[4]

©Đây là bản Wattpad của truyện ngắn "Xưa kia chị đẹp nhất làng" của tác giả Tạ Duy Anh. Bản số hóa của truyện ngắn này đã được soát lỗi trình bày và chỉnh sửa bởi Alph16, bìa do Alph16 thiết kế, số chương do Alph16 tự chia theo nội dung và chỉ được đăng tải trên Wattpad của Alph16! Mọi website Việt Nam đăng tải như truyenwki.com, truyen2u.net,... đều là reup trái phép, Alph16 sẽ không chịu bất kì trách nhiệm gì đối với những website này. Bản quyền tranh vẽ minh họa thuộc về họa sĩ Kim Anh.

---------------------------


Tôi không còn nhớ đã bao nhiêu lượt đơn vị bộ đội dừng chân ở làng tôi. Có thể vài chục lần. Những người lính trẻ măng ra đi ngày ấy đều hẹn ngày nào đó sẽ trở lại. Chiến tranh đang một mất một còn nên cái "ngày nào đó" thật xa vời. Hàng chục năm sau vẫn không thấy một ai trong số hàng vạn chiến sĩ đã từng ở làng tôi trở lại. Nhưng lần nào cũng vậy, cứ cái điệp khúc bi tráng: "Ngày nào đó...". Cũng vài chục lần làng tôi háo hức chờ những lá thư. Có lá ra đến miền bắc, người viết nó không còn. Có lá viết nguệch ngoạc vài ba câu hỏi thầm như lời hấp hối vội vã. Người nhận được nhiều như nhất, tất nhiên vẫn là chị Túc. Có thể có người chưa kịp đọc lời yêu thương của chị đã thịt nát xương tan ở một cánh rừng nào đó. Nhưng tất cả những người lính ấy đều không thể không mang hình ảnh chị trước lúc ngã xuống, để lại cho người đời hàng ngàn bí ẩn về chiến tranh. Chị Túc bước sang tuổi ba lăm đúng vào năm hàng triệu người cười, khóc vì mừng tủi. Mẹ tôi và chị Túc cứ gặp nhau là ghì nhau xuống giường, chan nước mắt lên ngực nhau. Rồi chị Túc bắt đầu sợ những nơi ồn ào. Cùng với niềm vui chiến thắng, những giọt nước mắt của chị Túc lẫn cả vào nỗi tủi hờn của tuổi ba lăm! Khi tỉnh táo lại, chị lặng lẽ đến bưu điện lục tìm điên cuồng trong đống thư gửi từ miền nam. Chị câm lặng làm cái việc "mò kim đáy bể" ấy suốt cả tháng ròng. Vẫn không thấy dấu hiệu nhỏ nào của những người từng hẹn "ngày nào đó". Lẽ nào chiến tranh đã ngốn hết sạch họ? Ở làng bắt đầu rì rầm bàn tán. Những người bằng tuổi chị, chỉ may mắn hơn do chồng đui, điếc, để có cả một bầy con, dè bỉu chị điên rồ, lãng mạn, dở hơi... Trong hàng mớ lý lẽ thực dụng của họ không phải vô lý cả. Họ cho rằng có bao nhiêu làng quê trên đất nước này từng là nơi người lính dừng chân. Vả lại sau chiến thắng còn ti tỉ thứ khiến anh nghĩ đến trước. Anh ta cũng có bố, mẹ và một vùng quê. Họ cho rằng, mỗi người có một bổn phận. Bổn phận của chị Túc là phải làm vợ ai đó còn sót lại để làm tròn nghĩa vụ của trời trao cho người phụ nữ. Chị chờ ai, chờ cái gì mà điều đó đem lại cái gì? Một thân phận héo mòn, cô đơn. Chả nhỡn tiền ra đấy ư? Khối kẻ sau chiến thắng liền quên phắt mình đã từng sống được nhờ lời ước hẹn thủy chung của ai đó, tự cho mình một cái giá cực đắt để vỗ tuột tất cả? Những ngày đó, những lời đó khiến chị Túc sống gần như nghẹt thở.

"Lẽ nào anh ấy lại cũng trong số những kẻ đó. Anh có còn chờ em bước ra từ vầng trăng nữa không nếu anh còn sống?"

Rồi cả làng lại thấy chị Túc ra đi, âm thầm như con vạc lẻ đàn. Lần này chị đi là đi một biệt. Khắp làng, như mọi khi, lại bùng lên từng đợt đủ thứ bàn tán. Kẻ rỗi mồm nhiều vô cùng nên cũng nhiều chừng ấy những lời đồn tai quái. Người này cho rằng chị bị loạn tình do thèm khát đàn ông. Người kia cho rằng chị Túc không chịu nổi những tiếng pháo nổ liên miên mùa cưới. Tiết trời heo may, hun hút thế này với một người đàn bà ba lăm! Chị túc đi được mấy tháng thì anh Hào về. Không ai ngờ anh còn sống kể từ cái đêm suýt chết trên đê Bộc và sáng hôm sau bị áp giải lên huyện theo lời đề nghị của tổ trưởng tổ phòng gian bảo mật. Anh Hào về, có lẽ là sự kiện quan trọng nhất làng tôi. Anh đeo lon thiếu tá, phóng một chiếc hon-đa "sáu bảy" đen trũi, cuốn bụi mù mịt. Chó của cả làng sủa váng lên chạy theo. Bọn trẻ con ùa ra đón anh. Trên cái đèo hàng, một kiện gì đó to bằng một chiếc tủ khiến những cặp mắt "cổ hủ" làng tôi bị cái hình ảnh hiện đại ấy làm cho lóa mắt. Mọi người quên nghe chuyện chị Túc để hướng về anh Hào. Anh vạm vỡ, hồng hào tựa như chiến tranh chỉ là một trò chơi rất bổ ích. Anh cười nói oang oang, béo má đám con gái bị dồn về một xó. Nhà cụ Phó Dộc trở thành điểm thu hút trí tò mò mạnh mẽ nhất. Người ta kéo đến để "vì tình làng nước" hút một điếu ru-bi, chê khét như lông chó, sờ tay vào con búp bê Nhật biết mở mắt nhắm lại, để hỏi "tình hình miền nam, thấy bảo "trong đó hàng hóa vứt bừa bãi như ta vứt rác ngoài này", để "xem thằng Hào làm gì mà vơ được lắm của thế?". Và, tất nhiên, "để mừng cụ Phó Dộc có cậu con leo đến hàm tá!". Anh Hào trở thành thần tượng làm khuôn mọi lời giáo huấn hay nhất từng có ở làng tôi: "Cứ trông thằng Hào đấy", "Cũng là mang nặng đẻ đau, con người ta vừa "đỏ ngực" vừa khuôn của thiên hạ về dưỡng bố"... Đáng nghe hơn cả là những lời kể từ miệng anh Hào. Anh kể về chiến tranh như các bà ở chợ nói về giá cả. Nào là những hầm rượu Pháp còn chưa có chủ nhân, ai lấy bao nhiêu tùy ý. Nào là một tổng kho nào đó có thể tặng bất cứ ai vào thăm một chiếc đồng hồ mạ vàng, còn loại xe tàng tàng như anh đi thì nhà nào cũng dăm ba chiếc cho trẻ đi học. Tất nhiên những điều đó anh Hào kể rất hào hứng, tuồng như việc hy sinh cả triệu người kia chỉ để cho những người như anh tha hồ đe nẹt bọn tư bản, địa chủ, để cần gì là được ngay thứ đó như trong chuyện cổ tích. Khi "cao trào" thăm hỏi đã giảm xuống thì đến lượt các loại khách ở nơi khác đến. Những ông khách này ra vào im lặng, trao đổi bằng mắt phần nhiều và khi ra đã có người nhà làm "cọc tiêu" ở ngõ. Cụ Phó Dọc bỏ hẳn nghề đục đẽo, thứ bảy, chủ nhật lại "xách một túi" đi đâu không biết. Tất cả không qua được con mắt tò mò của làng tôi, họ còn biết cả rằng anh Hào chưa biết lấy đường ngắm cơ bản! Tin này thì chính xác vì làng tôi có đội dân quân, thấy bảo đã có lần rước anh Hào làm và thấy. Anh Hào đã quá phép ba ngày. Cụ Phó Dộc đâm ra ủ ê vì lý do anh không chịu lấy vợ. Riêng việc vì sao anh nấn ná chưa đi thì cụ phó và cả làng không ai biết. Anh Hào chờ chị Túc. Anh còn mối hận năm xưa với chị trên đê Bộc. Nhưng trong ký ức anh, khuôn mặt thiên thần của chị vẫn là mối thách đố, không chịu được. Nó át đi cả ý nghĩ trả thù vẫn cứ nung nấu trong sự suy nghĩ của anh. Cần thiết anh vẫn cứ quỳ xuống như thường. Sự chậm chạp của anh cũng không uổng. Còn hai ngày nữa là trọn một tuần anh ở "rốn" lại thì hôm sau chị Túc về. Mười phút sau "đề tài chị Túc" lại át mất "đề tài anh Hào" trong chương trình "thời sự làng tôi". Anh Hào có ý không rời bộ quân phục tá, nổi bật lên đôi quân hàm đỏ chói. Bỗng anh giật mình khi thấy đứa trẻ con nào đó bi bô "bà Túc", đến mức mồ hôi anh vã ra. Ừ nhỉ! Người đàn bà ấy đã sắp sang tuổi bốn mươi. Tại sao anh quên khuấy mất điều đó. Khỉ thật! Mình đã uổng công chờ một phụ nữ đã tàn phai tất cả những gì khiến mình say mê, khiến mình phải sống bằng mọi giá, bằng mọi giá để trở về. Thì cũng nên biết "cô ta" thế nào! Anh Hào lại chọn đúng cái điểm từng bị chị Túc dọa bắn năm xưa, làm nơi chờ chị đi qua. Anh sợ không nhận ra chị từ xa nên thuê một đứa bé điếu ru-bi để nó làm hộ điếu ấy. Rồi người anh đợi cuối cùng đã xuất hiện. Khi đứa trẻ "báo động" "cô ấy kia kìa" tim anh đã khẽ nhảy lên một nhịp khác thường. Cô ta kia ư? Làm sao anh có thể tin được. Điều quan trọng nhất là không cho cô ta biết mình là ai. Toàn thân anh vã mồ hôi khi người đàn bà da mặt xanh xao, hơi có dấu hiệu phù nề cứ tiến thẳng về phía anh. Không kịp chạy nữa rồi. Và anh thở phào khi người đàn bà đó lặng lẽ đi qua. Thế là thoát! Cần phải chuồn thật nhanh. Anh không biết rằng có một lần người đàn bà đưa mắt qua vai, nhìn chiếc cổ béo núng của anh, không mảy may xúc động. Sáng hôm sau, anh Hào đi từ gà gáy. Chó của cả làng đuổi theo xe của anh ra tận đê Bộc. Con đường chi chít vết chân trâu khiến chiếc xe nhảy chồm chồm. Từ đấy đến huyện không một lần nào anh Hào ngoái lại.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip