Chương 1:Dung Tán/Hồi Hương

❗️Trước khi đọc truyện, làm ơn đọc chú thích bên dưới để tránh hiểu lầm sai lệch về nhân vật.❗️

🍂Lời nhỏ đầu truyện:

Trong truyện có những nhân vật mang họ Khưu, Lữ, Giang - tuy không phổ biến ở các làng quê Bắc Bộ, nhưng vẫn là họ có thật ở Việt Nam, từng xuất hiện ở một số vùng miền hoặc dòng tộc ít người biết tới.

Những cái họ này được dùng không nhằm tạo màu sắc ngoại lai, mà để khắc họa sự đa dạng vùng miền, cũng như giữ nét riêng cho từng nhân vật.

Mong người đọc hiểu cho chút lựa chọn cá nhân này của tác giả, và đón nhận câu chuyện bằng một tấm lòng rộng rãi.
---

Warning: Đây là một câu chuyện tâm lý không phải ngôn tình 'cha nuôi con nuôi. Cảm xúc trong truyện phát triển theo từng giai đoạn, rất rõ ràng và hoàn toàn không vi phạm đạo đức.

❗️Mọi tình tiết đều được xây dựng theo nguyên tắc pháp luật và đạo đức. Truyện không cổ súy hành vi lệch chuẩn, mà chỉ đặt ra một tình huống xã hội đặc biệt, để nói về nỗi cô đơn, sự hy sinh và giới hạn của tình thương.❗️
⚠️Thấy không hợp gu thì có thể dừng đọc.Tác giả không nhận những lời tiêu cực cho truyện.Xin cảm ơn💗
---
👤:Sao truyện lấy bối cảnh làng quê mà tên cứ Hán việt thế?Chả thuần việt gì.

"Thuần Việt" không có nghĩa là từ chối Hán Việt.

Tiếng Việt mình là sự hòa quyện của Hán – Nôm – thuần Việt,
được hình thành qua ngàn năm Bắc thuộc, trăm năm thuộc Pháp, nên nếu ai đó nói dùng từ Hán Việt là "không thuần Việt" thì thật sự... quá hời hợt.

“Thiên”, “niệm”, “tán”, “hồi”, “an”, “dung”, “hương”, “diên”, “chương”, “liễu”, “địch”...
— Tất cả những cái tên rất đẹp tớ dùng, đều là từ Hán Việt.
Và ông bà ta cũng đã dùng suốt cả đời.

Văn phong "thuần Việt" không có nghĩa là phải "í ới, nhớp nháp, xề xòa".

Người ta gắn “thuần Việt” với “tếu táo”, với “nôm na”, với “chân đất mắt toét”.
Nhưng "thuần Việt" cũng có thể là:

Những câu văn đầy hình ảnh nhưng sâu,

Một nỗi buồn được cất rất kỹ,

Hay một cách xưng hô vừa lễ nghĩa vừa tha thiết: “Dung Tán”, “Hồi Hương”, “Vãn an”…

Sao lại nghĩ chỉ có tục, cười, mộc thì mới là “thuần Việt”?
Còn buồn, thanh, nghiêm, đẹp là “lậm Tàu”?

Và tớ xin nhấn mạnh điều này:

“Lậm Trung” là khi tớ bê nguyên văn hóa, quan niệm, thậm chí là nhân sinh quan của truyện Trung về Việt Nam.

Như gọi “tiểu thư”, “vương gia”, “hoàng thượng”, "nô tài", "ngươi - ta"…

Hay xây dựng thế giới quan đậm chất tu chân, cung đấu, trọng nam khinh nữ cực đoan theo kiểu Trung.
→ Đó mới là “lậm”.

Còn tớ?

Bối cảnh làng Việt.

Tên Việt, lễ nghĩa Việt.

Tình cảm đầy nhân tính, đạo lý, pháp luật rõ ràng.

Dùng từ Hán Việt để nâng chiều sâu cảm xúc, chứ không để “bày biện” hay “màu mè hóa” nhân vật.

→ Vậy thì tớ đang giữ gốc Việt một cách tinh tế nhất.
---
Chú thích rõ ràng nè các mom ơi:

●Khi nữ chính 4-9 tuổi: nam chính chỉ xem cô như một đứa em nhỏ. Anh tốt vì thấy hoàn cảnh cô bé giống mình ngày xưa, đơn thuần là sự thương cảm của một người anh trai.

→ 200% không có tình yêu.

●Khi nữ chính tầm 10-15 tuổi: lúc này nam chính mới bắt đầu để ý, đôi khi có chút xao động, nhưng vẫn chưa rõ ràng.

→ Chỉ là rung động thoáng qua, chưa phải yêu.

●Đến khi nữ chính 16 tuổi trở lên: cảm xúc mới trở nên rõ ràng, lúc này mới thật sự là yêu – nhưng là thứ tình yêu đi kèm với đấu tranh, dằn vặt và giới hạn.
_________

Đặt tên cho một đứa trẻ, xưa nay vốn là chuyện lớn.
Tên người - chẳng phải chỉ để gọi, mà còn để gửi gắm chút lòng, chút mộng.
Cha mẹ thường chọn những cái tên đẹp như hoa đầu mùa, như nắng đầu xuân, mong con sống một đời êm ả.

Nhưng cũng có đứa... sinh ra đã là một cái sai.
Khưu Dung Tán.

Nghe tên thôi, đã thấy chẳng có lành.

"Dung tán" - là tan đi, là rụng xuống, là gió cuốn không còn dấu vết.
Tên ấy chẳng phải để chúc phúc, mà như một câu ruồng bỏ.

Không mong nó sống, càng chẳng muốn nó lớn.
Cái tên ấy - là một cách để gạt nó ra khỏi đời người khác.
"Dung Tán" - sinh ra là để tan biến khỏi cuộc đời người khác."

Tiếng con nít khóc oe oe vang ra từ căn nhà lụp xụp dưới xóm trong, giữa trưa nắng chang chang.
Chưa tới mươi phút, mấy bà mấy cô đã bu lại kín sân, xì xầm như ruồi bu trái mận.

Ở giữa sân, Phạm Cẩm Vân tay chống nạnh, mặt mày đỏ gay, miệng chửi như mưa dội:

- "Ông còn mặt mũi nào mà bế cái thứ đó về đây nữa hả?
Nó là con của con đàn bà khác! Là nghiệp chướng! Là nhục!"

Khưu Hữu Thạc vẫn đứng im, đứa nhỏ nằm gọn trong tay, đỏ hỏn, bé như cái ổ bánh. Nó im thin thít - không khóc, không động đậy -cứ như thể biết mình không nên có mặt trên đời này.

Ông thở ra một tiếng mỏi mệt:

-" Kim Tố Trân mất rồi... con nhỏ không còn ai nuôi."

- Mất thì mặc xác nó! - bà gào lên -
Ông nghĩ ông mang nó về là tôi sẽ nuôi nó giùm cái thứ gái hư bỏ nhà đi hoang đó sao?

Không ai nói ra, nhưng ai cũng biết: ngày xưa, Kim Tố Trân từng là người ông Thạc thầm thương.
Con nhỏ đó đẹp - đẹp đến xui xẻo.
Đẹp tới mức từng suýt bị người ta làm nhục, khiến má ông Thạc nhất quyết không cho cưới.
Vậy là ông cưới Cẩm Vân, người đàn bà giỏi giang, nết na, nhưng... chẳng có được ánh mắt ông từng dành cho người khác.

Tố Trân bỏ đi.
Vài năm sau, bụng lớn.
Không chồng. Không cưới hỏi. Không ai tới nhận.

Người ta đồn, nó yêu phải trai thành phố, lời lẽ ngọt như đường, cuối cùng nghe có bầu thì lặn không sủi tăm.

Tố Trân ở trọ nhà cuối xóm, làm thuê nuôi cái thai, có ngày chỉ ăn cháo với muối hột cầm hơi.
Mãi đến hôm sinh, máu ra nhiều quá, nó chết mà mắt vẫn mở, như chưa kịp buông cái tên nó hay gọi trong mơ.

Thanh Sương đứng nép bên cửa, thấy mẹ mình giận run người mà không dám lại gần.

Một lúc sau, khi tiếng chửi bớt gay gắt, cô mới nhỏ giọng:

- "Mẹ...
Nuôi thêm một đứa, nghèo thì nghèo thiệt. Nhưng...
Nó có phải muốn sinh ra vậy đâu."

Phạm Cẩm Vân quay phắt lại, mắt đỏ hoe, giọng gay gắt:

- "Mày bênh nó à? Mày có biết nó là con ai không?"

Thanh Sương cắn môi, rồi nhìn về phía thằng nhỏ đang nằm lim dim trong lòng ba mình.

- "Con biết. Là con của người mẹ không muốn nhắc.
Nhưng nó là trẻ con, mẹ. Trẻ con thì đứa nào sinh ra cũng như nhau cả...
Có tội lỗi gì đâu mà phải chịu ghét bỏ?"

- "Mẹ không muốn nuôi, con nuôi.
Ăn cháo, ăn rau cũng được. Mẹ nói con gái đi lấy chồng phải học nhẫn nhịn -
Vậy cho con nhịn một lần vì đứa nhỏ này."

-" Mẹ sợ người ta dị nghị, nhưng mẹ nghĩ người ta có nhớ đứa nhỏ này là ai không?
Dăm năm nữa nó lớn lên, nó mang họ Khưu, nó cũng cày ruộng như tụi mình,
Ai còn quan tâm mẹ nó là ai?"

-" Con không thương mẹ ta đó. Nhưng con thương đứa nhỏ chưa kịp gọi ai là mẹ."

Cẩm Vân vẫn không nói gì. Bà không phải không hiểu, chỉ là trong lòng nuốt không trôi cái cay.

Khưu Thanh Sương chậm rãi nói nốt:

- "Nếu mẹ thật sự ghét nó...
Mẹ cứ coi như con nhặt về một con mèo hoang, một đứa trẻ rơi ở bụi chuối.
Đừng gọi nó là 'con của ông Thạc'-
Mẹ chỉ cần gọi nó là 'đứa nhỏ'."

Một cơn gió thổi qua, bụi rơm bay vào sân, nắng chiều tắt dần.

Cẩm Vân im lặng. Khưu Thanh Sương cũng không nói thêm, chỉ cúi đầu nhìn đôi chân trần dính bùn đất của mình.

Gió thổi qua, đứa trẻ trong tay ông Thạc động đậy, cựa mình khóc oe oe. Tiếng khóc ấy không to, nhưng thấu tim.

Một lúc sau, bà Cẩm Vân mới quay đầu lại nhìn, ánh mắt chậm rãi lướt qua mặt thằng bé, rồi dừng lại nơi gò má đỏ au của nó.

-" Đặt tên nó là Dung Tán."

Khưu Hữu Thạc sững người. Thanh Sương cũng ngơ ngác.

Bà nói tiếp, chậm rãi, như đang gỡ từng chữ khỏi lòng mình:

- "Dung", là tan vào, như nước chảy không vết.
"Tán", là rụng xuống, như lá lìa cành, không trở lại.
Sinh ra để tan biến khỏi đời người ta. Không vướng víu, không khắc ghi."

Ông ôm chặt đứa bé trong tay.

- Tên đó nghe không hay lắm đâu bà à. - Ông nói khẽ.

Nhưng bà đã quay đi, mắt không ướt, chỉ giọng nói là khô khốc như tro sau vụ cháy:

-" Chẳng phải nó sinh ra... cũng là một đốm tro tàn đó sao?"
Phạm Cẩm Vân chậm rãi nói tiếp:

-"Đứa nhỏ này sinh ra đã không nên có mặt.Nếu mai kia nó lớn, biết thân biết phận, thì rời đi cũng không ai khóc."

Bà nói thế, mà giọng không còn sắc. Nó trầm lại như một lời buông.

Rồi bà quay người.

-"Thằng nhỏ đó, từ nay ăn riêng mâm.
Không có máu mủ, đừng gọi tôi là mẹ."

Nói xong, bà lặng lẽ đi vào bếp, tiếng guốc cộp cộp kéo dài theo nền xi măng.

Đám đông xúm lại coi cho đã, rồi cũng tản đi, để lại sau lưng mớ tiếng xì xầm. Từ dạo đó, cả xóm đều biết ông Khưu Hữu Thạc vì thương người cũ mà cưu mang đứa trẻ không phải máu mủ. Một đứa nhỏ có cái tên xui rủi - Khưu Dung Tán.

"Dung tán", nghe thôi đã thấy như thứ gì đó sắp tan ra, rơi rụng, biến mất.

Người ta bàn ra tán vào, thương ít, dè bỉu nhiều. Nhưng cậu bé thì vẫn lớn lên, trong âm thầm.

Từ nhỏ, Khưu Dung Tán đã biết bản thân không giống người ta. Biết thân phận mình chẳng được mong chờ. Vậy nên, cậu ít nói, ít đòi hỏi, cũng chưa từng mơ mộng điều gì.

Trong nhà này, ngoài chị Thanh Sương thì ông Thạc là người thứ hai đối tốt với cậu. Còn bà Phạm Cẩm Vân - vợ ông - thì từ đầu đã chẳng buồn giấu sự ghét bỏ.

Nhưng Dung Tán quen rồi. Quen với ánh nhìn lạnh nhạt, quen với tiếng thở dài hắt ra sau bữa cơm, quen cả chuyện người ta nói mình là "đứa con rơi". Cậu thấy mình vẫn còn ở đây, vẫn được ăn học, vậy là tốt rồi.

Vì sợ làm họ thất vọng, Dung Tán chẳng khác gì cái bóng trong nhà: việc gì cũng nhận, học hành cũng không lơ là, có tiền thưởng là dúi vào tay ông Thạc. Cậu không nghĩ mình sống khổ, chỉ thấy... dường như mình không có quyền lựa chọn.

Năm Dung Tán tròn mười tuổi, cả nhà có chuyến lên thành phố. Cậu không được đi. Bà Cẩm Vân buông đúng một câu:

- "Dẫn thứ con rơi đó đi làm gì,phiền chết được."

Cậu im. Không hỏi, không trách. Quen rồi.

Thanh Sương nhìn cậu, thương lắm. Chị xoa đầu cậu, nói nhỏ như sợ ai nghe:

- "Ở nhà ngoan nha, có gì chị mua quà về."

Ông Thạc bước ngang, tay nắm lấy tay cậu, bàn tay sần sùi xoa một cái, giọng khàn khàn:

- "Đừng để tâm lời bà ấy."

Dung Tán chỉ gật đầu, gọn lỏn. Không phải lần đầu, cũng không phải lần cuối. Cậu vẫn vậy - lặng lẽ, nhẫn nại, lớn lên như cỏ dại bên thềm.

Anh đứng nhìn theo chiếc xe buýt lăn bánh qua ngã ba đất đỏ, đến khi không còn thấy bụi cuốn mờ phía sau nữa mới xoay người quay về. Bước chân lững thững, không vội. Trong lòng cũng không có gì để vội.

Về tới nhà, Khưu Dung Tán xắn tay quét dọn sân trước, gom mấy cọng rác rụng lăn dưới gốc ổi già. Tưới rau, cho gà ăn, đổ cám cho hai con lợn. Nước giếng hôm nay hơi đục, chắc mưa đêm qua.

Xong việc, anh trở về nhà kho - nơi là phòng của mình - mở sách bài tập ra làm. Mắt lướt theo từng dòng chữ rồi cặm cụi viết thì ngoài cửa sổ có tiếng gọi khe khẽ:

- "Ê, Dung Tán! Ra chưa?"

Giang Diên- thằng bạn duy nhất của anh, đang thò đầu qua khe cửa gỗ, tóc dựng ngược vì gió, tay cầm trái cóc chấm muối ớt, nhá nhá:

- "Tao nói nghe nè, ra quán ông Năm ngồi xíu đi, hôm nay ổng cho kẹo miễn phí á!"

Anh ngẩng lên, hơi nhíu mày:
- "Tao còn bài..."

- "Bài lúc nào chẳng có. Nhưng kẹo miễn phí thì không phải ngày nào cũng có đâu!" - Giang Diên nháy mắt, rồi chìa ra thêm một trái cóc nữa -" Đi lẹ đi, tao dẫn mày đi,không là hết kẹo đó."

Khưu Dung Tán chần chừ vài giây, rồi cũng gấp sách lại. Ừ thì... đi một chút cũng chẳng sao.

Hai đứa đi qua con đường làng nhỏ, băng qua cánh đồng lúa non, chỗ nước vừa rút sau trận mưa, cá lòng tong còn mắc lại từng vũng. Giang Diên thì cứ tía lia kể chuyện linh tinh - nào là thằng lớp trưởng bị cô bắt đứng ngoài hành lang, nào là con chó nhà bà Ba biết mở cửa chuồng tự đi dạo. Dung Tán không nói gì nhiều, nhưng cũng chẳng thấy phiền.

Tới sân nhà văn hoá, Giang Diên bất chợt kéo tay Dung Tán dừng lại:

-" Ê, ê... thấy không?"

Cậu chỉ về phía gầm ghế đá cũ kỹ dưới gốc xoài.

Một bé gái khoảng 4 tuổi đang ngồi thụp dưới đó, tay ôm con mèo ướt sũng, người bết đất. Tóc tai rối bù, áo hơi cũ,nhăn nhúm, đôi mắt đen thẳm tròn xoe như vừa khóc nhưng lại không có nước mắt.

Dung Tán nhìn lướt qua.

Giang Diên thì thầm:

- "Là con nhỏ bị bỏ ở cổng trụ sở xã á. Giang Diên nói tiếp."- "Mới đẻ được mấy ngày thì bị quấn khăn bỏ ngoài hiên, dân làng đi ngang thấy ré lên mới biết. Giờ gửi tạm nhà ông lữ Thành Dậu nuôi.Được ổng đặt tên là Lữ Hồi Hương."

Khưu Dung Tán không đáp.

-"Tao nghe bảo mẹ nó là người lạ, không ai biết tên, không ai quay lại đón. Mà nhỏ này hiền lắm, từ nhỏ đã im lặng như ma ấy. Bị mấy đứa nhóc trong xóm nhéo mặt cũng không khóc."

Khưu Dung Tán cúi đầu đi tiếp. Gió cuối chiều quất qua mặt, khô và dính. Dưới gốc cây, tiếng con bé vọng lại khe khẽ, như đang vỗ về con mèo:

- "Mèo à... ở lại với em, nha..."

Anh không rõ vì sao, nhưng trong phút chốc ấy... lại thấy đồng cảm với cô bé kia.

Lữ Hồi Hương.

Một cái tên nghe như tiếng gió trở mùa, nhẹ mà dài, buốt mà êm.
Nghe như thể được ai đó dịu dàng gọi về - dù chẳng có ai đứng đợi.

Còn tên anh...

Dung Tán.

Khô khốc như tiếng vật nặng rơi giữa sân xi măng.
Lạnh lẽo như mưa tạt vào vách đất chưa kịp vá.
Là cái tên mà người ta nhắc đến bằng nửa cái cau mày và nửa tiếng thở dài.

Hồi Hương... Dung Tán...

Một bên như bóng người lạc về mái hiên cũ.
Một bên như chiếc bóng không ai muốn cất giữ.

Hai cái tên,nghe cạnh nhau cũng cảm thấy không cân xứng.

Cậu không ngoái lại.

Chỉ có một câu như gió, cắm nhẹ vào tai rồi thôi. Mãi đến sau này, Dung Tán vẫn nhớ rõ âm sắc ấy, dù không thể nào nhớ nổi gương mặt cô bé dưới ánh chiều.

Ra đến quán ông Năm như lời kể của Giang Diên thì đúng là đang phát kẹo thật. Một hàng dài trẻ con xếp hàng đợi, đứa nào cũng lon ton cầm mấy viên kẹo đỏ thắm trong tay, ánh mắt háo hức như ngày Tết.

Khi đến lượt hai đứa thì chỉ còn đúng bảy viên. Ông Năm nhìn qua, rồi như thường lệ, thảy cho Giang Diên năm viên - phần đủ như mọi đứa khác. Đến Khưu Dung Tán thì chỉ được hai viên lẻ, như một thứ ban phát.

Giang Diên đứng khựng lại một giây, trong lòng có gì đó không yên. Nhưng Dung Tán chẳng nói gì, chỉ lặng lẽ đút hai viên kẹo vào túi quần, rồi quay người đi luôn. Giang Diên đành vội vàng bước theo, dúi thêm cho bạn một viên nữa:

- "Cho mày nè. Nhà tao còn nhiều lắm."

Dung Tán dừng lại, nhìn viên kẹo trong tay, ánh nắng chiếu vào khiến nó bóng loáng lên như máu đông. Cậu lắc đầu:

- "Mày giữ đi. Tao không thích đồ ngọt."

Giang Diên không ép nữa. Cậu biết, Dung Tán không thích nhận thứ gì mà cậu nghĩ mình không xứng đáng.

Thật ra, nhà Giang Diên từng không cho cậu chơi với Dung Tán. Họ cấm cản, răn đe, bảo cậu đừng gần gũi với "thằng nhỏ không rõ gốc gác ấy". Giang Diên cũng nghe lời một thời gian, tránh xa cậu bạn ít nói kia như sợ dính phải rắc rối.

Cho tới một buổi chiều năm ngoái...

Hôm đó mưa vừa tạnh, Giang Diên một mình ra bờ đê nghịch nước. Cậu tung tăng chạy theo mấy con cá lòng tong còn mắc lại trong ruộng, hí hửng chẳng để ý tới mặt đất trơn trượt sau mưa. Rồi đột ngột, cậu trượt chân rơi tỏm xuống một đoạn bờ sâu sát đê, nước ngập gần cổ. Giang Diên không biết bơi, hoảng loạn vùng vẫy, chỉ biết gào ú ớ kêu cứu.

May thay, Khưu Dung Tán khi đó đang trên đường ra vườn rau gần đó, nghe thấy tiếng kêu đã chạy vội lại. Không chần chừ, cậu nhảy ùm xuống, kéo cậu bạn lên khỏi mặt nước, hai đứa vật vờ bò lên bờ thở hồng hộc. Người Giang Diên lạnh toát, mặt tái đi vì sợ.

Chiều hôm đó, ba mẹ Giang Diên ngồi lặng khi nghe chuyện. Từ đó, ba mẹ Giang Diên không còn cấm nữa. Họ không khen Dung Tán, cũng chẳng tỏ ra thân thiện, nhưng ít nhất đã thôi ngăn cản.

Còn Giang Diên, từ cái buổi suýt chết đuối ấy, bắt đầu nhìn Dung Tán khác đi. Không còn là "thằng bạn mồ côi" mà nhà cậu từng sợ dính vào, mà là người từng kéo cậu ra khỏi tay tử thần - một người mà cậu nợ một mạng.

Cả hai đang lững thững đi về thì ngang qua sân nhà văn hóa. Trời chiều loang lổ bóng nắng, chỗ sáng chỗ rợp như mảnh vá chắp trên nền đất khô.

Khưu Dung Tán dừng bước.

Phía mé sân, cô nhóc lúc nãy đang ngồi bệt xuống đất, tay cầm một cành cây nhỏ, tỉ mẩn vẽ một thứ gì đó lên mặt sân bụi mịn. Cậu nghiêng đầu nhìn, là hình một viên kẹo - tròn trịa, có hai dải giấy xòe ra hai bên như cánh chuồn chuồn.

Hai má cô bé vẫn còn ửng đỏ, dấu vết chưa kịp lặn hết. Chắc lại bị tụi nhỏ nhéo chơi. Nhớ lại lời Giang Diên kể ban nãy, rằng đám trẻ con không ai chịu chơi với cô vì "là đồ không cha mẹ", Khưu Dung Tán chẳng hiểu sao lại thấy trong lòng nghèn nghẹn.

Cậu nhìn chằm vào viên kẹo vẽ dở trên đất.

- "Đứng đây đợi tao chút." - Cậu nói, giọng đều đều.

- "Gì đó?" - Giang Diêu còn chưa kịp hỏi gì thì Dung Tán đã rảo bước về phía cô nhóc.

Cậu đứng trước mặt cô một lúc.

Cô bé ngẩng lên, ánh mắt có phần dè dặt, mái tóc hơi rối bay bay trong gió. Nhỏ quá, chỉ bốn tuổi - cái tuổi chưa hiểu hết chuyện nhưng đã cô đơn.

Ánh mắt cô có phần ngơ ngác. Chắc chưa quen với việc có ai đó tự dưng lại gần. Làn tóc lưa thưa rối, đôi tay dính bụi, nhưng không có gì ở cô khiến người ta ghét bỏ.

Không nói gì, Dung Tán thò tay vào túi quần, lôi ra hai viên kẹo còn lại - là phần của chính cậu, vẫn chưa ăn.

Cậu cúi xuống, thả cả hai viên kẹo vào lòng bàn tay bé xíu của cô.

Cô bé chớp mắt, ngập ngừng một chút rồi cũng đưa hai tay ra đón. Nhận lấy viên kẹo, cô nhìn nó bằng ánh mắt long lanh như thể cầm cả mùa xuân trong tay.

- "...Cho em ạ?" - Giọng cô bé non nớt mà có chút dè dặt.

Dung Tán không trả lời. Cậu chỉ gật đầu một cái, rồi quay lưng bước đi.

Giang Diên chờ sẵn từ xa, vừa thấy bạn quay lại thì buột miệng:

- "Trời,mày cho nó hết thì mày ăn bằng cái gì?"

- "Tao không thích. Nhưng hình như có người thích."

Tên cô bé là Lữ Hồi Hương.

Còn cậu - Khưu Dung Tán - chỉ thấy: nếu đã chẳng định không thích ăn, thì một đứa trẻ vẽ kẹo trên đất có lẽ sẽ cần nó hơn.

Trở về nhà thì trời đã nhá nhem tối, gió lạnh bắt đầu len lỏi qua kẽ lá. Khưu Dung Tán gấp quần áo đã khô ngoài sân, rồi vào bếp nhóm lửa nấu cơm như thường lệ. Mâm cơm vẫn chỉ có vài món đơn sơ, chờ sẵn.

Không ai về.

Đến khi lửa trong bếp đã tàn, Dung Tán cũng thôi không đợi nữa. Cậu dọn dẹp rồi bước vào nhà kho, chỗ học bài quen thuộc, giải nốt những bài toán còn dang dở. Ngòi bút lướt qua giấy như máy, vô cảm.

Làm xong, trời đã tối hẳn.

Nhưng căn nhà vẫn lặng thinh như ban chiều.

Không một tiếng xe, không một lời gọi cửa.

Cậu đẩy ghế ra, đi ra sân, ngồi dưới gốc ổi già. Gió rít qua mái tôn, từng tiếng như kéo dài hơn bình thường. Một chiếc lá mới rụng, rơi lật mặt vàng úa vào lòng bàn tay cậu.

Cậu cầm lên, dùng móng tay khắc lên mặt lá hai chữ nghiêng nghiêng:

"Dung Tán."

Gió lùa qua, khiến cậu khẽ rùng mình.

Rồi bất ngờ có tiếng chân chạy gấp gáp từ đầu ngõ vọng tới. Giọng gọi quen thuộc, gấp gáp, rối loạn:

- "Dung Tán ơi! Dung Tán!!"

Là Giang Diên.

Cậu thở hổn hển, lao tới cổng, tay vịn vào hàng tre, ánh mắt rối loạn, ầng ậc nước.

- "Dung Tán...Dung Tán... mày... ra đây..."

Khưu Dung Tán đứng lên, bước về phía cổng.

- "Chuyện gì?"

- "Ba mẹ mày... với chị mày... xe tải... khúc cua dốc Vôi... người ta đưa về trạm xá rồi... không qua khỏi..."

Gió vừa thổi ngang qua, mọi tiếng đều trở nên nhòe đi.

Dung Tán chỉ đứng đó, không hỏi lại.

Không khóc.

Chỉ cúi đầu thật khẽ.

Lá ổi trong tay bị bóp nhàu lúc nào không hay.

_____

Tác giả : Nếu bạn vẫn cảm thấy khó chịu sau khi đọc, hãy thử đọc thêm vài chương trước khi kết luận. Hoặc cũng có thể rời đi trong yên lặng, vì tác giả cũng chỉ là một con mèo say đang tìm trái quất của riêng mình.\(^_^)/

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip