Yamamoto va nhung tran danh tai TBD P5
Khi nói về khu trục hạm Tanakami, đôi mắt Tanaka đầy lệ: "Trong trận đánh đó, sở dĩ chúng ta đánh bại Đề đốc Wright là nhờ chiếc Takanami. Nó đã nhận lãnh tất cả sự trừng phạt của địch quân trong những phút giây đầu của trận đánh và đã làm cái mộc che đỡ cho chúng ta. Vậy mà chúng ta phủi tay bỏ đi, không giải cứu thủy thủ đoàn của chiếc tàu này."
Tuy nhiên, Đề đốc Tanaka chắc đã cảm thấy sự nỗ lực vượt bậc của ông ở Tassafaronga, khi ông đọc qua những nhận xét vô tư sau đây của sử gia Hải quân Hoa Kỳ, đề đốc Samuel Eliot Morison, về trận đánh này: "Trận đánh Tassafaronga luôn luôn gợi sự an ủi rằng địch quân đã đánh bại các bạn là những kẻ tài giỏi thật sự, và Đề đốc Tanaka tài giỏi hơn những kẻ tài giỏi. Ngoài chiếc soái hạm Jintsu, các khu trục hạm lâm chiến của ông đều chất đầy hàng hóa cồng kềnh, vậy mà ông đã đánh chìm một tuần dương hạm của Hoa Kỳ và loại ba chiếc khác khỏi vòng chiến gần một năm. Trong khi ông chỉ thiệt mất một khu trục hạm. Qua nhiều trận đánh xảy ra trong cuộc chiến, phía hoa Kỳ gặp nhiều lỗi lầm mà địch quân đã tránh khỏi. Ở Tassafaronga, mặc dù có ít bối rối lúc đầu, nhưng Đề đốc Tanak không phạm một lỗi lầm nào cả."
Trước khi Đề đốc Tanaka bị thuyên chuyển sang Singapore, ông vẫn tiếp tục chỉ huy nhiều công tác chuyển vận đến Guadalcanal. Vào ngày 3 tháng 12, ông điều động một lực lượng gồm bốn tuần dương hạm và 11 khu trục hạm chuyển 1.500 thùng tiếp liệu đến Guadalcanal. Nhiệm vụ thành công mỹ mãn. Trong thời gian này, Tanaka chuẩn bị để đương đầu với một trận Tassafaronga thứ hai, nhưng phía Hoa Kỳ lại không sẵn sàng. Cuộc chiến thắng phi thường của Tanaka đã khiến Hải quân Hoa Kỳ choáng váng.
Không hề có một cuộc đụng độ nào trên mặt biển, chỉ một số phi cơ địch bay đến quấy rầy nhóm tàu chuyển vận và bỏ vài trái bom gây hư hại nhẹ cho một khu trục hạm. Nhưng các cuộc chuyển vận này gặp phải một sự thất bại đầy chua chát: Lực lượng Nhật trên đảo chỉ vớt được vỏn vẹn 500 thùng tiếp liệu trong số 1.500 được thả xuống biển.
Bốn đêm sau đó, Tanaka quay lại hòn đảo với 11 khu trục hạm. Sự lặp đi lặp lại một phương thức trong chiến tranh trước sau gì cũng vấp một vố nặng. Chuyến đi này, hai khu trục hạm của Tanaka bị các phi cơ Hoa Kỳ cất cánh từ phi trường Henderson hủy diệt. Cùng đêm, Tanaka đã đối đầu với một loại địch thủ mới, các ngư lôi đĩnh. Tám chiếc PT nhỏ bé và nhanh như cắt này đã quấy phá lực lượng của ông đến nỗi ông phải bãi bỏ cuộc chuyển vận và các khu trục hạm phải quay về căn cứ.
Vào đêm 11 tháng 12, Tanaka lại cố gắng lên đường một lần nữa với 9 khu trục hạm. Lần này ông đã đổ 1.200 thùng tiếp liệu một cách thành công. Sau đó, phi cơ đến tấn công, nhưng vô hiệu, và đến phiên các PT nhảy vào vòng chiến, soái hạm Teruzuki lãnh hai quả ngư lôi và bốc cháy. Thủy thủ đoàn cố gắng cứu chiếc tàu nhưng bó tay khi ngọn lửa bắt qua hầm chứa bom chìm. Tanaka bị thương, ông chuyển soái kỳ cho người khác và trở về Rabaul. Tanaka rất buồn khi nghe tin 1.200 thùng tiếp liệu được tàu ông thả xuống chỉ có 220 thùng đến tay binh sĩ Nhật trên hòn đảo.
Tanaka vào nằm trong bệnh viện Rabaul. Nơi đây, ông đã viết một thỉnh nguyện thư yêu cầu Bộ Tư Lệnh Tối Cao triệt thoái các lực lượng Nhật trên đảo Guadalcanal. Đáp lời yêu cầu này là lệnh bổ nhiệm ông sang Singapore. Lời yêu cầu của Tanaka bị bác bỏ một cách thẳng tay thật sự là một sự nhầm lẫn, vì ai cũng thấy hòn đảo này không còn hy vọng giữ lâu dài hơn nữa. Các tiềm thủy đĩnh và khu trục hạm đều được trưng dụng để vận chuyển hàng tiếp liệu, nhưng cho dù cả hai loại tàu này đã nỗ lực và phối hợp chặt chẽ cách mấy đi nữa, tiếp liệu đến tay 20.000 binh sĩ trên đảo chỉ có tính cách cầm hơi.
Suốt quãng thời gian sôi động này, tôi nằm ru rú ở Truk. Tôi cảm thấy buồn cho Tanaka, nhưng không biết làm cách nào để giúp ông. Không còn chiếc khu trục hạm mới nào để tôi chuyển sang chỉ huy, vì vậy tôi chỉ còn biết ngắm nhìn những bàn tay khéo léo đang vá lại các lổ thủng do đạn xuyên phá thiết giáp của tuần dương hạm Helena chạm trổ trên chiếc khu trục hạm của tôi. Sau khi tạm băng bó các vết thương, Amatsukaze rời khỏi hải cảng Truk vào ngày 15 tháng 12 để về Nhật, và nơi đây chiếc tàu có thể hy vọng được sửa chữa hoàn hảo hơn. Khi chạy ngang qua đảo Saipan, tôi nhìn thấy khoảng 10 phi cơ Nhật trên không. Tôi tự hỏi, không hiểu những phi cơ này sẽ phản ứng như thế nào khi nhìn thấy chúng tôi. Nhưng đã thất vọng, tất cả đều bay lướt qua, ngay cả đến việc tìm hiểu lý lịch của con tàu cũng không có. Sự hờ hững này, có thể cho là như vậy, trong khi Nhật mất sạch quần đảo Salomon, chứng tỏ tình trạng suy đồi tinh thần trầm trọng trong hàng ngũ chúng tôi.
Tuy nhiên, tôi hầu như quên hẳn cuộc chiến khi tàu của chúng tôi chạy vào hải cảng Kure. Bầy hải âu bay lượn trước mũi tàu như chào đón, trong lúc chúng tôi mải mê ngắm nhìn quang cảnh lặng lẽ của hải cảng thân yêu và an bình này. Quang cảnh khác xa hải vực đẫm máu quanh quần đảo Salomon. Có thể nào lại có những nơi trái ngược hẳn nhau trong cùng một khoảnh trời nhỏ bé đến mức đó.
Khi đưa chiếc Amatsukaze vào ụ sửa chữa và sắp xếp mọi công việc khác, tôi về nghỉ phép tại nhà một tuần lễ.
Tôi bước chân vào nhà ở Kamakura vào ngày 27 tháng 12. Sống quây quần vui vẻ với gia đình, tôi thấy sao một tuần lễ trôi qua nhanh hơn chớp mắt. Kamakura là một trong những thành phố đẹp nhất của Nhật Bản. Thật là thích thú cho tôi khi cùng với các con thăm lại những phong cảnh ngoạn mục quen thuộc trước đây. Chúng tôi lang thang trong thành phố hết chỗ này đến chỗ nọ, nhất là leo lên những ngọn đồi bao quanh thành phố này, hoặc đi vẩn vơ dưới ngàn tiếng thông reo trong làn gió hiu hiu của Thái Bình Dương. Tôi thật như sống trong mơ, và may mắn cho tôi hơn nữa, những ngày nghỉ phép này lại rơi vào dịp Tết Nguyên Đán.
Mặc dù vui thú với gia đình, tôi không thể nào quên hẳn chiến tranh được. Một hôm gia đình chúng tôi dự định thực hiện một buổi dạo chơi và ăn cơm ngoài trời, nhưng vợ tôi lại không đi được. Nàng phải đến tham dự một buổi họp gồm các bà nội trợ quanh xóm để thảo luận về việc đóng góp cho quân đội các vật dụng làm bếp bằng đồng và sắt. Cha con chúng tôi vẫn thực hiện buổi ăn cơm ngoài trời và dạo chơi trên các đồi thông. Khi chúng tôi về, vợ tôi vẫn chưa có mặt ở nhà. Con gái của tôi nói: "Ba đừng có nóng ruột. Dạo này mẹ cứ phải đi hội họp lằng nhằng như vậy luôn. Ba nên nhớ bây giờ là thời chiến mà."
Buổi chiều hôm đó, ông bạn cũ là Trung tá Ko Nagasawa từ Tokyo gọi điện thoại cho tôi. Nasagawa hiện đang phục vụ ở Phòng nhân viên. Hắn ta nói: "Hãy bình tĩnh, đây chỉ là một cú điện thoại không chính thức. Đêm mai, một nhóm bạn đồng khóa tụ họp tham dự một buổi Bonenkai (tiệc Tân niên). Chúng tôi chọn Isogo ở Yokohama để làm nơi họp mặt. Đó là một tiệm ăn tuyệt hảo, nằm giữa Tokyo và Yokosuka. Nơi này gần nhà anh, nên chúng tôi kể chắc như anh có mặt đêm mai.
Chiều tối hôm sau chúng tôi đến địa điểm họp bạn. Tôi được Nasagawa và Trung tá Enpei Kanooka đón tiếp. Kanooka là tùy viên liên lạc Hải quân của Thủ tướng _Đại tướng Hideki Tojo. Tôi ngạc nhiên khi thấy Kanooka đã xếp chức vụ bận rộn và quan trọng của anh lại để tham dự vào một cuộc họp không chính thức. Ở một nơi xa xôi như thế này. Ngồi kế anh ta, tôi hỏi: "Những rắc rối xảy ra ở phía Nam trong những ngày gần đây có lẽ làm nhiệm vụ của anh trở nên bù đầu?"
Kanooka nhăn nhó đáp: "Không, Hara, tôi hoàn toàn không bận rộn gì hết. Đó là sự thật. Trong vòng năm tháng qua, tướng Tojo không hỏi đến tôi lấy một lời. Hình như ông ta không xem các hoạt động của Hải quân vào đâu. Trong thời gian này, nhiệm vụ của tôi là hằng đêm đến tham dự các tiệc tùng khoản đãi quốc khách. Tôi không thích nhậu nhẹt. Tôi cảm thấy bị phiền nhiễu đến chết được, và sự nhàm chán cũng đang giết lần mòn tôi. Hara, tôi thấy tửu lượng của anh cũng có hạng lắm, xem ra anh có thể thay thế chức vụ của tôi được."
Giọng nói nhỏ nhẹ thường khi của của Kanooka bỗng nhiên cất cao một cách đáng chú ý trong câu nói sau cùng này. Trong lúc đó, Nasagawa yên lặng ngồi nghe với một gương mặt thật bình thản. (Không lâu sau đó, Kanooka được lệnh rời khỏi Tokyo để nhận chức vụ Hạm trưởng tuần dương hạm Nachi. Hiển nhiên là Nasagawa, phục vụ ở Phòng nhân viên, có nhúng tay giúp vào vụ bổ nhiệm này.)
Cuộc họp đã diễn ra trong bầu không khí lặng lẽ và nghiêm trang, khác với các buổi họp mặt đầy ồn ào của chúng tôi lúc còn trẻ. Có khoảng 20 người thuộc khóa chúng tôi tụ họp trong đêm hôm đó, đều mang cấp bậc Trung tá và Thiếu tá, hầu như chỉ bàn những chuyện quanh quẩn về cuộc chiến. Khi được yêu cầu mô tả tình thế tại cuộc chiến quần đảo Solomon, tôi nói:
"Tôi không hiểu các bạn, những người ở đây, đã nhìn sự việc như thế nào, nhưng riêng tôi có thể nói các đảo ở Salomon là địc ngục ở tuyền tuyến.Cùng là những tay chuyên nghiệp cả, tôi chắc các bạn đều biết rõ, căn cứ trên sự phán xét của mình về những công bố chính thức có vẻ ghê gớm của Tổng Hành Dinh ở Tokyo. Thật ra, chúng ta đã gặt hái được một số chiến thắng chiến thuật, nhưng về phương diện chiến lược, chúng ta hoàn toàn thất bại. Các khu trục hạm và tiềm thủy đĩnh của chúng ta ở quần đảo Solomon hiện tại được sử dụng vào công việc chuyển vận. Nhưng công việc này cũng không đạt được kết quả là bao."
Tất cả những người hiện diện đều chăm chú nghe tôi thuật lại các trận đánh mà tôi đã tham dự. Tôi thấy rất cần thiết để trình bày sự thật, nhưng có một số người khác nhắc nhở tôi rằng đây là một buổi họp mặt để nhậu nhẹt, không nên nói đến chuyện công việc hay dính dáng đến nghề nghiệp.
Do đó, thay vào câu chuyện của tôi là một vài câu pha trò có tính cách chọc cười. Có người còn kể ra sự dan díu của hắn với một cô vũ nữ ở Sasebo. Nhưng tất cả đều không gây được không khí vui tươi, bởi vì mọi người trong chúng tôi đều đoán trược được viễn cảnh đen tối của tương lai.
Thật sự, tôi muốn cho họ biết những gì mà tôi từng trải qua ở miền Nam, các phản ứng và ý kiến riêng của tôi như thế nào. Tôi biết rằng một buổi họp mặt ăn uống như thế này không thích hợp để mang các vấn đề thời sự ra để nói, nhưng ngoài dịp này thì chắc khó có dịp khác. Tôi đã thất vọng khi thấy các bạn đồng khóa của tôi chỉ toàn là một bọn yếm thế, buông xuôi với số phận.
Rượu rót cũng khá nhiều, nhưng không ai say. Buổi họp mặt tan sớm. Bên ngoài trời đêm đầy sao. Những lời chào từ giã được thốt lên một cách yếu ớt. "Mong gặp lại anh." Câu này nằm trên đầu môi mọi người, nhưng không có vẻ gì gọi là xác tín. Những kẻ hội tụ về đây đêm đó chỉ một vài người còn sống sót sau chiến tranh.
Tojo có thể không để tâm đến viên sĩ quan liên lạc hải quân nhỏ nhoi của ông, nhưng đối với các đại diện bề thế thuộc Bộ Tư Lệnh Hải Quân thì ông không thể nào không để tâm được. Hàng ngày các sĩ quan cao cấp của Lục Quân và Hải Quân vẫn mở ra các phiên họp mật về chiến lược ở Tokyo. Để kết thúc, một loạt các phiên họp cuối cùng mở ra vào ngày 31 tháng 12 ở Hoàng Cung dưới sự chủ tọa của Nhật Hoàng Hirohito, và đưa đến quyết định nhất trí triệt thoái toàn thể lực lượng Nhật trên đảo Guadalcanal.
Những ngày sống hạnh phúc bên gia đình của tôi đã trôi qua nhanh chóng. Tôi trở lại Kure vào ngày 7 tháng Giêng. Ba ngày sau đó, tôi nhận được lệnh rời khỏi chức vụ Hạm trưởng khu trục hạm Amatsukaze để nhận nhiệm vụ mới ở Căn cứ Hải Quân Yokosuka. Nhiệm sở này chỉ cách nhà tôi một vài dặm. Tôi lại được sống êm ấm với gia đình. Nhưng không lâu sau đó tôi ngã bệnh. Theo bác sĩ, chứng bệnh của tôi là do những tháng ngày phục vụ không ngừng nghỉ trên mặt biển nên đã kiệt lực. Tôi phải nằm bẹp trên giường suốt hai tuần lễ. Trong thời gian này, vào ngày 25 tháng 12, tôi lại nhận được lệnh khác, chỉ định tôi giữ chức Chỉ huy trưởng Hải đội 19 Khu trục hạm, và theo lệnh, tôi phải nhận ngay bốn chiếc tàu loại mới nhất để ra khơi hai ngày sau đó. Tôi gọi điện thoại báo cho Nasagawa biết tôi không thể nhận nhiệm vụ vì tình trạng đau ốm hiện thời. Thông cảm, và để an ủi, Nasagawa bảo đảm rằng sẽ còn nhiều chức vụ quan trọng khác dành cho tôi một khi đã bình phục.
Thời gian dưỡng bệnh đối với tôi dài thăm thẳm. Khi chiến đấu, tôi chưa bao giờ thấy mệt mỏi. Trên biển, chỉ một vài giờ chợp mắt là tôi thấy khỏe khoắn ngay. Bây giờ, tôi mới hiểu những ngày phục vụ trên mặt biển đã làm cho tôi kiệt sức như thế nào, và tôi cũng hiểu tại sao dáng vẻ của Phó Đô đốc Nagumo lại sa sút như vậy , khi tôi gặp ông ở Truk vào tháng 11 vừa qua.
Cuối tháng 2, tôi bình phục hẳn. Tôi gọi điện thoại cho Nasagawa, yêu cầu được bổ nhiệm. Lời đáp có vẻ mù mờ của hắn ta làm tôi lo ngại. Hải quân đã quên khuấy tôi mất rồi. Tôi gọi hàng ngày, nhưng không nhận được phúc đáp nào gây phấn khởi. Sự chờ đợi này kéo dài cho đến tháng 3, Nasagawa mới báo cho tôi biết tôi được chỉ định giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Hải đội 27 Khu trục hạm.
Tôi kêu lên sửng sốt: "Cái gì? Tại sao lại Hải đội 27?"
"Đừng có nóng, Hara, nghe tôi nói đây. Tôi biết Hải đội 27 tồi tệ, nhưng sự chỉ định này chứng tỏ Hải quân đã đặt tin tưởng hoàn toàn vào anh. Thượng cấp cảm thấy chỉ một vị chỉ huy đầy đủ khả năng và kinh nghiệm như anh mới mong uốn nắn Hải đội này thành một đơn vị chiến đấu thật sự."
Phản ứng của tôi là sự xúc động. Thật sự, tôi không hề bối rối. Nghĩ cho cùng, khi một sĩ quan lần đầu tiên được chỉ định chỉ huy 4 chiến hạm, hắn phải xem đó là một vinh dự, còn loại tàu gì mà hắn sẽ được giao không thành vấn đề. Tôi cũng không còn tiếc rẻ đã bỏ mất dịp may trong lần bổ nhiệm trước đó.
Hải đội 27 bao gồm 4 khu trục hạm già nua, mỗi chiếc 1.700 tấn, tốc độ tối đa là 30 hải lý. Thủy thủ đoàn của các khu trục hạm này, đứng hạng nhì đúng nghĩa, chính là mục tiêu chế nhạo của thủy thủ đoàn thuộc các chiến hạm khác. Nhiệm vụ trước mắt đối với tôi chẳng phải ngon ăn.
Tôi trả lời Nasagawa: "Anh đừng hiểu lầm tôi. Tôi vui lòng nhận nhiệm vụ và sẽ tận lực làm mọi cách cho Hải đội trở thành đơn vị tốt nhất của Đệ Nhị Hạm Đội. Được bổ nhiệm vào chức vụ này, tôi lấy làm vinh hạnh. Tôi trình diện ở đâu và khi nào?"
"Tôi rất vui mừng khi nghe anh nói như vậy. Ba khu trục hạm của anh đang đậu ở Truk, còn chiếc soái hạm Shigure (Mưa Thu) đang chờ anh ở Sasebo. Bao giờ anh có thể đi được?"
"Có phương tiện lúc nào thì tôi đi lúc đó."
"Tốt. Anh sẽ có một chỗ dự phòng trên chuyến xe lửa tốc hành rời nhà ga Tokyo vào lúc 13h30 phút ngày mai."
Tôi đến Sasebo vào ngày 9 tháng 3, và lập tức leo lên soái hạm Shigure quan sát một vòng. Thoạt nhìn thủy thủ đoàn, tôi hiểu ngay là tôi đang bước vào một công việc nặng nhọc thật sự. Tôi nhớ lại những kinh nghiệm khó khăn qua việc huấn luyện thủy thủ đoàn của chiếc Amatsukaze trong thời gian có cuộc hành quân Midway. Thủy thủ đoàn của Shigure giống như một bọn vô kỷ luật chưa từng biết qua một chút kinh nghiệm đi biển là gì. Nhưng tôi đã nhìn sự vụng về và ngu dốt của họ với nhiều cảm giác lẫn lộn. Tôi tin là có thể huấn luyện họ trở thành những thủy thủ chiến đấu. Tóm lại, tôi không thấy chán nản, vì tôi nghĩ tình trạng này cũng giống như tình trạng trên chiếc Amatsukaze sáu tháng trước mà thôi.
Tôi đã từng làm việc trên nhiều chiếc khu trục hạm mới hơn, tôi nhận thấy chiếc Shigure hoàn toàn yếu kém. Chiếc tàu này già nua một cách đáng thương, và có lẽ nó không thể nào đạt tốc độ tối đa 33 hải lý. Đó là điều tồi tệ nhất. Tốc độ tối đa của các khu trục hạm mới nhất ít lắm cũng phải 38 hải lý, và chiếc Amatsukaze dày dạn chiến trận của tôi, hiện đã hoạt động trở lại, cũng chạy được 34 hải lý. Nhưng tôi đã gạt ngang những suy nghĩ vơ vẩn này, và hy vọng của tôi là chiếc Shigure có thể sẽ chứng tỏ giá trị của nó trong lúc chiến đấu, cho dù nó có nhiều khuyết điểm trong lần làm quen đầu tiên này. Nhưng ngay cả cao vọng đi nữa, lúc ấy tôi cũng không bao giờ dám mơ mộng chiếc Shigure đã chứng tỏ giá trị đến mức được mang biệt danh "Kiên cố", và với tiếng tăm vang dội, có thể nói Shigure là khu trục hạm được biết đến nhiều nhất trong cuộc chiến Thái Bình Dương.
Sau khi hộ tống 2 cuộc chuyển vận, Shigure rời Sasebo đến Truk để kết hợp với 3 khu trục hạm khác thuộc quyền chỉ huy của tôi. Khi tiến vào hòn đảo san hô to lớn này, tôi cảm thấy cảnh vật không có gì thay đổi trong thời gian tôi vắng mặt.Chiếc tàu sửa chữa cũ kỹ Akashi vẫn đang hoạt động rộn rịp, và vẫn đậu ngay chỗ mà nó đã đậu bốn tháng trước đây. Khi chiếc Amatsukaze lếch thếch từ quần đảo Solomon chạy về.
Nhưng tôi đã lầm. Truk quả thật không thay đổi, nhưng tình hình của cuộc chiến ở phía Nam đã chịu đựng những thay đổi nghiêm trọng trong giai đoạn bốn tháng ngắn ngủi, như tôi đã biết được ngay sau đó.
Tàu vừa buông neo, tôi đến trình diện Phó Đô đốc Nobutake Kondo trên chiếc Atago, soái hạm của Đệ Nhị Hạm Đội. Bước vào cabin của ông, tôi xúc động khi nhìn thấy dáng vẻ tiều tụy của vị tư lệnh này, nhân vật luôn luôn được giới hải quân nhắc nhở đến tài ba đức độ. Sự xúc động của tôi ở hiện tại không kém lần tôi gặp Nagumo năm tháng trước đây. Kondo ra dấu cho tôi ngồi xuống ghế. Giọng nói của ông khàn khàn, nhỏ và chậm chậm như hụt hơi: "Hara, tôi hoàn toàn đồng ý với thượng cấp về việc chỉ định anh vào nhiệm vụ mới này. Đó là một nhiệm vụ khó khăn. Anh hãy thận trọng, tôi chỉ có thể nói với anh như vậy. Hãy thận trọng nhiều chừng nào hay từng ấy."
Chắc chắn không bao giờ tôi hy vọng được vị Phó Đô đốc chỉ huy của tôi tiếp đón bằng những câu nói như vậy. Câu nói của ông khiến tôi bỡ ngỡ đến nỗi không biết đáp lại như thế nào.
Ông tiếp tục nói, với dáng vẻ mệt nhọc: "Mặc dù anh là chỉ huy trưởng hải đội, nhưng vì chúng tôi thiếu tàu, nên ba trong số bốn khu trục hạm của anh được đặt dưới quyền sử dụng của các chỉ huy trưởng khác. Nếu anh nhận nhiệm vụ sớm hơn vài tháng, hải đội dưới quyền anh sẽ đủ cấp số."
Ông dừng lại và thoáng nghĩ ngợi. Tôi ngồi lặng yên một cách bồn chồn. Sau đó, ông tiếp: "Hara, dù sao đi nữa anh cũng nên kiên nhẫn. Tôi dự định lưu anh ở đây ít nhất ba tháng, như vậy anh có thể tìm hiểu và huấn luyện các thuộc cấp của anh, và luôn tiện chính anh cũng sẽ thích ứng với tình hình biến đổi nhanh chóng của cuộc chiến."
Kondo là một nhân vật đáng chú ý, và đối với tôi, ông là một vị chỉ huy kỳ diệu. Do đó, trong các trang trước của quyển sách này tôi đã phải miễn cưỡng đưa ra sự chỉ trích khả năng chiến đấu của ông. Tuy nhiên, qua lần tiếp xúc trực tiếp này, tôi đã kinh ngạc và choáng voáng khi rời khỏi ca bin của ông.
Theo đề nghị của Kondo, tôi đã nghiên cứu các hồ sơ trên soái hạm của ông, liên quan đến cuộc chiến trong vòng 5 tháng qua. Biến cố nổi bật nhất là cuộc triệt thoái khỏi Guadalcanal. Ở ngôi nhà Kamakura, trong thời gian tôi bình phục, tôi có nghe các công bố trên đài phát thanh về một cuộc chiến thắng hoàn toàn và ngoạn mục. Bộ Tư Lệnh Tối Cao Hoàng Gia đã tránh sử dụng hai tiếng "rút lui" và thay vào đó là ba chữ "xoay hướng tiến", nhưng xoay hướng tiến như thế nào thì không thấy bản công bố đề cập đến.
Theo quyết định của phiên họp cuối cùng ở Hoàng Cung vào ngày 31 tháng 12, ngày 4 tháng Giêng năm 1943, Bộ Tư Lệnh Tối Cao Hoàng Gia ban lệnh triệt thoái toàn bộ lực lượng Nhật khỏi Guadalcanal, và công cuộc triệt thoái bắt đầu vào hạ tuần tháng Giêng. Các kế hoạch được thảo ra tuần tự và kín đáo khi tìm mọi cách đánh lừa bề ngoài để địch quân lầm tưởng Nhật quyết tâm bám lấy hòn đảo.
Tình báo Hoa Kỳ đã từng tỏ ra hữu hiệu trong việc khám phá ra các kế hoạch trận đánh Midway của Nhật Bản, nhưng hoàn toàn không hay biết gì về kế hoạch triệt thoái khỏi Guadalcanal. Một kế hoạch được duy trì bí mật đến tận cùng như thế, đối với tôi chẳng khác nào những phép lạ của cuộc chiến. Càng phi thường hơn nữa, nếu người ta biết rằng vào thời gian này toàn thể các vùng phụ cận Guadalcanal địch quân đã nắm ưu thế tuyệt đối về mặt trên không.
Vào ngay giữa tháng Giêng, hoạt động của không quân Nhật gia tăng mạnh mẽ trong khu vực. Vào ngày 30, một lực lượng đặc nhiệm gồm hai hàng không mẫu hạm, hai thiết giáp hạm và cả chục chiến hạm khác rời khỏi Truk trực chỉ Guadalcanal. Cuộc di chuyển này có tính cách nghi binh, nhằm gây sự chú ý của Hải quân Hoa Kỳ. Trong khi trước đó, suốt buổi chiều ngày 28, 300 binh sĩ đã đổ bộ lên đảo Russell, nằm ở phía chính Tây của Guadalcanal.
Không cần nói cũng hiểu lực lượng Nhật trên đảo Guadalcanal cũng nức lòng với các tin tức về cuộc rút lui đang được sắp xếp như thế nào. Thời gian trước đó, họ đã chiến đấu với sự quyết tâm đáng kinh ngạc cũng như không bao giờ lùi bước trong nỗ lực đẩy lui các lực lượng tăng viện của địch quân. Tóm lại, trong tình cảnh tuyệt vọng và đáng thương hại, họ đã chiến đấu dũng mãnh cho đến ngày rời đảo.
Vào các đêm 1, 4 và 7 tháng 2, 22 khu trục hạm Nhật đã chạy vào các bãi biển quanh hòn đảo để chở 12.198 binh sĩ Lục quân và 833 binh sĩ Hải quân. Thủy thủ đoàn của các khu trục hạm đã kinh hãi khi nhìn thấy nhóm quân này. Nhiều ngày qua họ đã không ăn uống gì hết, thân thể suy nhược cho đến nỗi ngay cả sự vui mừng khi được giải cứu họ cũng không đủ sức biểu tỏ.
Cuộc triệt thoái đã thành công vượt bậc. Chỉ có khu trục hạm Makigumo bị đánh chìm và ba chiếc khác hư hại. Cuộc triệt thoái này cĩng đánh dấu sự kết thúc của một cuộc hành quân kéo dài 6 tháng, với 16.800 binh sĩ Nhật vùi thân trong rừng rậm nhiệt đới cùng với hàng chục chiến hạm bị vùi sâu dưới đáy biển, mang theo nhiều ngàn thủy thủ, quanh hòn đảo hóc búa này. Nhiều bản phúc trình liên quan đến cuộc hành quân đều đưa đến 1 kết luận thật sự: Nhật Bản đã bị đánh bại ở Guadalcanal.
Kế đó, tôi xoay sang tìm hiểu các cuộc hành quân ở New Guinea, và nhận thấy hầu hết đang sa lấy. Lục quân cố gắng điều động một sư đoàn ở Buna, nằm trên bờ biển phía đông Papua, xuyên qua rặng núi Owen Stanley để tiến đến hải cảng Moresby. Hầu hết binh sĩ đã bỏ thây trong rừng núi. Trong khi Hải quân gặp nhiều rắc rối quanh hòn đảo Guadalcanal, lực lượng viễn chinh của Lục quân thiếu thốn lương thực đến nỗi chết đói ở Papua. Trong lúc địch quân tiến như vũ bão qua các vùng rừng rậm Papua ở New Guinea, quân Nhật tuần tự rút lui khỏi Gona ngày 9 tháng 12 năm 1942, Buna ngày 14, Madang và Wewak bốn ngày sau đó.
Tuy nhiên, trận hải chiến Bismarck đã gây xúc động cho tôi hơn là hàng loạt các khu vực bị bỏ rơi này. Chiến bại Bismarck của Nhật là một chiến bại hầu như không thể nào tin được.
Hai phi trường chính của Nhật là Lae và Salamana, ở phía Đông New Guinea, được giao cho Lục quân vào ngày 15 tháng 11. Lục quân quyết định tăng cường hai phi trường này bằng cách chuyển 1 lực lượng ở Rabaul đến. Lực lượng này được đưa xuống 8 tàu chuyển vận, với 8 khu trục hạm hộ tống, khởi hành vào ngày 28 tháng 2.
Vị chỉ huy đoàn tàu chuyển vận, Đề đốc Masatomi Kimura, đã trù tính yêu cầu không quân bao che đoàn tàu của ông, nhưng trước khi việc này được thực hiện, liên tiếp hai ngày 2 và 3 tháng Ba, hơn 100 phi cơ địch ào đến tấn công đoàn tàu chuyển vận giữa thanh thiên bạch nhật. Kết quả, tất cả các chuyển vận hạm và 4 trong số các khu trục hạm hộ tống bị đánh chìm. Vào ngày thứ hai của cuộc không kích, 26 phi cơ Hải quân Hoàng Gia Nhật bay đến để bao che cho đoàn tàu chuyển vận, nhưng vì bay quá cao nên không kịp ngăn chặn các phi cơ sà thấp của địch. Hơn 3.500 binh sĩ bị chôn vùi dưới đáy biển trong trận đánh này.
Một cuộc đại bại chưa từng thấy. Nó hoàn toàn trái hẳn cuộc triệt thoái thành công ở Guadalcanal. Bây giờ tôi có thể hiểu tại sao Phó Đô đốc Kondo mang dáng vẻ tiều tụy như vậy khi tiếp tôi.
Ngay lúc tôi còn suy nghĩ xem tại sao một việc như vậy có thể xảy ra, Đề đốc Kan Takama bước vào phòng tài liệu. Vì muốn tìm hiểu thêm, tôi yêu cầu ông giải thích rõ hơn về cuộc bại trận khủng khiếp ở biển Bismarck. Ông nói: "Cuộc hành quân chuyển vận được thi hành với tất cả sự thận trọng đúng mức, nhưng sự bao che của không quân hoàn toàn khiếm khuyết. Ở Guadalcanal, kế hoạch của chúng ta thích đáng, cuộc triệt thoái được giữ bí mật từ đầu đến cuối, địch quân không thể nào đánh hơi được. Sự thành công ngoạn mục của cuộc triệt thoái này có lẽ đã khiến cho các nhà lãnh đạo Lục quân nghĩ rằng họ có thể liều lĩnh thực hiện một cuộc chuyển quân mà không cần phải có sự chuẩn bị và yểm trợ đầy đủ. Một điều chắc chắn nhất đưa đến thảm bại: Lục quân không cung cấp cái ô không quân thích đáng cho đoàn tàu chuyển vận trên biển Bismarck."
Đề đốc Takama rời khỏi phòng tài liệu. Tôi tiếp tục đọc các hồ sơ ghi lại những biến cố quan trọng khác. Vào ngày 5 tháng 3, hai khu trục hạm là Minegumo và Murasame bị đánh chìm ở Vịnh Kula mà không bắn được phát đạn nào hết. Địch quân đã sử dụng hỏa lực có radar điều khiển để hạ hai chiếc tàu này.
Tôi rời khỏi soái hạm Atago với tâm tư trĩu nặng. Khi đặt chân lên bờ,tôi mới nhận thấy có biết bao nhiêu đổi thay đã xảy ra trong vòng 5 tháng qua. Trong Câu Lạc Bộ Sĩ Quan , tôi gặp Đại tá Tomiji Koyanagi, Tham mưu trưởng của Phó Đô đốc Kurita. Chúng tôi ngồi chung bàn. Thảm kịch biển Bismarck vẫn còn lảng vảng trong tâm trí tôi, và không do dự, tôi hỏi ý kiến của Konayagi về cuộc đại bại này. Ông ta nói: "Đề đốc Kimura đã thuật lại là các oanh tạc cơ đã sử dụng phương pháp oanh tạc mới để tấn công đoàn tàu chuyển vận của ông. Theo đó, các oanh tạc cơ khổng lồ đã lướt tới như làn sóng rồi thả bom xuống mặt nước, và mấy quả bom này sẽ nhảy đến đâm vào cạnh sườn của các chiến hạm. Những phương thức tránh né cổ điển của các chiến hạm Nhật đều tỏ ra không còn hữu hiệu với chiến pháp được mệnh danh là :oanh tạc nhảy" này nữa. Ban đầu Kimura nghĩ rằng địch đã sử dụng một loại ngư lôi trang bị cho phi cơ để thực hiện phương pháp oanh tạc mới này. Lối thả bom từ trên cao xuống các chiến hạm đang di động trên mặt biển không đạt kết quả mấy, do đó địch quân đã phát triển phương pháp oanh tạc mới này cốt ý đương đầu với các nỗ lực tránh né xưa nay của chúng ta. Hiện tại chúng tôi đang lo nghĩ, không biết làm cách nào để chống lại phương pháp oanh tạc nhảy. Anh có ý kiến gì không?"**********
Ngày hôm nay bao nhiêu chuyện dồn dập đầy kinh ngạc khiến tôi phải vắt hết tim óc ra để suy nghĩ. Tôi cảm thấy như một tên học trò ngày đầu tiên bước chân vào trường. Tôi quay lại chiếc Shigure với cơn đau đầu như búa bổ. Sau khi sắp xếp cho thủy thủ lên bờ, tôi rã rời bước vào cabin, và ròng rã 24 tiếng đồng hồ, không lúc nào ngừng nghĩ tìm các câu giải đáp cho các vấn đề mới mẻ vừa nổi lên trong cuộc chiến. Cuối cùng, tôi gạt tất cả sang một bên, vì nhận thấy vấn đề này quá xa vời nếu so sánh với vấn đề trước mắt: Một thủy thủ đoàn chưa được huấn luyện để chiến đấu của tôi. Tôi phải bắt đầu từ căn bản. Sau ngày thủy thủ đoàn được cho lên bờ rong chơi, tôi bắt đầu huấn luyện họ liên tục trong hải vực quanh Truk. Tôi đã biết ơn Phó Đô đốc Kondo, nhận thấy ông quá cao kiến khi dành một khoảng thời gian cho tôi thực hiện việc này. Bởi vì cũng cần ít ra khoảng ba tháng mới khép thủy thủ đoàn vụng về của tôi vào quy củ.
Theo kế hoạch huấn luyện, tháng đầu tiên tôi kiên nhẫn chỉ họ các căn bản đi tàu, và nếu điều chỉ dạy nào xét thấy họ không lĩnh hội được, tôi đích thân chứng minh và điều khiển cuộc tập dượt, nhiều khi lập đi lập lại hàng chục lần. Thoạt đầu họ có vẻ chán nản nhưng dần dần ham thích và hăng hái thi hành các mệnh lệnh tôi đưa ra. Họ không đến nỗi tồi tệ như tôi tưởng. Nhưng trong suốt thời gian huấn luyện này, tôi thường hay bị ám ảnh về tình hình thật sự của cuộc chiến, qua các hồ sơ mà tôi đã được xem trên soái hạm Atago.
Một tháng trôi qua, tôi bắt đầu cảm thấy gặp phải một vấn đề không thể nào hiểu nổi. Do kinh nghiệm thu thập được trong các trận đánh của năm qua, tôi nhận thấy có nhiều hành động đã được lặp đi lặp lại với cùng một phương thức. Khi một chiến thuật được áp dụng thành công thì y như là nó sẽ được Hải quân Hoàng Gia áp dụng lại, không thay đổi một chút nào, và kết quả thường là thảm họa.
Cuộc pháo kích dữ dội vào Guadalcanal vào tháng 10 năm rồi, do hai thiết giáp hạm Kongo và Haruna của Phó Đô đốc Kurita thực hiện là một thành công lớn. Một tháng sau đó, Đề đốc Abe được lệnh tái sử dụng phương pháp tấn công này với hai thiết giáp hạm Hiei và Kirishima. Nhưng với lần ăn quen này, Hải quân không những chạm được một quả đạn nào vào hòn đảo mà còn khiến cho thiệt mất cả hai tàu chiến.
Với thảm họa biển Bismarck vào tháng hai, 12 trong số 16 chiến hạm của Đề đốc bị đánh chìm, làm tan hẳn cố gắng chuyển quân tăng viện đến Lea và Salamaua của ông. Kế hoạch chuyển quân này rõ ràng giống hệt như kế hoạch chuyển quân thành công đến Buna trước đó. Nhưng sự lặp lại này được xem là không biết suy xét, và thời gian sáu tháng sau cuộc chuyển quân đến Buna, sức mạnh không quân địch trong khu vực đã gia tăng.
Đề đốc Tanaka đã thực hiện một loạt cuộc hành quân vận chuyển đến Guadalcanal vào hai tháng 11 và 12 năm 1942. Sau đó, một nhóm khu trục hạm khác được các sĩ quan thiếu khả năng cầm đầu, đã cố gắng lặp lại hành động của Tanaka, nhưng chỉ đưa đến các thảm bại, như cuộc thảm bại Vịnh Kula ngày 5 tháng 3 chẳng hạn.
Khăng khăng như vậy là ngu dốt. Qua các sự việc vừa nói, có vẻ như Hải Quân Hoàng Gia cho rằng địch quân là những kẻ luôn luôn bị đánh lừa trước trò chơi của chúng tôi. Và qua các sự việc vừa nói, bắt tôi nhớ lại những dòng được ghi trong quyển truyện ký của Mishashi Miyamoto, một kiếm khách siêu việt mà tôi từng đề cập đến:
"Trong khi chiến đấu mà lặp lại một phương thức từng được sử dụng quả là một điều tệ hại, và còn tệ hại hơn nữa nếu lặp lại lần thứ ba. Khi mà một cố gắng thất bại, có thể cố gắng lần thứ hai. Nhưng nếu cố gắng này thất bại nữa, phải lập tức đổi thay phương thức, và cứ tiếp tục thay đổi như thế. Khi đối thủ nghĩ cao, mình đánh thấp, khi đối thủ nghĩ thấp, mình sẽ đánh cao. Đó là bí quyết của kiếm thuật."
Tôi có ấn tượng lời khuyên này có thể ứng dụng cho tình thế hiện tại của chúng tôi. Tôi quyết định chuyển các ý kiến của tôi lên Đô đốc Isoroku Yamamoto.
Tôi không thể nào tự tiện bước vào văn phòng của Tổng Tư Lệnh Hạm Đội Hỗn Hợp và trực tiếp trình bày các ý kiến này với ông. Do đó, vào ngày 24 tháng 4 năm 1943, tôi đến soái hạm Mushashi để giải thích các ý kiến của tôi với Tham mưu trưởng của Yamamoto là Phó Đô đốc Matome Ugaki.
Chỉ có một chuẩn úy đó tiếp tôi tại cầu thang của chiếc thiết giáp hạm khổng lồ này. Đây là một việc khác thường, không đúng nghi lễ đón tiếp một vị chỉ huy trưởng Hải đội, Khi tôi cho biết muốn gặp Phó Đô đốc Ugaki, viên chuẩn úy nhìn tôi trừng trừng, đôi mắt có vẻ đờ đẫn. Im lặng hồi lâu, hắn yêu cầu tôi theo hắn. Chúng tôi đi qua nhiều đường lối quanh co và lên xuống các cầu thang trong chiếc soái hạm khổng lồ. Tôi không gặp các sĩ quan nào hết, còn các thủy thủ thì hình như có vẻ ngơ ngác và chán nản.
Khi chúng tôi đến căn phòng bên ngoài đề hàng chữ "Tổng Tư Lệnh", viên chuẩn úy mở cửa và nhường lối cho tôi bước vào. Trong căn phòng vừa đủ sáng, mùi nhang đốt xông ra ngào ngạt, và chính giũa căn phòng này, trên một chiếc bàn rộng lớn có trải thảm, 7 chiếc hòm được xếp thành hàng. Tôi xoay sang viên chuẩn úy dọ hỏi. Hắn cúi đầu và đáp thật nhỏ: "Ngày Chủ Nhật vừa qua, từ Rabaul, Đô đốc Yamamoto và Bộ tham mưu của ông sử dụng hai chiếc oanh tạc cơ để bay đi miền Nam. Khi hai chiếc phi cơ đến gần không phận Buin thì bị các chiến đấu cơ P-38 của Hoa Kỳ đột kích và bắn rơi. Các chiến đấu cơ này chắc chắn cất cánh từ phi trường Guadalcanal. Bảy chiếc hòm này đựng thi hài của Tổng Tư Lệnh và sáu người khác trong số các sĩ quan tham mưu của ông. Phó Đô đốc Ugaki và những người khác bị thương trầm trọng."
Một việc không thể nào tưởng tượng được, nhưng sự thật vẫn là sự thật. Mắt tôi đã thấy và tai tôi đã nghe. Lệ dâng đầy đôi mắt khi tôi cúi đầu cầu nguyện cho sự yên nghỉ của những người đã chết.
Chương 4: NHỮNG ĐỐI THỦ VƯỢT TRỘI
Tôi được thăng cấp Đại tá vào ngày 1 tháng 5 năm 1943. Hạm trưởng của Shigure, Thiếu tá Kimio Yamagami, tổ chức buổi tiệc mừng tôi được tân thăng. Và tôi là khách danh dự của buổi tiệc này. Sĩ quan chật ních phòng, chúc tụng tôi nồng nhiệt và thi nhau mời tôi uống rượu sake. Sau hai tuần rượu, Thiếu tá Yamagami lên tiếng với vẻ lưỡng lự: "Suốt 40 ngày ròng rã khổ nhọc, toàn thể thủy thủ đoàn đã làm việc không phút nào nghỉ ngơi. Tôi thấy rằng nên để họ được xả hơi một chút. Tối nay trên tàu sửa chữa Akashi có một buổi chiếu phim, kính thưa Đại tá, Đại tá nghĩ rằng tôi có nên cho phép họ đi xem hay không?"
Từ chối lời đề nghị hợp lý này thật khó cho tôi, nhưng tôi giải thích: "Tôi biết chúng ta đang phải chịu đựng một thời gian gò bó. Ở trên tàu bảy ngày một tuần tuy quá nhiều nhưng rất cần thiết. Các anh đừng nghĩ rằng tôi nghiêm khắc với các anh. Tình thế đòi hỏi chúng ta không được nghỉ ngơi một phút nào cả. Tôi mong các anh hiểu cho."
Yaganami đúng là một con người trầm lặng, ông ta không nói gì thêm. Nhưng Đại úy Toshio Doi, sĩ quan ngư lôi trưởng lên tiếng: "Kính thưa Đại tá, tôi nghĩ thủy thủ đoàn khó có thể làm việc hữu hiệu nếu họ không được một phút nghỉ ngơi, giải trí nào. Tôi nghĩ họ cần có những giây phút thoải mái."
Tôi đáp: "Việc gò bó này có vẻ sai lầm thật đấy, nhưng cũng nên biết rằng toàn thể thủy thủ đoàn của chúng ta chưa lần nào ra trận, nơi mà chỉ vấp phải một sai lầm nhỏ thôi, cũng đủ gây ra sự mất còn của chiếc tàu, của thủy thủ đoàn và của chính sinh mạng chúng ta. Các thủy thủ sẽ nghĩ rằng tôi quá nghiêm khắc và chắc họ sẽ oán trách tôi, nhưng tôi mong rằng các anh, những vị sĩ quan của họ, hiểu rằng tôi phải áp dụng một cuộc sống gò bó như vậy, bởi vì thà chịu đựng sự khổ nhọc trong thời gian tập luyện còn hơn là phải thiệt mạng với địch quân."
Bầu không khí nặng nề chợt phá tan khi Đại úy Hiroshi Kayanuma, cơ khí trưởng, lên tiếng: "Thưa quý vị, tôi đồng ý những gì mà Đại tá Hara vừa nói. Trong những tháng vừa qua, rất nhiều khu trục hạm của chúng ta bị đánh chìm, và chính Đại tá Hara đã chứng kiến tận mắt cảnh tượng đó. Chúng ta rất may mắn được chỉ huy bởi một người đã có nhiều kinh nghiệm quý báu. Chúng ta phải biết lợi dụng tài năng và kinh nghiệm này của Đại tá Hara, để áp dụng cho chính bản thân mình. Ai chưa biết rõ Đại tá Hara ở hiện tại thì tôi mong rằng trong những ngày sắp tới sẽ hài lòng để nhìn thấy sự lỗi lạc của ông."
Thiếu tá Yamagami cùng với các sĩ quan nâng ly mời tôi tuần rượu chót. Sau buổi tiệc, tôi nói với Thiếu tá Yamagami: "Tôi cảm thấy có lỗi với Thiếu tá về việc tôi đã nghiêm khắc thái quá đối với thuộc cấp của Thiếu tá. Đúng ra, một vị chỉ huy trưởng hải đội phải trao toàn quyền điều khiển chiếc tàu cho hạm trưởng. Tôi không biết giải thích làm sao để mọi người hiểu rằng tôi buộc lòng phải nắm trong tay việc điều khiển chiếc Shigure. Tôi nhìn nhận tinh thần hợp tác của Thiếu tá và hy vọng rằng một ngày nào đó Thiếu tá sẽ hiểu."
Thiếu tá Yamagami gật đầu một cách khiêm tốn. Giả sử ông ta là một người ương ngạnh và bướng bỉnh thì với tư cách hạm trưởng của Shigure, ông ta sẽ gây ra cho tôi không biết bao nhiêu là nỗi bực bội. May mắn thay, ông ta đã chứng tỏ là một cộng sự viên rất đắc lực và biết tuân lệnh.
Sau sáu tuần huấn luyện khổ nhọc, Shigure được chỉ định vào công tác phòng duyên ở Truk. Công tác này bao gồm việc bảo vệ những chuyển vận hạm ra vào hải cảng và ngăn ngừa tiềm thủy đĩnh của địch quân len lỏi tấn công. Công tác nhẹ nhàng này không hề làm cản trở chương trình huấn luyện của chúng tôi.
Trong khi đó, tình hình chung của cuộc chiến không mấy sáng sủa đối với Nhật Bản. Sau khi triệt thoái khỏi Guadalcanal, lực lượng Nhật rút về trú đóng tại một chuỗi đảo khác nằm ở phía trên quần đảo Solomon. Nhưng khả năng tấn công của địch càng lúc càng mạnh mẽ và nhanh chóng hơn khả năng phòng thủ của Nhật Bản.
Đô đốc Mineichi Koga, kế nhiệm Đo đốc Yamamoto trong chức vụ Tổng Tư Lệnh Hạm Đội Hỗn Hợp vẫn tiếp tục theo đuổi chiến thuật của vị tiền nhiệm. Ông đã áp dụng chiến thuật tấn công lẻ tẻ, bằng cách phân tán các tuần dương hạm và khu trục hạm ra từng nhóm nhỏ. Chiến thuật "tiêu hao" này được tung ra cả ngày lẫn đêm, đã gặt hái được một số chiến thắng nhỏ, nhưng vẫn không xoay nổi dòng thủy triều của cuộc chiến.
Cùng với việc triệt thoái ra khỏi vùng Guadalcanal, những lực lượng tinh nhuệ của Nhật đóng tại quần đảo Solomon rút về New Georgia. Tại đây, Nhật có những căn cứ trên hòn đảo chính Munda và các đảo phụ cận Kolombangara. Trong khu vực này, Nhật có khoảng chừng 10.500 quân. Ngày 30 tháng 6 năm 1943, lực lượng Hải Quân Hoa Kỳ đã chĩa một mũi dùi vào khu vực này, qua các cuộc đổ bộ lên phía Bắc hai đảo Rendova và Vangunu. Các cuộc đổ bộ này là mối đe dọa trầm trọng cho những căn cứ của Nhật Bản trong khu vực, do đó Đô đốc Koga đã phải ra lệnh tăng cường đến mức tối đa cho các đạo quân trú phòng. Các khu trục hạm của chúng tôi được chỉ định vào công việc chuyển quân tăng cường này. Những chiến hạm vừa chở đầy người và đồ tiếp liệu, vừa phải đối đầu với địch quân vượt trội trong những trận đánh dữ dội xảy ra vào những ngày 4,6,12 và 19 tháng 7. Tưởng rằng với sự cách biệt rõ rệt giữa lực lượng hai bên, phần thất bại sẽ nghiêng về phía chúng tôi. Nhưng trái lại, những chiến hạm nhỏ bé nhưng can đảm này đã gặt hái được những thành tích lớn. Đặc biệt nhất là chiến công sáng chói của 5 khu trục hạm tại Vịnh Kula vào đêm 12 tháng 7.
Trong cuộc quần thảo tại Vịnh Kula, lực lượng Nhật gồm có tuần dương hạm hạng nhẹ Jintsu và các khu trục hạm Yukikaze ( đồng đội cũ của tôi) , Hamakaze, Mikazuki, Ayanami và Yugure chống lại với một lực lượng địch gồm đến 3 tuần dương hạm hạng nhẹ, hai của Hoa Kỳ và 1 của New Zealand, và 10 khu trục hạm. Trận chiến bắt đầu lúc nửa đêm, khi tuần dương hạm Jintsu đáp nhầm lại tín hiệu cho một tàu Hoa Kỳ và bị đánh chìm ngay lập tức bởi một hỏa lực tập trung mãnh liệt.
Trận chiến tiếp diễn, tuần dương hạm Leander của Hoa Kỳ bị chiến hạm Nhật phóng ngư lôi loại ra khỏi vòng chiến. Lực lượng Đồng Minh vấp phải một sai lầm khi chia lực lượng ra làm hai nhóm vào lúc ấy. Một trong hai nhóm đã thất bại nặng khi lâm chiến với các khu trục hạm Nhật. Năm khu trục hạm Nhật đã lướt sóng tung hoành giữa nhóm tàu thứ hai này của địch quân, và đã loại ra khỏi vòng chiến hai tuần dương hạm St Louis và Honolulu, đồng thời đánh chìm khu trục hạm Gwim. Trong cơn hỗn loạn của trận chiến, hai khu trục hạm của Hoa Kỳ là Woodworth và Buchanan va chạm nhau. Các chiến hạm Nhật quay mũi về căn cứ, tuy bị thiệt hại, nhưng là thiệt hại trong chiến thắng.
Đối với Nhật, việc mất mát tuần dương hạm Jintsu, so với sự thiệt hại mà khu trục hạm Yukikaze và các đồng đội gây ra cho ba tuần dương hạm và 3 khu trục hạm Đồng Minh, có vẻ đắt giá hơn nhiều. Tại Truk tôi cảm thấy có một chút ganh tị khi nghe được chiến công của khu trục hạm Yukikaze. Chiếc Yukikaze cùng hạ thủy một lượt với chiếc Amatsukaze của tôi hồi cuối năm 1942, nhưng nó chưa đạt được một chiến công hiển hách nào trước đó, chỉ được thành tích là chiến hạm duy nhất còn tồn tại trong trận hải chiến Bismarck mà không hề mang một thương tích nào. Nhờ trận hải chiến tại Vịnh Kula chiếc Yukikaze trở thành một trong những khu trục hạm nổi tiếng. Tôi định tâm cho chiếc Shigure của tôi ganh đua chiến công với chiếc Yukikaze khi chúng tôi được lệnh di chuyển đến Rabaul vào ngày 20 tháng 7.
Tôi rất sung sướng nhận được lệnh di chuyển. Từ trước đến sau, tôi chỉ là một Chỉ huy trưởng Hải đội trên danh nghĩa, vì tất cả các chiến hạm của tôi đều phân phối cho các bộ chỉ huy khác, ngoại trừ chiếc Shigure. Hai trong số khu trục hạm của tôi là chiếc Yugure và Ariake bây giờ đang ở Rabaul. Do đó khi nghĩ đến ba chiến hạm dưới quyền tôi sẽ gặp nhau, tự nhiên tôi thấy phấn khởi. Tôi cũng biết được chiếc Yugure vừa trở về từ trận đánh vinh quang ở Vịnh Kula với nhiều thành tích đáng kể. Với kinh nghiệm đã qua, chiếc tàu này sẽ là một tài sản quý giá của Hải đội.
Toàn thể thủy thủ đoàn Shigure đều chia sẻ cảm giác này với tôi, và tinh thần của họ lên cao khi nghe tin những thành tích mà chiếc Yugure đã gặt hái được.
Chịu đựng sự huấn luyện gian khổ trong suốt bốn tháng trời ròng rã, tất cả mọi người đều mệt mỏi, nhưng trước viễn tượng sẽ được dịp thử sức với địch quân ngoài mặt trận, nỗi mệt mỏi này đã tan biến.
Chất đầy những bộ phận phi cơ mà Rabaul rất cần đến, chiếc Shigure hướng về phía Nam với tốc độ đều đặn 18 hải lý. Tôi không thể nào tưởng tượng được rằng chỉ qua bốn tháng huấn luyện, đã làm biến đổi một thủy thủ đoàn thiếu tinh thần, làm việc rời rạc trước đây, trở thành một thủy thủ đoàn làm việc hăng say, có tinh thần đồng đội cao độ. Trong suốt thời kỳ huấn luyện, tôi tiết kiệm những lời khen thưởng, nhưng họ cũng đã thi hành bổn phận một cách tốt đẹp. Kinh nghiệm thực tế đã dạy cho tôi hiểu rằng hành động thật sự sẽ giúp cho ta hiểu biết nhiều hơn là hàng ngàn lần thao dượt. Có lẽ tôi cần phải tiết kiệm lời khen thưởng cho đến lúc nào họ thật sự chịu đựng được một cách can đảm trước khói lửa, và tôi cũng hy vọng nhờ vào những thử thách cam go, sự yếu kém của họ sẽ được điền khuyết. Bây giờ tôi thèm khát được chiến đấu. Khu trục hạm Yukikaze đã thành công, Shigure cũng sẽ thành công.
Đoạn hải trình đến Rabaul không có gì xảy ra, và chúng tôi cập bến vào ngày 23 tháng 7. Tôi lập tức trình diện Tổng hành dinh ở đây. Một sĩ quan tham mưu đã lặng lẽ trao tôi một bản tin. Tôi xem vội vã và chết điếng người. Bản tin cho biết hai khu trục hạm Yugure và Kiyonami đã bị đánh chìm tại phía Nam Choiseul vào ngày 20. Hai chiếc tàu này nằm trong thành phần các khu trục hạm có nhiệm vụ vận chuyển đồ tiếp tế đến Kolombangara, bị gián đoạn một tuần lễ trước đó và đang được cố gắng thực hiện lại. Toàn thể thủy thủ đoàn mất tích, gồm 228 người của chiếc Yugure và 240 người của chiếc Kiyonami. Như vậy, tính ra địch quân đã phục thù được tổn thất của họ tại Vinh Kula trong vòng có một tuần lễ.
Ngay sau khi chiếc Shigure đổ hàng xong xuôi, tôi báo cho thủy thủ đoàn biết câu chuyện đã xảy ra cho hai chiếc khu trục hạm bất hạnh trên. Toàn thể thủy thủ lắng nghe một cách im lặng, và theo tôi ghi nhận, họ đã bắt đầu cảm thấy tất cả những gì mà họ đã phải chịu đựng trong lúc tập dượt không phải là vô ích.
Hải đội 27 Khu trục hạm vẫn còn đặt dưới quyền chỉ huy của tôi, dầu chỉ trên danh nghĩa. Nhưng khu trục hạm Ariake cùng với hai chiếc khác trở về vào ngày 21, sau khi thành công trong nhiệm vụ chuyển vận đến Kolombangara kế tiếp chuyến đi thất bại của Yugure và Kiyonami. Cả ba đã chọn hải trình Vịnh Vella để di chuyển thay vì Vịnh Kula. Lực lượng hùng hậu của địch, gồm 4 tuần dương hạm và 3 khu trục hạm, vẫn còn lảng vảng tại Vịnh Kula, nhưng không sao phát giác được tung tích của 3 khu trục hạm Nhật, cho mãi đến khi chúng tiến được vào mặt này và ra đi ở mặt kia của đảo Kolombangara.
Rabaul, căn cứ tiếp liệu cho tất cả lực lượng Nhật Bản trấn đóng trên quần đảo Solomon và New Guinea, là địa điểm đã xảy ra những trận đánh khốc liệt nhất vào mùa hè 1943. Khu trục hạm Shigure được phép tạm nghỉ xả hơi, nhưng tất cả thủy thủ đoàn luôn luôn nằm trong tình trạng ứng chiến trong suốt 6 ngày, và sau đó được lệnh cùng 3 chiến hạm khác, thuộc Phân đội 4 Khu trục hạm, lãnh nhiệm vụ chuyển vận đồ tiếp tế đến Kolombangara lần nữa.
Chúng tôi bắt buộc phải sử dụng hải trình xuyên qua Vịnh Vella mà cách đây 10 ngày chiếc Ariake đã di chuyển. Hải trình này rất "an toàn" như Tổng hành dinh Rabaul đã cho chúng tôi biết.
Tuy nhiên chúng tôi phải dè dặt bởi vì, theo như nhận xét của riêng tôi, việc lặp lại thường xuyên một phương thức đã từng được sử dụng thường rước lấy thảm họa. Chúng tôi không tin được các tuần dương hạm và khu trục hạm của địch quân có thể lại phí phạm một cách vô ích thời gian và nhiên liệu tại Vịnh Kula. Thảm kịch đã xảy đến cho hai chiếc Yugure và Kiyonami có lẽ là một bằng chứng khá đủ để không cho phép chúng tôi xem thường khả năng của đối phương một cách khờ khạo như thế.
Ngày 1 tháng 8, chúng tôi rời hải cảng Rabaul ra khơi theo đội hình hàng dọc. Chiếc Amagiri lãnh nhiệm vụ hướng dẫn và thám báo nên không chở theo gì cả. Ba khu trục hạm theo sau, Hagikaze, Arashi và Shigure, đều chất đầy người và hàng hóa. Tổng số lên đến 900 binh sĩ và 120 tấn tiếp liệu. Chuyến ra khơi thực sự lần đầu tiên trong năm này, tôi cảm thấy âu lo. Trong thời gian tôi vắng mặt, các hải vực thuộc miền trung Solomon này là nơi nhận chìm rất nhiều khu trục hạm nổi tiếng của Nhật. Ba khu trục hạm Kagero, Huroshio và Oyashio, từng tạo những chiến công oanh liệt ngoài khơi đảo Savo cho Đề đốc Tanaka, đã bị phi cơ địch và mìn nhận chìm vào ngày 8 tháng 5 năm 1943. Nagatsuki, chiếc tàu đã cùng tham chiến với tôi tại biển Java, và chiếc Niizuki đã vùi sâu trong hải vực này hồi tháng 7. Hatsuyuki, người hùng của trận Savo vào tháng 10 năm 1942, đã nổ tan xác và chìm sâu xuống biển cả mênh mông gần Bougainville vào ngày 17 tháng 7 năm 1943
Mãi suy nghĩ về những chuyện đã xảy ra mà tôi quên rằng mình đang đứng trên đài chỉ huy của chiếc Shigure. Nhìn đại dương bao la và đen thẫm trước mặt, tôi tự hỏi không biết bao nhiêu chiếc, và chiếc nào trong số 4 khu trục hạm do tôi chỉ huy, có thể vượt thoát được cơn sóng gió sẽ xảy đến trong lần ra khơi này? Khi đêm xuống hẳn, tôi cảm thấy nhẹ người. Với màn đêm đen như mực này, hy vọng phần lợi thế sẽ nghiêng về phía chúng tôi.
Chúng tôi tiến vào eo biển Blackett. Đoạn nằm giữa Kolombangara và ba đảo nhỏ hơn, đến tận phía Tây Nam của eo biển này rất hẹp, đầy dẫy đá san hô và nhiều chỗ rất nông kéo dài cả Km. Tôi ra lệnh cho tàu tắt máy trước khi đến điểm hẹn. Ba chiếc tàu chở đầy nghẹt hàng hóa và binh sĩ lặng lẽ lướt tới.
Hàng chục chiếc tàu nhỏ từ trong bờ chạy nhanh ra để nhận hàng và người. Công việc diễn ra chỉ trong vòng 20 phút, tất cả hàng tiếp tế và binh sĩ đều được chuyển đi. Chúng tôi nhẹ hẳn người khi nhận được đèn hiệu của chiếc Hagikaze: "Quay trở về."
Khu trục hạm Amagiri đã thoát chạy trước dẫn đường trong khi 3 chiếc khác còn lo cho máy chạy lại. Trong vòng 5 phút, chúng tôi rời khỏi điểm đổ hàng, chạy ngược trở lại đoạn hải trình nguy hiểm, đầy dẫy chướng ngại vật của eo biển Blackett. Tôi đã lưu ý đài chỉ huy và các quan sát viên của chiếc Shigure phải cẩn thận. Trong khu vực này địch quân đã giăng một mạng lưới tình báo rất chặt chẽ, có thể họ đã biết được những hoạt động của chúng tôi. Họ có thể xuất hiện để tấn công chúng tôi, tại bất cứ khoảng nào thuộc vùng đá ngầm của eo biển Blackett này.
Di chuyển hơn 10 phút, chúng tôi bắt đầu cho tàu chạy 30 hải lý một giờ để lướt nhanh qua đoạn hải trình nguy hiểm, mà ngay cả trong thời bình cũng không có một chiếc nào dám di chuyển ban đêm với tốc độ quá 12 hải lý một giờ, dầu mở sáng tất cả các đèn. Dĩ nhiên, hiện thời chúng tôi phải di chuyển âm thầm. Khí trời ban đêm thật oi bức, nhưng mồ hôi lạnh lại lấm tấm trên trán của mọi người. Chúng tôi di chuyển qua Arundel, Wana-Wana và đến ngang Gizo thì bắt kịp khu trục hạm Amagiri. Chúng tôi tiếp tục di chuyển theo đội hình hàng dọc, mỗi chiếc cách nhau 600m. Mắt tôi, nhìn rất rõ trong đêm tối, chợt nhìn thấy một vật nhỏ màu đen đang di chuyển khá nhanh trên mặt biển, ở mạn trái con tàu. Vật màu đen này di chuyển về hướng chiếc Ammagiri, đang chạy phía trước chiếc Shigure chừng 1.500m.
Chưa xác định rõ vật đen đó là gì, nhưng tôi tự nói với mình "tàu địch mò đến", và cố trấn áp hồi hộp.
Vật đen mờ dần trong đêm tối, và biến mất hẳn. Không một tiếng nổ, không một ánh đèn, không một tiếng súng nào. Thật là kỳ quái. Ngay lúc đó, hoạt động trên Amagari có vẻ rộn ràng, và từ chiếc tàu này, một tín hiệu bằng đèn được gửi đi: "Gặp các ngư lôi đĩnh địch. Một chiếc bị đụng và chìm."
Súng trên hai khu trục hạm Hagikaze và Arashi bắt đầu khai hỏa. Tôi nhận thấy hàng loạt đạn như mưa tuôn ra từ tả mạn của hai chiếc tàu này. Hai ngư lôi đĩnh địch bốc cháy dữ dội, soi sáng cả quang cảnh xung quanh hai khu trục hạm Arashi và Hagikaze. Tôi cũng ra lệnh cho chiếc Shigure khai hỏa. Toàn thể thủy thủ đoàn nãy giờ vẫn kìm súng, bắt đầu ra tay thật chính xác. Hai ngư lôi đĩnh địch bốc cháy dữ dội hơn, và dần dần biến mất trong dòng nước đen ngòm. (Thật ra, đây chỉ là hai phần của chiếc PT-109 bị Amagari đụng và cắt rời ra.)
Những tiếng cười hân hoan vang lên trên các khu trục hạm Nhật, lúc chúng tôi tiếp tục xả hết tốc lực trên đoạn hải trình còn lại để trở về căn cứ. Cảm thông được niềm vui của mọi người, nhưng tôi không thể hòa mình cùng với họ, vì đầu óc của tôi vẫn còn lảng vảng hình ảnh của chiếc PT-109 lúc tàu tôi lướt ngang qua. Chiếc tàu này đã làm tôi nhớ đến chiếc Terutsuki bị đánh chìm vào tháng 12 năm 1942, bởi các trái ngư lôi do hai ngư lôi đĩnh địch có trọng tải 50 tấn phóng ra. Có lẽ chúng tôi cũng chịu chung số phận với chiếc khu trục hạm Terutsuki đêm nay, nếu địch quân nhận ra chúng tôi và phản ứng trước một vài phút sớm hơn.
Chúng tôi giảm tốc độ lại khi ra khỏi Vịnh Vella, và sau đó trở về căn cứ Rabaul an toàn. Thủy thủ đoàn của chúng tôi vẫn còn phấn khởi với chiến công vừa qua, nhưng tôi thì rất dè dặt và lo ngại. Sự lo ngại thật sự đã đến với tôi, khi tôi đến trình diện tại tổng hành dinh và nhận một tin tức chính thức.
"Khu trục hạm Mitkazuki (thuộc Hải đội 30 Khu trục hạm) và Ariake (thuộc Hải đội 27 Khu trục hạm) trong lúc thi hành sứ mạng chuyển vận đến Tuluvu, New Britain. Đã mắc cạn gần mũi Gloucester vào ngày 27 tháng 7, và hôm sau cả hai đã bị các oanh tạc cơ B-25 oanh kích hủy diệt hoàn toàn, nhưng chỉ có 7 thủy thủ thiệt mạng."
Tôi buồn bã quay trở về khu trục hạm Shigure. Một lần nữa, tôi lại trở thành vị hải đội trưởng chỉ có một khu trục hạm dưới tay. Tai biến dồn dập biết bao. Không đầy một tháng, năm chiến hạm đã từng tạo nên những chiến công lẫy lừng chỉ còn lại hai chiếc.
Hai chiếc Mikazuki và Ariake vụng về, đần độn đến bậc nào mà cho đến nỗi phải bị mắc cạn? Mệt mỏi và mất tinh thần, đêm đó tôi đã nốc cạn rất nhiều chai sake, Thiếu tá Yamagachi đã cùng tôi đối ẩm để chia sẻ nỗi đau buồn cùng cực với tôi. Nhưng ông ta chỉ lưu lại một giờ đồng hồ, và sau đó tôi độc ẩm suốt đêm.
Hai ngày sau, lúc sáng sớm ngày 4 tháng 8, Đại tá Kaju Sugiura, chỉ huy trưởng Hải đội 4 Khu trục hạm, đạt giấy mời Yamagachi và tôi đến soái hạm của ông để dự một phiên họp. Đó là một buổi sáng đầy nắng. Chúng tôi dùng ca nô chạy đến khu trục hạm Hagikaze. Bàn ghế của buổi họp đặt trên sàn tàu, phía trên căng một tấm vải nhỏ để che nắng. Hai chúng tôi đến muộn hơn hết. Các hạm trưởng và sĩ quan thuộc các khu trục hạm khác có mặt trên tàu tiếp đón chúng tôi một cách thân mật. Đại tá Sugiura, huynh trưởng của tôi ở Eta Jima và đã tốt nghiệp Trường Tham Mưu Cao Cấp, sau khi chào hỏi mọi người, ông bắt đầu ngay phiên họp, Ông nói: "Thưa toàn thể quý vị, tôi rất vui mừng thông báo cùng quý vị rõ, chúng ta đã thành công mỹ mãn trong sứ mạng chuyển vận đến căn cứ Kolombangara vừa qua. Sự thành công này sở dĩ đạt được là nhờ sự cộng tác chặt chẽ của quý vị. Bộ Tư Lệnh Tối Cao Lục quân và Hải quân rất hài lòng, và nhờ tôi chuyển đến quý vị lời khen nồng nhiệt nhất. Đồng thời, thượng cấp ra lệnh tiếp tục công tác chuyển vận vào ngày mốt. Khu trục hạm Kawakaze sẽ thay thế khu trục hạm Amagari bị móp ở mũi vì chạm phải ngư lôi đĩnh của địch quân. Tôi yêu cầu quý vị cho biết ý kiến, và điều cần đề nghị tôi cũng rất mong quý vị nêu ra.
Nhìn chung quanh bàn họp, tôi nhận thấy toàn thể các hạm trưởng thuộc quyền Sugiura lắng nghe một cách bình thản. Không một ai đứng lên phát biểu ý kiến nhằm chống lại Đại tá Sugiura. Trong buổi họp, tôi là người duy nhất mang cùng một cấp bậc Đại tá, và cũng là một Hải đội trưởng, dù chỉ một chiếc, như Sugiura, nên tôi đứng dậy và lên tiếng:
"Thưa Đại tá, tôi hiểu Đại tá muốn nói gì khi bảo rằng chúng ta cần phải tiếp tục thi hành sứ mạng của chúng ta. Điều đó, thưa Đại tá, có phải Đại tá muốn nói rằng chúng ta cần phải thi hành công tác theo cùng một hải trình mà chúng ta đã sử dụng trong chuyến vừa qua?"
"Đúng vậy, thưa Đại tá Hara. Chúng ta cũng sẽ đi ngang qua Vịnh Vella và eo biển Blackett. Chúng ta xuống hàng tại căn cứ Kolombangara vào lúc 23h30 ngày mốt, y như lần trước chúng ta đã thực hiện."
"Xin lỗi Đại tá, tôi nghĩ rằng lặp lại một phương thức mà chúng ta đã sử dụng là một hành động không mấy khôn khéo. Chúng ta đã sử dụng hải trình ngang qua Vịnh Vvella hai lần rồi. Tôi tự hỏi chúng ta không thể sử dụng một hải trình khác được sao? Riêng eo biển Blackett đã là hải trình không an toàn, vì nó đầy dẫy đá ngầm và có những khoảng rất nông, đó là chưa nói đến chuyện phải qua eo biển Gizo như thế nào trước khi vào được Blackett mà không bị địch quân phát giác?"
"Thưa Đại tá Hara, tôi đồng ý quan điểm của Đại tá, nhưng tôi đã lỡ ban theo chỉ thị của thượng cấp. Do đó, việc thay đổi hải trình theo như Đại tá vừa nói, sẽ đưa đến việc thay đổi toàn bộ hệ thống liên quan đến công tác mà chúng ta đảm nhận, nhất là về phương diện liên lạc. Như Đại tá đã rõ, hệ thống liên lạc của Lục quân chúng ta vô cùng yếu kém. Nếu eo biển Blackett bất lợi đối với chúng ta thì nó cũng nguy hiểm đối với địch quân. Các ngư lôi đĩnh của địch có thể chạm vào đá ngầm trước khi chúng đương đầu với chúng ta."
Ba hạm trưởng của Đại tá Sugiura gật đầu nhè nhẹ, tỏ ra họ đồng ý những điều mà vị chỉ huy của họ vừa phát biểu. Những phản đề nghị của tôi rõ ràng đều bị tất cả mọi người có mặt trong buổi họp chống đối, ngoại trừ Yamagami. Tôi cảm thấy hơi choáng váng. Bên tai tôi lại văng vẳng những câu trong quyển tự truyện của Musashi Miyamoto"
"Lập lại một phương thức đã từng sử dụng quả là tệ hại, và còn tệ hại hơn nữa nếu lặp lại lần thứ ba....... Khi đối phương nghĩ mình đánh cao, mình đánh thấp. Khi đối thủ nghĩ thấp, mình sẽ đánh cao. Đó là bí quyết của kiếm thuật."
Đại tá Sugiura không phải là người xa lạ gì với tôi. Chúng tôi đã là bạn nhau từ nhiều năm nay. Ông được thượng cấp tín nhiệm và có nhiều biệt nhãn đối với ông. Có nhiều dấu hiệu cho thấy ông sẽ được thăng cấp Đề đốc. Một người có tương lai như vậy thì khi nào lại dám cãi lại mệnh lệnh của cấp trên đưa xuống.
Đại tá Sugiura phá tan sự im lặng và tiếp tục lên tiếng một cách rất hòa hoãn:
"Đại tá Hara, nếu Đại tá bằng lòng thì tôi sẵn sàng giao nhiệm vụ thám báo cho chiếc Shigure. Như vậy Đại tá sẽ được rảnh tay và khỏi phải lo lắng về vấn đề chuyển vận nặng nhọc. Nhiệm vụ này trước đây do chiếc Amagiri đảm trách và hiện được chiếc Kawakaze thay thế, nhưng thủy thủ đoàn của chiếc tàu này lại thiếu kinh nghiệm. Tôi mong rằng với tài khéo léo và kinh nghiệm sẵn có của Đại tá, Đại tá sẽ hoàn tất công tác một cách tốt đẹp trong nhiệm vụ thám báo."
Đây lại là một lời đề nghị chứng tỏ sự khôn khéo của Đại tá Sugiura. Ông ta muốn đẩy tôi, kẻ duy nhất chống đối lệnh hành quân, vào thế không thể từ chối trước một trách nhiệm quan trọng như vậy trong cuộc hành quân này.
Tất cả mọi người đều nhìn về tôi chờ xem sự phản ứng. Tôi trả lời một cách chân thành: "Tôi cảm ơn sự lưu tâm của Đại tá đối với tôi, nhưng rất tiếc tôi không thể nào chấp nhận sự đề nghị của Đại tá."
Tất cả những người tham dự trong buổi họp đều ngạc nhiên. Các hạm trưởng có mặt đều áy náy lúc nghe tôi trả lời như vậy. Tôi tiếp tục: "Khu trục hạm Shigure, một chiếc tàu chậm chạp, cũ kỹ, nhiều tuổi nhất trong số 4 khu trục hạm tham dự cuộc hành quân này. Bộ máy 42.000 mã lực của Shigure đã đến thời kỳ phải sửa chữa, do đó tôi sợ nó không đạt nổi tốc độ 30 hải lý. Giao nhiệm vụ thám báo cho nó thật không thích hợp chút nào. Tôi đề nghị nên giao nhiệm vụ này cho Trung tá Koshichi Sugioka, hạm trưởng khu trục hạm Arashi. Chiếc tàu của ông còn mới, và với dàn máy 52,000 mã lực, nó có thể đạt đến tốc độ 35 hải lý dễ dàng."
Trong lúc bầu không khí im lặng bao trùm buổi họp, Sugiora vẫn ngồi lặng lẽ và đôi mắt của ông ngó lặng chỗ khác. Cuối cùng, nột cách trầm tĩnh, Đại tá Sugiora đã phá tan bầu không khi im lặng với ý kiến nhân nhượng:
"Được rồi, thưa toàn thể quý vị, soái hạm Hagikaze sẽ đi đầu và lãnh nhiệm vụ thám báo. Tuy nhiên vẫn phải chia sẽ gánh nặng trong nhiệm vụ chở binh sĩ và đồ tiếp liệu. Ba chiếc Arashi, Kawakaze và Shigure theo sau, chiếc nọ cách chiếc kia 500m. Bằng lòng chưa, thưa Đại tá Hara?"
Tôi bằng lòng với sự xếp đặt này, vì nhận thấy Đại tá Sugiura chiều lòng tôi như vậy đã là quá mức. Buổi họp chuyển sang bàn cãi những vấn đề khác thuộc về chuyên môn.
Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ rời khỏi Rabaul vào sáng sớm để có thể đến được vùng luôn luôn nằm dưới mắt của trinh sát cơ địch xuất phát từ căn cứ Russells khi đêm xuống. Đại tá Sugiura cho biết rằng tầm hoạt động của phi cơ Hoa Kỳ tại căn cứ này là 300 dặm.
Tin tức của Đại tá Sugiura có lẽ đúng trước đây một tuần, nhưng chúng tôi không thể nào cứ cho rằng bây giờ những chiến đấu cơ địch không thể xuất phát từ căn cứ tiền phương của chúng ở Rendova. Căn cứ này bắt đầu hoạt động từ tháng 7. Ngoài ra, lực lượng chúng tôi còn có thể bị các tiềm thủy đĩnh địch phát giác. Tuy nhiên, điều này không đáng quan tâm mấy.
Cuộc họp này kéo dài 2 giờ. Tôi giữ thái độ im lặng và lo âu khi rời buổi họp về Shigure. Yamagari nói với tôi:
"Thưa Đại tá, tôi rất lấy làm khâm phục sự can đảm của Đại tá, qua những ý kiến mà Đại tá đã phát biểu trong buổi họp. Nhưng tôi e rằng tất cả những sĩ quan thuộc hải đội 4 sẽ không bao giờ lưu tâm đến quan điểm của Đại tá."
"Đây không phải chỉ là vấn đề can đảm mà tôi phải phát biểu trong buổi họp, như ý nghĩ của mọi người. Nhưng chính vì mạng sống của nhiều người mà tôi phải nói lên những điều đó. Cuộc hành quân thật ra rất vô lý, nhưng bây giờ tôi chỉ biết làm một việc đơn giản là cầu nguyện cho chúng ta được nhiều may mắn trong sứ mạng mà cấp trên giao phó."
Tôi luôn nghĩ đến buổi họp vừa qua với nỗi buồn sâu xa. Tôi sẽ không bao giờ khuất phục trước chính sách điên rồ của giới chỉ huy tối cao. Giả sử mà quan điểm của tôi được họ lưu ý đến thì hàng ngàn mạng người sẽ được cứu sống ở cuộc hành quân đang phát động và những cuộc hành quân sắp được phát động sau này. Tuy nhiên, tập đoàn chỉ huy tối cao của binh chủng Hải quân có khi nào lại chú ý đến quan điểm của tôi. Sau đó, tôi biết được những lời chống đối rất hữu ích của tôi trong cuộc họp kể trên còn tạo nên rất nhiều chỉ trích trong giới sĩ quan tại căn cứ Rabaul.
Vào 3h sáng ngày 6 tháng 8, chúng tôi rời căn cứ Rabaul tiến về hướng Nam. Mặt biển lặng sóng, bầu trời nhiều mây, thỉnh thoảng những cơn mưa luồng chợt đến, và xen vào đó là ánh nắng chiếu loáng thoáng từng khoảnh trên đại dương.
Lúc 14h30, chúng tôi di chuyển ngang qua đảo Boka. Một trinh sát cơ địch xuất hiện, nhưng rồi mất hút trong mây. Truyền tin của tôi cho biết vừa chặn bắt được một công điện được mã hóa. Có lẽ đây là công điện của phi cơ địch báo cáo hướng tiến của chúng tôi về bộ chỉ huy. Thật ra, cuộc hành quân này không làm cho địch quân phải ngạc nhiên.
Tôi tiếp tục theo dõi soái hạm Hagikaze, để xem Đại tá Sugiura đối phó với tình hình như thế nào. Tôi rất buồn lòng khi thấy chúng tôi vẫn tiếp tục đi theo một lộ trình, và với tốc độ như cũ, dầu rằng địch quân đã phát hiện chúng tôi. Tôi nghiến chặt răng và thi hành nhiệm vụ.
Lúc 19h, chúng tôi tiến vào eo biển Bougainville, xoay hướng 140 độ và gia tăng tốc độ lên 30 hải lý. Hai giờ hai mươi phút sau đó, chúng tôi tiến thẳng vào mặt Đông Bắc của đảo Vella Lavelle. Chiếc Shigure rơi về phía sau, chứng tỏ nó không đủ sức chạy mãi với tốc lực 30 hải lý. Sĩ quan hoa tiêu là Trung úy Toshiro Tsukihara báo cáo với tôi: "Thưa Đại tá, chúng ta ở mãi tuốt đằng sau chiếc Kawakaze đến 1000m, Làm thế nào gia tăng tốc độ để giữ khoảng cách 500m?"
"Không," tôi lớn tiếng, "như thế này được rồi. Thật là điên khùng để giữ khoảng cách 500m. Đừng bắt máy chạy nhanh hơn nữa."
Căn cứ Kolombangara hiện ra thấp thoáng ở mạn phải chiếc Shigure, với ngọn núi cao ngút bao phủ toàn mây đen. Ở mạn trái, tôi không nhìn thấy gì cả ngoài một màu đen kịt mà từ đó địch quân có thể xuất đầu lộ diện bất cứ lúc nào. Tôi cảm thấy hơi nao núng.
Tôi lớn tiếng ra lệnh: :"Sẵn sàng chiến đấu. Tất cả trọng pháo và ngư lôi nhắm về mạn trái, đặt súng ở tầm 3.000m, ngư lôi ở tầm sâu 2m, giác độ 20. Tăng cường gấp đôi các vị trí quan sát."
Mười phút năng nề trôi qua, tôi vẫn nhìn chăm chú về mạn trái xem coi có dấu hiệu hoặc chuyển động nào của địch quân hay không. Tầm nhìn của tôi không xa hơn 2.000m. Sự căng thẳng trên tàu chợt bị xé tan khi tiếng nói từ phòng kiểm soát vang lên qua ống liên lạc nội bộ. Đó là tiếng nói của Đại úy Doi hỏi tôi xem tất cả những ống phóng ngư lôi có phải di chuyển hết từ mạn phải sang mạn trái theo lệnh hay không?
Tôi la lên: "Không".
Và tiếp đó tôi giải thích rõ hơn: "Không di chuyển Doi, ở mạn phải nhìn rất rõ, chúng ta có thể nhìn thấy cả những lớp san hô của đảo Vella Lavella. Nhưng ở mạn trái, chúng ta không thể nào nhìn xa quá 2.000m, chúng ta không biết địch quân ở đâu mà mò. Hãy cứ giữ vị trí các ngư lôi như cũ và riêng hướng tả mạn, sẵn sàng phóng bất cứ lúc nào."
Tiếng nói của tôi chưa kịp dứt, quan sát viên Yamashita la lên: "Những làn sóng trắng! Những vật đen xuất hiện!... Rất nhiều chiếc tàu đang tiến về phía chúng ta!"
Lập tức, tôi ra lệnh cho tàu xoay hẳn về phía phải, đồng thời ra lệnh phóng ngư lôi vào các mục tiêu ở mạn trái. Bây giờ thì những vệt sóng trắng đã hiện rõ trên mặt đại dương. Tôi cảm thấy hơi nao núng, liếc nhìn về phía ba khu trục hạm dẫn đầu. Cả ba đang tiếp tục tiến về phía trước, như không để ý gì những chiến hạm địch đang đâm thẳng đến. Tôi chửi thề! Shigure của tôi vẫn còn lẽo đẽo tận mãi phía sau, cách chiếc Kawakaze đến 1500m. Khoảng 45 giây sau lệnh đổi hướng, Shigure vung sang mạn phải, ngay khi những quả ngư lôi được phóng ra và lướt nhanh trên mặt nước. Lúc đó là 21h45. Khi sắp ra lệnh phóng thêm 8 quả ngư lôi nữa, tôi chợt thấy nhiều quả ngư lôi xé nước chạy về phía chúng tôi. Quả ngư lôi gần nhất chỉ cách tàu chúng tôi 800m. Tôi ra lệnh cho chiếc tàu xoay cấp tốc về phía phải. Ngay lúc đó, tôi nhìn thấy một cột lửa bốc lên từ khoảng giữa khu trục hạm Arashi, và 2 cột lửa khác từ khu trục hạm Kawakaze. Riêng chiếc tàu dẫn đầu Hagikaze ở mãi tít đằng xa và chạy cùng hàng với hai chiếc tàu phát hỏa, nên tôi không hiểu được tình trạng nó ra sao.
Lúc quay nhìn xuống mặt nước, tôi nín thở. Ba quả ngư lôi lướt thẳng đến trước mũi Shigure, lúc chiếc tàu vừa quay về mạn phải. Tôi gần như muốn quỵ xuống, nhưng đã kịp nắm chặt vào tay vịn của đài chỉ huy. Quả ngư lôi đầu chỉ cách mũi tàu khoảng 20m, quả kế gần hơn, và quả thứ ba chắc chắn trúng chiếc tàu. Tuy nhiên, nó không trúng, hoặc nếu có trúng thì chỉ phớt nhẹ vào vỏ tàu lúc chiếc tàu đang xoay hướng nhanh chóng. Tôi mơ hồ nghe một tiếng động nhẹ phát ra từ phía sau chiếc tàu, nhưng không đoán ra là tiếng động gì. Nhìn chung quanh, một lần nữa tôi phát hiện nhiều quả ngư lôi đang lướt ngang phía trước mũi chiếc Shigure, cách chừng 30m hay xa hơn chút ít, lúc nó vừa xoay vòng tròn để tránh né một cách tuyệt vọng.
Tôi ra lệnh cho chiếc tàu xoay ngược: "Bẻ lái sang trái, nửa vòng!"
Khi một khu trục hạm đang chạy với tốc lực 30 hải lý một giờ, muốn guồng lái đáp ứng với tay lái phải mất một phút. Tôi nhìn quanh đầy lo ngại. May mắn thay, tôi không còn nhìn thấy quả ngư lôi nào nữa. Lúc này tôi mới có dịp nhìn đồng hồ. Bây giờ là 21h47. Hai phút ngắn ngủi vừa trôi qua là hai phút nghẹt thở nhất trong cuộc đời tôi.
Quan sát viên Yamashita thông báo một cách hân hoan là một trong số những quả ngư lôi do chúng tôi phóng đi đã nổ giữa đám tàu của địch quân. Đây là loạt khai hỏa đúng vào lúc mà toàn thể thủy thủ và sĩ quan thuộc khu trục hạm Shigure đang lo lắng không biết lúc nào chiếc tàu thân yêu của mình bị trúng ngư lôi địch.Tuy nhiên, niềm vui này không dài lâu khi chúng tôi nhận thấy hình như không một chiến hạm nào của địch bị trúng ngư lôi của chúng tôi.
Sau đó, mọi người đoan chắc rằng sở dĩ quả ngư lôi phát nổ vì chạm phải sóng mạnh do tàu địch gây ra, bởi lẽ loại ngư lôi Oxygen rất bén nhạy.
Đêm đó, địch quân đã tránh né loại ngư lôi tối tân của Nhật một cách tài tình. Tôi đinh chắc thế nào một số ngư lôi mà chúng tôi phóng ra cũng trúng đích, nhưng các khu trục hạm địch đã kịp thời quay 90 độ hướng về phía Đông thật đúng lúc để lẩn tránh.
Lực lượng Hải quân Hoa Kỳ đang hoạt động gần Bougainville này là lực lượng đặc nhiệm 312 do Trung tá Frederick Moosbrugger chỉ huy, bao gồm Hải đội 12 Khu trục hạm với các chiếc Dunlap, Craven và Maury, cùng Hải đội 15 Khu trục hạm với các chiếc Lang, Sterrett và Stack.
Tôi liên lạc với phòng truyền tin hỏi xem có tin tức gì của các khu trục hạm Nhật khác hay không. Tôi được trả lời ngay: "Tin nhận được cho biết khu trục hạm Arashi và Kawakaze đã trúng ngư lôi địch. Không biết tin tức gì về khu trục hạm Hagikaze."
Sau khi ra lệnh phải cố giữ liên lạc thường xuyên với các tàu bạn, tôi cho Shigure phun một màn khói để che dấu hoạt động của chúng tôi. Tôi phân vân không biết phải làm gì nữa đây. Trong lúc đó, chiếc Shigure đang chạy thẳng về hướng Tây bắc, rời khỏi khu vực chiến đấu. Kiểm điểm lại tình hình, tôi nhận thấy địch quân đã mở một cuộc phục kích chúng tôi rất thần tình, và vào lúc ấy chiếc Shigure ở vào một tình thế bất lợi thấy rõ. Tôi nhớ lại cái đêm ở Guadalcanal trước đây, một mình chiếc khu trục hạm của tôi đương đầu với cả một đoàn tàu địch, và đã đánh chìm khu trục hạm Barton. Bây giờ thì tình thế đã đổi khác. Địch quân đã tiến thẳng vào tàu tôi và không phải một mình chiếc tàu tôi chống trả địch quân. Xét đoán hướng tiến của các ngư lôi địch, tôi nhận thấy các chiến hạm địch đã khai hỏa trong sự phối hợp chặt chẽ. Hai khu trục hạm Arashi và Kawakaze bị trúng đạn đã gây sửng sốt cho tôi. Trước đây, tôi chưa bao giờ thấy chiến hạm nào của địch quân phóng ngư lôi tài tình như vậy. Ngẫu nhiên, tôi đã khám phá ra kỹ thuật phóng ngư lôi của địch quân.
Đêm nay, lực lượng Hải quân Hoa Kỳ đã nắm được đầy đủ lợi thế. Tôi không thể nào tháo chạy, bỏ mặc các tàu bạn, cho dù tôi biết không thể nào chống chọi lại với một lực lượng địch quân vượt trội như vậy. Khu trục hạm Hagikaze biệt tăm, chỉ mong rằng may ra nó vẫn còn nổi được trên mặt biển. Tôi ra lệnh chuẩn bị lại các dàn ngư lôi, và cho thủy thủ đoàn biết Shigure sẽ quay lại để đánh tiếp. Đúng 21h51, chúng tôi quay tàu lại. Một phút sau đó, một màn hỏa lực giăng cách phía trước chúng tôi khoảng 3 dặm. Những ánh đèn pha và đèn rọi tìm địch rực sáng cả bầu trời. Địch quân đang pháo kích các khu trục hạm đã thấm đòn của chúng tôi.
Trong lúc chiếc Shigure tiến về phía trước, nơi đang xảy ra cuộc pháo kích, tôi gọi phòng truyền tin hỏi xem có liên lạc được với các khu trục hạm hay không và đồng thời ra lệnh cho mọi người sẵn sàng tham chiến, nhưng không một ai lên tiếng. Ngay lúc đó, tôi nhận ra hướng tiến của chiếc Shigure không được chính xác. Tôi nhớ chực lại tiếng động khác lạ mà tôi đã nghe trước đó. Mãi đến 4 tháng sau, khi chiếc Shigure vào ụ nổi để sửa chữa, tôi mới hiểu nguyên do gây ra tiếng động này. Gần buồng máy của chiếc tàu có một lỗ thủng khoảng chừng 2 tấc: một quả ngư lôi Mỹ đã chọc thủng, nhưng không nổ, và dính luôn vào đó.
Trên đài chỉ huy, tôi đang sống trong một trạng thái cực kỳ lo lắng. Với số lượng 250 binh sĩ và nhiều tấn dụng cụ chất lên boong tàu, làm sao chiếc Shigure có thể đơn thân độc mã chống trả với một kẻ thù vượt trội còn nguyên vẹn? Tại Guadalcanal, tôi đã vấp phải 3 lỗi lầm khiến cho 43 thủy thủ thiệt mạng. Không biết tôi sẽ phạm thêm bao nhiêu lỗi lầm trong tình cảnh này? Và sẽ có bao nhiêu người thiệt mạng vì những lỗi lầm đó?
Shigure vẫn tiếp tục tiến tới khu vực chiến đấu. Hỏa lực của địch thình lình ngưng hẳn vào lúc 22h10. Khu vực chìm khuất trong bóng tối. Dường như cả ba khu trục hạm đã biến mình vào lòng đại dương rồi. Kẻ chiến thắng chắc chắn đang nằm chờ trong bóng tối để bất thần nhảy ra vồ lấy chiếc Shigure. Ngay sau khi cố tạo lần liên lạc cuối cùng với các khu trục hạm bạn nhưng không được trả lời, tôi ra lệnh rút lui vào lúc 22h15. Đây là một quyết định rất đau lòng, nhưng không có sự chọn lựa nào tốt hơn.
Tôi thông báo về căn cứ Rabaul rằng chúng tôi đã rút khỏi địa điểm xảy ra trận chiến và yêu cầu ở đây cho chỉ thị. Tổng hành dinh trả lời tức khắc: "Quay về căn cứ. Yêu cầu lực lượng ở Kolombangara tìm cách tiếp cứu những người còn sống sót."
Như vậy là trận đánh đã kết thúc và địch quân đã chiến thắng vẻ vang. Ba khu trục hạm Nhật bị đánh chìm, 700 thủy thủ và 820 binh sĩ bộ binh có mặt trên 3 chiếc tàu này chỉ còn sống sót 310 người, trong số đó có Đại tá Sugiura. Hơn 30 giờ sau khi tàu chìm, ông ta trôi dạt vào bờ và đi lạc trong rừng rậm suốt một tuần lễ trước khi được toán tìm kiếm giải cứu.
Vào ngày 20 tháng 8, tôi rất đau lòng và hổ thẹn khi thấy Sugiura trở về căn cứ Rabaul trong một thân xác gầy yếu. Những người sống sót đã thuật lại cảnh tượng khủng khiếp của trận đánh mà họ đã tham dự. Hai quả ngư lôi đã trúng vào chiếc Hagikaze, hệ thống liên lạc của chiếc tàu này bị cắt đứt ngay lập tức. Chiếc Arashi lĩnh 3 quả ngư lôi và chiếc Kawakaze lĩnh hai quả. Đó là một trong những thành tích phóng ngư lôi chính xác nhất của người Mỹ trong lịch sử các trận hải chiến.
Quả ngư lôi thứ tám của địch quân trúng vào phòng máy của khu trục hạm Shigure. Cũng nhờ vào sự may mắn chứ không thì nó cũng chịu chung số phận với 3 khu trục hạm bạn thuộc Hải đội 4 Khu trục hạm. Trận chiến kể trên chứng tỏ lực lượng Hải quân Hoa Kỳ đã tiến bộ rất mau lẹ trên mọi phương diện, gây kinh ngạc cho tất cả chuyên viên của Nhật Bản, những người từ trước đến nay tỏ ra xem thường sự hữu hiệu của ngư lôi địch quân.
Không cần phải đợi mãi đến sau khi chiến tranh chấm dứt , được đọc những bài viết về trận đánh này, tôi mới hiểu tại sao địch quân đã chiến thắng. Tất cả khu trục hạm của chúng tôi đã chui vào cái bẫy được địch quân khéo léo giăng ra, lợi dụng vào địa thế của dãy núi Kolombanga.
Hoa Kỳ đã biết được chúng tôi sẽ lên đường vào sáng sớm và đã theo dõi chúng tôi suốt ngày hôm đó. Sáu khu trục hạm của họ đã rời khỏi căn cứ Tulagi lúc 9h30. Các khu trục hạm này đã được trinh sát cơ thông báo đầy đủ diễn tiến hoạt động của chúng tôi. Địch quân biết chúng tôi hướng về Vịnh Vella. Từ Vịnh họ đã thấy chúng tôi trên màn hình radar ở khoảng cách đến 10 dặm. Lúc đó chiến hạm địch bèn chia thành hai nhóm, mỗi nhóm 3 chiếc. Ba chiếc Dunlap, Craven và Maury có nhiệm vụ ra tay trước, còn 3 chiến hạm khác chờ đợi để khi nào cần sẽ tiếp tay đồng bọn dứt điểm mục tiêu. Nhưng 3 chiếc tàu trước đã phóng ngư lôi một cách rất chính xác nên nhóm thứ nhì không cần phải hành động.
Chiến thắng của Hoa Kỳ có lẽ sẽ được trọn vẹn hơn nếu họ tiếp tục truy đuổi chiếc Shigure. Nhưng vì màn khói đen do chúng tôi tạo ra khá hữu hiệu, đến nỗi khiến cho địch quân tưởng lầm chiếc Shigure đã trúng ngư lôi và chìm rồi. Sau chiến thắng này của Hoa Kỳ, Bộ Tư Lệnh Tối Cao Nhật không bao giờ còn dám sử dụng ngõ Vịnh Vella để tiến đến căn cứ Kolombangara nữa.
Khu trục hạm Shigure trở về căn cứ Rabaul vào đêm 7 tháng 8. Lúc đó Tổng hành Dinh ở đây rất náo động. Chiến bại của chúng tôi tại Munda vào ngày 4, và tiếp liền sự thảm bại không ai ngờ tại Vịnh Vella đã làm mọi người xúc động. Từ Munda xuyên qua eo biển Blankett nhỏ hẹp là khu vực phòng ngự chính của Nhật Bản bảo vệ quần đảo Solomon và căn cứ Kolombangara. Tôi có thể hiểu được tại sao các khu trục hạm của địch quân đụng đầu với chúng tôi ở Vella đã quyết đánh tan chúng tôi. Họ không muốn chúng tôi sử dụng hải trình này nữa, và họ đã thành công.
Phó Đô đốc Tomoshige Samejima, Tư lệnh Đệ Bát Hạm Đội đã tiếp đón chúng tôi với khuôn mặt dầu dầu, nhưng ông đá động gì đến công tác vừa qua của tôi. Ông tỏ ra hối hận đã đưa các khu trục hạm của Hải đội 4 Khu trục hạm vào bẫy, vì đã điên rồ lặp đi lặp lại lần thứ hai một chiến thuật đã được sử dụng.
Lúc tôi quay trở về thì 250 bộ binh và đồ đạc của họ đã chuyển hết lên bờ. Hầu hết số binh sĩ này đều đau ốm trầm trọng sau 40 giờ chen chúc nhau ở dưới hầm tàu. Họ la lên vui mừng khi được đặt chân xuống đất liền. Họ biết vừa thoát khỏi tay tử thần trong đường tơ kẻ tóc, nên trước khi ra đi tất cả đều cung kính chào giã biệt chiếc Shigure và thủy thủ đoàn. Điều này khiến tôi nghĩ rằng quyết định mà tôi đã chọn lựa là một quyết định đúng.
Tôi cho các thủy thủ được nghỉ ngơi qua hết ngày hôm sau, và cho phép họ lên bờ mỗi lần một phần ba tổng số thủy thủ đoàn. Đây là lần nghỉ ngơi thật sự và đầu tiên của họ. Khi nhìn thấy Trung sĩ Yamashita, quan sát viên đã phát hiện tàu địch, trong nhóm thủy thủ đầu tiên được phép lên bờ, tôi gọi anh ta vào phòng. Tôi trao anh ta chiếc đồng hồ đeo tay bằng bạc của tôi và nói: "Anh đã làm được một việc lớn. Tôi muốn anh nhận cái này. Nó không đáng giá bao nhiêu, tôi đã mua nó cách đây 20 năm tại thương xá Wanamaker ở thành phố NewYork."
Trung sĩ Yamashita từ chối: "Thưa Đại tá, tôi không dám nhận một vật có nhiều ý nghĩa đặc biệt đối với Đại tá. Tôi chỉ làm nhiệm vụ của mình thôi. Nếu hành động của tôi được khen thưởng thì tôi mong rằng sự khen thưởng đó phải do Bộ Tư Lệnh Tối Cao."
"Nhận chiếc đồng hồ này và đừng bàn cãi gì thêm nữa Yamashita. Bộ Tư Lệnh Tối Cao sẽ không bao giờ cho anh cái gì đâu. Ngay cả quả ngư lôi của chúng ta đã trúng tàu địch mà họ còn không tin, bởi lẽ việc này chỉ có anh là nhân chứng duy nhất mà thôi."
"Ồ, thưa Đại tá, họ không tin là sai. Tôi thấy quả ngư lôi đã trúng ngay khi tàu địch vừa tiến đến chúng ta. Trong suốt đời tôi, tôi chưa hề biết nói láo, và tôi sẽ đánh vào mặt kẻ nào cho tôi là nói láo."
"Nào lại đây, Yamashita. Bây giờ anh biết phải làm gì. Quên chuyện đó đi. Hãy lên bờ và vui chơi thỏa thích."
Tôi nhét chiếc đồng hồ vào trong túi Yamashita. Anh ta hơi bối rối một chút, nhưng sau đó nở một nụ cười trên môi, và cáo từ.
Tôi buông mình xuống ghế. Một công việc khó khăn đang chờ tôi. Tôi phải viết một bản báo cáo với đầy đủ chi tiết về trận hải chiến tại Vịnh Vella. Tôi muốn viết một cách ngay thẳng đồng thời tôi muốn bênh vực cho các đồng nghiệp tôi. Tôi phải mất nhiều giờ mới viết xong bản báo cáo.
Tôi bước ra boong tàu để nghỉ xả hơi. Toán thủy thủ lên bờ đầu tiên đang lần lượt trở về. Tôi thấy trung sĩ Yamashita đứng riêng rẽ, quần áo nhàu nát, mặt sưng vù và đôi mắt bầm tím. Tôi gọi Yamashita hỏi xem chuyện gì đã xảy ra. Anh ta ấp úng nói: "Thưa Đại tá, Không có gì cả. Tôi trượt chân và té nhào xuống đất."
"Anh đã nói với tôi sáng nay rằng anh không hề nói dối, vậy thì anh đừng làm tôi giận ."
"Xin lỗi Đại tá, đây là lần đầu tiên tôi nói dối. Tôi gây lộn với một vài người ở trên bờ, nhưng không ai đánh tôi cả."
"Anh vào phòng tôi ngay, tôi muốn biết chuyện gì đã xảy ra."
Gã trẻ tuổi lòng đầy tự phụ này bước theo tôi như một con cừu non. Vào phòng, tôi yêu cầu anh ta giải thích đầy đủ chuyện vừa xảy ra."
"Thưa Đại tá, tôi uống đâu được vài ly và có lẽ đã chuếch choáng nên tôi khoe chiếc đồng hồ mà Đại tá vừa thưởng tôi. Lúc đó, có mấy thằng chó đẻ bảo rằng chiếc khu trục hạm Shigure đã rút lui một cách nhục nhã và hành động này làm mất thể diện cho binh chủng Hải quân. Lại có thằng vào hùa nói rằng Hải đội 27 Khu trục hạm gồm toàn một lũ biếng nhác không làm nên trò trống gì cả. Lúc đó tôi giận run người và tôi đã dần chúng một trận nên thân. Đồ quân đẻ hoang."
"Thật tội cho anh, Yamashita. Anh không nghĩ những gì mà chiếc khu trục hạm Shigure đã làm là sai lầm sao?"
"Không, thưa Đại tá. Tôi luôn luôn tin rằng những quyết định của Đại tá là hoàn toàn đúng. Đó chính là lý do tại sao mấy thằng chó đẻ đó đã làm tôi điên tiết lên."
"Anh phải lờ đi, đừng để ý gì đến họ cả. Nhiệm vụ của chúng ta đến đây là đánh kẻ thù chứ không phải đánh người cùng quê hương xứ sở với chúng ta. Đừng bận tâm đến việc này nữa. Hay lo săn sóc vết thương của anh đi. Lần sau anh sẽ hiểu biết hơn."
Kể từ sau trận đánh ở Vịnh Vella, bầu không khí trên khu trục hạm Shigure hoàn toàn thay đổi. Sau đêm đó, tinh thần của thủy thủ đoàn lên cao, họ tỏ ra kiêu hãnh và đoàn kết. Trên mọi khuôn mặt không còn thấy những nét khờ khạo và ngu đần nữa. Họ đã chứng tỏ rằng họ có đầy đủ sự can đảm và tin tưởng để sẵn sàng tham dự trận đánh khác. Và trận đánh này xảy ra không lâu sau đó.
Người Mỹ tiếp tục bước tiến của họ. Họ thực hiện một cuộc hành quân đổ bộ mới vào ngày 15 tháng 8 tại Biloa, nằm gần cực Nam Vịnh Vella. Cuộc đổ bộ mới này xảy ra cùng với cuộc đổ bộ khác tại Munda trước đó đã tạo thành một gọng kềm xiết chặt 12.000 quân trú phòng của chúng tôi ở Kolombangara. Bộ Tư Lệnh Tối Cao Nhật đã phản ứng bằng cách tung toàn bộ không lực vào vùng Biloa, đồng thời tăng cường lực lượng trên bộ tại Horaniu, trên Vịnh Vella Lavella, để phản công bất kỳ cuộc đổ bộ mới nào của quân địch.
Vào sáng sớm ngày 16 tháng 8. Yamagami và tôi tham dự một phiên họp trên khu trục hạm Sazanami, dưới quyền chủ tọa của Tư Lệnh Hải đội 3 Khu trục hạm, Đề đốc Matsuji Ijuin. Trong phiên họp này, Ijuin tuyên bố sẽ đích thân chỉ huy cuộc hành quân Horaniu.
Đề đốc Ijuin nói: "Khi được lệnh chỉ huy cuộc hành quân này, tôi đã van nài Bộ Tư Lệnh Hải quân hãy đình chỉ sử dụng các khu trục hạm vào công tác chuyển vận. Theo đó, các khu trục hạm của chúng ta chỉ sử dụng đơn thuần vào nhiệm vụ hộ tống mà thôi. Lực lượng hộ tống kể từ một năm nay không bao giờ dưới 8 khu trục hạm, nhưng hiện tại chúng ta phải chấp nhận sử dụng 4 chiếc, bởi vì những cuộc đụng độ trong những tháng vừa qua đã khiến cho con số hao hụt gia tăng quá cao. Nhưng tôi đã hài lòng với 4 khu trục hạm xuất sắc này, vì tôi biết rằng khả năng chiến đấu của chúng tương đương với khả năng chiến đấu của 8 khu trục hạm."
"Ijuin yêu cầu tôi kết thúc phần họp bằng cách trình bày sơ lược các diễn biến xảy ra tại Vịnh Vella. Ông và các sĩ quan khác ngồi nghe chăm chú. Khi tôi dứt lời, ông ta tiếp:
"Tôi sẽ hết sức lưu ý những nhận xét của Đại tá Hara vừa nêu ra, và tôi cũng mong toàn thể quý vị hiện diện ở đây hãy học hỏi những kinh nghiệm quý báu mà Đại tá Hara đã thu thập được trong trận chiến vừa qua, và hãy ghi nhớ sự thận trọng và mềm dẻo của ông trong lúc thi hành công tác. Trong cuộc hành quân sắp phát động, nhiệm vụ của chúng ta là phải bảo vệ đoàn tàu chở tiếp liệu chứ không phải đi tìm tàu địch để đánh. Tôi không chấp nhận sự ương ngạnh đã từng gây ra những thiệt hại cho binh chủng Hải quân của chúng ta.
Không ai dám bàn ra tán vào khi Đề đốc Ijuin cho rằng 4 khu trục hạm sắp tham dự vào cuộc hành quân là những chiếc tốt nhất tại Rabaul. Chiếc Shigure của tôi là chiếc tàu duy nhất thuộc hẳn vào lớp cũ. Còn khu trục hạm Hamakaze, người hùng của trận chiến ngày 13 tháng 7 tại Vịnh Kula, là một trong nhữn tàu chiến hiếm hoi của Nhật Bản trong thời gian này được trang bị radar. Hamakaze cùng với chiếc đàn chị Isokaze họp thành hải đội 17 Khu trục hạm do Đại tá Toshio Miyazaki chỉ huy. Cả 3 khu trục hạm vừa nói và soái hạm của Đề đốc Ijuin, chiếc Sazanami, là lực lượng hộ tống trong cuộc hành quân. Lực lượng nhỏ bé này có thể hãnh diện vì được cả một vị Đề đốc tài giỏi và 2 vị Đại tá điều động. Hơn nữa, Đề đốc Ijuin đã mềm dẻo trao toàn bộ quyền hành đông cho các Đại tá của ông ta, để họ tự do thu xếp công việc. Và Đề đốc Ijuin cũng được Bộ Tư Lệnh Hải quân cho phép hành động tự do, việc này chứng tỏ rằng thượng cấp rất quan tâm đến sự thất bại vừa qua tại vịnh Vella.
Bốn Khu trục hạm rời khỏi căn cứ Rabaul vào lúc 3 giờ sáng ngày 17 tháng 8 chạy về hướng Nam, tiến đến điểm hẹn với đoàn tàu vận chuyển gồm 20 chiếc cỡ nhỏ. Những tàu chuyển vận này đã khởi hành cùng ngày, lúc 10h27, từ căn cứ Buin và Bougaville, mang theo 400 quân tăng cường cho căn cứ Horaniu.
Khi chúng tôi rời khỏi căn cứ Rabaul khoảng 100 dặm thì truyền tin chủa chúng tôi bắt được một công điện phát ra từ một chiếc phi cơ bay gần đó. Như vậy là địch quân đã biết động tĩnh của chúng tôi, Ijuin tức khắc liên lạc về căn cứ không quân tại Buin yêu cầu tăng cường gấp đôi số phi cơ.
Lúc 11h30, khi chúng tôi nhìn thấy Bougainville thấp thoáng ở chân trời Tây Nam, một trong những trinh sát cơ gửi báo cáo đầu tiên về cho chúng tôi: " Ba khu trục hạm lớn của địch rời khỏi eo biển Gizo trực chỉ Biloa."
Nguồn tin này được chúng tôi cảm nhận với nhiều cảm nghĩ lẫn lộn khác nhau. Riêng tôi đã thấy nhẹ nhõm, vì ít ra chúng tôi cũng biết được chút ít địch tình. Như vậy là khá hơn cuộc hành quân lần trước của chúng tôi nhiều. Trong cuộc hành quân vừa qua, chúng tôi đã tiến mà không biết một chút gì thế trận của địch thủ.
Tất cả chiến hạm của chúng tôi đều gia tăng tốc độ đến 28 hải lý, hướng về eo biển Bougainville. Chúng tôi phải tiến mau, vì e rằng lực lượng của địch sẽ làm thịt đoàn tàu chuyển vận không có hộ tống đang tiến chậm chạp dọc theo bờ biển Choseul.
Mặt trời lặn đúng lúc chúng tôi vượt qua eo biển Bougainville. Thời tiết xấu đã che khuất vầng trăng tròn. Mây sà thấp ở cao độ 1.600 bộ, cách ba dặm không nhìn thấy gì cả. Thời tiết này nghiêng phần lợi về phía đối phương, vì họ có hệ thống radar tối tân. Chúng tôi đã từng biết qua khả năng siêu việt của loại radar này.
Lúc 21h, Vịnh Vella Lavella hiện ra lờ mờ ngay phía trước mặt. Chúng tôi đang tiến gần đến đích. Sự im lặng đầy căng thẳng chợt bị vỡ tan bởi tiếng hét của quan sát viên Yamashita: "Phi cơ địch xuất hiện." Bóng dáng chói lòa của chiếc phi cơ vượt ngang qua nền trời và mất hút trong những đám mây tầm thấp. Thình lình, một chiếc phi cơ khác, hình như là loại oanh tạc cơ Avenger, chui ra khỏi cụm mây và thả một trái pháo sáng ngay trên chiếc Shigure.
Chúng tôi lập tức tách khỏi đội hình và phân tán trong khi tất cả mọi loại súng đều nhả đạn lên phi cơ địch. Tôi cho tàu chạy chữ chi với vận tốc 30 hải lý, đồng thời tạo màn khói bao che. Các khu trục hạm chạy sau cũng làm giống như Shigure.
Một oanh tạc cơ khác của địch lại rời khỏi đám mây, chúi mũi thẳng xuống chiếc Sazanami, đến nỗi gần như đụng các tháp khi lướt ngang qua. Nhiều quả bom được thả xuống.
"Oanh tạc nhảy", tôi nghĩ thầm trong bụng, và nắm chặt tay một cách bối rối. Trong suốt 5 tháng vừa rồi, kể từ ngày tôi nghe đến phương thức tấn công mới này bằng phi cơ, tôi như sống thường xuyên trong những cơn ác mộng. Tôi moi óc tìm phương cách chế ngự các cuộc tấn công như vậy, nhưng tôi đã phí công vô ích.
Tuy nhiên, những quả bom nhắm vào chiếc Sazanami không nhảy. Chúng rơi xuống theo lối thông thường, nghĩa là giữ nguyên vị trí được thả xuống chứ không nhảy đến mục tiêu. Nhiều cột nước trắng xóa tung lên quanh chiến hạm Sanazami. Súng đặt trên chiến hạm này phản ứng kịp thời, tất cả đều nhắm vào chiếc oanh tạc cơ nhưng không trúng. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi nhận thấy không chiến hạm nào của chúng tôi bị thiệt hại. Phi cơ địch bay đi mất. Nhưng biết đâu nhóm phi cơ khác không bay đến tấn công chúng tôi một lần nữa? Xa phía trước, chúng tôi nhìn thấy đoàn tàu mà chúng tôi phải bảo vệ. Có lẽ phải mất chừng một giờ nữa chúng tôi mới tiến được gần đoàn tàu đó. Tôi cố nghĩ cách chống lại nếu một khi các phi cơ địch đến nhiều hơn. Nhưng những ý nghĩ này bị đứt đoạn bởi tiếng la khác của quan sát viên Yamashita. Lần này hai phi cơ địch xuất hiện.
Một oanh tạc cơ hai cánh quạt chúi mũi xuống soái hạm Sanazami chạy dẫn đầu, và chiếc còn lại nhắm vào khu trục hạm Shigure chạy sau cùng. Tất cả mọi loại súng đều cất tiếng chào mừng viên phi công gan dạ khi hắn bay qua giữa những tháp của chiếc Shigure để thả những "quả trứng giết người". Một số đạn cao xạ của chúng tôi đã trúng chiếc phi cơ này. Cánh trái của chiếc phi cơ tóe lửa và không thấy xuất hiện lại nữa.
Khi các quả bom đều tránh né chiếc Shigure, tôi quay nhìn về phía soái hạm Sazanami. Chiếc tàu này đã tạo một màn khói bao che dày đặc. Tôi biết nó cũng đã thoát khỏi cú đấm của mấy tên phi công gan lì. Tính ra, trên đoạn hải trình vừ chạy vừa đánh này, chúng tôi đã phải chịu đựng tất cả 8 oanh tạc cơ tấn công, kéo dài cho đến lúc chúng tôi tiến vào Vịnh Vella. Sau khi chiếc cuối cùng trong các oanh tạc cơ địch bay khỏi, bóng dáng đen thẫm khác thường của quần đảo Kolombangara hiện ra ở phía Đông, ngay trước mặt chúng tôi. Mọi vật lại chìm trong màn đêm kỳ dị. Có lẽ chúng tôi bước vào bẫy rập khác chăng?
Phòng truyền tin thông báo: "Soái hạm Sazanami ra lệnh xoay 180 độ về hướng Tây, vì hướng hiện thời không thấy rõ Kolombangara."
Tôi tuân theo lệnh một cách hài lòng, và cho chiếc Shigure xoay hướng tức khắc. Ba khu trục hạm của chúng tôi chạy sát nhau, cùng tiến về hướng Tây. Chúng tôi di chuyển được khoảng 30 dặm thì chiếc Sazanami báo hiệu cho chúng tôi biết: "Bốn chiến hạm địch đang di chuyển ở hướng 190 độ, cách xa 15.000m."
Lệnh xoay hướng của Đề đốc Ijuni đã cứu chúng tôi thoát khỏi cuộc phục kích của địch quân.
Soái hạm Sazanami vẫn tiếp tục ra lệnh bằng đèn hiệu: "Chạy theo đội hình chiến đấu. Chuẩn bị một cuộc tấn công bằng ngư lôi ở mạn trái."
Sau này Đề đốc Ijuin đã nói với chúng tôi rằng ông rất vui mừng lúc biết được địch quân đang truy đuổi chúng tôi. "Sau chiến thắng ngày 6 tháng 8. Tôi chắc chắn địch quân đã quá tự tin nên sẽ không bao giờ để ý đến những chiếc tàu không có hộ tống của chúng ta. Họ muốn so tài tay đôi với các chiến hạm Nhật. Tôi ra lệnh tiến về hướng Bắc là nhằm để lừa địch quân phải chấp nhận một cuộc chiến cách xa đoàn tàu chuyển vận của chúng ta."
Lúc 22h32, tất cả khu trục hạm của chúng tôi xoay 45 độ, và tiến về phía Tây Bắc, trong lúc mọi cặp mắt đều chăm chú quan sát mọi động tĩnh của đối phương. Lệnh đổi sang "đội hình chiến đấu" khiến cho vị trí của các khu trục hạm cũng thay đổi. Bây giờ khu trục hạm Hamakaze có trang bị radar chạy ở vị trí gần địch quân nhất, với sự bao che của hai chiếc Hamakaze và Shigure ở mạn bắc, cách 1.000m.
Địch quân vẫn tiến về phía Đông Bắc, chứng tỏ họ chưa phát giác việc đổi hướng bất ngờ của chúng tôi. Khoảng cách giữa chúng tôi và đối phương càng lúc càng rút ngắn lại. Lúc 22h40, một trái pháo sáng rực rỡ hai màu xanh và trắng, treo lơ lửng trên đoàn tàu của địch quân. Đây là ám hiệu của một trong những trinh sát cơ của chúng tôi, có ý nghĩa: "Tàu của địch quân là loại khu trục hạm."
Đoàn tàu của đối phương bắt đầu đổi hướng một cách mau lẹ để chạy về hướng Tây. Điều này khiến cho Ijuin kinh ngạc, vì ông biết như vậy là địch quân đã hủy bỏ cuộc truy đuổi các khu trục hạm của ông. Điều này có nghĩa là địch quân đổi ý xoay sang tấn công những chiếc chuyển vận hạm không được bảo vệ của chúng tôi.
Lập tức, Ijuin ra lệnh cho tất cả các chiến hạm của ông xoay 90 độ về hướng Tây Nam và thi đua tốc độ với chiến hạm của địch quân. Vài phút sau, mọi người đều hiểu rằng tất cả các khu trục hạm của chúng tôi không tài nào bắt kịp chiến hạm địch trước khi chúng "phóng hỏa" đốt những chiếc tàu không có lực lượng yểm trợ của chúng tôi.
Ijuin ra lệnh: "Phóng tất cả ngư lôi tầm xa." Ông đã ước định khoảng cách giữa soái hạm Sanazami và lực lượng đối phương chừng 8.000m. (Nhưng, theo tôi, khoảng cách có thể xa hơn 10.000m. Qua khoảng cách xa như vậy , ngư lôi được phóng ra khó có thể trúng đích.) Tất cả chiến hạm Hoa Kỳ gần như chạy song song, với tốc độ 30 hải lý có hơn. Do đó, tai họa thế nào cũng sắp xảy ra. Ijuin vội vã ra lệnh phóng tất cả ngư lôi. Vào lúc 22h52, tất cả ngư lôi đều hướng vào mục tiêu với tốc độ kinh hồn, cách sâu 2m dưới mặt biển. Một trong 23 quả ngư lôi Oxygen được phóng ra trên nửa đường đến mục tiêu bỗng nhảy vọt cao lên khỏi mặt nước, làm tung lên những cuộn sóng trắng xóa có thể nhìn thấy rõ trong màn đêm, giống như tia sáng của đèn hiệu trên boong tàu. Nhóm chiến hạm địch cũng đã trông thấy những cuộn sóng nên vội vàng xoay qua mạn phải. Do đó, tất cả ngư lôi của chúng tôi đều sai đích.
Qua ống nhòm, Đề đốc Ijuin bình thản nói: "Tránh né tài tình! Nhưng dù hoang phí ngư lôi, ít ra chúng ta cũng đã lôi địch quân xa khỏi đoàn convoy."
Vào lúc 22h55 phút, soái hạm Sanazami phóng tất cả 8 quả ngư lôi còn lại. Bảy ngàn mét vẫn còn là khoảng cách khó có thể trúng đích, nhưng Đề đốc Ijuin đâu cần để ý chuyện trúng trật. Địch quân phản ứng bằng cách xoay nhanh về phía phải, và một lần nữa, các ngư lôi của chúng tôi thành hoang phí.
Ijuin ra lệnh: "Mọi loại súng đều khai hỏa."
Hai khu trục hạm Sanazami và Hamakaze tiến về phía trước như vũ bão và đồng loạt khai hỏa mọi loại súng. Nhưng vì không sử dụng đèn rọi tìm địch, tất cả hỏa lực đều không thể nào nhắm trúng đích được. Hơn nữa khoảng cách quá xa đối với loại súng 127mm nhỏ bé của Nhật.
Isokaze và Shigure cũng tiến về phía trước, nhưng không khai hỏa. Hai lực lượng đối nghịch càng lúc càng sáp gần lại nhau. Lúc 22h59, tôi ra lệnh: "Sẵn sàng 4 quả ngư lôi, mục tiêu mạn trái,"
Ngay lúc đó, chiếc Shigure bị đạn trọng pháo của địch bao vây, rơi nổ cách khoảng chừng 20 đến 40m. Những cột nước dâng cao và trải rộng. Vài giây sau đó, vòng rào hỏa lực thứ hai của địch xiết chặt hơn, và tới vòng rào thứ ba thì hầu như chạm vào tàu của chúng tôi.
Tôi cố nhướng cổ, mở to mắt tìm kiếm các họng súng rực lửa của đối phương nhưng không thấy đâu. Lúc đó tôi mới biết được rằng chúng tôi đang nhận lãnh những quả đạn loại mới, không phát ra các tia lửa khi bắn. Loại đạn này chúng tôi từng nghe đồn đãi nhưng chưa thấy tận mắt. Loại đạn này cộng với các trọng pháo điều khiển bằng radar là một mối lo ngại lớn lao cho chúng tôi. Bỏ lệnh tấn công ngư lôi mà tôi vừa ban hành, tôi ra lệnh tạo màn khói bao che và cho tàu chạy theo hình chữ chi.
Shigure chạy tới chạy lui trong màn khói dày đặc với tốc độ tối đa 30 hải lý. Nhưng dù chạy như vậy, chúng tôi vẫn không thể nào tránh xa những viên đạn rơi xuống chung quanh cứ cách mỗi sáu bảy giây rời rạc như đánh nhịp. Sự căng thẳng tăng lên cực độ, vì tôi biết rằng bất cứ lúc nào chiếc tàu cũng có thể trúng đạn.
Sĩ quan ngư lôi và pháo thuật đều xin phép được khai hỏa, nhưng tôi biết cần phải chờ đợi cho đến khi nào có cơ hội thuận tiện nhất. Chúng tôi vẫn không khai hỏa khi đạn địch tiếp tục rơi xuống. Các chiến hạm địch đang tiến tới ở hướng 60 độ. Tôi muốn phóng ngư lôi trước, rồi mới cho khai hỏa các loại súng trên tàu, vì nếu không làm như vậy, sức giật của chúng sẽ làm sai lạc sự chính xác của ngư lôi.
Đạn đại bác của địch quân càng lúc càng tiến sát đến nỗi nước văng vào mặt tôi tung tóe. Khi các chiến hạm đối phương còn cách chúng tôi chừng 5.000m, tôi ra lệnh phóng ngư lôi và xoay hướng chiếc tàu để chạy ra xa. Tôi nhìn theo những quả ngư lôi lướt nhanh trên mặt đại dương và đồng thời chờ đợi cho chiếc tàu xoay đúng hướng. Một loạt đạn của địch quân lại rơi xuống cách xa chiếc tàu, nhưng loạt kế tiếp lại nhích gần hơn.
Tôi ra lệnh khai hỏa mọi loại súng. Chiếc tàu rung lên như một chiếc lá khi loạt đạn đầu tiên được bắn đi. Tiếng nổ đinh tai nhức óc. Từ lúc chúng tôi và đối phương khởi diễn cuộc đấu súng, không có quả đạn nào của họ trúng tàu chúng tôi. Khi đôi tai làm quen được với tiếng nổ chát chúa của mọi loại súng trên tàu, tôi nghe tiếng hét của quan sát viên đứng trên cột buồm: "Một quả ngư lôi trúng chiếc tàu thứ nhì, và đạn pháo kích của chúng ta cũng trúng chiếc tàu thứ ba của địch quân."
Trong khói lửa mù mịt của trận chiến đang tiếp diễn, tôi chưa dám vội kiêu hãnh nhưng tin đó đã mang phấn khởi cho các thủy thủ trên boong tàu. Một tin khác, một tin bất ngờ và gây ngạc nhiên nhất trong ngày, do khu trục hạm Hamakaze cho biết. Theo đó, radar trên chiếc tàu này đã phát hiện một lực lượng hùng hậu của đối phương đang tiến về phía chúng tôi. Đại tá Toshio Miyazaki đề nghị rút lui về Tây Bắc. Đề đốc Ijuin chấp nhận ngay lời đề nghị này. Tôi cũng tức tốc chuyển lời hoàn toàn đồng ý đề nghị của Đại tá Toshio Miyazaki.
Lúc 23h, chiếc Shigure của tôi xoay qua hướng Tây Bắc, theo sau là các khu trục hạm Isokaze, Sanazami và Hamakaza. Cả 4 chiến hạm đều sử dụng tốc lực rút lui. Đạn trọng pháo vẫn rơi quanh chúng tôi, kéo dài chừng 10 phút. Không có trái đạn nào trúng chiếc Shigure, nhưng chiếc Isokaze kém may mắn hơn. Sau khi trúng đạn, khu trục hạm này vội vã phóng 8 quả ngư lôi vào chiến hạm địch đang truy đuổi. Tàu địch vung sang trái để tránh né ngư lôi rồi tiếp tục cuộc truy đuổi. Vào lúc 23h12 phút, trên chiếc Isokaze gần như hỗn loạn. Một đám cháy nhỏ và một số thủy thủ của chiếc tàu này bị thương. Khu trục hạm Hamakaze cũng bị thiệt hại nhẹ, riêng hai chiếc Sazanami và Shigure là còn nguyên vẹn. Đây là trận đụng độ dàn mặt lần thứ hai mà chiếc Shigure và toàn thể thủy thủ đoàn không hề bị một thương tích nào cả.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip