PN: Chữ tình chia đôi khó đặng


-Ngoài kia pháo nổ linh đình
Bao giờ mới đến tụi mình đây em?
Phòng không quạnh vắng mỗi đêm
Chờ khi em tới, phòng thêm một người
-Làng Bồ vui cưới anh ơi!
Bà con cô bác mừng đôi chúng mình
Cau trầu, lợn béo vừa xinh
Em thân áo đỏ thắm tình nên duyên

Sáng mồng một Tết, nắng trong trẻo của buổi sớm nhỏ giọt lấp lánh xuống cành mai, chiền chiện lại hót vang trời báo hiệu mùa xuân đã về. Tôi đương ngồi trên tấm phản lục đục tráng tích pha chè thì nghe cậu cả nhà tôi ngồi bó gối, thủ thỉ rỉ tai lời gì đấy với thầy nó. Rồi rủ rỉ rù rì thế nào, hai thầy con cười khanh khách vang cả gian nhà, làm không khí mồng một tết náo nhiệt hơn hẳn. Tôi nhìn theo nụ cười đẹp mê mẩn của thầy nó, bất giác cười theo dù chẳng hiểu mô tê chi. Thầy nó cũng nhìn tôi mà cười mỉm, để lộ đồng điếu xinh duyên dáng, lòng tôi lại rung động như thuở yêu đầu.

Chờ cu cậu đi rồi, thầy nó một thân áo nâu sòng mới bước đến ngồi xuống cạnh tôi, đón lấy chén chè đặc mà tôi pha riêng cho em rồi nhấp từng ngụm nhỏ. Đôi mắt long lanh như mặt hồ xanh thẳm của em hiền hoà đến lạ, dù đã thấy dấu hiệu của thời gian là những vết chân chim trên đuôi mắt, đôi mắt ấy vẫn luôn cuốn lấy hồn tôi, như khi xưa từng có người khiến tôi chìm sâu trong mặt hồ ấy. Tôi tò mò hỏi hai thầy con bàn chuyện chi đó, mới hay ra thằng nhỏ xin hai thầy đi khấn chùa cùng người thương.

Tôi bật cười, lại chùa Long Khánh đó heng, lại cái nơi cầu duyên cầu tình thiêng thánh nức tiếng chốn này.

"Mình chắc cũng biết chùa Long Khánh là chỗ cầu duyên có tiếng phỏng? Khéo ngày xưa ta cưới nhau được, âu cũng là nhờ cái công đức ở Long Khánh đó ru."

Tôi bật cười, đưa đôi tay gầy guộc chai sần nắm lấy bàn tay trắng muốt nõn nà của nhà tôi. Chúng tôi yêu nhau đã hơn nửa đời người, có chi đâu mà còn không hiểu hết về nhau cho đặng.

"Chỉ mình hiểu tôi thôi, ai, nói đi cũng phải nói lại, năm đó tôi sợ không cưới được mình, là tôi lỡ dở cả một đời. Nhưng mà giờ thì yên tâm rồi, kiếp này có mình bầu bạn, ấy là vui."

Nói rồi hai lão trung niên cùng cười, bên bộ chè sứ Bát Tràng xanh ngắt, nhâm nhi mứt trà, ôn lại chuyện Tết xưa.

.

Ngày Hiệu Tích rời xa làng Bồ, dầu cho trời xuân nắng như đổ lửa, trong lòng tôi vẫn nhuốm một màu tăm tối. Nhìn bến đò không còn một bóng người mà tôi rưng rưng nước mắt, đến cái lời tiễn biệt em đi, tôi cũng chẳng còn cơ hội để tỏ bày.

Tôi thất thểu dợm bước quay người trở về, chợt thấy bóng hình ai đó thân quen. Nhỏ nhỏ, xinh lắm, xinh đến xao xuyến lòng tôi. Chính là em, Hiệu Tích mà tôi yêu thương đến cháy bỏng. Trong cái xây xẩm tờ mờ của chiều tối, tôi ngỡ mình đang nhớ quá hoá mù mờ. Cổ họng chỉ kịp bật lên một tiếng "Tích ơi" rồi lại chợt tắt, tôi lại cúi gằm cái đầu húi cua, xót lòng nghĩ em đi rồi đâu còn ở đây nữa. Nên chi hình bóng ấy, chỉ là do tôi tưởng tượng ra thôi.

"Anh Kỳ ơi."

Giọng nói nhỏ nhẹ ấy ngân lên, kéo tôi ra khỏi những vụn vỡ, hóa ra chẳng phải mơ, là em rồi, là Tích của tôi rồi. Vui sướng nước mắt trào dâng, tôi với đôi mi hoen mờ nước cùng đôi tay run rẩy bước đến thật nhanh rồi ôm em vào lòng. Tôi nghe ra mùi hương thân quen, khoả lấp lấy tấm lòng trống rỗng trong tôi, để rồi bừng sáng cả một trời. Cầm lòng không đặng mà gục mặt lên bờ vai nhỏ bé của Tích em tôi, hít lấy hít để cái hương của em ấy rồi khóc oà lên một đứa trẻ.

Tích ơi là em thật rồi. Em đừng giận anh nữa heng.

Anh chờ em, anh nguyện chờ em tới trăm năm vạn năm nữa, dù cho vạn vật có đổi dời rồi đồng quy vu tận, tình này của anh vẫn chỉ có riêng em.

Mình nối lại tình xưa em heng!

Tôi lại nhìn em, nhìn thật kỹ và nhớ thật rõ gương mặt em lúc này, biết bao giờ có còn được gặp lại, biết khi nào còn tay kề má ấp như lúc này đây, lòng chắc mẩm sẽ chờ em thêm mười năm nữa. Nhưng tôi quyết chờ kì được, bởi tôi đã quá thương em rồi.

Em trong mắt tôi vẫn đẹp nguyên như ngày em về, nhưng đã trông tiều tuỵ hơn rất nhiều rồi. Tôi tự trách mình, đã khiến em tôi phiền muộn đến thế, Doãn Kỳ thật hèn hạ còn ngu dốt. Tôi thương em quá đi thôi.

Em rưng rưng nước mắt, đôi môi mím chặt nhìn tôi trân trối, cố kìm nén để những tiếng nấc nghẹn không thoát ra khỏi cổ họng. Tôi đau lòng hôn lên vầng trán ấy. "Tích ơi anh sai rồi, trai tráng công danh chí hướng làm đầu, anh lại ích kỉ mà đạp đổ đường thăng tiến của em. Em tha thứ cho anh nhé, anh nguyện đợi em về."

Em gật đầu lia lịa, ôm chầm lấy tôi, gương mặt tròn trịa trắng trẻo vùi sâu vào lồng ngực đã nhẫy mồ hôi của tôi mà thút thít. Em nói em đã tha thứ cho tôi lâu rồi.

"Anh Kỳ, anh chờ em thêm một mùa thóc nữa, năm nay em ráng xong công việc rồi em về với anh heng."

Tôi gật đầu đồng ý. Tin em năm đợi mười chờ, để nay mai được chung mơ chung giường. Em đã vì tôi mà bỏ sự nghiệp, tôi cũng sẽ vì em mà tin tưởng không ép uổng em nữa.

.

Trăng đã lên đỉnh đầu, treo leo vắt vẻo trên tán cây như chiếc đèn lồng đêm trung thu, đôi bóng người chúng tôi cứ vậy mà ôm nhau khóc rấm rứt. Cho đến mãi sau Doãn Kỳ mới buông tôi ra, anh hỏi sao tôi lại không đi nữa.

Ừ thì tại sao nhỉ? Tôi cũng không nhớ rõ nữa.

Chỉ nhớ rằng lúc chiếc máy nổ của ông Ba Giang bật lên ầm ầm, tai tôi đã ù đi và đầu óc thì mụ mị. Trong mờ mịt tôi nghe thấy giọng anh đâu đây, anh nói rằng tôi chờ anh tới. Nước mắt nhoè nhoẹt trên gò má tôi, chẳng nghĩ ngợi gì tôi liền một mạch chạy lên bờ trước sự bất ngờ của thầy bu tôi và Thái Hanh. Đến ông Ba Giang cũng ngước nhìn theo tôi một hồi rồi mới lái đò xa khuất.

Sự nghiệp công danh hay tiền tài gì đấy, tôi không cần nữa đâu, vinh hoa phí quý chẳng bằng tôi được ở cạnh người tôi thương. Tôi chỉ cần có Doãn Kỳ thôi, mất anh ấy tôi như mất cả thế giới rồi. Trong đầu tôi chỉ nghĩ có thế, trái tim thổn thức, đau đớn như bị ai đó cứa ra đến rỉ máu. Khi chưa gặp được Doãn Kỳ, tôi không đành lòng mà xa quê.

Tôi không nghe thấy bu tôi nói gì, chỉ ngập ngừng nói muốn ở một mình, tôi phải chờ Doãn Kỳ đến đã.

"Vậy bu thầy về trước nấu cơm cho hai đứa con heng."

Tôi gật đầu chào tạm biệt thầy bu và Thái Hanh, một mình một góc, đứng áp người bên gốc cây si già mà chờ, mà nhìn từng người đến đi tại bến đò. Chờ hoài chờ mải vẫn chẳng thấy người tôi thương.

Rồi Doãn Kỳ đã hớt ha hớt hải chạy đến đây đấy, tôi nhìn thấy ấy lại chẳng thể bước chân ra gặp. Nhìn anh đứng lặng thinh, mòn mắt phương trời để tìm đặng chiếc đò mang bóng tôi mà tìm hoài chẳng thấy, tôi biết anh đã khóc rồi, tôi xót cho anh.

Anh đứng đó thật lâu, cái lòng cái mề tôi đau đáu. Nom người đứng khóc lòng đau, tim tôi như bị cứa sâu từng hồi.

"Anh Kỳ ơi..."

.

Chuyện xưa ôn lại đã hết hồi để nhớ, tôi cùng nhà tôi lại nhìn nhau cười. Tình ý bao năm, duyên đã tròn, mùa xuân năm ấy là mùa xuân đẹp nhất đời chúng tôi. Ngẫm nghĩ ngày ấy thật may mắn vì tôi chọn ở lại, vừa hay nhà tôi cũng chọn đến níu tôi đi, dầu cho sau đó tôi cũng phải rời xa chốn chôn nhau cắt rốn này một lần cuối trong đời, để được về làng Bồ nửa cuối cuộc đời, ở bên cạnh người tôi thương cho đến mãi trăm năm.

Đút cho anh một miếng mứt bí giòn ngọt, nghe anh khen tấm tắc cái tài tôi giỏi sên đường, gì mà khó trách sao ngọt ngào đến thế, tôi càng cười to hơn. Nhớ đến ngày đầu tiên chung một nhà, cũng có một người khen tôi pha chè khéo, uống đến mê, tôi thoả mãn tợn.

Nom người trước mặt da ngăm đen nhưng hàm răng sáng ngời, cái nụ cười tươi rói ấy làm tôi  nhớ thương mất cả đời, tôi yêu anh lắm lắm.

Rước tôi về cũng ngót nghét đôi dăm năm, cu con cả đến nay cũng đã hơn mười tám trăng tròn, hai ông lão chúng tôi cũng đến lúc ngồi nhà bàn chuyện nhân sinh rồi. Trong cái nắng xuân hửng ấm, trên chiếc phản gỗ bày đủ loại chè mứt ngày Tết ấy, có hai ông lão đang vui cười ngâm thơ.

Năm nay đã nắm lấy tay nhau
Chẳng đợi năm tới cũng cau trầu
Hạ chí Làng Bồ rộn tiếng pháo
Duyên này đã tròn tình dài lâu.

Hoàn toàn văn.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip