30 em về ăn Tết
Nghe vẻ nghe ve nghe vè Kỳ Tích
Khi xưa cu Tích lên chốn đô thành
Gây dựng công danh làm ăn khấm khá
Bao năm xa xứ mà chưa lần về
Nhân ngày Tết kề trên chốn hương tha
Tích nhớ quê nhà hối hả về quê.
"Bớ làng chiềng chạ, cô bà chú bác ơi, cu Tích về rồi này. Hiệu Tích con ông Trịnh Kẹ từ xa mới về."
Tiếng hô hào của ông Tư Dũ hớt hải từ bờ kè đầu ngõ vọng lại. Giọng ông hào sảng giữa chiều nắng nỏ tươi rói, râm ran cả vùng xóm vốn tiếng im lìm. Ông Tư cười, miệng tươi hơn hớn, nom chừng vui mừng lắm, ông nói Hiệu Tích đã về.
Hiệu Tích về!
Con ngõ nhỏ lại thêm xôn xao. Hiệu Tích về quê, hình như so với việc tổng thống ghé thăm còn giật gân hơn cả.
Mọi người nghe mà ngơ ngác, chẳng mấy lại trố mắt nhìn nhau rồi bật cười xù xì, ha hả đâu đó tràng cười của bà con. Hoan hô Hiệu Tích về thăm quê. Về chơi ba ngày Tết, mừng quá chứ còn gì.
Có kẻ vỗ tay đôm đốp, hắng giọng: "Bà con cứ từ từ đã nào, người cần mừng chưa thấy đâu mà bà con cứ vội cầm đèn chạy trước rồi."
Hắn lại vỗ vai tôi, "Nhỉ?"
Hết thảy dứt lời, ai nấy đều nhìn tôi chằm chằm, đầu mày đuôi mắt nhăn nheo nhướng lên đỉnh trời, ra chiều thâm sâu lắm. Phỏng chừng đều chung suy nghĩ nói với tôi rằng, trúc mã mày về rồi đấy, lo mà thịt lợn bổ cau sắm đôi miếng trầu với mấy cái mùng màn chiếu hoa đi kìa.
Lại nói đến, thì tôi với Hiệu Tích đúng là có quen biết nhau thật. Từ bé chúng tôi đã là trúc mã cùng nhau lớn lên, thân thiết đến nỗi cái mụn nhọt ở mông đối phương không cần chọt cũng rõ. Cả làng biết tỏng chúng tôi thương nhau lắm, thường hay đùa chúng tôi nhớ mời ngày trăm mâm. Nhưng cho đến khi tôi đôi mươi em mười tám, tôi chôn chân nơi quê làm ruộng, em tốt nghiệp lên phố thành học cao, rồi em ra trường làm ăn khấm khá, làm nở mày nở mặt xứ quê. Nhưng em định cư ở chốn thị xã, em chẳng về, chúng tôi xa nhau như thế, và cũng chẳng còn ngày nào bu tôi thịt lợn trong chuồng mừng ngày dạm ngõ cả.
Dù gì thì đối với đứa con đã chôn nhau chôn rốn ở vùng này, bà con chòm xóm vẫn còn quý em lắm. Nhờ em mà làng Bồ này rểnh rang mang tiếng nhân tài, nên em đi chả về, làng cũng chả nỡ trách em, vì họ thương em như ruột rà máu mủ.
Nay nghe em về dù chỉ đôi ba ngày Tết, làng Bồ lại như đang nở mùa xuân đẹp nhất vậy. Nghe tin em về, xóm nghèo rộn rã hân hoan hệt không khí Tết.
Em về, lòng tôi lại chợt hẫng rồi nở bung sắc lạ, em về...
.
"Này Tích, lâu lắm mầy chả về quê, nhớ lắm ru?"
Ông Ba Giang lái đò tay vừa giữ máy nổ, tay kia nắm vạt áo loang màu cháo lòng mồ hôi, mặt nhem nhẻm nắng cháy cười toe toét hỏi. Hàm răng ông trắng và sáng như con người của ông, tính ông ngay thẳng tốt bụng, tôi quý ông vô chừng.
Tôi rành rọt đáp lời, con nhớ thật nhớ, rất nhớ làng mình luôn đó ông.
Ông gật đầu, lại nói bâng quơ gì đó về nhà về cửa, về hàng xóm láng giềng trong mấy năm tôi xa xứ, tôi chăm chú lắng nghe. Làng Bồ thì ra vẫn còn thương mến tôi đến vậy, quý hóa cho tôi quá, vậy mà chưa lần nào cho đến bây giờ tôi trở lại thăm quê. Áy náy lạ.
"Phải rồi, xóm nhớ mầy, đến thằng Doãn Kỳ nhà ông Mẫn sát vách thầy mầy, nó cũng mong mầy quá trời luôn."
Ông Giang mải miết liến thoắng, nào là Doãn Kỳ nhớ tôi bao nhiêu, chờ tôi nhường nào, hay đâu rằng nụ cười trên môi tôi đang méo mó. Tôi cười cứng đơ, anh Kỳ vì mình đến vậy sao?
Thổn thức lòng dạ tôi chơi vơi một nhịp, sau bao năm xa xôi cách địa, anh vẫn nhớ đến tôi.
.
Nhìn đàng xa bóng đò dần về bến, thấy rõ bóng lưng còng và đôi tay rám nắng chai sạn của ông Ba Giang, bên đầu này là một bóng người nhỏ nhắn, tôi đoán phỏng chừng ấy là Tích em tôi. Bao năm rồi thân em vẫn bé xíu như thế, không xê dịch tí nào, làm tôi như vừa ngỡ thấy em của ngày xưa với bộ áo nâu sòng trong mấy tích tắc ngắn ngủi.
Ngày đó, em nhỏ bé, nhưng mơn mởn sức sống. Em tíu tít tung tăng, tôi cười đùa, "nhỏ xíu anh thương". Em cười.
Giờ thân áo nâu, em gột màu áo trắng, vận cùng quần tây lĩnh đen và đôi giày da đắt đỏ, nom em khôn lớn chững chạc bao nhiêu. Thế nhưng vẫn là bé con của tôi, dù lớn dù nhỏ, em vẫn còn hãy bé xíu, tôi thương.
Thương em, tôi thương đến tận cùng trời. Dù xa dù gần vẫn nguyện đời thương em. Há nào lại không vì gần mà mặt lạnh thờ ơ, tim tôi nhảy cẫng liên hồi, bổi hổi bồi hồi như ngồi đống than.
Chiều ráng nắng, bóng mây không ngăn được đổ vàng, để tia ấm cuối ngày xuyên qua, rọi lên tấm lưng tôi nóng rực, chợt gió thốc thổi ngược mà lạnh ngắt. Tôi đỏ mặt, hồng tai.
"Xem kìa xem kìa, gió sao gió mát sau lưng, dạ sao dạ nhớ người dưng thế này? Huống chi còn thầy mẹ gần nhà chúng mày, bảo sao thằng Kỳ lúng túng thế kia. Thích rồi đấy nha!"
Âu cũng đúng, tôi không phản bác nổi rồi. Còn kẻ kia thấy vậy, hí hửng tợn, cười rộ lên, nói rồi, cu Tích của mày về, sướng quá hả con? Rồi lo mà bổ cau hái trầu tậu vàng mang sang là vừa nghe chưa?
.
Tiếng động cơ tắt dần rồi lụi hẳn, vừa hay mép đò cập bến nước đã lâu tôi chẳng gặp. Quen thân mà lạ lẫm.
Cũng phải, bao lâu xa xứ, cái vị mặn nồng mồ hôi rơi xuống đất ruộng tôi nào còn được nếm? Xa lắc xa lơ từ buổi xế chiều tôi đi. Nay tôi trở về mới nhận cái kham khổ ngày đó đã tít tắp tầng mây nào rồi. Chẳng thuộc về nơi đây nữa.
Giữa đám người áo sòng nâu quần vải bạc màu, mình tôi mặc tây phục, khác biệt lắm thay.
Không, dầu chết dầu sống, đi đâu về đâu, làng Bồ vẫn là chốn chôn rau cắt rốn của tôi mà.
Tôi mỉm cười, lên bến chào mọi người. Chào ông Tư Dũ, chào bà Sáu Xảy, chào hết một lượt mới chào đến người anh tôi thương.
"Anh Kỳ, Hiệu Tích về rồi đây."
.
Chiều cuối cùng trong năm, chợ làng bộn bề tất tả cho những khắc cuối. Các sạp quán reo réo tiếng gọi chào hàng, chấp nhận bán xuống giá cho kịp tối giao thừa về bên gia đình. Tôi theo bu đi chợ, mua sắm mấy thứ trong nhà còn đương thiếu. Nhìn cảnh chợ rộn ràng khẩn trương, trái ngược với cảnh đắt đỏ bán cố bán ế trên thị thành, đến xẩm tối vẫn đèn chợ sáng loáng, lòng tôi thanh thản lạ. Đúng là có về quê mới thấy cái yên bình giản dị lắm.
Tôi ghé hàng Khuynh mua hoa. Chị tươi cười nhìn tôi, cái nét khắc khổ nhăn nheo của người đàn bà góa nuôi hai đứa con thơ vẫn không che được nét duyên quê của chị. Chị thương tôi lắm, thấy tôi thì hớt hải vẫy vào, tiện thể lựa tôi mấy bó uất kim tươi, chị nói:
"Cu Tích nay về làng ở chơi mấy ngày vậy? Rồi cu có đi để thằng Kỳ buồn nữa không? Cu đi mấy năm không ló mặt về, thằng Kỳ nó mong biết mấy đấy!"
Tôi cười giả lả, nói qua loa mình về đến mồng 4 mình đi, chị chợt buồn.
"Ai cũng nên lo cho sự nghiệp, cu Tích hẳn cũng thế. Nhưng vì sự nghiệp mà xa xứ lâu không về, rồi xa người yêu như thế cũng không có nên. Mà thôi, nãy cô Mẫn có ghé chị đặt hoa, hay tiện cu Tích có mua hoa chị về nhà, cu tiện đường đưa hoa sang đó nhé?"
Nghe chị nói nhẹ bâng, rõ là cũng chẳng có ý trách móc mà sao tim tôi đau đáu thế này?
.
Tôi nhắc nồi cám mới ra lò còn nóng hôi hổi, chuẩn bị đem đổ vô máng cho lũ lợn béo mầm được bữa no nê thì nghe lũ chó con gác cổng cắn ầm ĩ, rồi nghe tiếng lanh lảnh của bu tôi í ới gọi, và thoảng đâu đây giọng nhẹ quen thân.
Sống lưng chợt cứng một nhịp, trái tim thì rung lên một lúc.
Bu tôi nói Hiệu Tích sang chơi, rồi tươi cười hớn hở đón em vào nhà. Bu tính đặt vào tay tôi còn đang bốc mùi cám nóng một bó hoa, song lại nhăn mũi đuổi tôi đi tắm rửa, còn bà thì đem hoa cắm qua loa trong lọ xong xuôi mới lục đục tráng chè cho Tích.
Tôi bất lực cười nhìn em, nói áy náy mấy câu rồi chạy ù xuống bếp. Em gật đầu, mỉm chi nói không sao.
Sắc da em hồng hào, nổi bật lên lúm duyên xinh yêu, tôi nóng mặt quay đầu chạy nhanh, sợ là không kịp để em thấy được tôi đang đỏ mặt mất. Đẹp đến vậy, chết mất tôi thôi.
.
Khi tôi trở lại nhà chính, vừa hay Tích đến lúc ra về. Bu tôi khất lần khất lượt nói em ở lại chơi thêm, tiện ăn bữa cơm tối thân mật. Em lắc đầu áy náy, hồi lại còn mâm cơm tất niên, bu tôi đành thở dài, nài nán em ở lại cho hết tích chè mới pha hẵn về thì em mới đồng ý.
Tôi lân la đến cạnh, giả bộ hí hoáy mắc rợ sáng quanh gốc tắc, tai vểnh lên nghe bu tôi cùng em trò chuyện. Nào là công việc trên phố em làm ăn khấm khá lắm, nào là dự định em về ăn Tết ra sao, rồi còn chuyện em có ở hẳn chốn này hay lại xa xứ. Em trả lời hết, ăn nên làm ra trên phố, về chơi đến mồng 4 lại đi.
Tôi nghe buồn man mác, vậy là em lại xa tôi. Biết là thương em, vì em mà để em tiếp tục lo cho sự nghiệp trước hết, nhưng vẫn buồn. Vậy là đành lòng chờ em, xa em, biết bao giờ em mới về ở hẳn?
Đến nay tôi hăm tám, em cũng chẳng còn non, cũng quá nửa năm mươi rồi. Đã đến tuổi tôi dạm sính lễ qua. Em ơi, chờ em đến khi nào nữa?
Vởn quanh tai tôi đâu đó tiếng thở dài, chả biết là của ai.
Em ơi duyên vợ duyên chồng
Vì em tôi đợi phòng không lâu rồi
Có nên ích kỷ một lần, quyết cưới em về khi ra Giêng không?
.
Hết tích chè xanh bác Mẫn pha đậm, tôi chẳng còn gì nán lại thêm nữa, đành ngỏ ý ra về. Bác Mẫn cũng đành hết lời, dặn tôi nhiều lúc cứ ghé qua ăn mứt kẹo Tết, tôi lẳng lặng gật đầu, hẹn mùng Hai qua chơi chúc Tết.
Trước khi chân bước qua thềm cửa, tôi cố đánh đuôi mắt nhìn về phía anh. Anh vẫn còn đương chăm chú vào mớ rợ quang kim xuyến, nghiêm túc và điềm đạm trong anh vẫn đẹp như ngày nào.
Năm xưa, thuở còn chân đất chân bùn thổi rạ nấu cơm, anh điển trai ngời ngời. Nay lớn, kham khổ lam lũ ăn vào trong da thịt, đem anh tôi nhem nhẻm da đồng tay vạm, khắc khổ chất quê. Dầu chẳng bóng bẩy lụa là như mấy cậu trên phố, nhưng tôi yêu sao yêu thế, thương sao thương thế? Tôi thấy ấy vậy mà càng đẹp trai. Có lẽ là "Trong mắt người tình hóa Tây Thi" chăng?
Thế nhưng tôi có nhìn mãi, anh cũng chắc liếc tôi lấy nửa, anh chăm chú vào việc mình đang làm. Nên chi tôi có nói mồng 4 tôi đi, anh cũng chả lấy làm buồn. Vì anh có để ý chi nữa. Chắc chỉ có tôi sống mũi cay cay.
Em nói vậy sao anh chẳng buồn?
Còn em thì lòng mề nẫu nát quá anh ơi!
Mùi chua đâu đó xộc lên mũi, lên óc, tôi chán nản quay đi. Dợm bước về chợt nghe anh hỏi:
"Mùng Một mình đi lễ chùa Làng Tích heng!"
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip