nó trèo lên đất liền tác yêu tác quái, bắt trộm heo dê bò ngựa của người ta nuôi mà ăn, còn nếu thấy người nó cũng không tha.

Một số người can đảm tìm cách bắt con quái vật này, họ bèn kết một cái lưới thật lớn, tung tới chỗ mà con Kim ngao hay xuất hiện trong biển, nào ngờ sức mạnh con quái vật thật là vô cùng, nó chỉ cần duỗi chân ra là cái lưới rách nát ; họ lại dùng súng lửa, súng bắn chim để bắn nó, nhưng tiếc rằng cái mai của nó rất dày và chắc, không súng đạn nào có thể làm cho nó bị thương. Họ đã làm đủ cách rồi mà cũng không thể nào bắt hay giết con Kim ngao, ngược lại con quái vật bị chọc tức như thế nên ngày ngày lên bờ gây rối, thấy người hay thú đều bắt mà ăn một cách bừa bãi. Dân chúng miền duyên hải bị hắn giết hại quá nhiều, chỉ biết dậm chân kêu trời, âm thanh khóc thương không dứt.

Bồ Tát Quán Âm đang ở động Triều Âm, rừng Trúc Tía trên núi Phổ Ðà nghe tiếng kêu khóc, đưa mắt nhìn về phía Ðông Hải quan sát. Quán xong Ngài biết rằng con Kim ngao đang nhiễu hại dân lành khiến họ không còn biết nương tựa vào đâu mà sống, bèn khởi tâm đại bi, quyết vì dân mà trừ hại, bèn biến thành một bà lão, tìm đến bờ biển kiếm một căn nhà bỏ trống mà ở. Có người thấy vậy bèn hỏi :

- Này bà lão, ở đây có con quái vật, bà không biết hay sao ?

- Biết chứ !

- Ðã biết sao lại còn tới đây ở ? Con quái vật đó hay ăn thịt người, người ta muốn trốn còn trốn không được !

Ngài Quán Âm nói :

- Không sao, chính tôi đang muốn thâu nhận con nghiệt súc này.

Nghe thế ai mà chịu tin, họ lại nói tiếp :

- Sức mạnh con quái vật này vô cùng tận mà phản ứng của nó cũng rất mau lẹ, không ai lưới nó được mà bắn nó cũng không chết, bà tuổi già sức yếu như thế thì làm sao đối chọi lại với nó ?

Ngài Quán Âm nói :

- Quý vị đã nghe qua cái lý "lấy nhược thắng cường, lấy nhu thắng cương" rồi chứ ? Nhìn con voi trắng khổng lồ kia mà con sợ con chuột nhắt tí hon, và con rắn độc hung hãn mà cũng không địch lại nổi một con rết gầy yếu ... Con Kim ngao tuy lớn mạnh thật đấy nhưng tôi có cách để trị nó.

Những người kia nghe thì bán tín bán nghi, họ không biết bà lão ốm yếu gió thổi cũng bay kia làm sao khắc phục được con quái vật, nên họ kéo đến xem bà xử trí ra sao.

Ngài Quán Âm tuần tự đến từ nhà này tới nhà khác, thu góp được mười vạn tám ngàn sợi tơ tằm, và dùng những sợi tơ tằm ấy đan lại thành một sợi dây thừng vĩ đại. Xong Ngài lấy cây dương liễu trong tịnh bình ra, tước thành 9 cái móc bằng gai, cột chúng lại với nhau vào đầu của sợi dây thừng trên. Ngài còn lấy đất bùn bên bờ biển nặn thành hình một người nộm và dấu những cái móc bằng gai ấy vào bụng người nộm ấy. Làm xong mọi việc rồi, Ngài bảo mọi người hãy tránh ra thật xa, còn mình thì đi dạo lãng vãng trên bờ biển.

Con Kim ngao trải qua vài ngày ngủ vùi dưới đáy biển, đúng lúc ấy nó muốn lên bờ kiếm người hay thú vật bắt ăn cho thỏa thích, bèn từ một ngọn sóng lớn vọt lên mặt biển, bơi thẳng tới bờ. Mọi người vừa thấy sóng gió ngất trời đều cùng nhau kinh hãi kêu lên :

- Quái vật tới rồi ! Quái vật tới rồi !

Ngài Quán Âm tay mặt cầm dây thừng, tay trái nhấc người nộm bằng đất bùn lên, tới trước mặt quái vật không chút lo sợ. Kim ngao bơi tới bờ rồi, thấy có người trên bờ bèn lặn xuống nước hớp một bụng nước biển, rồi ngóc đầu lên nghểnh cổ há to miệng ra, chỉ thấy một luồng nước như những mũi tên nhọn hướng về phía Ngài Quán Âm mà phun tới. Mọi người thấy sự việc như thế ai cũng đổ mồ hôi hột, lo sợ cho mạng sống của bà lão già.

Có ai ngờ, dù bị phun nước như thế Ngài vẫn đứng yên không xê xích. Con Kim ngao phun hết nước rồi gầm lên một tiếng, nhe nanh múa vuốt nhảy bổ tới. Ngài Quán Âm lớn tiếng phán rằng :

- Nghiệt súc, đừng có ngông cuồng ! Ta cho mi ăn thịt người đây !

Nói xong bèn phóng người nộm vào mặt hắn. Con Kim ngao đang đói, chẳng từ món ăn nào, há cái mồm như chậu máu nuốt chửng người nộm vào bụng. Không ngờ người nộm bằng đất kia vào bụng nó rồi thì vữa ra, 9 cái móc gai cột vào đầu sợi dây thừng bấu vào tim gan phèo phổi của hắn. Ngài Quán Âm nhẹ tay giật dây thừng một cái, con Kim ngao đau quá rống lên như heo bị chọc huyết, không bao lâu lăn lộn trên bãi cát. Ngài Quán Âm nói :

- Nghiệt súc, lâu nay sống trong nhân gian mi đã tàn hại không biết bao nhiêu sinh linh, đáng lẽ phải tru diệt mi đi, nhưng ta từ bi độ mi về Nam Hải tu hành sám hối tội ác, mi đi hay không đi ?

Con Kim ngao nghe thế bèn quỳ mọp trên bãi cát, nhìn Ngài Quán Âm gật đầu liên hồi.

Ngài Quán Âm thu được con Kim ngao rồi, hướng về những người khác mà từ giã :

- Quái vật đã trừ xong, quý vị hãy trở về nhà xưa mà sống cảnh an cư lạc nghiệp, ta cũng trở về núi Phổ Ðà đây.

Nói xong Ngài hiện nguyên hình Bồ Tát, tung người lên đạp trên lưng con Kim ngao. Con Kim ngao duỗi bốn chân, quay lại phía biển cả, phăng phăng bơi trên mặt nước hướng về Nam Hải.

Tới đây mọi người mới bừng ngộ ra, biết rằng đó chính là Bồ Tát Quán Âm thị hiện để cứu khổ cho dân, bèn cùng nhau hướng lên không trung mà lạy tạ.

Từ đó trong các chùa miếu có tạc tượng Ngài Quán Âm đứng trên lưng con Kim ngao, gọi là "Ngao Ðầu Quan Âm".

Quan Âm Truyền Thuyết

(Tuyển Tập)

Diệu Hạnh GiaoTrinh Chuyển Ngữ

Chụp Tên Hàng Phục Tướng Cướp

Ngày xưa, có một tàu cướp biển ngày ngày cứ lãng vãng trên sông Hoàng Hà, mà cầm đầu là tên giặc cướp Lam Lễ Dụ. Hắn tung hoành trên mặt nước, không có chuyện ác nào không làm, thấy tàu buôn thì cướp hàng hóa, thấy thuyền chài thì đoạt cả mẻ cá của người ta, còn nếu gặp du thuyền thì lột hết vàng bạc của du khách trên tàu. Tuy nhiên tên giặc cướp thô lỗ kệch cỡm này vẫn còn một điều húy kỵ, đó là hắn không dám bén mảng tới Phổ Ðà sơn cướp bóc chùa chiền hay nhiễu hại tín đồ, vì hắn rất sợ bị đức Bồ Tát Quan Thế Âm đại từ đại bi trừng phạt hắn.

Một hôm, tàu cướp biển đi ngang qua hải phận bãi cát Thiên Bộ Sa, Lam Lễ Dụ đang ngồi trong khoang thuyền uống rượu, giương cặp mắt kèm nhèm nhìn quanh nhìn quất, bỗng hắn thấy dọc theo bờ biển Thiên Bộ Sa có một cô gái tay cầm giỏ tre, đang đùa nghịch bằng cách đạp trên đầu sóng mà đi đi lại lại.

Lam Lễ Dụ ngẩn người ra mà nhìn, nghĩ rằng "cô gái này bản lãnh thật cao, biết đạp trên đầu sóng mà đi ! " Rồi ra lệnh cho tên lâu la lái tàu chạy sát lại bờ biển. Khi có thể nhìn rõ, hắn đờ đẫn cả người vì cô gái đang đạp sóng kia là một thiếu nữ xinh đẹp như một nàng tiên trên thiên giới ! Lam Lễ Dụ vừa kinh ngạc vừa vui mừng, nghĩ rằng nếu bắt cô gái này về làm áp thuyền phu nhân thì ta chẳng phải như cọp thêm vây sao ? Thật là nhất cử lưỡng tiện ! Càng nghĩ càng thấy đẹp lòng, càng thấy ham muốn, bất giác nghếch mặt lên trời cười lên hô hố, rồi lập tức truyền lệnh cho một tên lâu la thả chiếc thuyền tam bản xuống chèo cho hắn đi vào bờ.

Không ngờ thiếu nữ nọ nhìn thấy Lam Lễ Dụ bơi thuyền tới gần thì nhoẻn miệng cười và quay đi, tiếp tục đạp sóng hướng tới động Triêu Dương. Lam Lễ Dụ lòng nóng như lửa đốt, luôn miệng hối lâu la "chèo mau, chèo mau đuổi theo cô ta !" và nhắm hướng động Triêu Dương mà thẳng tiến. Nhìn thì mắt thấy như đã gần bắt được cô gái rồi, nhưng cô gái lại quẹo về hướng miếu Hải Triều. Lam Lễ Dụ không nhẫn nại được nữa, vừa đuổi theo vừa la :"Cô kia đứng lại ! Ðứng lại ngay !".

Cô gái không lộ chút gì là lo sợ, cứ chốc chốc quay đầu lại nhìn, nhưng vẫn khoan thai tiến tới phía trước, mỗi bước chân đi làm cho những giọt hoa biển bắn lên tung toé, trông thật là hồn nhiên và dễ thương ! Lam Lễ Dụ chạy theo mà cả người bốc khói, tâm ác nổi dậy, bèn rút cung tên bắn cô gái một phát.

Làm như cô gái có cặp mắt đằng sau đầu, cô chờ tên bay tới gần mình rồi mới ung dung đưa cánh tay ngọc lên "phụp", chụp lấy mũi tên trong tay, không quay đầu mà cũng không dừng lại, chân vẫn tiếp tục đạp trên đầu ngọn sóng mà đi. Lam Lễ Dụ thấy thế giật mình, miệng la oai oái :"Giỏi ! Thật là cao cường ! Bản lãnh cô gái này quả là phi phàm !" Hắn vừa kinh sợ vừa thích thú, nhưng cũng lại vừa cáu vừa thẹn, bèn nhắm hai cánh tay của cô gái bắn liên tiếp hai mũi tên, tâm nghĩ :"Bây giờ xem cô mình có thoát được tay ta không nhé !". Ý tưởng chưa dứt trong đầu đã thấy bàn tay phải của người thiếu nữ đưa lên chụp lấy mũi tên thứ nhất, và chuyển qua phía trái chụp lấy mũi tên thứ hai, xong cô còn quay đầu lại cười, và tiến vào một con đường nhỏ hướng tới miếu Hải Triều.

Lam Lễ Dụ ngây người kinh hoàng, sững sờ đứng lại, khi tỉnh hồn thì không thấy bóng dáng cô gái đâu, mà chỉ thấy chiếc giỏ tre của cô bỏ lại dưới đất. Hắn vội vàng tiến tới nhìn, thấy trong giỏ chỉ có một con cá không to không nhỏ, đang yếu ớt quẫy quẫy đuôi. Thật lâu sau tên ma đầu kia mới hiểu thông ra, nổi trận lôi đình la lên : "Cá trong giỏ (*) ! Cô ta muốn ám chỉ ta đây mà ! Cô nương thật là to gan, dám đem tên ta ra mà giễu cợt !".

Lập tức hắn giận dữ dùng chân đá chiếc giỏ tre bay xuống biển và hậm hực chạy tiếp đi tìm người thiếu nữ kia.

Hắn điên cuồng chạy vào đại điện của miếu Hải Triều, nhưng ngước đầu lên chỉ thấy tòa của Ngài Quan Âm, phía trước có một lư hương, và trong lư hương có cắm ba mũi tên nhọn mà hắn đã bắn ban nãy, đuôi tên còn bốc khói nghi ngút, giống hệt ba cây hương thơm dịu ! Hắn bước đến một cách tức tối toan rút tên ra khỏi lư nhưng kéo tới lồi cả con mắt, ba cây tên vẫn trơ trơ bất động. Lúc ấy tên cướp biển mới cảm thấy sợ hãi, mặt mày tái mét không còn một hột máu, toàn thân toát mồ hôi lạnh, muốn quay đầu chạy trốn ra khỏi miếu nhưng tại sao chân hắn như có mọc rễ, cất bước không lên như thế này !

Người đời thường nói :"Kẻ xấu mới hay thấp thỏm lo sợ", huống chi là một tên cướp biển đã tạo bao nhiêu tội ác ! Nhưng khi hắn ngước mắt lên nhìn tượng Ngài Quán Âm trên tòa sen, và lại nhìn những mũi tên đang bốc khói thì đột nhiên đại ngộ, vội lập cập quỳ xuống đất, dập đầu lạy không ngừng.

Hôm sau hắn giải tán hết bọn lâu la, nhận chìm tàu cướp, còn mình thì tự đóng một cái gông bằng gỗ, cạo đầu nhẵn thín và từ dó ngày ngày quay mặt vào tường cầu xin ngài Quán Âm tha thứ tội lỗi cho mình.

Về sau, Quán Âm Ðại sĩ thấy ông đeo gông quay mặt vào tường ròng rã ba năm, biểu lộ rõ ràng sự quyết tâm sám hối tội lỗi xưa để trở thành một con người mới, bèn chính thức truyền giới cho ông đặt tên là Già (**) Lam, làm đệ tử của Phật.

Từ đó ông đi theo Quán Âm Ðại sĩ, trải qua không biết bao nhiêu là chướng nạn, hoàn toàn lột xác, tu hành chứng được chính quả và được mọi người gọi là Bồ Tát Già Lam.

(*) Lam Lễ Dụ = Lam lý ngư (cá trong giỏ) : hai câu này tiếng Hán phiên âm giống nhau.

(**) Già : gông.

Quan Âm Truyền Thuyết

(Tuyển Tập)

Diệu Hạnh GiaoTrinh Chuyển Ngữ

Quán Âm Đi Chân Đất

Ngày xưa tại đảo Lục Hoành ở Châu Sơn có một gia đình họ Trương, gồm hai vợ chồng và một cô con gái duy nhất tên là Thụy Châu. Năm ấy, Thụy Châu vừa tròn 20 tuổi. Người ta thường ví nhan sắc của một cô gái đôi tám như một đóa hoa nhưng Thụy Châu thì đẹp không khác gì một tiên nữ cõi trời. Người trong đảo thường tự hỏi ai sẽ có diễm phúc cưới được cô gái xinh đẹp tuyệt trần này về làm vợ !

Nào có ngờ đâu một ngày kia, trời chạng vạng tối, đột nhiên có một bọn cướp xông vào nhà ông bà Trương bắt cóc Thụy Châu đem về cho đại vương của họ làm áp trại phu nhân. Hai vợ chồng ông bà Trương van xin thế nào chúng cũng không nghe, đối với một bọn cướp thì có lý lẽ nào mà chúng chịu nghe ? Cuối cùng Thụy Châu cũng bị bắt mang đi. Bọn cướp đưa Thụy Châu đến một con thuyền cập ở bến đò, nhưng lúc ấy thủy triều đang xuống, thuyền mắc cạn, không thể đi được. Bọn cướp đành kiếm một lữ điếm tạm trú đêm ấy.

Thụy Châu bị nhốt trong một căn phòng nhỏ trong lữ điếm. Ðêm đã khuya, cô nằm trên giường khóc lóc bi thương, không tài nào nhắm mắt ngủ. Bỗng nhiên giữa tiếng khóc của cô, có tiếng "két" của cánh cửa vừa mở ra. Một bà lão đầu tóc bạc phơ bước vào nói :

- Cô nương, xin cô làm ơn làm phước... tôi già cả không nơi nương tựa, cô giúp tôi được không ?

Thụy Châu nhìn bà lão đói khổ kia, lòng rất cảm thương, không ngờ trên thế gian này cũng có người khổ không kém gì mình. Cô vội vàng lấy chút lương khô mà bọn cướp mang đến cho cô ban nãy, nói với bà lão :

- Bà ơi, cháu cũng đang trong cơn hoạn nạn, nhưng có chút lương khô đây, bà dùng cho đỡ đói.

Bà lão đỡ lấy nắm lương khô, không một lời cám ơn, từ từ ăn hết. Ăn xong bà lại thở ra :

- Ui chao ! Ðêm nay không biết ngủ ở đâu đây !

Thụy Châu nói :

- Bà ở lại đây mà ngủ đi !

Nói xong cô đỡ bà lão lên giường nằm. Bà lão cũng chẳng làm khách, buông gậy, cởi dép, vừa đặt lưng xuống giường là ngủ ngay, chẳng mấy chốc đã ngáy pho pho !

Trong phòng chỉ có mỗi một cái giường đã nhường cho bà lão ngủ rồi, Thụy Châu chỉ còn biết ngồi trong góc phòng mà khóc thương cho thân phận khổ nạn của mình.

Khóc cho đến nửa đêm thì cô mệt quá ngủ thiếp đi, khi bừng tỉnh thì trời cũng vừa hừng sáng. Cô ngẩng đầu lên nhìn thì không thấy bà lão nằm trên giường nữa, nhưng dưới đất thì còn lại đôi dép của

bà. Thụy Châu thầm nghĩ :

- Bà lão vô ý quá đi thôi, làm sao lại quên đôi dép ở đây ! Già cả như thế mà không có dép làm sao mà đi ?

Nghĩ đến đây có bèn ấy đôi dép của bà lão dấu trong người, định rằng khi nào gặp lại sẽ trao trả cho bà. Chẳng bao lâu, bọn cướp đưa Thụy Châu lên thuyền. Thuyền vừa mới rời Lục Hoành, mặt biển đang êm bỗng nổi gió lớn. Từng ngọn sóng khổng lồ ập xuống tứ phía, chẳng bao lâu thuyền đã lật nhào. Khi Thụy Châu rơi xuống nước thì đôi dép kia cũng rơi theo sau, nhưng lại bỗng nhiên biến thành hai chiếc lá sen, nâng Thụy Châu lên khỏi mặt nước. Toàn thể bọn cướp đều bị chết chìm làm mồi cho cá biển, còn Thụy Châu thì đứng trên lá sen, nương theo gió mà rẽ sóng trôi giạt thẳng về đảo Lục Hoành. Thụy Châu vừa bước lên bờ thì hai chiếc lá sen nọ bỗng biến thành một luồng khói, bay bay theo gió hướng về Phổ Ðà Sơn.

Thế là Thụy Châu được về đoàn tụ với cha mẹ. Người trong làng ai cũng đến chúc mừng. Khi nghe Thụy Châu kể lại chuyện mình làm sao thoát hiểm, và đến đoạn bà lão đi chân đất, tất cả mọi người đồng thanh nói : Bà lão ấy chắc chắn là hóa thân của đức Quán Thế Âm.

Từ đó chuyện "Quán Âm đi chân đất" được loan truyền khắp nơi.

_________________

"Em phải biết một đời trai du tử - Có khi nao chôn kiếm ngủ bên trời.."

Quan Âm Truyền Thuyết

(Tuyển Tập)

Diệu Hạnh GiaoTrinh Chuyển Ngữ

Quán Âm Hiến Sò

Đời Đường có một vị hoàng đế tên là Văn Tông, rất nghiện ăn sò. Để thỏa mãn ý thích của vua, các quan thường thúc ép dân chài phải nộp sò. Nhà nào nộp ít hay nộp trễ, nhẹ thì phải đóng thêm thuế thóc gạo, nặng thì bị bắt lính để làm các công việc nặng nhọc nguy hiểm. Đáng thương cho dân chài, già trẻ lớn bé đều phải xuống biển lội bùn nhặt sò, không cần biết trời gió hay trời mưa, đông lạnh như cắt hay hạ nóng như nung. Về lâu về dài, sò càng ngày càng khan hiếm, và bọn lính càng ngày càng hung dữ. Dân chài trăm họ sống không nổi nữa, tiếng oán than nguyền rủa dậy cả đất trời.

Tin này truyền đến rừng trúc tím ở Phổ Đà Sơn, Quán Âm đại sĩ không thể ngồi yên được, Ngài quyết tâm trừng trị Hoàng đế một phen. Một hôm bọn lính đang thúc dân phải giao sò ở bến cảng Long Loan của Phổ Đà Sơn. Bỗng thấy một thiếu nữ toàn thân áo tím tiến đến gần cười chúm chím nói:

- Dân nữ có một con sò muốn hiến dâng Hoàng Thượng.

Bọn lính lệ nghe nói chỉ có một con sò mà thôi đã nổi giận tính làm dữ, nhưng nhìn thấy con sò trên hai tay cô gái đưa ra, bất giác đứng sững, ngây người ra nhìn, quên cả tiếp lấy sò : đó là một con sò rất lớn, chiếu ánh sáng muôn màu óng ánh. Người thiếu nữ mất kiên nhẫn, nói một cách bực dọc :

- Các ông có muốn lấy sò không, muốn thì mau tới lấy, không muốn thì thôi !

Lúc ấy bọn lính lệ mới tỉnh hồn, vội vàng nói luôn mồm :

- Muốn, muốn, muốn !

Lấy sò xong họ bèn lên một chiếc thuyền nhẹ, bơi như bay trở về nha môn.

Lão quan tri huyện từ mấy ngày qua thấy sò "ít thấy phát ghét, nhỏ thấy phát tội", sắp nổi cơn thịnh nộ, nhưng khi thấy con sò to lớn ngũ sắc thì mừng rỡ như bắt được vàng, vội kêu lên "Hoàng thiên phù hộ !", rồi lên đường ngay lúc ấy, đi cả ngày liền đêm, tự tay đem sò về hoàng thành.

Đường Văn Tông thấy sò ngũ sắc, quá yêu thích không đành lòng rời tay, bèn đặt sò ngay trên bàn làm việc trong ngự thư phòng để có thể ngắm nghía thưởng thức. Nhưng ông còn nghiện ăn sò hơn cả sinh mệnh của mình, bèn gọi quan thái giám hầu bàn, bảo đem sò xuống nhà bếp. Nào ngờ vỏ sò lại quá cứng, dao bén chặt không đứt, búa nặng đập không vỡ, Đường Văn Tông rất kinh ngạc, tự tay dùng bảo kiếm chém mạnh xuống nhưng con sò vẫn không mảy may suy tổn. Ông nghĩ rằng đây là một bảo vật kỳ lạ của Long cung, bèn sai quan thái giám giữ kho đem vào kho tàng trân bảo giữ cho kỹ.

Đêm ấy, Đường Văn Tông tự khắc phục mình, ngồi trong thư phòng phê duyệt các tấu văn. Trong đêm mông lung, ông thấy cái nghiên mực bỗng biến thành một bát canh sò thơm lừng lựng, khêu gợi tính tham ăn của ông khiến ông thèm rỏ rãi, bèn bưng bát canh lên húp, húp tới đâu khen ngon tới đó. Tới khi no cành hông rồi ông vẫn còn lớn tiếng gọi :

- Đem lên đây một bát nữa !

Quan thái giám thường trực lấy làm lạ, run rẩy quỳ xuống lết tới hỏi :

- Tâu bệ hạ, đem bát gì lên ạ ?

Văn Tông ngạc nhiên, dụi mắt, xoa cái bụng căng tròn của mình rồi bỏ vào phòng ngủ. Ai ngờ nửa đêm ấy ông đau bụng đi tháo dạ không ngừng, báo hại các quan thái giám chạy tới chạy lui như thoi bưng bồn, rót nước, các cung nga hoảng hốt quay cuồng như đèn kéo quân để lục rương, tìm quần mới, các vị Thái y cấp tốc như ra trận bắt mạch, sắc thuốc. Cứ như thế ba ngày ba đêm, Văn Tông vẫn còn nằm trên giường rên hừ hừ.

Sáng sớm ngày thứ tư, một cung nữ toàn thân áo tím xin đến dâng một phương thuốc bí truyền của tổ phụ.Thái y mừng rỡ đón lấy đơn thuốc, nhưng trước khi bốc thuốc phải dâng đơn lên cho hoàng đế duyệt qua. Văn Tông uể oải liếc nhìn, chỉ thấy trên đơn thuốc viết có tám chữ "Nghiện sò cực dân, chừa ngay vĩnh viễn". Vua nổi giận hạ chỉ đem cung nữ nọ ra xử tội. Nhưng người cung nữ cười nhạt, chân đạp lên một đóa hoa sen, tay đưa cao con sò ngũ sắc, vượt qua tường của cung điện mà bay đi mất. Văn Tông kinh hoàng, vội vã cho mời quốc sư Duy Chính Hoà Thượng đến tham vấn. Hoà thượng nghe chuyện từ đầu đến cuối xong xuôi, bèn dạy :

- Thế gian không có gì ngẫu nhiên, chuyện này xảy ra là vì muốn khơi dậy lòng tín tâm của bệ hạ, khiến bệ hạ thương người tiếc vật mà thôi !

Vua Đường Văn Tông lờ mờ suy nghĩ, cuối cùng bất đắc dĩ truyền chiếu chỉ :

- Ta vĩnh viễn không ăn sò nữa, từ nay miễn việc triều cống !

_________________

"Em phải biết một đời trai du tử - Có khi nao chôn kiếm ngủ bên trời

Quan Âm Truyền Thuyết

(Tuyển Tập)

Diệu Hạnh GiaoTrinh Chuyển Ngữ

Thánh Quán Âm

Nhắc lại Ngài Quán Âm gặp vị tăng Tây Tạng ở Cửu Hoa Sơn, vị này đã tâm sự với Ngài rằng vì mình không nói được tiếng Trung hoa nên không giáo hóa được chúng sinh ở Trung độ, được Bồ Tát hóa hiện tướng "bảo mã" để khuyến khích ngài đi chu du bốn biển đồng thời học tiếng Trung hoa. Vị tăng đã nói :

- Ở Trung độ nạn đao binh không ngừng hoành hành, nhưng tâm người thì lại hiểm ác, đệ tử thuyết Pháp cho họ, họ không nghe thì thôi, còn cho là đệ tử thuộc hạng tà môn ngoại đạo nên cười chê chỉ trích và đâu đâu cũng đệ tử cũng bị đối xử một cách khinh bỉ. Đệ tử hoàn toàn có thể nhẫn nhục chịu đựng hết những điều đó, song chỉ thương cho những chúng sinh ấy, phải đương đầu với ma nạn, sống trong biển khổ mà không thấy đó là nguy hiểm, vẫn cố chấp mê muội không chịu tỉnh ngộ.

Quán Âm Bồ Tát vốn có tôn chỉ là "tầm thanh cứu khổ", vì thế trong khi chờ đợi vị tăng Tây Tạng nói được tiếng Trung hoa để hoằng dương Phật Pháp, Ngài quyết định vân du ở Trung độ để dẫn dắt cho chúng sinh hướng thiện và thoát khổ.

Ngài bèn dặn dò Long Nữ và Thiện Tài ở lại coi sóc Phổ Đà Sơn, còn mình thì hóa thành một bà lão, một mình xuống vùng Trung Nguyên. Trên đường bà vừa đi vừa xin ăn, thấy rằng ở chốn ấy người lương thiện thì rất hiếm, còn người ngu ác thì lại đầy dẫy. Người ta không tin vào quả báo, ham tiền ham lợi, chiếm đoạt giết chóc lẫn nhau, chỉ chú ý tới chuyện trước mắt mà không cần biết tới hậu quả về sau. Nhất là dân chúng thuộc hạ tầng cơ sở thì lại càng ngu muội tối tăm, gặp đủ thứ khổ nạn thảm cảnh mà không chịu thức tỉnh. Vì thế Ngài Quán Âm quyết định giảng Pháp cho những người này trước.

Một hôm, Ngài Quán Âm đến vùng Trung Châu, chọn một động đá trên núi Thái Thất làm nơi hiển hóa. Đêm ấy, Ngài ứng mộng cho dân chúng các vùng lân cận, nói với họ rằng :

- Vài ngày nữa Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ đi ngang chỗ này để điểm hóa cho những người có nhân duyên, cứu họ thoát tất cả mọi khổ ách. Các vị hãy lưu tâm chờ đợi, đừng bỏ lỡ cơ hội, Bồ Tát đứng trước mặt mà không thấy. Nhưng thấy hay không là tùy nơi lòng thành tâm của mỗi người, chỉ cần có lòng thành là thế nào cũng gặp.

Nói xong, Ngài hiện ra bảo tướng trang nghiêm, một lúc sau, bảo tướng từ từ biến mất. Hôm sau mọi người gặp nhau, ai cũng bàn tán về giấc mộng đêm qua, thì ra ai cũng thấy đồng một giấc mộng, vì thế mọi người đều kinh ngạc, và ai cũng mong muốn, chờ đợi Bồ Tát giáng lâm. Nhưng họ không biết Bồ Tát sẽ hóa thân là người như thế nào để điểm hóa, cho nên người này nhìn người kia bèn nghi là Bồ Tát hóa thân, tạo ra những ngộ nhận khá khôi hài. Mấy ngày trôi qua rồi mà chưa ai phác giác ra Bồ Tát đã hóa thân ở đâu.

Thật ra, Quán Âm Bồ Tát hóa thân làm bà lão ăn xin, đã đến đây từ mấy ngày nay rồi. Lúc ấy đương gặp nạn hạn hán, thật lâu rồi trời không mưa, lúa mạ trong ruộng hầu như đã cháy khô, mùa màng không gặt hái được gì, trước mắt dường như thiên tai sắp giáng xuống, dân chúng làng trên xóm dưới ai nấy đều hốt hoảng. Khi họ thấy bà lão ăn xin thì họ bảo năm nay mất mùa, gặp cảnh thiên tai, chính mình còn đang buồn sầu vì cơm không có mà ăn, lấy đâu dư cơm cho người ăn xin !

Bà lão chần chừ nấn ná trước những cửa nhà như thế thật lâu mà rồi cũng không xin được một miếng ăn nào. Cuối cùng bà không khỏi thở dài, tự nói cho mình nghe :

- Ôi thật đang tiếc, hạn hán tuy là một thiên tai nhưng cũng là do con người tự chiêu cảm lấy mà thôi ! Giá như dân chúng ở đây biết kính trọng trời đất, biết làm việc thiện một chút, bớt việc giết chóc, quy y cửa Phật thì trời đâu có giáng tai họa xuống cho họ như thế này ! Thật đáng thương cho tôi, một bà già đói khổ, tới đây xin ăn khắp cả mười nhà rồi mà không xin được lấy một hạt thóc hay nửa hạt gạo ! Ở đây thiên hạ thật là không biết hướng thiện. Người mà không biết hướng thiện thì tránh làm sao được tai họa ?

Lúc ấy có một ông lão tên là Lưu Thế Hiển, nghe được những lời than thở của bà lão cảm thấy có gì kỳ lạ, hơn nữa cũng thấy những lời bà nói thật là có lý. Bất giác ông nghe tâm động, tự nghĩ : "Có khi nào chính bà cụ này là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát chăng ?". Mấy hôm nay thiên hạ xôn xao tìm kiếm, nhưng không hề có lấy một người chú ý tới người đàn bà già yếu đến từ phương xa này, chỉ vì ai cũng có tâm bợ đỡ người quyền thế !

Ông bèn đến chào bà lão :

- Thưa cụ, những gì cụ nói tôi đã nghe thấy, lời cụ nói rất là có lý. Đúng như cụ nói, ở đất này người ta không biết hướng thiện nên mới chiêu cảm thiên tai, nhưng không biết thiên tai này có tránh được không ? Nói cách khác, nếu ai cũng chịu hối lỗi và cải thiện, chẳng biết có cứu vãn được tình thế hay không ?

Quán Âm Bồ Tát đáp :

- Lòng trời vốn rất nhân từ, tâm phúc thiện mạnh gấp ba tâm muốn trừng phạt kẻ ác. Chỉ cần người ta thật sự chịu thành tâm hối lỗi thì làm gì mà trời không dung tha, tai họa trước mắt có gì đâu mà không cứu được ?

Lưu Thế Hiển nghe những lời ấy rồi, đoán chắc rằng bà cụ già này là Quán Âm Bồ Tát bèn quỳ xuống đất lễ lạy và nói :

- Bồ Tát trên cao, tạ ơn Bồ Tát hiển hóa thị hiện, đệ tử phàm phu mắt thịt không biết được từ dung, suýt nữa không thấy được Thái Sơn trước mắt ! May nghe được những lời giáo huấn của Bồ Tát, tâm trí được mở mang, nay con quỳ xin Bồ Tát dùng chút pháp lực giáng xuống một cơn mưa lớn để cứu đất này khỏi nạn hạn hán. Đệ tử nguyện tạo chùa, cúng dường Bồ Tát và khuyến khích ngu dân một lòng hướng thiện, quy y Phật Pháp, con van xin Bồ Tát từ bi ban ơn !

Nói xong, ông dập đầu lạy không ngừng.

Quán Âm Bồ Tát nghe Lưu Thế Hiển nói thì rất hoan hỉ, trả lời rằng :

- Còn có người có lòng như ông, biết chí thành cầu nguyện mà không vì lợi riêng, thật là hiếm có ! Chỉ vì dân chúng ở đất này thật sự quá cứng đầu khó đổi, bị tai họa đâu có gì là lạ ! Thôi thì để ta làm cho họ mắt thấy tai nghe cũng được. Ngày mai giờ ngọ ba khắc, ta quyết định hiển hóa ở trên núi Thái Thất, thi triển pháp lực làm một cơn mưa để cứu đất này khỏi nạn hạn hán, nhờ ông đi nói với tất cả mọi người ở đây, bảo họ đến xem, cho họ mắt thấy Phật Pháp vô biên thì lòng tin của họ mới chắc chắn, sau này ông có lấy lời thiện mà khuyến dụ thì cũng dễ cảm hóa họ hơn.

Lưu Thế Hiển lại cúi xuống bái tạ, nhưng Bồ Tát đã biến mất rồi.

Lưu Thế Hiển thuật lại cho mọi người nghe những lời nói của Quán Âm Bồ Tát, nhưng ai cũng nửa tin nửa ngờ :

- Giữa thanh thiên bạch nhật Bồ Tát xuất hiện, sao không ai thấy mà chỉ mình ông thấy ?

Lưu Thế Hiển đáp :

- Cái bà già ôm bát đi xin ăn hồi nãy chính là hóa thân của Bồ Tát đó !

Mọi người nghe nói bà già ôm bát xin ăn ban nãy chính là Quán Thế Âm Bồ Tát thì lấy làm kinh dị, họ tự giận mình có mắt cũng như mù không nhận ra mặt Phật, cơ duyên ngay trước mắt mà lại bỏ lỡ. Lại có người tự trách sao đã không chịu bố thí lại còn bất kính đối với Bồ Tát nên ăn năn hối hận vô cùng. Lưu Thế Hiển an ủi :

- Bồ Tát có tôn chỉ là dùng từ bi để cứu khổ, Ngài sẽ không bắt tội các vị những chuyện lặt vặt như thế đâu, chỉ cần về sau các vị phát lòng tin chân thành là đủ. Ngày mai giờ ngọ ba khắc Bồ Tát sẽ hiện chân thân bảo tướng của Ngài, thi triển pháp lực làm một trận mưa, lúc ấy tất cả đều có thể thấy được từ nhan của Ngài.

Nghe thế mọi người lộ vẻ vui mừng, lập tức đi truyền bá tin này khắp nơi và chỉ trong khoảnh khắc, toàn thành đều biết. Một truyền mười, mười truyền trăm, rồi thì những làng mạc thành thị xung quanh cũng được nghe tin này luôn. Nghe nói Quán Âm Bồ Tát sắp đến đất này giáng mưa, ai nấy đều đổi buồn làm vui, chờ đợi Bồ Tát hiển linh.

Sáng sớm tinh sương ngày hôm sau, dân chúng toàn vùng, nông dân ngừng cày ruộng, phụ nữ ngừng dệt vải, cửa tiệm ngừng bán hàng, ai cũng đốt nến thắp hương, chân thành đảnh lễ, chờ đợi giờ ngọ ba khắc Quán Thế Âm Bồ Tát thị hiện Pháp thân. Nam nữ lão ấu ai cũng nghễnh cổ nhìn lên trời, đến chớp mắt cũng không dám chớp lấy một lần !

Gần đúng chính ngọ, họ thấy trên đỉnh núi Thái Thất có một áng mây trắng nhẹ nhàng bay lên, rồi từ từ, chầm chậm tỏa rộng ra, càng lúc càng rộng. Đột nhiên giữa áng mây trắng có một con đường thông thẳng lên tới đỉnh núi Thái Thất và kim thân Quán Âm Bồ Tát cao một trượng sáu xuất hiện trên đầu núi. Đầu Ngài đội khăn, thân khoác cà sa, tay cầm một cái bình bằng ngọc màu trắng như mỡ dê, trong bình đựng cam lồ và cắm một nhành dương liễu. Ngài đi chân không, đứng trên một tảng đá bằng ánh sáng. Mọi người nhìn thấy Ngài bèn quỳ xuống lễ lạy, niệm lớn "Đại từ đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát".

Quán Âm Bồ Tát cầm nhánh liễu chấm vào nước cam lồ, hướng về các thủa ruộng ở bốn phương đông tây nam bắc phất tay rảy nước. Lạ thay, mây mù tụ họp trong không trung, một cơn mưa lớn như xối đổ xuống không ngừng trong cả tiếng đồng hồ, sau đó mây mới tan và mưa mới ngừng, hơi nước bốc lên mù mịt. Trong cơn mưa rào ấy, hình ảnh Bồ Tát từ từ ẩn mất.

Nhờ cơn mưa rào trừ được nạn hạn hán cứu trăm họ trong một vùng đất rất lớn khỏi cảnh thiên tai, nên hình ảnh Quán Âm Bồ Tát từ bi đã khắc sâu trong tâm những người dân ở đấy. Quả nhiên sau đó họ trở thành những người chân thành tin kính Phật Pháp. Lưu Thế Hiển bèn quyên tiền xây một ngôi miếu ngay tại chỗ mà đức Quán Âm đã hiện thân trên đỉnh núi Thái Thất, trong miếu có tạc tượng Quán Âm Đại Sĩ, ngày ngày dâng cúng hương hoa. Còn động đá nơi hóa thân Bồ Tát đã dừng chân nay cũng đổi tên là Quán Âm động, hãy còn lưu lại cho đến bây giờ.

Đây là lần thứ nhất Bồ Tát Quán Âm hiện thân ở Trung độ dưới Đại Bi tướng, đó chính là Thánh Quán Tự Tại Bồ Tát vậy.

Quán Âm Bồ Tát hiển hóa lần thứ nhất tay cầm tịnh bình dương liễu cho nên thế gian còn gọi lần hiển hóa ấy là "Dương Liễu Quán Âm". Đây là hình ảnh Quán Âm Bồ Tát được lưu hành nhiều nhất nên đã trở thành tiêu chuẩn, dân chúng còn gọi là "Thánh Quán Âm".

_________________

"Em phải biết một đời trai du tử - Có khi nao chôn kiếm ngủ bên trời.."

Quan Âm Truyền Thuyết

(Tuyển Tập)

Diệu Hạnh GiaoTrinh Chuyển Ngữ

Đa Bảo Quán Âm

Tượng Đa Bảo Quán Âm có 18 cánh tay, và trong mỗi bàn tay có nắm một viên ngọc quý. Nhìn bức tượng này thì thấy dường như Ngài có vô số bảo vật, thật ra Ngài đã có lần hiển hóa ở vùng Giang Nam để khuyến cáo thế gian đừng nên tham lam bảo vật của cải.

Ngày xưa, dân chúng ở giải đất Giang Nam quen thói bạc bẽo, trục lợi, tham lam, lừa bịp, gian dâm, cướp bóc và giết chóc, không biết lễ nghĩa, chỉ tôn trọng kẻ có tiền tài và quyền thế mà thôi. Quán Âm Bồ Tát thấy họ bất lương như thế, nên đau lòng mà tìm cách hóa độ cho họ.

Ngài bèn biến thành một thầy tu mập mạp phốp pháp, lưng đeo một cái bị lớn, tay cầm rất nhiều vàng bạc châu báu, đi nghênh ngang giữa chợ cho mọi người để ý đến mình. Một ông thầy tu xuất hiện như thế trên các nẻo đường thành thị, dĩ nhiên lập tức lôi cuốn một bọn côn đồ vô lại. Đấy là một bọn lưu manh gian hiểm, chỉ biết lêu lổng chơi bời, khi thấy trên tay vị thầy tu có rất nhiều vòng vàng châu báu thì chúng chỉ muốn cướp lấy ngay. Thế là chúng chận đường ông thầy tìm cách gây hấn. Một tên trong bọn đầu đội nón lệch sang một bên, nói một cách đe dọa :

- Ông sư hổ mang này, dám cả gan đến đất của ta nghênh ngang lừa bịp ! Ông là người xuất gia, làm sao có những vàng bạc châu báu này ? Mau mau đưa hết cả đây thì ta tha cho mà đi, bằng không thì đừng hòng sống sót !

Quán Âm Bồ Tát hỏi :

- Châu báu à ? Châu báu nào đâu ? Ta không có châu báu, cũng không biết thế gian gọi cái gì là châu báu. Chỉ có tu tâm, học thiện mới đáng gọi là châu báu mà thôi.

Bọn vô lại nghe thế làm sao chịu được, bèn nhao nhao la hét :

- Cái ông sư gian xảo này nói sàm gì vậy ? Trên lưng, trên tay ông toàn là ngọc ngà vàng bạc, đó không phải là châu báu chứ là cái gì ? Đừng có giở trò, mau đưa hết đây !

Quán Âm Bồ Tát nói :

- Các vị muốn mấy cái đồ quỷ này hả ? Bần tăng thấy mấy thứ này như phân như đất, bần tăng đang bực bội vì mấy thứ lôi thôi phiền phức này đây !

Nói xong Ngài bèn bỏ xuống đất tất cả những châu báu mà Ngài đang mang trên lưng, trên tay rồi nói :

- Đây, toàn bộ cả đây, muốn lấy gì thì lấy đi !

Thế là bọn vô lại ba chân bốn cẳng ùa lại, chí choé tranh đoạt lẫn nhau những thứ đáng tiền, trong nháy mắt chúng cướp đi hết, chỉ có một xâu chuỗi tràng bằng hột Bà-la là chúng không thèm đếm xỉa tới nên bỏ lại dưới đất.

Ông thầy mập nhặt xâu chuỗi lên, cảm thán mà nói :

- Đáng thương cho thế gian không biết phân biệt thật giả, cái đồ vô dụng thì lấy đem đi hết, còn xâu chuỗi quý giúp cho mình tu tâm dưỡng tính thì lại chê, thế mới biết dân ở đây không có thiện căn !

Bọn vô lại đâu có nghe những lời của ông thầy mập, thiện căn với chẳng thiện căn, chúng chỉ nghĩ làm sao đem số châu báu mới cướp được đi bán lấy tiền cho mau.

Đến giữa trưa, bọn vô lại đi cả rồi, ông thầy mập bèn đến chùa Từ Vân ở gần đấy xin tá túc, và xin luôn bữa ăn trưa.

Chùa Từ Vân là ngôi chùa nổi danh nhất vùng đất ấy, tăng chúng trong chùa lên đến đâu khoảng mười người. Các vị ấy hết lòng lo việc hoằng dương Phật Pháp, nhưng vì dân chúng ở đất này thiếu thiện căn, người quy y lương thiện không nhiều nên tiền cúng dường chùa cũng rất ít. Ông thầy mập nói chuyện với chư tăng, mọi người đều than thở buồn rầu, không biết làm sao hóa độ cho cái dân chợ búa ấy, và làm sao cho họ tin Phật đây ?

Lúc ông thầy mập thọ ngọ trai ở chùa Từ Vân vừa xong thì bọn vô lại ban sáng hùng hùng hổ hổ kéo nhau đến chùa tìm ông. Thì ra khi chúng mới ra chợ tính bán các vật trân quý mới cướp được thì phát giác ra mình đang cầm trong tay toàn là bụi đất, bụi đất theo gió mà bay đi hết chứ chẳng có châu báu nào cả. Chúng hết sức ngạc nhiên, không biết giải thích điều này làm sao, cuối cùng bèn quyết định đi tìm ông thầy mập hỏi cho ra lẽ, vì thế mới kéo nhau đến chùa Từ Vân.

Ông thầy mập đã biết trước rằng chúng sẽ đến nên không chờ chúng mở miệng, đã mỉm cười hỏi trước :

- Các vị tới đây có chuyện gì ? Bần tăng có gì các vị đã lấy đi hết rồi, chỉ còn có xâu chuỗi cùng cái bát khất thực này thôi, vậy thì các vị còn muốn gì nữa mà đến tìm bần tăng ?

Bọn vô lại quát :

- Cái ông thầy chùa dễ ghét ! Châu báu ban sáng bọn ta lấy xong, chỉ trong giây lát đã trở thành cát bụi, đúng là mi muốn giỡn mặt với bọn ta mà, bọn ta đến đấy tìm mi hỏi cho ra lẽ, muốn sống thì mau đem châu báu thật ra đây, nếu không đừng trách bọn ta vô lễ !

Ông thầy mập vẫn thản nhiên đáp :

- Thì ra là vậy ! Ủa mà hồi sáng tôi đã nói trước với các vị rồi mà, mấy thứ đó chỉ là phân, là đất, các vị không tin cứ nói đó là trân bảo rồi tranh nhau đoạt lấy đem đi. Bây giờ rõ ràng lời tôi nói là đúng, tại sao các vị trách tôi giỡn mặt với các vị ? Để tôi nói cho các vị một điều, ở đời giàu nghèo đều có mệnh trời, không thể cưỡng đoạt mà có. Tiền tài là những thứ bên ngoài thân, tranh tới đoạt lui có ích gì ? Tôi khuyên các vị nên tỉnh ngộ là hơn.

Bọn vô lại nghe những lời này làm sao lọt vào tai, đó là một bọn ngu si khó dạy lại cứng đầu, chúng mắng chửi ông thầy mập hết lời :

- Đồ thầy chùa gian xảo, không cho mi một trận thì mi không đưa châu báu ra phải không !

Thế là chúng vung tay múa chân ập vào đánh. Ông thầy mập vừa cao vừa to, nhìn thì thấy lù khù chậm chạp, ai ngờ thầy lại nhanh nhẹn khác thường, cả bọn xông lại thế mà không đứa nào đến gần ông được. Bọn lưu manh giận quá điên tiết lên, vừa chửi rủa vừa đánh đấm không ngừng. Ông thầy mập nghĩ rằng nếu không để cho bọn này đánh trúng mình thì câu chuyện sẽ còn dằn dai không dứt, thôi thì cho chúng nó đánh khúc gỗ vậy.

Ở giữa chùa Từ Vân có dựng một khúc thân cây lê, các thầy ở chùa đang chuẩn bị dùng gỗ ấy để khắc tượng Phật.

Quán Âm Bồ Tát tức thời thị hiện chút thần thông, khúc gỗ cây lê liền biến thành ông thầy mập, bị bọn vô lại vây kín đánh đấm cho đến trầy tay xướt chân, mệt mỏi rã rời mới chịu ngừng. Khi chúng nghĩ rằng một trận đánh như thế đã đủ cho chúng trả hận rồi, định thần nhìn lại thì thấy ông thầy mập mà mình vừa đánh đấm nào có phải là ông thầy mập, mà là một khúc gỗ đang nằm dưới đất. Bọn lưu manh giật mình kinh hãi, há hốc mồm nhìn sững khúc gỗ rồi quay lại nhìn nhau. Có đứa biết chữ, nhìn thấy thân cây lê có khắc sáu chữ "Đa Bảo Quán Âm Bồ Tát".

Lúc ấy tất cả mọi người có mặt mới biết ông thầy mập ấy chính là hóa thân Quán Âm Bồ Tát. Đứa nào cũng đấm ngực dậm chân, ăn năn hối hận. Có đứa im lặng nhớ lại sự việc đã qua cùng những lời khuyên răn của ông thầy mập, biết rằng đó là Bồ Tát Quán Âm có ý muốn hóa độ mình, cảm thấy xúc động mạnh, vừa hối hận vừa tri ân, bèn lẳng lặng bỏ đi. Quả nhiên sau đó có rất nhiều người bỏ ác hướng thiện, thay đổi hẳn cuộc sống, bỏ thói tham lam trục lợi lúc trước.

Hóa thân Quán Âm Bồ Tát đấu với bọn vô lại ra sao, chúng tăng chùa Từ Vân đã nhìn thấy rõ ràng. Ban đầu họ lo sợ cho ông thầy mập, sợ ông bị bọn vô lại đánh gục nên tính chạy vô can gián, nào ngờ ông thầy mập lại có công lực phi phàm ! Sau đó, lúc tất cả đều xông vào đánh ông, họ cũng định ra tay ngăn cản thì thấy chỉ có khúc gỗ cây lê là bị đánh nên ai cũng khâm phục trí huệ và pháp lực của Quán Âm Bồ Tát.

Chúng tăng bèn quỳ trước thân cây lê khấu đầu lễ bái. Sau đó, họ đem khúc gỗ bị đánh ấy khắc thành tượng Đa Bảo Quán Âm.

_________________

"Em phải biết một đời trai du tử - Có khi nao chôn kiếm ngủ bên trời.."

Quan Âm Truyền Thuyết

(Tuyển Tập)

Diệu Hạnh GiaoTrinh Chuyển Ngữ

Tống Tử Quán Âm

Chùa Từ Vân nhờ có thờ tượng Đa Bảo Quán Âm nên khách dâng hương lễ bái kéo đến nườm nượp, tiền cúng dường vô cùng hậu hĩ. Tuy nhiên, người dâng hương lễ bái không phải bất cứ người nào cũng là hạng người mà Bồ Tát kỳ vọng, nghĩa là những người có tâm hướng thiện. Có rất nhiều người đến lễ bái Quán Âm với tâm ích kỷ, với ý đồ riêng tư.

Lúc ban đầu, đại đa số đến chỉ để cầu tiền cầu phúc, muốn bất cứ việc nhỏ việc lớn nào cũng đến trước tượng Bồ Tát mà cầu khẩn. Về sau nữa thì thậm chí kỹ nữ, tú bà cũng đến thắp hương quỳ lạy, cầu xin Bồ Tát gia hộ cho việc làm ăn của mình được phát đạt, dân trộm cắp xin cho đường sinh nhai của mình được hanh thông, kẻ si tình người thất chí thì xin được thành duyên gia thất. Người đến dâng hương lễ bái hạng nào cũng có, làm cho ngôi chùa Từ Vân đang trang nghiêm trở thành rối ren đen tối.

Một hôm, có một tên cướp tên là Hồ Thất cũng đến chùa Từ Vân dâng hương. Tên cướp này vốn có tà tâm nên cứ lảng vảng đứng ngắm bức tượng Đa Bảo Quán Âm. Bảo tượng Quán Âm này được khắc bằng tinh lõi của cây lê lúc Bồ Tát hiển thân dùng cây lê thế thân chịu đòn cho mình ngày xưa. Bên trên có che trướng bằng hạt châu, tràng phan bằng đá quý. Tên cướp trở về tụ họp bọn đồng lõa lại bàn thảo, chuẩn bị ra tay. Tối hôm ấy, Hồ Thất một mình leo tường đột nhập vào chùa Từ Vân cõng tượng Quán Âm ra, kéo đến một chỗ hẻo lánh và cùng đồng lõa lột hết các bảo vật trên 18 cánh tay của tượng chia đều với nhau, xong đem tượng liệng xuống sông cho tượng theo dòng nước trôi đi chỗ khác.

Khi bọn cướp vứt tượng Đa Bảo Quán Âm xuống sông thì Ngài Quán Âm cũng vừa qua sông để đến thành Kim Lăng. Đôi mắt từ bi của Bồ Tát nhìn thấy bọn cướp trộm tượng lột bảo vật nên Ngài không vui lòng chút nào. Thấy bức tượng đang trôi về phía Kim Lăng Ngài chợt nghe tâm động, quyết định chọn một người thiện lành và có duyên với Phật Pháp để nhờ người ấy ra tay giúp đỡ.

Người này họ Phan tên Hòa, là một người làm nghề bán gạo ở Kim Lăng, có một cửa hàng bán lương thực nên cảnh nhà cũng khá giả. Đây là một Phật tử thuần thành, thích bố thí làm việc thiện, xa gần ai cũng khen ông là người tốt. Tuy là người chí thành thờ Phật và làm việc thiện nhưng Phan Hòa vẫn có điểm ưu phiền, đó là tuy đã quá nửa đời người rồi mà trong nhà chỉ có một cô con gái chứ không có con trai nối dõi. Ông mong muốn con trai tha thiết mà không được như ý, đành tìm nơi xứng đáng kén rể quý rồi bắt rể coi như con trai. Nhưng vì ông quá kén chọn, cao không tới thấp không thông nên cứ dùng dằng mãi cho đến ngày nay, cửa nhà vẫn cứ trống trải.

Bồ Tát Quán Âm biết rằng người này có thiện căn nên mới chọn ông ta. Một hôm Phan Hòa nằm mộng thấy một người đàn bà đầu đội khăn, toàn thân áo trắng, nói với ông rằng :

- Ông Phan, ngày mai ông hãy ra cửa sông đứng chờ, khoảng giữa giờ tý và giờ ngọ sẽ có một bức tượng Quán Âm bốn mặt và 18 cánh tay trôi vào. Ông hãy cẩn thận vớt tượng lên rồi sau đó đem tượng lên chùa Kê Ô ở trên núi Thanh Lương tu sửa lại để thờ phụng. Chỗ đó có một tảng đá hình như cái lá sen, vừa khéo có thể dùng làm đài sen. Ông làm được việc này thì công đức vô lượng, muốn điều chi cũng có.

Phan Hoà đáp rằng :

- Tôi xin tuân theo lời dạy của bà làm tất cả các điều ấy, hôm nay có phúc lành xin cho tôi hỏi một chuyện, tuy đã quá nửa đời người rồi mà nhà vẫn chưa có con trai, mấy năm nay ao ước mong cầu, không biết tôi có hy vọng nào không ?

Người đàn bà áo trắng nói :

- Điều đó dễ thôi, tôi ban cho ông một đứa con trai cũng được !

Nói xong người đàn bà lấy một con cờ vây trắng trao cho Phan Hòa. Ông tính hỏi thêm một câu nữa thì người đàn bà đã biến mất, bèn giật mình thức giấc. Hôm sau Phan Hòa chạy ra cửa sông đứng đợi, quả nhiên thấy một bức tượng Quán Âm bằng gỗ từ từ trôi vào. Ông cẩn thận vớt tượng lên, lập tức đưa lên chùa Kê Ô và còn bỏ tiền ra mướn thợ tu sửa lại kim thân Bồ Tát, xong lấy tảng đá hình lá sen tạc thành một đài sen. Khi tên cướp Hồ Thất trộm tượng cõng lên lưng vượt tường ra khỏi chùa, vô ý đụng bể phần dưới của tượng nên tượng không đứng được, chỉ có thể nằm nghiêng nghiêng trên đài sen nên người đời đặt tên cho bức tượng này là "Quán Âm nằm hoa sen" (Ngọa liên Quán Âm).

Lúc ấy Phan Hòa bỗng nhiên ngộ ra rằng người đàn bà áo trắng đến báo mộng cho mình không ai khác hơn là Quán Âm Bồ Tát, vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ, ông bèn mời một người thợ vẽ nổi tiếng ở Kim Lăng vẽ lại hình dáng người đàn bà áo trắng mà mình đã mộng thấy, và với tâm mong cầu con trai tha thiết, ông còn nhờ người thợ vẽ thêm một cậu bé trai trong lòng Ngài Quán Âm, đặt tên hình là "Tống tử Quán Âm" (Quán Âm cho con), thờ phụng tại nhà, ngày nào cũng chí thành lễ bái.

Quả nhiên không lâu sau, vợ Phan Hòa hoài thai sinh được một quý tử trắng trẻo dễ thương. Chuyện Phan Hòa thờ tượng Bạch Y Tống tử mà sinh được con trai được truyền đi khắp nơi, nên toàn vùng Giang Nam, nhà nào không có con trai cũng thi nhau bắt chước, về sau việc này trở thành một phong tục địa phương.

Kỳ thật, Ngài Quán Âm mà Phan Hòa mộng thấy chỉ trao cho ông một con cờ vây trắng, trong lòng không hề ôm đứa bé nào cả, tấm hình ôm con kia hoàn toàn do trí tưởng tượng của Phan Hòa đặt ra.

Nhắc đến Hồ Thất và đồng lõa, khi chúng chia nhau xong bảo vật cướp được của Đa Bảo Quán Âm, mỗi người đi một hướng khác nhau mà trốn tránh quan quân. Hồ Thất một mình chạy đến Nam Kinh, trốn lên núi Tử Kim Sơn ẩn mặt một thời gian, nghe ngóng thấy sự truy nã đã bớt gắt gao mới dám chường mặt ra giả làm một địa chủ vào thành bán bảo vật. Hắn tìm đến một tiệm vàng nói với chủ tiệm rằng muốn bán một vài bảo vật gia truyền.

Tên chủ tiệm cũng là một phường lưu manh xảo trá không kém gì hắn, nên tuy thừa biết những hạt minh châu của Hồ Thất rất quý giá song vẫn nói rằng đó là đồ giả. Sau hắn còn muốn bóp chẹt nên bảo rằng hiện tại buôn bán khó khăn, hắn chỉ có thể mua lại với một giá rẻ mạt. Hồ Thất thấy chủ tiệm bóp chẹt mình mà vẫn còn tỏ ra vênh váo hợm hĩnh thì lửa giận phừng phừng.

Theo thói gian ác của hắn, hắn đã muốn cho tên chủ tiệm một bài học đích đáng nhưng biết mình hiện còn đang bị truy nã, không muốn làm kinh động tới quan quân nên mới không ra tay. Hắn ước lượng những hạt châu mình mang tới ít nhất cũng đổi được một ngàn hai trăm lượng bạc, ai ngờ tên chủ tiệm chỉ bằng lòng đưa có hai trăm lượng. Hắn không nhẫn nhịn được nữa, bèn lấy tay quơ lại bảo châu bảo không muốn bán nữa, xong hầm hầm quay mình bỏ đi.

Hắn đang giận dữ nên không nhìn thấy ai, không ngờ hắn vừa mới quay người đi thì đụng phải một người đàn bà mới bước vào cửa tiệm. Bước đi hùng hổ dữ dằn của hắn rất mạnh bạo nên khi đụng phải người đàn bà, người này ngã xuống đất một cách nặng nề. Đây là cô tiểu thiếp của vị quan phủ đương thời, hôm nay đến tiệm vàng tính mua sắm trân châu làm vật trang sức cho mái tóc, có lính hầu đi theo. Người lính hầu thấy bà chủ bị đụng ngã lăn xuống đất la oai oái, bèn xông tới tóm lấy Hồ Thất. Khi Hồ Thất thấy đó là người của quan phủ thì sợ hãi tính bỏ chạy, nhưng người lính túm lấy tay áo của hắn nắm cứng.

Hồ Thất nóng ruột muốn thoát thân nên rút dao ra tính đâm người lính, nhưng người này vốn là con nhà võ, võ công cao cường lại quen bắt giặc cướp, nên chỉ nhích thân tránh dao và bay lên đá vào tay của Hồ Thất, con dao rơi xuống đất đánh "keng !" một tiếng. Hồ Thất nào dám đánh tiếp, vừa lăn vừa bò lết tới cửa, ra tới ngoài rồi thì phi thân chạy thục mạng.

Người lính một mặt đuổi theo một mặt hô hoán lên, một vài người lính đang đi tuần tiễu ngoài đường nghe thế cũng đuổi theo Hồ Thất sát gót. Trong cơn hoảng hốt, Hồ Thất chạy bừa không kể đường xá, chạy tới bờ sông, nhìn thấy bọn lính đã đến ngay sau lưng mình rồi và xung quanh không có đường nào khác thối lui, quẫn bách quá hắn đành nhảy đại xuống sông. Nhưng tên cướp này không hề biết bơi, hắn vùng vẫy một lúc trong nước và trong nháy mắt, bị sóng cuốn vào một con nước xoáy, thế là không thấy hắn nữa.

Số phận của những tên đồng lõa cũng không khá hơn gì. Chia tay với Hồ Thất rồi, chúng tìm được một cái miếu hoang ẩn thân. Nhưng trong một đêm sâu, đột nhiên sấm chớp dậy trời, cuồng phong giận dữ, mưa như thác nước, bọn cướp sợ quá nép vào góc tường co rúm lại quỳ xuống đất dập đầu lạy xin tha mạng.

Nhưng mưa to gió lớn vẫn không thuyên giảm, trong miếu mưa tuôn xối xả dội xuống bọn giặc cướp khiến chúng không còn chỗ dung thân. Đột nhiên trong ánh sáng một lằn chớp, chúng nhìn thấy một vài vị Kim Cang La Hán mắt trợn trừng giận dữ, tay cầm vũ khí giáng xuống đầu chúng dồn dập. Bọn cướp sợ quá không còn hồn vía, vãi cả ra quần, liều mạng chạy ra ngoài tìm đường trốn. Đúng ngay lúc đó, trong một tiếng nổ long trời lở đất, một lằn sét giáng xuống và toàn bộ những tên giặc cướp ngã lăn xuống. Những bảo vật chúng đã cướp được vung vãi đầy mặt đất.

Ngày hôm sau trời quang mây đãng, dân chúng làng bên đi ngang miếu hoang, thấy một vài tử thi nằm la liệt dưới đất, bên cạnh là rất nhiều bảo vật rải rác. Có một vài thiện nam tín nữ đã từng đi chùa Từ Vân và đã nhìn thấy tượng Đa Bảo Quán Âm, nay nhìn thấy bảo vật là nhận ra ngay, bèn lập tức gởi trả về chùa.

Sau việc này, dân chúng ở đây cảm nhận được uy lực vĩ đại của Quán Âm Bồ Tát, nên lòng tin kính Tam Bảo tăng trưởng rất nhiều, một lòng hướng về đạo. Những tên trộm vặt bắt gà trộm chó cũng do đó mà sám hối tội lỗi, bỏ dữ làm lành.

_________________

"Em phải biết một đời trai du tử - Có khi nao chôn kiếm ngủ bên trời

Quan Âm Truyền Thuyết

(Tuyển Tập)

Diệu Hạnh GiaoTrinh Chuyển Ngữ

Bia Dương Chi Quán Âm

Vị Hòa thượng trụ trì của am Dương Chi tên là Như Quang, có giữ trong am một bức tranh do một vị họa sĩ nổi danh đời Đường tên là Diêm Lập, tức là bức "Quán Âm Đại Sĩ đồ tượng". Tranh vẽ Quán Âm Đại sĩ, đầu đội mão châu ngọc, khoác áo gấm, tay phải cầm cành dương liễu, tay trái cầm tịnh bình, linh động như người sống, thật là diệu tướng trang nghiêm.

Có một bức họa nổi tiếng như thế, nên am Dương Chi rất tấp nập. Nào là những bậc học sĩ phong nhã, nào là khách hành hương đến lễ núi Phổ Đà, ai cũng muốn đến nhìn ngắm, lễ bái, ngày nào khách khứa cũng đến như nước chảy xiết không ngừng, khiến cho am Dương Chi nổi tiếng như cồn.

Có người khuyên Như Quang hòa thượng nên đem bức tranh quý của Đức Quán Âm treo trên chánh điện nhưng ngài sợ đông người tạp nhạp, làm hư họai bức tranh nên chỉ thờ bức tranh ấy trong một thiền phòng ở viện sau.

Một hôm, có một cụ già quắc thước, tóc bạc phơ đến am Dương Chi, đứng trước bức tranh Ngài Quán Âm ngắm nghía thật lâu, chân đi không đành. Hoà thượng Như Quang thấy thái độ cụ già như thế bèn đến chắp tay xá :

- Thí chủ có vẻ ái mộ bức tranh này ?

Cụ già cũng vái trả đáp lễ đáp rằng :

- Đẹp lắm ! Vẽ đẹp lắm ! Bút tích thật là tuyệt diệu, đáng cho trăm thế khâm phục ! Tại sao Pháp sư không cho tạc bức tranh này lên đá, thờ trên chánh điện cho đại chúng lễ bái ?

Hoà Thượng Như Quang nghe thế, thật đúng tâm ý của mình nên vội đáp :

- Đúng thế, đúng thế ! Ý của cụ rất hay, nhưng hiện nay tìm đâu cho ra một người thợ điêu khắc tài hoa tinh xảo ?

Cụ già nói :

- Nếu như Pháp sư không chê, có thể để cho lão tạc thử xem được không ?

Hoà thượng nhìn cụ già trân trân, gật đầu đồng ý. Hôm sau, cụ già cõng đến một khối đá xanh bằng phẳng, trơn tru đến phòng thiền ở viện sau. Cụ ngồi trước bức tranh ngắm nhìn nguyên cả một ngày, cười cười rồi bỏ đi.

Hôm sau nữa, cụ già lại cõng đến đủ thứ dụng cụ khắc tượng, lại ngồi trước bức tranh ngắm nhìn nguyên cả một ngày, cười cười rồi bỏ đi.

Cụ già ngồi trước bức tranh ngắm nhìn ba ngày, rồi suy nghĩ thêm ba ngày, đến ngày thứ 7, cụ cầm cây bút tre, chuyên chú vẽ lại bức tranh trên khối đá xanh. Vẽ xong, cụ bèn dùng mũi nhọn và sắc của cái đục, vừa đục vừa tạc, bắt đầu điêu khắc. Hoà thượng Như Quang sai người đem cơm chay đến, cụ không dùng ; cho người đem trà thơm lên, cụ không uống, cứ thế cho đến khuya khoắt, cứ "bong bong, bong bong" mà đục mà khắc liền tay.

Không biết trải qua bao ngày bao đêm như thế, đột nhiên một đêm nọ, tiếng "bong, bong" ngừng bặt, hoà thượng Như Quang vội vàng mặc y áo ra khỏi giường, đến phòng thiền ở viện sau xem xét, thì không thấy cụ già đâu nhưng có một bia đá tạc hình ngài Quán Âm đã dựng ở đấy rồi, và bức tranh tạc tên đá giống bức tranh mẫu như hệt. Hoà thượng Như Quang rất hài lòng, đem phiến đá tạc hình ngài Quán Âm thờ ở chính điện. Từ đó, khách đến am lễ bái lại càng đông hơn nữa.

Đến năm Vạn Lịch nhà Minh, có một đêm tối đen như mực, đưa tay ra không thấy năm ngón, am Dương Chi bị lửa cháy, lửa cao tới trời, tất cả chỉ còn lại đống tro tàn, bức hình ngài Quán Âm cũng không thoát khỏi ách nạn.

Hoà thượng Như Quang xông tới đống ngói còn nóng như thiêu đốt, dùng tay trần mà bới mà đào, vẫn không sao tìm thấy bia đá có tạc hình ngài Quán Âm. Ngài cứ quay cuồng nơi ấy, tâm lo lắng như nung như nấu. Chúng tăng trong chùa thấy hoà thượng như vậy, một mặt thì an ủi, một mặt thì chia nhau đi các núi, các thung lũng tìm kiếm, nhưng tìm khắp núi Phổ Đà cũng không tìm ra dấu vết.

Một buổi trưa nọ, có một chú tiểu đến trước mặt hòa thượng nói :

- Sư phụ ơi, đừng khóc nữa, bảo tượng Quán Âm đã trở về rồi !

Ngài Như Quang mở đôi mắt nhòa lệ nhìn chú tiểu nói :

- Con đừng nói lời an ủi ta, ta đau lòng quá rồi !

Chú tiểu thành thật nói :

- Thật mà, sư phụ, đệ tử có bao giờ nói dối đâu ! Không tin, thỉnh sư phụ tới xem !

Hoà thượng Như Quang nửa tin nửa ngờ, theo gót chú tiểu đến cửa Nam Thiên. Thoáng nhìn, ngài thấy trên một bãi cát không xa bờ biển, bia đá có khắc tượng Dương Chi Quán Âm nghiêng nghiêng tựa trên mặt một tảng đá ngầm, sáng loáng phát quang dưới ánh mặt trời, tợ như từ dưới biển trồi lên, nổi trên mặt nước mới tấp vào bờ vậy.

Hoà thượng Như Quang mừng không thể tả, lập tức bảo chúng tăng khiêng bia về am.

Tại sao bia Dương Chi Quán Âm lại từ dưới biển trồi lên ? Nguyên do là đêm tối trời ấy có một tốp "giặc lùn" lén mò lên Phổ Đà Sơn, không ăn cắp được tranh bèn lấy trộm Quán Âm bia rồi còn đốt cháy am Dương Chi nữa. Có ngờ đâu khi tàu cướp vừa đến biển Liên Hoa, một trận gió dữ thình lình nổi lên, tàu giặc mất phương hướng, bị sóng xô giạt tới cửa Nam Thiên, húc phải đá ngầm khiến tàu bị lật, bia đá Quán Âm mới dựa nghiêng trên mặt tảng đá ngầm như vậy.

Tìm được bia đá rồi, trước hết, hoà thượng Như Quang đem bia tới chùa Phổ Tế thờ tạm, đợi am Dương Chi xây lại xong mới cung nghênh bia về nguyên xứ. Cho đến ngày nay, hễ đến Phổ Đà Sơn du lịch, ai cũng muốn được ngắm nhìn một lần tấm bia Quán Âm đã thoát được tai ách lớn và nghe kể lại một lần truyền thuyết của tấm bia ấy.

_________________

"Em phải biết một đời trai du tử - Có khi nao chôn kiếm ngủ bên trời.."

Quan Âm Truyền Thuyết

(Tuyển Tập)

Diệu Hạnh GiaoTrinh Chuyển Ngữ

Quán Âm Đấu Trí Với Chuột Tinh

Tương truyền rằng đời xưa, ở dưới lòng đất có một con chuột đã thành tinh, biết rằng trên nhân gian năm nào gặt hái cũng trúng mùa, nghĩ đến cuộc đời lạnh lẽo vắng teo của mình thì bèn lén tìm đến nhân gian, hy vọng có cách nào sống một cuộc sống ăn không ngồi rồi cho nó khoẻ !

Nhưng lên đến trần gian thì người nào thấy nó cũng miệng la tay đánh. Tuy con chuột này có phép thần thông, nhưng nó cũng biết là nếu làm cho dân chúng ghét thì nó sẽ bị bất lợi nhiều hơn là thắng lợi, vì thế nó cứ phải trốn chui trốn nhủi, có khi suýt phải mất mạng. Con chuột tinh càng nghĩ càng oán hận, nên mới tìm ra một độc kế để giết chết hết loài người trên trần thế mới đã nư !

Một hôm, con chuột tinh biến thành một thanh niên có cái mồm nhọn hoắc, đến chỗ Long Vương ở Đông Hải xin mượn đòn quang gánh với hai thùng nước biển để gánh đi bán trong nhân gian.

Nó có phép thần thông nên tuy nói là chỉ một có một đòn quang gánh mà thôi, nhưng thật ra nó đã múc phân nửa số nước biển Đông đựng trong hai thùng nước rồi, chờ khi nào bán xong nước thì thế giới này sẽ bị đại hồng thủy làm cho ngập lụt và loài người sẽ chết hết không còn một ai sống sót.

Vừa khéo, Quán Âm Đại sĩ đi vân du bốn biển mới về tới, chỉ đảo mắt nhìn là Ngài thấy xuyên thấu bụng dạ tâm can của con chuột tinh. Ngài bèn bỏ ý định trở về Triều Âm Động, mà âm thầm tìm đến gặp nó.

Trở lại con chuột tinh, xiêng xiêng vẹo vẹo gánh đôi gánh nước đi từ thôn này xuyên qua làng khác, vừa đi vừa rao hàng. Gánh nặng sưng cả bả vai, rao hàng đến khàn cả tiếng mà không có một ai thèm mua nước biển của nó.

Hôm ấy nó gánh nước đến một ngã ba đường, đứng trước một mái nhà tranh đặt gánh xuống rao hàng. Trong nhà có một bà cụ đang ngồi xe chỉ dệt vải, nghe nó rao bèn vỗ vỗ áo, phủi phủi quần, gù lưng bước ra cửa nói rằng :

- Tôi đang muốn làm dưa cải muối đây, ông bán nước biển thật là vừa khéo ! Gánh tới đây, tôi mua hết cho !

Con chuột tinh mừng thầm trong bụng, hỏi :

- Lu nước đâu ?

Bà lão cười tươi như hoa, chìa ra một cái bình nhỏ trả lời :

- Đổ trước vào đây đầy bình cho tôi !

Con chuột tinh cảm thấy buồn cười, nghĩ bụng rằng :

- Cái bà già ăn mày này đến lạ, cái bình cỡ này thì chứa được bao nhiêu giọt nước ?

Vừa nghĩ, nó vừa tiếp lấy bình đổ nước vào. "Ọc ọc, ọc ọc..." đổ nửa thùng nước vào bình rồi mà sao bình vẫn chưa đầy ? "Ọc ọc, ọc ọc...", nửa thùng nước còn lại đã đổ vào nốt mà bình hãy còn trống. Con chuột kinh hoàng hỏi :

- Cái bình này là bình gì vậy ?

Bà lão chỉ cười mà không đáp. Con chuột tinh lại nghĩ :

- Bình gì thì bình, trước sau gì bà cũng sẽ là người chết chìm trước !

Nó khiêng thùng nước kia đổ tiếp vào bình. Chỉ nghe tiếng nước róc rách mà vẫn chưa thấy nước tràn ra ngoài. Con chuột phát hoảng, đứng đực người ra.

Bà lão cười nhạt một tiếng, nhẹ nhàng lấy bình về và quát :

- Nghiệt súc ! Còn chờ gì mà chưa nhận tội ?

Con chuột tinh định thần nhìn kỹ, thấy người cầm tịnh bình đứng trước mặt nó không còn là bà lão lưng gù mà lại là Quán Âm Đại sĩ ! Nó sợ hãi thất sắc, vội quay đầu chạy trốn.

Chạy, chạy, chạy thôi là chạy, chạy một đỗi thì con chuột tinh cảm thấy vừa đói vừa khát, may quá đầu đường có một quầy hàng trà bánh, đúng lúc ấy có rất nhiều người đang đứng đấy uống trà ăn bánh.

Con chuột oán hận quá gây gổ ngay :

- Giỏi cho bọn bây ! Ông thì phải trốn chui trốn nhủi, còn bọn bây thì ở đây mà tiêu dao tự tại !

Bất cần mọi sự, nó đưa tay tính chộp lấy trà bánh nhưng cô chủ quầy không bằng lòng bán chịu, bắt nó phải trả tiền trước rồi mới được ăn. Trong mình đã không có một đồng một xu, vừa đói lại vừa khát, con chuột thẹn quá hóa khùng, trong nháy mắt bỗng nghe "chít chít" loạn xạ, và vô số chuột không biết từ đâu chui ra ùn ùn trèo lên quầy tranh ăn. Nào ngờ cô chủ quầy phóng ra mấy chú mèo và cười ha hả :

- Mèo bắt chuột ! Mèo bắt chuột !

Đàn chuột sợ hãi chạy trốn tán loạn, trong chớp mắt không còn một con.

Con chuột tinh không chịu thua, tính trút cơn giận lên đầu cô chủ, nhưng nào ngờ mới nhìn lên thì rõ ràng trước mặt mình lại là phạm tướng của Bồ Tát Quán Thế Âm ! Con chuột tinh như bị điện giật, vừa lăn vừa bò ra chạy trốn.

Chạy, chạy, chạy thôi là chạy, chạy một đỗi thì con chuột tinh cảm thấy vừa mỏi vừa mệt, bèn nhủi vào một quán ăn nhỏ nghỉ chân. Ông lão chủ quán đến hỏi nó muốn ăn gì, nó thấy rằng mì nước vừa làm cho no bụng vừa giải khát bèn gọi một tô mì nước.

Làm sao nó biết được lão chủ quán cũng chính là Quán Thế Âm Bồ Tát hóa thân ! Đang lúc nó xì xà xì xụp húp tô mì nóng đến nỗi mồ hôi tuông đầy đầu, lão chủ quán nhẹ đưa ngón tay lên quẹt mặt bàn một cái là từng sợi từng sợi mì biến thành từng sợi dây sắt khiến nó nghẽn họng như thể mắc xương cá, đau quá lăn đùng xuống đất, lăn tới lăn lui mấy lần thì hiện nguyên hình con chuột to màu xám, kêu chít chít loạn xạ, khẩn cầu Quán Âm tha mạng.

Quán Âm vốn từ bi, chỉ giam nó vào trong một động đá không đáy, khiến nó vĩnh viễn không thể ra ngoài nhiễu hại chúng sinh nữa.

_________________

"Em phải biết một đời trai du tử - Có khi nao chôn kiếm ngủ bên trời

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip

Tags: #nhất