ლ CHƯƠNG 10: Làm từ thiện không mất phí
Hai ngày sau, tôi có buổi học đàn, vừa hay nghe được tin cuối tuần này sinh nhật Tang Nhĩ.
Em ấy có chị gái từ nước ngoài về, sẽ tổ chức tiệc tại một nhà hàng rồi tiện thể đi công viên giải trí luôn, nên muốn mời mọi người tới tham dự.
Ban đầu, tôi hơi ngại đến đó, dù sao bạn bè với nhau thì đi góp vui cũng tốt, nhưng tôi vốn không giỏi hoà nhập, nhất là ở những chỗ đông người như thế. Mà bỗng nhiên nhớ ra hôm đấy cũng là ngày giỗ của ông ngoại, vì vậy đành phải xua tay từ chối.
Chủ nhật, ba mẹ bận việc đột xuất, có lẽ trưa muộn hoặc chiều mới về được. Sáng sớm, mẹ đã dậy chuẩn bị sẵn hoa quả và đồ xôi, mấy túi bánh trái lỉnh kỉnh được để cẩn thận trong một chiếc giỏ, xong vội vã tới công ty hồi 7 giờ kém. Phần còn lại thì dặn tôi tự đến chỗ bà lo liệu tiếp.
Rời khỏi nhà, tôi ra đầu phố mua thêm bó hoa ly và vài thứ khác để làm mâm cỗ.
Mua đầy đủ những đồ cần thiết rồi, lúc đứng chờ ở trạm xe buýt, tôi thấy một bóng dáng đang dọn rác ở một góc gần tiệm thuốc tây.
Người phụ nữ cao thanh mảnh, mặc chiếc áo khoác dài nâu nhạt đã sờn tay áo, đội nón lá cũ, quai nón buộc bằng dây vải xanh bạc màu. Nhìn kỹ góc nghiêng mới dám khẳng định là dì Chương.
Chần chừ một xíu, tôi liền bước tới, khẽ cất tiếng chào.
Dì Chương ngẩng mặt, ánh mắt hơi bất ngờ, nhưng cũng nhanh chóng mỉm cười nhẹ.
'' Tiểu Lan hả? Đi đâu mà sớm thế? ''
Dì hỏi, giọng trầm và khàn khàn như người thường phải nói giữa tiếng xe cộ.
'' Cháu mang đồ sang bà ngoại ạ, hôm nay có đám giỗ ''
'' À, ra là vậy ''
Dì gật đầu đáp lời, cúi người quét lá.
Chiếc chổi chà dài lê trên mặt đường nhựa xám phát ra những tiếng sột soạt. Dáng người dì nhỏ, hơi khom lưng, di chuyển chậm rãi nhưng chắc tay, từng nhịp chổi đều đều như đã quá quen với động tác ấy.
Ánh nắng buổi sáng chiếu xuyên qua hàng cây, hắt lên gương mặt vài nếp nhăn sâu, nhưng vẫn giữ nét hiền và tĩnh. Làn da dì sạm nắng, mấy cọng tóc con lòa xòa trước trán lấm tấm mồ hôi, vài sợi còn dính vào thái dương.
Có gì đó khiến tôi im lặng một chút rồi ngập ngừng tiếp chuyện:
'' Bình thường dì vẫn làm công việc này ạ? ''
'' Ừ, một tuần có mấy buổi, khi nào có người thuê thì mình làm thôi ''
Tôi nhớ dì ở khu dân cư bên kia, có mấy dãy nhà bỏ hoang, tường vôi bong tróc, ban đêm đèn đường hay chập chờn, ít người lui tới. Làm lao công, chắc cũng chẳng dư giả là bao, chỉ mong kiếm được một khoản thu nhập để trang trải qua ngày.
Ninh Hà không quá rộng, không có nhà máy hay cửa tiệm lớn, quán xá nhỏ lẻ, những công việc bán thời gian cũng khó tìm.
Cảm giác biết mình phải tự xoay xở, bám víu vào từng cơ hội vụn vặt, nó không dễ. Không ai muốn khổ, nhưng có những con đường hình như ngay từ đầu đã không cho họ được quyền để lựa chọn.
Có những người cứ lặng lẽ sống như vậy, không kêu ca, không than vãn, âm thầm làm phần việc của mình. Không biết dì có mệt không, tôi không đoán được, vì biểu cảm của dì lúc nào trông cũng thật bình thản.
Tôi không nán lại lâu, tạm biệt dì rồi chuẩn bị bắt xe đến nhà ngoại.
Mới đi thêm vài ba bước thì đâu đấy vang lên tiếng xì xào, lác đác trong buổi sáng còn vắng người.
'' Cái cô kia ngày nào cũng lảng vảng quét rác ở đây. Tại thân người gầy gò nên không ai chịu nhận vô làm tử tế. Nhìn mãi cũng nhớ cả mặt luôn ''
'' Chứ còn sao nữa. Nghe nói sống ở khu dân cư bỏ hoang trên đường Vạn Tuân ấy. Chỗ đó cũ kỹ ghê lắm, ai sống nổi ''
'' Mà cô ta có một đứa con trai thì phải. Khổ nỗi nhà nghèo không đủ điều kiện, chỉ dựa vào vài đồng bạc ít ỏi thì sao đủ đóng học phí cho nó. Vô tình thấy thằng nhóc cứ lang thang chơi quanh quẩn một mình mấy lần rồi. Chậc, tột nghiệp thật ''
Gió thổi nhẹ, cuốn mùi đất ẩm và mùi lá khô thoang thoảng.
Tôi mím môi, không quay đầu, siết nhẹ quai túi trên tay.
Nhiều người vẫn hay nói về người khác bằng một giọng nửa tò mò, nửa thương hại, nhưng chẳng ai chịu dừng lại để nhìn rõ cuộc sống của người mà mình đang nhắc tới.
. . .
Thực ra anh em họ hàng bên ngoại tôi cũng không nhiều lắm, chủ yếu các chú các bác đều sống hết dưới quê.
Sau khi ông mất, bà đã già đi không ít, còn hay ốm đau bệnh tật, ba mẹ bảo bà chuyển lên đây, nhưng rồi vì quen nếp sống cũ, bà vẫn xin ra ở riêng. Ba mẹ mua một căn nhà nhỏ có sân vườn, để bà trồng rau, nuôi mèo, sống an nhàn thảnh thơi qua ngày.
Lận đận cả buổi sáng tới tận trưa mới làm xong đồ cúng. Nhà chỉ có mỗi hai bà cháu, mâm cơm nhìn cũng thấy trống nên bà kêu tôi mời thêm mấy cô chú hàng xóm xung quanh sang ăn cho vui.
'' Chẳng ai quen ông cháu đâu, dù sao người ta cũng đang sống cạnh mình, tử tế với nhau là quý rồi. Vả lại, hương khói có đông người, ông ở dưới kia chắc cũng ấm lòng hơn ''
Trong bữa cơm, mọi người vừa ăn vừa trò chuyện lặt vặt, vẻ thong thả không gấp gáp, tiếng chén bát chạm nhau lách cách.
Ở một góc, chiếc ti vi bật tự nhiên, không ai chú ý.
Âm thanh chương trình thời sự vang đều, hình ảnh mờ của buổi phóng sự hiện lên những cảnh quay ở một vùng quê xa. Trẻ em ngồi học dưới mái trường lợp tôn, có đứa chân không dép, quần áo sờn rách, vẫn cười khúc khích khi nhận được quyển vở từ tay các tình nguyện viên.
Một cô trong bàn buột miệng nói vu vơ: '' Trông thương quá, học hành cũng phải lội suối nữa ''
Một chú nọ kể: '' Cháu bé nhà tôi thì trái ngược lại. Ba mẹ nó bắt học suốt ngày, như trâu kéo cày. Hết tiếng anh rồi nhảy với vẽ, lịch kín mít, thấy mà phát chán giùm nó ''
Bà ngoại tôi dừng đũa, ngước lên thoáng nhìn màn hình. Giọng bà không buồn, vì đã chứng kiến những điều như thế nên thở dài đồng cảm.
'' Hồi xưa ở quê cũng vậy đấy. Nghèo rớt mồng tơi, cơm còn không có mà ăn, ai dám mơ tới chữ nghĩa hay việc trên trường lớp ''
Mấy người khác gật gù theo, ai cũng buông một câu. Cuộc trò chuyện rẽ qua vấn đề chợ búa, giá rau, mưa nắng. Tôi ngồi yên lắng nghe, lặng lẽ nhai miếng cơm.
'' Trẻ em là mầm non tương lai '', tuy nhiên không phải đứa trẻ nào cũng có điều kiện mơ mộng.
Có những đứa trẻ vì thiếu thốn mà chẳng được đi học, và cũng có những đứa trẻ lại bị ép học đến mức không còn biết mình thực sự muốn gì. Cảm giác lưng chừng ấy - bên thừa, bên thiếu.
Tôi tự hỏi: không lẽ lớn lên chỉ để đứng giữa hai thái cực đó? Điều gọi là ''được học hành đầy đủ'', nó đầy cỡ nào thì vừa?
Người ta nói ở quê nghèo, nhưng thực chất ở thành phố vẫn còn bao gia đình đang sống có khấm khá hơn gì đâu. Cái nghèo ở quê là thiếu vật chất, còn ở phố thị, có khi người ta lại thiếu cả hơi ấm trong lòng.
Ở đời, có người chạy ăn từng bữa, có người ăn hoài chẳng no. Tôi nhớ một câu châm ngôn như vậy. Lúc đó không hiểu, bây giờ bỗng dưng thấy đúng một cách buồn cười.
. . .
Buổi chiều, ba mẹ đi làm về có ghé ngang chỗ ngoại.
Mẹ bảo dạo này bà trông hơi gầy hơn trước, hay đau lưng mấy hôm liền nên đã mua một lô hộp thuốc bổ. Ba thì loay hoay kiểm tra lại ổ điện, cái vòi nước, vài việc lặt vặt mà mỗi lần bà gọi thợ đều ngại tốn tiền.
Sau đấy ba mẹ hỏi han đủ thứ, từ bữa ăn đến giấc ngủ, nói chuyện rôm rả như thể lâu lắm rồi mới được nói vậy. Tôi ngồi cạnh, thỉnh thoảng vẫn chen vào đáp một tiếng.
Rảnh rỗi, tôi lướt điện thoại một chút cho đỡ buồn tay. Mở Weibo ra, Tang Nhĩ đã đăng hàng loạt ảnh sinh nhật với nụ cười tươi rói bên bánh kem, có cả tấm chụp cùng gia đình và bạn bè. Tôi thoải mái thả nút like, nhân tiện gửi đi dòng bình luận chúc mừng ngắn.
Trôi qua một lúc, tôi cất di động, quay sang xin phép bà và ba mẹ để về trước. Thấy Tang Nhĩ khoe một đống quà được tặng, thì mình cũng nên bày tỏ chút thành ý.
Rời khỏi nhà bà, đến một cửa hàng nhỏ. Không gian bên trong sáng dịu, mùi giấy mới thoảng nhẹ lẫn tiếng nhạc vang khe khẽ từ góc quầy.
Dạo quanh một vòng, bước qua mấy kệ đồ lưu niệm tôi cũng chọn được mấy thứ hay ho làm quà. Nhưng vô tình ánh mắt lại dừng trên ở dãy sách ngay sát đó, nơi bày đầy những cuốn sách giáo khoa tiểu học bìa màu tươi.
Không hiểu sao bản thân cứ đứng đờ người ra đấy suy nghĩ một lát. Một mảng ký ức nhỏ vừa kịp chạm tới mà chưa kịp gọi tên, lẳng lặng như làn khói mỏng.
Không nghĩ nhiều, tôi dứt khoát bỏ ba quyển sách kèm thêm vài món đồ văn phòng phẩm vào giỏ rồi đem đi thanh toán.
. . .
Ninh Hà có thời tiết nắng mưa thất thường thật khó đoán. Mấy tuần trước còn nắng ráo mát mẻ, mà vừa mới bước sang tháng 8 một cái đã bắt đầu có dấu hiệu mưa kéo dài.
Bầu trời đổi sắc. Từng đám mây kéo đến đen sì, mưa lất phất rồi dai dẳng cả ngày, chẳng theo quy luật rõ ràng. Có điều, người dân ở đây sống lâu dần quen, ai cũng chuẩn bị sẵn một chiếc ô thường trú trong balô hay giỏ xe, đề phòng bất cứ lúc nào.
Vài ngày gần đây, ngoại trừ việc đi học đàn thì những buổi khác, tôi không có ý định ra ngoài. Chủ yếu toàn ở trong nhà xem phim, đọc sách, lướt mạng xã hội hoặc chat với một số bạn bè, ví dụ như Tang Nhĩ.
Em ấy kể rằng đáng lẽ gia đình mình sẽ có chuyến du lịch vào tuần này, nhưng vì tình trạng khí hậu hiện nay thì phải tạm lùi lịch thêm mấy hôm.
Dẫu vậy, trong lúc chờ ngày nắng ấm trở lại, cả nhà vẫn tranh thủ thời gian về quê thăm họ hàng. Quê nội và ngoại của Tang Nhĩ ở cùng một nơi, khi về thăm ông bà cũng rất tiện.
Dòng trạng thái của em ấy luôn được cập nhật thường xuyên, mỗi lần tôi vào weibo xem đều thấy hiển thị đầu trang. Đa số là những bức ảnh chụp người thân và phong cảnh. Dưới mỗi bài viết đều không thể thiếu lượt like kèm những lời bình luận.
Nghỉ hè là khoảng thời gian tuyệt vời nhất, đặc biệt là đối với những đứa trẻ tuổi mới lớn như Tang Nhĩ. Em ấy mải mê ở bên gia đình để tận hưởng kỳ nghỉ, vì thế chúng tôi trò chuyện qua mạng không nhiều, chỉ nhắn đôi ba câu rồi thôi.
Tính từ bây giờ cho tới khi đi học lại thì còn gần một tháng nữa, vậy nên ba mẹ đã đăng ký thêm vài lớp dạy các môn tự nhiên. Chuỗi ngày nghỉ hè cũng không nhàn rỗi như suy nghĩ trước đó nữa.
. . .
Một buổi chiều, tôi đến hiệu sách mua quyển tạp chí yêu thích vừa ra số mới nhất về đọc. Chần chừ một lát, cuối cùng quyết định mang bỏ những món đồ hôm nọ mới mua ở cửa hàng cho vào túi.
Bước xuống bậc thềm phòng khách, tôi bỗng để ý tới chiếc ô đang dựng ngay cạnh kệ xếp giày dép, không nghĩ nhiều liền cầm lấy như một phản xạ.
Không khí bên ngoài có vẻ mát mẻ dễ chịu hơn hẳn, mây trắng bồng bềnh trôi lững lờ, nền trời trong xanh nhạt lấp ló ánh mặt trời mỏng manh phía xa. Những cơn mưa bất chợt dường như đã cuốn bớt cái oi ẩm thường thấy.
Sau khi mua xong những thứ cần thiết, rời khỏi hiệu sách, tôi xoay người đi đến đường Vạn Tuân.
Khu dân cư chỉ nằm ở một góc bé của Ninh Hà, vì bị che khuất vài phần giữa những dãy nhà cao tầng nên không dễ để nhận ra.
Ánh nắng chiều nghiêng nghiêng vẫn tìm cách len lỏi qua từng ngóc ngách rồi chiếu vào góc tường loang lổ vết mốc đen, mảng sơn bong tróc cũ kỹ. Trên mặt tường còn in dấu những tờ áp phích đã xé nham nhở, lưu lại mảng giấy bạc màu.
Gió thổi mang theo mùi bụi bặm của đất ẩm, ngai ngái, lẫn với mùi sắt gỉ lâu ngày. Những căn nhà bên trong phần lớn đều đóng kín, một vài ô cửa sổ vỡ kính, tấm rèm phất phơ như chưa từng được ai đụng vào. Lá khô rải rác, cả những chiếc chai lọ vỡ và dây điện đứt buông thõng từ trên cao. Đường đi có chỗ sụt lún, nước mưa đọng thành vũng nhỏ.
Tới đây nhiều lần, tôi phát hiện ra nơi này rất vắng, không khí vô cùng tĩnh lặng. Nhưng tuyệt nhiên vẫn bắt gặp đám trẻ đang chơi đuổi bắt ở gần đấy. Lần trước, tụi nó nhìn tôi thì nhốn nháo bỏ chạy, chẳng hiểu là sợ hay vì lí do nào.
Bước thẳng về cuối dãy, trông thấy Tư Đồng đang ngồi thụp xuống cạnh bụi cây, tay cầm cành cây khô chọc chọc gì đó, loay hoay nghịch ngợm với mấy viên đá hoặc vài con bọ. Hình như cũng không có ý định chơi cùng lũ bạn chạc tuổi kia.
'' Đồng Đồng '' - Tôi cất cao tiếng gọi.
Cậu nhóc nghe được, theo bản năng liền ngẩng mặt với vẻ ngơ ngác, bỗng nhoẻn miệng cười, vội vàng đứng dậy chạy đến.
'' Hì, chị Lan. Một tuần dài không thấy chị tới, em tưởng chị không thích chơi với em nữa ''
'' Không đâu, tại trời cứ mưa suốt nên ra ngoài hơi bất tiện thôi ''
Đám trẻ đứng cách đấy không xa. Chúng khẽ ngó tôi một cái, liếc mắt chú ý Tư Đồng, xì xào với nhau vài câu. Một đứa huých vai đứa nọ, xong cả bọn lặng lẽ di tản, nhưng không giấu nổi sự tò mò.
Tôi cẩn thận quan sát xung quanh, không có điều gì khác thường.
'' Anh Hải và dì Chương đã đi làm cả rồi sao? ''
Cậu gật gật đáp '' Vâng '', cúi người lấy cành cây vẽ mấy chữ nguệch ngoạc không rõ nét trên nền đất.
Giây sau, tôi bất giác nắm chặt quai túi đang đeo. Câu kế tiếp không biết nên mở lời kiểu gì cho lịch sự.
Tôi rũ mắt nhìn cậu nhóc trước mặt, chọn lọc từ kĩ lưỡng, không chút do dự mà nói thẳng:
'' Em có muốn thử trải nghiệm cảm giác đi học không? ''
Động tác trên tay Tư Đồng chợt dừng lại: '' Hả? '', cậu nhanh chóng ngước đầu lên, tưởng chừng như mình vừa nghe nhầm.
Tôi mím môi bấu nhẹ vạt áo. Hỏi toẹt ra vậy thật không tế nhị tí nào, và thiếu tinh tế nữa.
Cảm xúc bất ngờ đột nhiên ập đến không báo trước, phải rất lâu cậu mới mạnh dạn nhỏ tiếng trả lời, chỉ là trong giọng điệu có phần buồn bã và tủi thân.
'' Nhưng hoàn cảnh của em không cho phép ''
Lúc này, người khó xử là tôi.
Trong thoáng chốc lại nhớ hình ảnh người phụ nữ thanh mảnh mặc bộ quần áo lao công chăm chỉ quét dọn lá ở ven đường.
Im lặng ngẫm nghĩ một hồi, cảm nhận sự bất công của một đứa trẻ. Người có lòng tốt khi biết thấu hiểu cho những kẻ đang sống khổ sở ngoài kia, có ai là không mong mọi trẻ em trên thế giới đều được đến trường, đến lớp để học thêm nhiều kiến thức và các kỹ năng khác?
Tuy vậy, học phí chính xác là rào cản lớn nhất. Đối với những gia đình không đủ điều kiện, thì tiền sách vở, đồng phục hay các khoản thu trở thành gánh nặng, đó là một điều vô cùng xa xỉ.Tôi lựa lời, không vòng vo mà giải thích rõ ràng để cậu dễ hiểu:
'' Thực ra không nhất thiết phải đến trường. Ý chị là, em hãy tự học ở nhà, chỉ thử thôi, không cần bắt buộc đâu. Nếu em thật sự muốn học, chị sẽ dốc sức hỗ trợ ''
Sợ Tư Đồng nghĩ ngợi nhiều, tôi bổ liền bổ xung vế sau:
'' Đừng lo, cứ coi như là chị đang làm một công việc từ thiện cũng được, không mất phí ''
Hy vọng chuyện tôi làm sẽ tạo động lực cho Tư Đồng, không bởi vì thương hại.
Dùng khả năng của mình mang lại những cơ hội cho đứa trẻ thiếu thốn. Đồng thời gieo vào lòng một niềm tin, giúp cậu nhóc thấy rằng dù xuất phát ở điểm không công bằng thì vẫn thay đổi số phận bằng những bước đi vững chắc, bắt đầu từ việc học.
Tư Đồng chớp chớp mắt, biểu cảm thoáng khựng lại, khuôn mặt lộ vẻ bối rối, cố tiêu hóa hết những lời tôi nói. Cậu cúi đầu, bàn tay siết nhẹ cành cây đang cầm, vẽ mấy vòng tròn dưới đất như giấu đi cảm xúc.
'' Vậy..công việc từ thiện này kéo dài bao lâu ạ? ''
Tư Đồng ngập ngừng dè dặt từng chút một.
'' Trừ khi em muốn từ bỏ ''
Đôi mắt bồ câu to tròn của cậu đã sớm phiếm hồng, một tia sáng mỏng manh xuất hiện nơi đáy mắt, mờ nhạt mà lấp lánh. Cậu khẽ hít sâu một hơi, giọng nói tuy còn run rẩy nhưng ánh lên sự kiên định lặng lẽ dứt khoát.
'' Em sẽ nỗ lực cố gắng ''
Tôi thở phào, mỉm cười nhẹ nhàng đặt tay lên vai cậu như một lời hứa âm thầm.
Chúng tôi đến bên cái cây du già, thân to, vỏ xù xì nứt nẻ. Tán lá xòe rộng xanh rậm rạp, che kín cả một khoảng không phía trên bộ bàn ghế đá kê ngay cạnh đó. Những cành cây vươn dài bốn phía, lắc lư trong làn gió thoảng phát ra tiếng xào xạc. Mấy chiếc lá khô rụng lác đác nằm im thin thít. Ánh nắng xuyên qua lớp lá lưa thưa, in thành mảng sáng lốm đốm.
Tôi lấy ra ba quyển sách đặt lên bàn, Tư Đồng '' Ồ woww '' một tiếng khiến tôi phì cười, chắc là lần đầu nhìn thấy đây mà.
Mở sách giáo khoa, mùi sách thơm nhẹ, mỗi trang giấy đều sạch sẽ, in hình rõ ràng, trình bày ngăn nắp, cũng chứa đựng nhiều bài học hữu ích.
'' Năm nay em bao nhiêu tuổi ? ''
Quen nhau khá lâu rồi vẫn chưa biết tuổi thật của cậu, nhân tiện bây giờ thắc mắc luôn.
'' 8 tuổi ạ '' - Cậu nhanh nhẹn đáp.
Tôi sững sờ một lúc, nhớ lại những điều mình nghe thấy khi gặp dì Chương lần trước, mãi sau mới khẳng định rằng Tư Đồng không được đi học từ hồi 6 tuổi trong khi các bạn cùng trang lứa ngoài kia đã vác cặp đến trường. Thế thì tôi cũng xem như cậu ấy đã đi học muộn hai năm.
Bầu không khí dịu mát, tôi kiên nhẫn dạy cậu nhóc đọc bài, giảng giải chậm rãi, uốn nắn từng nét chữ, chỉ cậu cách làm các phép tính toán cơ bản. Tư Đồng tiếp thu rất nhanh, còn chủ động hỏi lúc có chỗ khó hiểu.
Cứ như vậy, chúng tôi ngồi ở đó gần ba tiếng.
Nhìn thời gian không còn sớm, tôi gấp gọn cuốn sách lại.
'' Nghỉ ở đây thôi, hôm sau học tiếp ''
Tư Đồng ngoan ngoãn vâng lời, niềm hứng thú háo hức ban nãy vẫn chưa hết.
'' Sáng mai chị vẫn tới chứ ? ''
'' Ừm, hẹn em 7 rưỡi ''
Đưa ra giờ giấc cụ thể rồi không quên nhắc nhở thêm, điệu bộ giả vờ nghiêm khắc:
'' Nhớ học kĩ bài hôm nay, mai chị kiểm tra đấy. Nếu như không thuộc sẽ đánh đòn em ''
'' Chị yên tâm, em sẽ học hành chăm chỉ mà ''
Tư Đồng gật đầu mạnh một cái, nở một nụ cười tươi đầy quyết tâm. Tôi cảm nhận được niềm vui đơn thuần của một đứa trẻ lần đầu có được điều mình hằng ao ước.
'' Về chuyện của em, chị sẽ giải thích với dì Chương ''
Tôi thấp giọng bảo:
'' Nên em cũng đừng lo lắng quá hay bận suy nghĩ xem phải làm sao để nói với mẹ nhé ''
Cậu nhóc mấp máy môi, cuối cùng buông một câu ngắn gọn: '' Chị tốt thật ''
Trời bỗng nhiên đổ cơn mưa, thời tiết cứ thay đổi nhanh vậy, vài phút trước thấy trời quang mây tạnh, giờ đã xám xịt cả một vùng. Ban đầu chỉ rơi vài hạt nhưng cũng không chắc sẽ không mưa lớn. May mắn là tôi có mang theo ô dự phòng.
'' Hazz, chả biết anh Hải có còn đau không nữa ''
Tay đang cầm ô chợt khựng lại, tiếng thở dài của Tư Đồng đi kèm câu nói khiến tôi vô thức nhướng mày. Vẻ lơ đãng của cậu làm tôi có cảm giác hơi bất an.
Anh đau cái gì? Đau ở đâu? Tại sao đau? Một loạt câu hỏi tự đặt ra trong đầu cần lời giải đáp.
☜˘ ꈊ ˘ ☞
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip