Mồng 2 họ hàng làng xóm

Thăm làng thăm xóm chúc Tết sang
Mang theo quà cáp cành mai vàng
lũ trẻ nhỏ trong xóm
Chúc người già cả xuân an khang

Sáng Mồng 2 Tết, tôi phá lệ dậy sớm nhất nhà để nấu cơm cúng. Vo gạo thổi cơm, gói giò chả chiên giòn, ninh xương nấu nồi canh ngũ sắc rồi đun nước nấu chè. May mắn hôm 30 bu tôi đã có chuẩn bị tươm tất, bằng không thì cái đứa sống phố thành nhàn rỗi đã quen như tôi chắc lại mệt bở hơi tai.

Bu với thầy tôi trên nhà chính chuẩn bị lì xì, tiền mới phẳng phiu đem gói trong những bao giấy đỏ rồi xếp gọn gàng vào cái tráp. Bên cạnh là Thái Hanh căng mắt lên nhìn, sáng láng như đèn pha xe hơi, nó nói mùi tiền thơm ơi là thơm, hòng mong bu thầy để ý mà lì xì nó tiền to đấy. Vậy nên bu thầy tôi chả cho, há nào lại không biết tính nó. Thầy tôi bận đếm tiền, phủi tay ý chê nó phiền phức, còn bu tôi thì hấp háy mắt nhìn tôi.

Thì là để tôi xì tiền ra mừng tuổi thằng nhỏ chứ sao nữa, tôi bật cười, đành làm theo. Tôi dí dí cái trán nó, nói lớn thì phải biết nghe lời người lớn đó heng rồi rút ra phong bao tươi rói cho Hanh cầm. Thằng nhỏ mừng húm, ríu rít cảm ơn và hứa nghe lời, đoạn chạy liền vào buồng trong cất tiền mừng tuổi.

Anh em hòa thuận, hỏi tại sao thầy bu tôi vui vẻ, không khí hạnh phúc như chồi xuân non chớm nở lại tràn làn khắp nẻo kia chứ?

"Tích ơi, chốc nữa cúng cơm các cụ xong xuôi, con đậy điệm cho kỹ rồi thay áo, đi chúc tết quanh làng với thầy nghe chưa?"

Và thế là tôi theo thầy đi chúc tết mọi nhà trong xóm, còn Hanh ở nhà tiếp khách với bu tôi.

.

Đến gần rồi dần đến xa, thầy tôi dắt tôi đi chúc tết những nhà giáp vách trước tiên, mọi người đều biết tỏng chuyện tôi về ăn tết, niềm nở đón tiếp thầy con tôi. Ai cũng cười chúc nhau năm mới an khang thịnh vượng, chúc nhau năm nay làm ăn bằng năm bằng mười năm ngoái, chúc nhau tình duyên ý đẹp vuông tròn rồi hỏi thăm chuyện tôi khi nào lên phố.

Thầy tôi quen chuyện, ngại tôi xa mặt kiệm lời thì trả lời thay, rằng tôi ở nhà có đôi hôm nữa.

"Ơ thế là lại xa quê nữa à cu Tích?"

"Như vậy thì lại đến bao giờ cu Tích lại về?"

"Thế thì còn thằng Doãn Kỳ thì tính sao?"

...

Ai nghe chuyện rồi cũng hỏi đại loại như thế, tôi ngậm tăm không trả lời được, thầy tôi cũng khó xử lắm. 'Lại xa quê', ba cái chữ này khiến tôi một mảng buồn, xa rồi biết lúc nào lại về nữa, rồi anh Kỳ thì thế nào đây? Nghe nói huyện bên có người như tôi, xa nhà xa xóm biền biệt bao lâu chưa về, lúc về thì tình quê chân chất biến mất thành nỗi khinh, xa mặt cách lòng, chả còn tha thiết gì cái gọi là quê hương nữa. Tôi nghe mà sợ, mà hãi, nhưng cái chốn phố thành nó cám dỗ tôi quá, tôi về thì còn bao công danh chưa toại, rồi lại nghèo lại bần thì lấy gì làm sung sướng?

Tôi còn tha thiết chốn chôn nhau, nhưng tôi lại chưa thể quyết định mình sẽ về lại đây lần nào không nữa.

.

Sáng nay lại trên phản gỗ giữa nhà khách cùng bu dọn mứt cho thầy đãi khách, tôi nghe phong phanh thầy bảo chú Trịnh với Tích đã bắt đầu đi chúc tết trong làng rồi, chắc mẩm lúc về sẽ ghé đây thôi. Lại nghe bu tôi nói gì đó về việc xin đài đầu năm, tôi lân la đến nghe ngóng, thì nghe được chữ có chữ chăng. Nhưng đại khái là về chuyện của tôi và Tích.

"Tôi bảo mình này, về chuyện của thằng cu nhà mình với Tích nhà Trịnh Kẹ ấy. Hôm qua mồng 1 tôi có đi lễ miếu xin đài, mặt cười toe toét luôn đấy mình ạ. Rồi dễ chừng năm nay con mình cưới, chúng mình khéo lại lên ông lên bà cho vui cửa vui nhà."

"Tôi cũng mong là thế, đầu năm vui cưới cuối năm thêm người thì ai chả thích. Ơ thế mà tôi lại nghe cu Tích bảo sẽ lại xa quê, chứ chả lẽ hai đứa nó lại lôi nhau lên phố mà cưới à?"

Tôi chả lấy lẽ làm vui khi nghe bu xin đài được các cụ cho phép, mà tôi buồn cho cái lung lay về tình duyên tôi với em. Sẽ không có chuyện tôi lên thị thành mà định cư với em đâu.

Nhớ năm xưa em lên đại học, tôi dành dụm chút tiền ít ỏi lên ở chơi với em mấy hôm. Nhưng chừng độ dăm bữa mươi ngày, cái cuộc sống ồn ã xô bồ của những người thành phố không hợp với tôi, tôi bỏ về và chẳng buồn lên đó lần nào nữa. Nom dòm chẳng bao giờ có đám cưới ra Giêng nào trên thành phố như bu thầy tôi nói cả.

Tôi cúi đầu lầm lũi bưng tráp trầu vôi ra ngoài sân têm mới, cứ mãi nghĩ về mẩu đối thoại của bu thầy mãi thôi. Nên tôi đi cụng đầu vào cu Tuấn là đúng lắm.

Nam Tuấn em họ tôi trời sinh cao lớn, đụng vào nhau nhưng thằng này chả có mấy xi nhê, chỉ mình tôi ngã ê hề. Nó mới cười phớ lớ mà kéo tôi đứng dậy hỏi han:

"Thế nào mà anh Kỳ lại đầu óc để đi đâu thế kia? Chả hay lại theo cu Tích nhà Trịnh đến chúc Tết nhà nào rồi?"

Nom dòm cái mặt nó tí tởn lắm, tôi liếc xéo nó rồi cũng chán chẳng buồn nói gì, một mạch đi ra ngoài sân.

Còn nó, vô chào bu thầy tôi qua loa mấy câu rồi cũng chạy theo tôi ngay. Sẵn trước nghe được nghe chăng chữ Tích, tôi đoán nó đến đây có việc, chờ nó đến gần rồi mới hỏi nhỏ, phỏng chuyện về tôi lẫn Hiệu Tích? Thì Tuấn gật đầu:

"Em trông bu thầy anh mong về cái đám cưới lắm đấy. Hai bác cứ nhắc đến đám nhà bà Bảy xuân này mà ẩn ý đến anh. Em nghĩ anh cũng đừng phụ lòng các cụ, xuân này dạm hỏi luôn đi, chứ để sau này, sư thầy nói đấy, chẳng cau trầu thì hóa buồn. Anh biết sao không? Là trên phố thành Tích ăn nên làm ra lắm, ông chủ Tích ưng, tính gả con gái ổng cho Tích rồi. Em xem chừng Tích cũng không ghét bỏ cho cam, anh mà không mau mắn thì mất vợ có ngày heng!"

"Anh Kỳ, cả xóm quý anh quý Tích mới mong hai người thành đôi, chờ ngày cau trầu têm vôi cánh phượng cho nô nức xóm làng, há anh để mọi người thất vọng vậy ru?"

"Nay đã Mồng Hai, dôi ngày nữa hóa vàng hết Tết, anh chậm chạp dễ chừng hết duyên. Em chỉ ý kiến có vậy, kẻo rồi lỡ thì lỡ thuở thì lại trách em không nói trước."

Tôi im lặng, đau đáu cái lòng cái mề của tôi. Trời ơi sao lại như thế, rồi dễ chừng tôi xa Tích em tôi? Tuấn lắc đầu đi rồi, tôi vẫn còn thơ thẩn nghĩ đến. Nom cái ngày em thành chú rể người ta, sống trong nhung gấm lụa là mà đánh mất chính em, tôi lo tôi khổ, khác chi tôi đánh mất chính mình.

Quyết cưới em được
Cho thỏa tấm lòng thương
Yêu em xuân này cưới
Anh cau trầu đưa sang

.

Chiều xuân nắng vàng ruộm, tôi cùng thầy đi chơi chuyến cuối cho sớm về kịp bữa cơm chiều. Vừa hay trở về gặp Doãn Kỳ cùng bu thầy sang chơi chúc Tết, tôi mỉm cười lễ phép chào rồi đứng cạnh phản hầu người lớn nói chuyện với anh.

Tôi thấy anh hôm nay lạ lắm, anh chẳng thẹn thùng hay hiền hậu như mới ngày hôm qua, anh kiên quyết, trầm mặc hơn hẳn. Tôi cảm giác được anh nắm tay tôi chặt lắm, không đau nhưng chắc chắn và mãnh liệt. Hôm nay anh sao thế nhỉ?

Ngước lên nhìn anh, anh chẳng nhìn lại, sấp bóng đổ tôi chẳng thấy rõ khuôn mặt anh, chỉ thấy được góc cạnh nam tính nào đó, với đôi môi mỏng hết mím vào lại mở ra. Tôi rụt rè hỏi anh làm sao thế, chỉ thấy anh quay lại nhìn mình, tựa chừng mắt anh có lửa đấy.

Sống lưng tôi lạnh và tôi thấy không quen, tôi cụp mắt xuống thì nghe anh cười khẽ, nói với đôi bên bu thầy đưa tôi đi chơi, nghe các cụ gật đầu cười thì lại kéo tay tôi đi khỏi.

Doãn Kỳ không nói lời nào, tôi cũng lời ngậm bung búng trong miệng. Cho đến khi tôi theo anh ra miệng giếng trong vườn, anh mới thả tay tôi ra.

Đâyanh của em đấy à?

.

Nhìn cổ tay em đỏ hỏn vì bị tôi nắm chặt mà không dám than vãn nấy nửa câu, lòng tôi xót lắm. Sao em chẳng còn nũng nịu như xưa, khi còn nhỏ tôi vẫn hay đánh yêu để nghe em khóc? Em lớn rồi, tôi không quản được nữa, nhưng em cam chịu thế này, tôi đau.

Tôi ôm Hiệu Tích trong lòng, hôn lên đỉnh đầu em, nắm nhẹ tay em, hết xoa nắn lại thổi thổi chỗ đau. Rồi tôi lại ôm em, chẳng biết ôm đến bao lâu nữa chỉ biết ôm đến khi em thôi im lặng, rụt rè trong vòng tay tôi em hỏi nhỏ:

"Anh Kỳ, hôm nay anh sao thế, em thấy anh lạ lắm đấy, em lo? Anh có chuyện gì anh nói em nghe đi? Có phải chuyện của chúng mình không thì anh cứ nói, em nghe rồi biết đâu mình có cách giải quyết thì sao?"

Ôi tôi thương em biết mấy. Cầm lòng không đặng mà nâng cằm em lên hôn vồ vập, em ngoan ngoãn vòng tay ôm cổ tôi làm tôi vui sướng. Tôi nhớ vị của em, hôn cho đã đời, hôn cho thỏa nỗi nhớ, hôn đến quay cuồng đất trời mới dằn lòng buông em ra.

Tôi lại ôm em vào lòng, thì thào:

"Ra Giêng anh cưới em."

Em ngước lên, mắt tròn vo mở rộng hỏi lại tôi.

"Ra Giêng anh cưới em", tôi kiên định nhắc lại. "Anh đã quyết định rồi, em sau Tết này đừng đi nữa được không? Anh cưới em xuân này, em đừng xa anh nữa nhé?"

Hiệu Tích im lặng, rồi em bất ngờ đẩy tôi ra. Em phịu lại áo quần cho thẳng thớm rồi khép nép cúi đầu.

"Em chưa sẵn sàng, anh đợi em."

Tết nhất không muốn dông dài giận dỗi cho xúi quẩy làm chi, tôi cố dằn lòng mình đừng tức giận, chỉ là vẫn không tránh khỏi thất vọng nhìn em.

"Vì sao chứ? Em chê quê mình nghèo, còn em vẫn ham cái cuộc sống hiện đại giàu sang sao? Tích, em thương tôi, thương quê hay là đã đê mê tiền bạc vinh hoa rồi?"

"Em xin lỗi. Nhưng em chưa thể, anh đợi em."

Tôi thất vọng tràn trề, Tích của tôi sao lại ra nông nỗi này. Chết nỗi! Tôi thở dài thở nặng gật đầu quay đi. Trước đó chỉ nén lồng ngực, lạc giọng nói với em rằng.

"Anh mong em suy nghĩ chu toàn. Em quyết định thế nào anh cũng đồng ý. Chỉ xin em khi đã quyết định thì phải thật chắc chắn, kẻo lỡ xa nhau thì lại vãn than. Tóc mai sợi vắn sợi dài, lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm. Em hãy nhớ cho rằng, anh vẫn thương em trọn đời trọn kiếp."

.

Doãn Kỳ nói câu ấy, chính là muốn chia tay?

Tim tôi đau như cắt.

Thì ra, đến tôi cũng thay đổi rồi sao?

Bu tôi từng nói, tôi cùng anh Kỳ, trúc mã bền lâu thân thiết như vậy, muôn đời chẳng rời xa. Có lẽ là lại khiến bu tôi buồn rồi.

Tình duyên sự nghiệp khó đặng vuông tròn đôi bên, tôi rối trí quá. Tôi thương anh, thương làng Bồ, nhưng tôi cũng cần lo cho tương lai sau này. Anh có biết cho chăng?

Hình như không chỉ có tôi, hẳn là ai lúc lớn rồi cũng sẽ thay đổi. Doãn Kỳ ắt cũng vậy, há lại thoáng tính như xưa? Anh giờ biết giữ cho mình, biết độc đoán ích kỷ rồi đấy.

Tôi muốn nói rằng, "Anh chờ em nửa năm, khi qua hạ chí em về lập cơ ngơi chi nhánh ở làng mình, ta nên duyên anh nhé?"

Thế nhưng nghe anh nói vậy, lời ấy lại cứ vướng mắc trong cổ họng tôi. Tôi than thầm, chắc chẳng được nữa rồi.

Đã xâm xẩm chiều tối, đỏ quạch bóng nước giếng sâu, muỗi ve ve ong vò vẽ, tôi vẫn còn ngẩn người đứng bên giếng như thằng câm giả tượng.

.

Trở vào nhà khi gia đình đang dùng bữa, nhà bác Mẫn đã đi rồi, tôi não nề ăn qua loa mấy đũa cơm rồi than mệt vào buồng trong ngủ một giấc. Không kìm được nước mắt lăn dài, tôi khóc ngon lành như một đứa trẻ không được cho tiền lì xì.

Doãn Kỳ ơi!

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip