Chương 10:Thiên nga
<<Nga tâm tự thủy, ngữ ái vi danh.
Kình hồ nhất ảnh song nga, đối kính thành duyên.>>
(Tâm thiên nga như nước, gọi yêu làm tên. Mặt hồ chỉ một bóng, mà hai thiên nga soi lẫn nhau, hóa duyên chung mệnh.)
🪷Giải nghĩa :
"Nga tâm tự thủy": lòng thiên nga như nước — vừa dịu dàng, vừa thủy chung, vừa sâu không đo được.
"Ngữ ái vi danh": gọi nhau bằng một chữ “yêu” – tức cái tên Thiên nga không chỉ vì đẹp, mà vì yêu.
"Kình hồ nhất ảnh song nga": mặt hồ chỉ có một bóng nước, nhưng hai con thiên nga cùng soi mình vào đó — giống như hai người đều dùng một tên gọi, cùng thấy người kia trong mình.
"Đối kính thành duyên": soi nhau trong gương nước ấy, chẳng hẹn mà nên, chẳng cần máu mủ mà hóa tri kỷ.
---
<<Thiên hạ khấu Phật cầu ân,
Ta khấu ¹khanh, chẳng cầu gì ngoài khanh.">>
🪷Giải nghĩa:
Cả thiên hạ khấu đầu trước Phật để xin ơn lành,còn ta khấu đầu trước nàng – chẳng cầu gì, chỉ cần nàng.
❗️Đây là cảm xúc tôn kính – tri âm – biết ơn, không mang hàm ý tình yêu đôi lứa.
Nên để câu đó như một tự sự của nhân vật, không phải một lời thổ lộ trực tiếp với đối phương.
¹Khanh" là cách xưng hô cổ trong tiếng Việt, từng xuất hiện trong văn chương xưa thường được dùng trong những mối quan hệ tri kỷ, tri âm, có phần trang trọng và da diết. Ở đây, "ta – khanh" được dùng như một cách gọi thi vị hóa, không nhằm bắt chước văn phong ngoại lai, mà là để nhấn mạnh sự tôn quý của đối phương trong lòng người nói.
📃Mình biết từ 'khanh' có thể khiến một số bạn cảm thấy lạ, nhưng thật lòng, mình chỉ chọn nó vì cảm thấy đây là cách gọi rất đẹp và trang trọng – phù hợp với cảm xúc trong câu. Mong được mọi người đón nhận với sự cảm thông.
__________
Vậy là đã tròn một năm Lữ Hồi Hương sống cùng Khưu Dung Tán.
Cô bé nay đã mười một tuổi – đủ để không còn ngơ ngác giữa những lời người lớn, đủ để hiểu rằng có những điều không phải cứ thương là có thể bày ra rõ ràng.
Cô hiểu vì sao anh luôn giữ một khoảng cách chừng mực.
Vì miệng đời… khó lường.
Và vì đôi khi, yêu thương cũng cần phải biết im lặng đúng lúc để được bền lâu.
Vậy nên, Hồi Hương biết ý hơn trước.
Cô không ôm anh như trước, không đòi ngồi sát khi cùng ăn cơm, không nắm tay nếu không thật cần thiết.
Lúc ai hỏi, cô luôn mỉm cười:
— “Anh ấy như người nhà. Một người anh trai… rất tốt.”
Ngày ấy, trẻ con làng quê chẳng ai đưa đón.
Lũ nhỏ tan học, cứ theo lối mòn mà về.
Con đường đất đỏ, nắng rát vai, gió bay tóc rối.
Mắt chưa ráo mực mà chân đã quen bụi.
Nhưng từ ngày Hồi Hương về sống cùng Dung Tán, có một điều âm thầm đổi khác.
Không phải ngày nào anh cũng đến.
Chỉ những hôm gió mùa về sớm, hoặc chiều có mưa hắt qua mái lớp học.
Nhưng cứ đến giờ tan trường, cô bé lại vô thức nhìn về cuối ngõ – nơi có một bóng người tựa lưng vào gốc bạch đàn, vai nghiêng trong nắng, tay cầm bình nước vải.
Anh không cười. Cũng chẳng gọi to.
Chỉ khẽ gật đầu, rồi đưa tay ra:
— “Đi thôi. Về nhà.”
Một câu nói bình thường, chẳng có chữ “đón”, nhưng luôn khiến lòng cô dịu lại.
Như thể, giữa những buổi chiều mỏi gối, luôn có ai đó đứng yên mà đợi.
Không vồn vã. Không om sòm.
Chỉ là giữ một chỗ cho cô trong thế giới đầy gió ấy.
Từ đó, dù có đi cùng bao nhiêu bạn bè ríu rít bên cạnh, thì Hồi Hương vẫn luôn bước chậm lại một chút – để được thấy dáng anh trong chiều.
Bởi vì, có những người không cần cầm tay mới gọi là thương.
Chỉ cần đứng yên một chỗ, đợi… là đã khiến người khác tin mình có chốn để về.
Chiều nay, Khưu Dung Tán cũng đứng chờ ở cổng.
Vừa thấy anh, Hồi Hương liền chạy lại, tay vẫn chưa kịp nắm thì anh đã nhẹ đưa bình nước ra – như một động tác đã quen.
Trong lúc cô bé đang líu ríu kể về bài kiểm tra, Dung Tán vô tình nhìn về phía xa, bắt gặp ánh mắt quen thuộc.
Một người đàn ông trung niên, đứng lặng ở cuối dãy phòng học – thầy giáo cũ của anh.
Vẫn là nụ cười hiền hậu năm nào.
Vẫn là ánh nhìn ấm áp như hiểu tất cả mà không phán xét điều gì.
Anh cúi đầu chào.
Cô bé cũng làm theo – ngây thơ và lễ phép.
Cả hai cùng rời khỏi sân trường.
Ánh chiều xiên qua mái ngói đỏ, chiếu xuống đôi bóng in dài trên con đường đất cũ.
Không tay nắm, không gọi tên.
Chỉ có tiếng bước chân hoà vào nhau, khẽ khàng như một điệp khúc cũ – không ai viết, nhưng hai người cùng nhớ.
Không phải tình yêu. Cũng chẳng phải ruột rà máu mủ.
Mà là một thứ gắn bó âm thầm, đủ khiến người ta biết: giữa thế gian rộng lớn này, mình có một người vẫn luôn… lặng lẽ chờ về cùng.
Từ phía cuối hành lang, thầy giáo lặng lẽ nhìn theo hai bóng lưng nhỏ dần trong nắng chiều.
Một lớn, một bé. Một im lặng bước trước, một líu ríu bám theo sau.
Không có lời thương nào được nói, cũng chẳng có cái nắm tay nào quá chặt – nhưng cái cách mà cậu thiếu niên ấy nghiêng vai về phía cô bé… như thể sẵn sàng che hết nắng mưa đời này cho ai đó.
Thầy khẽ siết tay, tờ bài kiểm tra trong lòng bàn tay hơi nhàu đi vì gió thổi.
Con số 10 đỏ thắm nơi đầu trang — tròn trịa, nổi bật như ánh mặt trời con vừa mọc — nhưng vẫn không sáng bằng từng câu từng chữ của bài làm.
Đề bài hôm ấy là:
"Viết về một người thân trong gia đình em."
Ông đọc lại một đoạn mà trái tim như được ai đó gõ nhẹ:
“Anh ấy không sinh ra để làm anh trai em. Nhưng nếu có một người nào đó trong đời được gọi là ‘gia đình’, thì em nghĩ... chính là anh.
Bởi vì, không phải máu mủ mới là thân.
Mà là khi em đói, anh nấu. Khi em mệt, anh ngồi cạnh. Khi em buồn, anh im lặng mà không bỏ đi.
Ở bên anh, em thấy mình không bị thừa ra.”
Ông khẽ thở dài, mắt dõi về phía xa – nơi hai bóng người đã gần khuất hẳn sau rặng tre.
Gió chiều mát lạnh, mùi phấn trắng, mùi giấy mực và mùi tuổi thơ phảng phất quanh sân trường cũ kỹ.
Rồi ông nói một câu, không dành cho ai cả, như nói với chính mình:
— “Người ta hay hỏi thế nào là gia đình...
Nhưng có lẽ, gia đình không nằm ở họ hàng hay giấy tờ.
Mà nằm ở việc... có ai đó chọn ở lại. Dù không buộc phải làm thế.”
Câu nói rơi vào không gian, nhẹ như một chiếc lá úa vừa lìa cành – chạm đất không tiếng động, nhưng để lại rung nhẹ trong lòng người nghe.
Và rồi, ông xoay lưng, bước chậm vào lớp.
Tay vẫn cầm bài kiểm tra, nhưng ánh mắt thì dường như vẫn nhìn theo – mãi về phía hai bóng lưng đã khuất sau rặng nắng.
Trên con đường làng quen thuộc, hai hàng tre đung đưa dưới nắng, Hồi Hương lon ton đi cạnh Khưu Dung Tán. Tay cô đung đưa chiếc cặp vải, miệng không giấu được vẻ hồ hởi:
— “Thầy bảo em được điểm cao nhất lớp đó. Còn khen nhiều lắm luôn!”
Không biết từ bao giờ, mỗi khi làm được điều gì tốt, cô bé lại muốn là người đầu tiên kể cho anh.
Có lẽ vì cô biết — chỉ cần nói ra, thì dù chuyện nhỏ đến mấy… vẫn sẽ có một người mỉm cười, vỗ đầu cô và nói: “Giỏi lắm.”
Dung Tán liếc nhìn cô, khoé môi khẽ cong lên:
— “Vậy em muốn anh thưởng gì nào?”
Hồi Hương thoáng khựng lại.
Thật ra, cô rất thích kể cho anh nghe những thành quả nho nhỏ của mình. Nhưng có một điều khiến cô cứ thấy ngại ngại — đó là lần nào anh cũng tặng quà. Hôm thì món ăn ngon, hôm thì quyển truyện mới, thậm chí là cả áo váy, giày dép. Những món đồ không hề rẻ, mà cô biết... không phải dễ dàng để có.
Từ khi có cô, anh đã phải chi tiêu nhiều hơn, đi làm thêm nhiều hơn, lại còn lo đủ thứ trong nhà.
Nghĩ vậy, cô cúi đầu, giọng nhỏ lại:
— “Hay... anh nghĩ cho em một biệt danh đi?”
Dung Tán hơi ngẩn ra.
Anh không nghĩ cô sẽ chọn một điều… nhẹ nhàng đến thế.
Cô bé cười, mắt cong cong:
— “Anh không cần nói luôn đâu. Khi nào nghĩ được rồi nói cũng được.”
Rồi nghiêng đầu, nói thêm — giọng lí lắc mà đầy chân thành:
— “Tại biệt danh mà càng nghĩ lâu, thì có nghĩa là anh càng trân trọng em mà… đúng không?”
Hôm nay, Khưu Dung Tán đi làm thêm nên không có nhà. Lữ Hồi Hương ở nhà một mình cũng buồn, thế là lại lon ton đi tìm Giang Diên để rủ rê chơi cùng.
Giang Diên thấy cô liền giả vờ phụng phịu, búng nhẹ lên trán cô một cái.
— “Chậc, anh chỉ là người thay thế thôi đúng không? Em đúng là vô tâm.”
Cô xoa xoa trán, miệng chu lên, rồi cười hì hì làm lành:
— “Không phải mà. Anh đừng giận, chơi với em đi.”
— “Được rồi, nhóc con. Em muốn chơi gì?”
Suy nghĩ một chút, Hồi Hương ngẩng đầu chỉ về phía núi:
— “Lâu rồi chúng ta không lên lại ngôi chùa cổ đó... Hay là mình lên xem thử nhé?”
Cô vẫn nhớ cái tượng đất sét méo xệch năm nào – cái tai lệch, cái mũi tròn vo – được nặn bằng hai bàn tay nhỏ xíu, để dưới chân tượng Phật. Năm ấy cô chỉ mới sáu tuổi, tay run, đất khô, mà vẫn cười toe khi nặn xong. Giờ nghĩ lại thấy buồn cười... nhưng cũng thấy xao lòng. Cô muốn sửa lại nó ổn hơn, dù chỉ một chút.
Đường lên núi mùa này bớt lầy lội hơn, nhưng vẫn chẳng gọi là dễ. Cỏ lau mọc cao hai bên lối nhỏ, đung đưa theo gió như hàng trăm chiếc bút lông bạc. Đất dưới chân đã khô lại, lạo xạo từng bước, thi thoảng có đoạn đá dăm làm trượt chân một chút.
Hồi Hương đi phía sau, tay nắm hờ vạt áo, thỉnh thoảng lại nhìn nghiêng sang Giang Diên – cậu vẫn bước vững vàng như thể từng dấu chân đã quen từ đời trước.
Cuối con đường là dãy bậc đá rêu phủ, uốn lượn dẫn lên sườn núi. Những bậc đá mòn lõm, mép sứt từng đoạn như đã già cùng thời gian. Nhưng cũng chính sự loang lổ ấy... khiến người ta thấy thương.
Sau hơn nửa giờ leo, cánh cổng chùa hiện ra.
Ngôi chùa cổ nằm khuất dưới bóng cây, tường gạch loang lổ, mái ngói rêu phong. Cánh cửa gỗ vẫn đóng hờ, bản lề rỉ sét phát ra tiếng “kẽo kẹt” mỗi khi gió thổi ngang. Cây si già bên hiên rễ bò đầy nền, như cố níu giữ lấy nền chùa cũ.
Không gian bên trong im lặng lạ thường. Tiếng bước chân vọng lên nền gạch nghe khô khốc, cứ như người lạ đang làm phiền một giấc ngủ dài. Ánh nắng xiên qua khe cửa hẹp, phủ lên bụi mờ và từng pho tượng đá dáng ngồi im lìm.
Chiếc bàn thờ cũ vẫn còn đó – sẫm màu, bám bụi – nhưng vững chãi như chưa từng bị lãng quên.
Ánh mắt Hồi Hương vô thức dừng lại ở pho tượng Phật lớn ngự chính giữa điện. Ngay bên dưới, ba bức tượng đất sét nhỏ vẫn nằm lặng lẽ như năm nào. Nhưng chỉ một cái chớp mắt, cô khựng lại, cổ như rụt về một chút.
— “Ơ… sao nó… đẹp vậy?” – cô thì thào, lông mày nhíu lại.
Giang Diên ngó theo, cũng ngẩn người. Trước lúc đến đây, cả hai đều nghĩ: mấy bức tượng chắc bụi mù, nứt nẻ, hoặc tệ hơn thì... đã mục luôn rồi. Ai ngờ không. Chúng vẫn nguyên vẹn — thậm chí bức tượng nặn Hồi Hương còn như... vừa mới hoàn thành, chưa kịp khô bụi.
Cô tiến lại gần, nhẹ nhàng nhấc bức tượng lên bằng cả hai tay như sợ vỡ. Bức tượng do Khưu Dung Tán nặn. Cô còn nhớ rất rõ. Nhưng thứ đang nằm trong tay mình — đã khác xa với ký ức.
Tóc bức tượng được tết thành hai bím dài, vắt gọn qua vai. Xen giữa những bím tóc là dây hoa li ti trắng mịn, như mới hái lúc sương chưa tan. Trên trán là một vòng đội đầu tinh xảo, đan từ dây cỏ bạc và lá ngọc mỏng, uốn thành hoa văn giống vương miện của những tiên nữ trong sách cổ.
Gương mặt tượng dịu hiền, mắt cụp nhẹ, môi chúm chím như đang mỉm cười. Cằm nhỏ, sống mũi thanh, mọi đường nét mềm mại nhưng tuyệt nhiên không nhòe — cứ như người nặn đã nắn từng chi tiết bằng đầu ngón tay, chỉ thiếu mỗi một hơi thở để biến tượng thành người thật.
Chiếc váy trên tượng không còn là mảnh vải đơn sơ. Nó đã trở thành một tấm y phục thần tiên, với từng nếp xếp ly rủ nhẹ xuống gót. Trên lưng có đôi cánh mảnh, bung nhẹ như vừa run rẩy giữa cơn gió đầu núi. Mép váy còn đính mảnh lá nhỏ, xếp đều tăm tắp, vài chỗ có cả vảy bạc mỏng như ánh trăng bị vụn ra.
Trong lòng bàn tay bức tượng là một con thỏ nhỏ — trắng muốt, mắt tròn xoe, tai rủ xuống. Nó nằm ngoan ngoãn như đang được ôm, được yêu, được giữ gìn bằng tất cả dịu dàng trên đời.
— “…Đẹp như… như tiên á…” – cô thốt khẽ, mắt tròn xoe như quả nhãn.
Giang Diên cũng nhíu mày, cúi xuống nhìn thật kỹ. Cậu chỉ vào từng đường khắc:
— “Chỗ tay, chỗ cổ… đắp rất kỹ. Không giống lần trước mình thấy luôn. Có người… sửa lại á?”
Cả hai nhìn nhau, đồng thanh:
— “Dung Tán!?”
Hồi Hương úp tay che miệng, ánh mắt liếc sang hai bức tượng bên cạnh – một là tượng Dung Tán do cô nặn, một là Giang Diên tự nặn mình. Cả hai vẫn y nguyên như xưa, không sửa gì nhiều. Có chăng là sạch sẽ hơn, như được ai đó thường xuyên lau bụi, giữ cho không phai.
Chỉ duy nhất bức tượng nặn cô là được tô lại từng chi tiết — như thể có ai đó đã lặng lẽ quay lại, rất nhiều lần, và nâng niu từng chút một.
Cô bé ngồi thụp xuống, ôm gối nhìn tượng, mắt không chớp, cằm tựa lên tay.
Giang Diên im lặng hồi lâu.
Ánh sáng từ cửa chùa hắt lên bức tượng bé gái kia, khiến nó như đang phát sáng từ bên trong. Dáng váy bồng bềnh như được gió nâng, mái tóc tết mềm mại, gương mặt phảng phất một nét dịu hiền không thực – không còn là bức tượng đất sét ngày xưa nữa, mà như thể một tiểu nữ thần nhỏ xíu, được lòng ai đó trân quý đến mức phải chắt lọc từng hơi thở mà nặn nên.
Cậu không rõ thứ cảm giác dâng lên trong mình là gì. Không hẳn là ghen tị – nhưng cũng chẳng phải chỉ là ngạc nhiên.
Cậu chỉ biết... khi nhìn thấy bức tượng đó, cậu tin chắc một điều: Khưu Dung Tán đã đặt cả trái tim mình vào nó.
Mỗi nếp váy đều có hồn. Mỗi chi tiết nhỏ như sợi tóc, viền tai, cánh tay... đều được nắn bằng thứ cảm xúc chẳng ai có thể làm giả.
Giang Diên mím môi.
Thì ra, không cần ôm, không cần nói... mà người ta vẫn thương em đến thế.
Cậu xoay người, nhìn sang Hồi Hương.
Cô bé vẫn đang cúi đầu nhìn tượng, đôi mắt long lanh như mặt nước đầu đông. Không hiểu sao, giữa khoảnh khắc ấy, Giang Diên thấy cô... không còn là cô nhóc hay lẽo đẽo theo mình gọi “anh ơi”, mà như ai đó rất xa – một người đang được yêu thương đến mức khiến người đứng bên cũng phải ngẩn ngơ.
Hồi Hương khẽ nâng bức tượng lên tay, rồi lại nhìn sang tượng Dung Tán – cái tượng do cô nặn và suýt bật cười... hoặc bật khóc. Cái tai bị vẹo, cái tóc thì lởm chởm, khuôn mặt lại như bột chưa nhồi kỹ – tất cả đều ngốc xít đến mức... cô không hiểu sao lúc đó mình lại đưa nổi tay nặn ra như vậy.
Cô đỏ bừng mặt, cảm thấy chỉ muốn bê luôn cái tượng chui xuống gầm bàn thờ mà trốn.
— “Anh ấy nặn em đẹp như thần tiên...” – cô lẩm bẩm – “Còn em thì...”
Cô cắn môi, rồi đặt bức tượng của mình lại chỗ cũ, nhẹ như đặt một báu vật.
Sau đó, ôm hai bức tượng của Dung Tán và Giang Diên vào lòng.
Quay sang Giang Diên, giọng cô ríu rít:
— “Anh Giang Diên! Ra ngoài sửa lại tượng với em đi! Không thể để thua anh Dung Tán được đâu!”
Câu nói nghe như lời thách thức, nhưng mắt thì ánh lên một nỗi niềm vừa giận bản thân, vừa... thấy có chút gì lạ lắm trong tim. Như thể trong khoảnh khắc nhìn vào bức tượng, cô bỗng hiểu ra rằng, mình có một chỗ trong lòng người khác. Một chỗ mềm, và sâu, và rất thật.
Giang Diên mỉm cười,cậu bước theo cô ra ngoài.
Và cậu nghĩ:
Nếu mình không muốn thua,
Thì lần này... nhất định phải nặn ra điều gì đó khiến người ta cảm động.
Không cần phải đẹp nhất – nhưng nhất định phải là thứ mang hình dáng của một trái tim.
Cả hai người con trai ấy...
Đều quen Hồi Hương khi cô bé vẫn còn là một bông hoa chưa nở rộ.
Đều cùng đi qua những mùa hè đầy nắng và bụi.
Nhưng...
Một người chọn gánh trách nhiệm lên vai,
Một người lại chọn giấu trái tim vào đáy túi áo sơ mi.
Sau một hồi loay hoay, cuối cùng Hồi Hương cũng nặn lại thành công bức tượng Khưu Dung Tán.
Tuy không thể tinh xảo như bản gốc anh từng làm, nhưng chí ít... cũng ra được hình người, trông tròn tròn dễ thương, có nét giống với dáng anh hay đứng tựa cửa mỗi chiều.
Cô còn cẩn thận nắn phía sau lưng tượng, nặn thêm hai chữ be bé: “Vãn An”.
Bên kia, Giang Diên cũng đang chú tâm nặn từng chi tiết, ngón tay lấm lem nhưng rất nhẹ nhàng.
Hồi Hương nhìn cậu một lúc, rồi nảy ra ý nghĩ, cô nhóc liền bứt đất vo tròn thành hai bông hoa nhỏ xíu – một gắn lên vai bức tượng Giang Diên, một cô gắn vào... bức tượng mình đang cầm.
Giang Diên thoáng sững người. Cậu ngẩng lên nhìn cô bé, khuôn mặt lấm bùn, tóc dính một sợi cỏ khô.
Rồi lại nhìn xuống bông hoa đất sét đơn giản, nhưng được đặt vào đúng chỗ trái tim bức tượng.
– “Cảm ơn em,” – cậu khẽ nói.
– “Anh khách sáo ghê. Em nói rồi mà, em quý cả hai anh.”
Giang Diên mỉm cười. Nhưng trong lòng lại khẽ chùng xuống.
Quý... nhưng tình cảm chẳng bao giờ chia đều.
Cậu biết, cô bé ấy luôn nghiêng về phía Khưu Dung Tán.
Không phải vì anh ấy giỏi hơn, cũng không vì ở cạnh lâu hơn,
Mà chỉ là... trái tim con người, đôi khi chẳng cần lý do để chọn một hướng để đậu xuống.
Sau khi nặn xong, trời cũng bắt đầu nhá nhem tối.
Hai bức tượng mới được cô bé đặt nhẹ nhàng xuống bên dưới pho tượng Phật, chạm đất khẽ đến mức gần như không phát ra tiếng động.
Gió trên núi đã lạnh. Mặt trời vừa kịp lặn, vạt nắng cuối cùng như trượt qua sườn rừng mà biến mất.
Cả hai bắt đầu xuống núi.
Lữ Hồi Hương bước chậm, chân nhỏ vướng vào rễ cây, váy bị gió thổi bay lất phất.
Giang Diên quay đầu lại, thấy cô nhóc lẽo đẽo phía sau, liền khựng lại.
— “Anh bế em nhé? Cho nhanh.”
Cô bé thoáng nghĩ một chút, rồi gật đầu.
Cũng giống như mọi lần được Dung Tán bế, cô ngoan ngoãn vòng tay ôm... à không — lần này thì không.
Giang Diên bế cô lên, có hơi lóng ngóng, nhưng vẫn vững tay.
Cô bé ngồi gọn trong vòng tay cậu,đầu hơi nghiêng, tóc bay lòa xòa.
Giang Diên khựng lại một nhịp.
Vì cô bé... không tựa vào cậu.
Không rúc vai, không ôm cổ, không thì thầm trò chuyện gì như mọi lần đi cùng Dung Tán.
Chỉ là một sự yên lặng rất nhẹ, rất ngoan – mà cũng rất xa.
Là lần đầu tiên cậu bế cô.
Nhưng cũng là lần đầu tiên cậu cảm nhận rõ ràng: có một điều gì đó... không thuộc về mình.
Khoảng cách ấy không ở hình dáng, không nằm trong bước chân, mà nằm ở ánh nhìn của cô — luôn nghiêng về một hướng khác.
Bỗng, giữa chừng im lặng, Hồi Hương ngẩng đầu hỏi khẽ:
— “Anh ơi… sinh nhật anh Dung Tán là ngày bao nhiêu vậy ạ?”
Câu hỏi bật ra rất tự nhiên, như thể đã nằm trong lòng cô bé từ lâu, chỉ là giờ mới tìm được dịp để hỏi.
Cô cảm thấy kỳ lạ lắm. Bao nhiêu năm qua, cô đã tổ chức không biết bao nhiêu cái sinh nhật của mình, từng dự sinh nhật Giang Diên đến thuộc lòng cả bánh kem hay lời chúc... Ấy thế mà... anh thì chưa từng nhắc tới.
Giang Diên nghe xong, thoáng lặng đi một lúc, rồi đáp:
— “Dung Tán không có sinh nhật.”
— “…Dạ?” – Hồi Hương tròn mắt, như thể vừa nghe nhầm điều gì đó.
— “Chắc em cũng biết… cậu ấy là đứa con được nhà họ Khưu nhặt về mà, đúng không? Người phụ nữ trong nhà đó chưa từng ưa Dung Tán, điều đó thể hiện ngay từ cái tên mà bà ta đặt cho cậu ấy.
Còn ông chồng... ông ấy biết rõ vợ mình giận, nên dù có thương Dung Tán, cũng chẳng dám ra mặt.
Sinh nhật ư?
Với họ, hai từ đó chưa bao giờ đi kèm với cái tên 'Dung Tán'.
Cái ngày mà họ chợt nhớ ra rằng con nuôi cũng có ngày được sinh ra... thì đã không biết phải chọn ngày nào nữa rồi. Đã quá muộn. Và quá mờ nhạt.”
Lữ Hồi Hương khẽ cúi đầu. Cô thầm cảm ơn vì trời tối — để Giang Diên không nhìn thấy khoé mắt mình vừa đỏ hoe, cũng chẳng thấy sống mũi cô cay xè như vừa nuốt một ngụm gió lạnh.
Khưu Dung Tán... anh thật khổ...
Hồi 4 tuổi, cô từng ngây ngô giải nghĩa tên anh một cái trẻ con, còn vui vẻ khoe với anh.
Về sau lớn lên, cô hiểu ra rằng ý nghĩa thật của cái tên ấy không phải vậy.
Nhưng... thế thì đã sao?
Cô từng giải sai, nhưng vẫn giữ nguyên cách hiểu ấy.
Và cô tin, anh cũng thích cách cô hiểu hơn là sự thật kia.
Vì với Hồi Hương, mỗi người, khi thương ai, sẽ có một cách rất riêng để hiểu về họ — một cách dịu dàng, dẫu chẳng đúng, nhưng lại chạm được vào tận cùng trái tim.
Cả hai đang lững thững xuống núi thì bất chợt một tiếng gọi quen thuộc vang vọng từ phía dưới chân đồi:
— “Hồi Hương!”
Tiếng gọi bật ra giữa khoảng không chiều muộn, quẩn quanh trong gió rồi vọng tới tai cô bé như một làn sóng dội. Hồi Hương giật mình nhìn về đằng trước, mắt lập tức sáng lên:
— “Anh Dung Tán!”
Cô vẫy tay, giọng vui vẻ như chú chim sẻ nhỏ vừa nghe thấy tiếng người gọi quen thuộc. Giang Diên im lặng, chỉ khẽ siết lại vòng tay quanh cô bé, rồi bế cô bước về phía người đang tới.
Khưu Dung Tán đang đi ngược dốc lên, vai áo vẫn còn dính bụi, trán đọng mồ hôi. Khi thấy Hồi Hương, ánh mắt anh khựng lại một thoáng, sau đó dịu đi hẳn. Anh bước nhanh hơn, đưa tay đỡ lấy cô bé từ tay bạn.
Hồi Hương lập tức nhào vào vòng tay anh mà chẳng cần nghĩ gì. Tay cô quàng lên cổ anh một cách tự nhiên, đầu khẽ nghiêng dựa vào vai – như thể nơi đó là góc trú thân quen thuộc mà cô đã luôn tìm về suốt bao năm.
— “Sao lại lên đây?” – Dung Tán hỏi, giọng tuy nhỏ nhưng vẫn nghe ra chút lo lắng còn sót lại.
Giang Diên đáp, mắt nhìn thẳng, thái độ vẫn bình thản:
— “Tao với con bé chỉ lên chơi chút thôi. Mày biết rồi đấy, nó năn nỉ, tao quên mất giờ. Xin lỗi, làm mày phải lo.”
Dung Tán hơi nhíu mày, nhưng rồi cũng chỉ gật đầu. Anh chẳng trách gì, chỉ khẽ liếc sang Hồi Hương trong lòng mình. Cô bé vẫn im lặng, không nói, cũng không nghịch như mọi khi – có vẻ đã mỏi.
Anh định mở miệng bảo cô đừng dựa vào người mình, vì áo anh đang dính bụi và mồ hôi. Nhưng rồi lại thôi.
Vì khoảnh khắc đó, cảm giác có cô trong tay — nhỏ bé, yên tâm, và hoàn toàn tin tưởng — khiến anh chẳng muốn phá vỡ.
Cả ba người bắt đầu đi xuống núi.
Gió chiều phơ phất, thổi qua lớp cỏ ven đường tạo thành tiếng rì rào như tiếng người lẩm nhẩm gọi tên nhau.
Trong ánh nắng cuối cùng, cái bóng của ba người nối dài trên lối đất mòn, lặng lẽ mà ấm áp.
Về đến đầu ngõ, bỗng Giang Diên cất tiếng nói, giọng nhỏ nhưng rõ ràng:
— “Mày rất tốt.”
Khưu Dung Tán khựng lại, hơi nhíu mày:
— “Mày nói cái gì kỳ vậy?”
Giang Diên chỉ nhún vai, môi cong lên một nụ cười khó đoán, rồi chẳng nói thêm gì nữa, lặng lẽ quay đầu rẽ vào lối nhỏ về nhà.
Khưu Dung Tán nhìn theo bóng cậu bạn một lát rồi mới thở ra, tiếp tục bế Lữ Hồi Hương vào trong. Cô bé lúc này đã lim dim, hai tay ôm chặt lấy anh như con mèo nhỏ mệt mỏi. Vào đến nhà, anh đặt cô ngồi xuống ghế tre trong gian chính, định sẽ vào bếp chuẩn nước tắm cho cô rồi sau đó cũng ra giếng dội qua người cho sạch bùn đất.
Nhưng vừa xoay lưng, vạt áo chợt bị giữ lại.
— “Anh rất tốt...” – cô bé nói khẽ, đôi mắt vẫn long lanh nhưng mỏi, giọng mơ hồ như chưa tỉnh hẳn.
Anh ngẩn người nhìn cô, rồi khẽ bật cười trong bụng. Lúc nãy thằng Giang Diên cũng nói câu tương tự. Bây giờ đến lượt cô nhóc này. Lẽ nào lên núi rồi bị... gió nhập?
— “Hôm nay ai cũng nói mấy câu lạ ghê.” – anh lẩm bẩm, nhưng tay vẫn nhẹ nhàng xoa đầu cô.
Rồi anh cẩn thận cột lại mái tóc rối bời của cô bé thành hai búi nhỏ cho gọn, sau đó mới vào sau nhà. Một lát sau, tiếng nước va vào thành chậu vang lên đều đều, anh lúi húi pha nước ấm, tay kiểm tra từng lần nhiệt độ bằng mu bàn tay. Khi thấy nước vừa đủ ấm, anh mới mang vào, cẩn thận đặt sát bên hiên nhà.
— “Dậy đi nhóc con. Nước chuẩn rồi. Tắm trước rồi mới được ăn cơm nha.” – anh gọi, giọng vẫn trầm đều nhưng mềm lại.
Cô bé dụi mắt, lồm cồm bò dậy, ngoan ngoãn cầm lấy khăn, rồi lí nhí nói:
— “Dạ...”
Đến lúc ăn cơm, Khưu Dung Tán nhận ra sắc mặt Lữ Hồi Hương có chút ủ rũ. Cô bé vốn hay líu lo, vậy mà hôm nay chỉ lặng lẽ gắp rau, không buông một lời trêu đùa nào.
Anh cau mày, đặt đũa xuống:
— “Em sao vậy? Mệt à? Hay đồ ăn không hợp khẩu vị?”
Cô lắc đầu.
— “Không phải ạ.”
— “Vậy là vì gì?” – anh nhìn cô chằm chằm, giọng trầm xuống.
Cô bé hơi ngập ngừng, rồi mới khẽ hỏi:
— “Anh… còn nhớ ngày sinh của mình không?”
Anh hơi sững người, không nghĩ tới cô sẽ hỏi điều đó.
— “Không nhớ.” – anh đáp, thành thật.
— “Vậy... anh chọn một ngày đi. Làm sinh nhật cho mình ấy. Sau này, mỗi năm tụi mình sẽ tổ chức cho anh.”
Anh chau mày, khó hiểu:
— “Tự nhiên sao em lại nghĩ tới chuyện này?”
Rồi như nhớ ra điều gì, anh híp mắt lại, nghiêng đầu:
— “Là Giang Diên lại nói mấy thứ vớ vẩn gì với em đúng không?”
Cô bé quýnh quáng lắc đầu:
— “Không có! Em nghĩ ra thôi… chỉ là thấy anh chưa từng tổ chức sinh nhật bao giờ.”
Anh thở khẽ:
— “Chuyện nhỏ, có gì đâu mà phải tổ chức.”
— “Vậy sinh nhật em có cần tổ chức không?”
— “Có.”
Anh trả lời ngay, không cần đắn đo.
Cô bé liền nghiêng đầu, đôi mắt sáng lên:
— “Vậy tại sao sinh nhật em cần mà sinh nhật anh lại không?”
Anh á khẩu.
Cô bé mím môi, giọng nhỏ nhưng kiên định:
— “Em không cần gì hết. Chỉ muốn anh... cũng có một ngày để được mong chờ. Có một ngày thuộc về mình.”
Im lặng kéo dài vài giây, cuối cùng Khưu Dung Tán chỉ biết thở dài, buông một câu như đầu hàng:
— “…Vậy lấy ngày 27 tháng 7.”
Ngay lập tức, gương mặt cô bé sáng rỡ như vừa có pháo hoa nổ trong lòng.
---
Lữ Hồi Hương: 27/2
Khưu Dung Tán: 27/7
Anh luôn lặng lẽ đứng phía sau cô.
Như một mùa hè trầm lặng, chở che cho tháng Hai bé nhỏ.
---
Đến lúc đi ngủ.
— “Anh Dung Tán, vãn an.”
— “Thiên nga nhỏ, vãn an.”
Lữ Hồi Hương đã kéo chăn lên tận cằm, định nhắm mắt ngủ thì bỗng giật mình mở mắt. Mí mắt khẽ run, chớp chớp:
— “…Hả?”
Anh bật cười khe khẽ, như thể cơn gió ngoài hiên vừa lướt qua:
— “Không phải em muốn có biệt danh sao?”
Cô ngơ ngác. Mất mấy giây mới hiểu ra, rồi bật cười nhỏ như tiếng chuông gió.
— “Em cũng định đặt biệt danh cho anh là… thiên nga.”
Lúc tắm xong, vừa ngồi lau tóc, cô lại nghĩ vẩn vơ. Nghĩ về đôi mắt của anh, sống lưng cao thẳng, dáng người như in bóng mặt hồ những ngày lặng gió. Nghĩ về anh dịu dàng, âm thầm, nhưng cũng kiên định lạ thường. Mà nói đến “đẹp” — thì thiên nga là điều đầu tiên cô nghĩ đến.
Khưu Dung Tán không nói gì. Anh chỉ khẽ gật đầu, như thầm đồng ý với biệt danh lạ lùng đó.
— “Vậy thì chúng ta dùng chung đi.”
— “Dạ.” – Cô khẽ cười, đôi mắt nhắm lại, môi vẫn cong cong như đang ôm lấy một giấc mơ ngọt.
Anh đóng cửa lại. Căn phòng nhỏ trở về yên tĩnh.
Dung Tán trở về phòng mình, ngồi xuống mép giường. Ngoài trời, gió thổi qua mái ngói cũ tạo thành âm thanh khe khẽ, như tiếng ai thì thầm trong đêm.
Anh nằm xuống. Đôi mắt vẫn mở, không buồn chớp. Trần nhà tối om, nhưng đầu anh thì lại rực sáng, bởi một hình ảnh — một cô bé với bím tóc đung đưa, váy trắng nhẹ bay, gọi anh là "thiên nga".
Thật ra, biệt danh ấy…
Anh đã đặt cho cô từ rất lâu rồi.
Lâu đến mức chính anh cũng chẳng nhớ nổi là khi nào. Có lẽ là năm cô tròn sáu tuổi, đứng giữa nắng mà gọi "anh Dung Tán ơi".
Từ hôm ấy, cô bé ấy trong lòng anh, mãi là một con thiên nga trắng nhỏ. Mỏng manh, thanh khiết, dịu dàng, và ngốc nghếch đến thương.
Còn anh — khi cô gọi anh bằng cái biệt danh ấy, anh không hề thấy buồn cười.
Bởi vì đúng là… anh cũng giống thiên nga thật.
Một đời chỉ yêu một người.
Yêu đến tận cùng. Yêu không rút lại. Yêu mà không cần được yêu.
Dưới ánh trăng non đang trườn qua song cửa, anh nghĩ thầm:
Thiên nga… hay thần tiên…
Anh không biết nên gọi em là gì cho đủ.
Chỉ biết, cả đời này, anh không tin thần phật.
Vì anh đã tin một người —
Một thiên nga nhỏ, dại khờ, lấp lánh… của riêng anh rồi.
Thiên nga không đổi tim,
Người cũng không đổi lòng.
Một đời – đủ dài,
Để thương một người – đủ sâu.
__________
Thực tế thì ngày sinh nhật của hai người đều không chắc chắn là chính xác.Lữ Hồi Hương được ông Dậu lấy ngày 27/2 làm sinh nhật là vì đó là ngày ông nhận nuôi cô.
Ngày sinh của họ không do định mệnh viết ra.
Mà là do một bàn tay khác – một trái tim khác – chọn để họ được sống thêm lần nữa.
---
Bảng Chú Thích Sinh Nhật – Lữ Hồi Hương & Khưu Dung Tán
“Thế gian có muôn vạn sinh nhật,
Nhưng chỉ có một ngày…
Là do trái tim người khác chọn cho mình.”
1. Ngày sinh Hồi Hương: 27/2
– Số 2 ở tháng là con số đầu tiên tách ra từ số 27
– Như một dấu hiệu “người ấy sinh trước – đi trước – được yêu trước”
2. Ngày sinh Dung Tán: 27/7
– Số 7 ở tháng là con số cuối trong số 27
– Anh chủ đích chọn số 7 — không phải lấy đại
– Để khi ghép lại với số tháng của em (2) → tạo thành con số 27
3. Sự Trùng Khớp của 27:
– Ngày sinh của cả hai đều là 27
– Tháng sinh ghép lại (2 + 7) → tạo thành 27 một lần nữa
⟶ Tựa như một lời nguyện: “Không cần sinh ra cùng lúc, chỉ cần trọn đời chọn cùng một con số.”
4. Số 27 – Biểu tượng của Thiên nga
– Số 2 tượng trưng cho đôi cánh
– Số 7 giống hình thiên nga đang rướn cổ soi bóng xuống mặt hồ
– 27 ⟶ Thiên nga soi mình vào nước, cũng là lúc lòng soi thấy một người.
"Thiên nga một đời chỉ yêu một lần.
Số 27 là hình hài của một lời thề không đổi."
5. Tổng tháng sinh: 2 + 7 = 9
– Số 9 là con số của sự viên mãn, trường tồn
– Nhưng số 9 không thể chia đôi thành hai số nguyên
→ Khi chia: 9 → 4,5
→ 4 = tử, 5 = sinh
→ Đối lập – nhưng khi ghép lại thành 45 lại mang ý nghĩa sinh khí, tiến về phía trước
"Tình yêu không thể chia đôi.
Hoặc là mất nhau, hoặc là cùng nhau thành 45 – đi tiếp."
6. Sinh nhật Dung Tán đứng sau Hồi Hương
– Không phải ngẫu nhiên
→ Là vì anh muốn đứng sau em, ưu tiên em trước, như mọi lần anh vẫn làm
→ Là vì người đến sau không cần chen hàng, chỉ cần chờ em quay đầu là đủ.
“Em sinh trước – để được anh yêu trước.
Anh sinh sau – để thương em suốt sau này.”
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip