Ra Giêng em lại xa xứ?

Tích tịch tình tang
Về làng ăn Tết
Tết hết lại đi
Doãn Kỳ có đợi
Tích rồi xa xứ?

Sáng ngày cuối cùng của kì nghỉ lễ, tôi chầy ì ngủ nướng đến muộn mới chịu dậy. Tết mới hôm qua hãy còn, giờ thì hết rồi. Cũng như anh còn sát vách đó, giờ lại sắp phải chia xa.

Cơm trên bàn thờ từ lâu đã chẳng còn bốc hơi nghi ngút, tôi cùng bu hạ mâm cúng để cả nhà hưởng lộc từ tổ tiên để lại, và đây cũng là bữa cơm cuối của tôi với bu, với thầy, với Hanh.

Lòng tôi lúc này cũng đang nguội lạnh như cơm canh trên bàn, buồn thỉu buồn thiu.

.

"Này ông nó, hình như hôm nay cu Tích phải đi rồi đấy."

Sau bữa cơm, bu tôi đem cơi trầu lên phản chuẩn bị têm chung vôi, còn thầy tôi thì lục đục tráng tích pha chè, tiện đường xỉa răng nhai miếng cau trầu bu têm. Bu thầy lúc nào cũng vậy, sau bữa chè thì chát trầu cay cùng nhau hàn huyên tâm sự đủ chuyện về Hiệu Tích. Nom dòm bu thầy nhắm trúng em làm dâu, mới hay đưa chuyện về em như thế.

Tôi đương ngồi bó gối dọn chén đũa đặng đem rửa, nghe vậy lòng dạ bất giác chùng xuống, tự giác tác phong thật nhanh nhẹn chứ chẳng rề rà như mọi hôm. Là vì tôi thấy hổ thẹn, nhưng hèn hạ không dám nghe tiếp.

Năm nay chẳng thể nắm tay nhau
Liệu sang năm tới có cau trầu?
Doãn Kỳ hèn hạ, còn ngu dốt
Hại mình, hại Tích, tình còn đâu?

Than ôi, chuyện tình cảm tình duyên vốn muôn đời trắc trở, hay chăng là do tự mình gây sóng gió phong ba? Hẳn là chẳng phải thời thế, mà là con người vẫn luôn trắc nết khó bỏ, tôi xa em chuyến này, âu cũng đáng đời tôi lắm ru.

Tôi nhớ khi xưa chúng tôi cũng hay có hiểu lầm, mà về sau vẫn làm lành lại được. Không phải là hiểu lầm không to tát, mà là tôi và em luôn biết cùng nhau giải quyết vấn đề. Chứ chẳng như bây giờ, ai nấy đều tự ôm lấy khổ đau mà sầu muộn. Chắc em hẳn là ngại tôi nhiều lắm, vì thằng Kỳ này quá xấu tính mà.

Ví như Chính quốc hôm qua đã nói với tôi sau khi em bước vào nhà ấy, người xấu tính là tôi, cứ mãi hèn hạ dút dát như vậy thì đừng mong cứu vãn được duyên này.

Làm thế nào tôi mới bỏ được tính xấu này đây?

.

Tôi mệt mỏi sắp xếp lại hành lý cùng tư trang, chồng chất nào là quần áo, với chút đồ cây nhà lá vườn mà bu cho mang lên thị trấn. Chẳng biết do nhiều đồ thêm hay vì phải mang theo muộn phiền mà nay những thứ ấy sao cồng kềnh đến thế?

Nắng đã rọi hướng tây, vàng ruộm sân thóc mái tranh, nhỏ giọt qua ô cửa sổ be bé, để hong tôi trong nỗi buồn tủi. Tôi tính ra mình chẳng còn bao nhiêu thời gian nữa, sắp xa làng Bồ rồi.

Và giây phút ấy, thằng Hiệu Tích của những ngày mới xa quê chợt về lại trong tôi.

Nó khóc, nó nấc, nó nghẹn, và nó chả cất lên được lời nào. Nó buồn tủi như thể sắp phải rời bỏ cả thế giới, vì cả thế giới của nó lúc ấy chính là làng Bồ này rồi. Lên thành phố chẳng ai quen biết, càng không một họ hàng thân thích, nó thấy tủi thân mình quá. Thế mà hơn chục năm nay, nó vẫn kiên cường chịu đựng cô đơn nơi đất khách quê người, vì nó tin tưởng nơi làng Bồ vẫn còn nhiều tấm chân tình dành cho nó, nó cũng tin tưởng ở Doãn Kỳ.

Giờ, chỉ tiếc thay, tấm chân tình ấy có lẽ đã vơi đi một người, mà lại là người mà nó rất yêu thương.

Nắng xuân làng Bồ vẫn luôn vàng đậm óng ả, nhưng nay gay gắt và đỏ quạch tựa màu máu, ánh tà dương nhuốm màu chia li, chẳng tươi rói như ngày tôi trở về. Tôi nghe lòng mình sao mang mác buồn.

.

Qua chào thầy ở gian nhà chính, tôi ghé buồng trong nói với bu lời biệt ly. bu tôi khắc khổ hiền hậu, bà ôm lấy tôi trong lòng rồi buồn ru.

À ơi...
Người đi người có trở về
Còn ta vẫn đứng nơi quê chờ người.

Tôi yêu lắm những câu ru ấy, lại thêm trong tình cảnh này, tôi càng thấy não lòng hơn. Gục đầu lên gối bu tôi mà nức nở, bu ơi, đến khi nào con mới về lại được, đến khi nào bu mới hết lo chuyện cau trầu cho con đây?

Bu tôi thở dài, tôi nghe thấy bà cười đấy, rồi bà vuốt tóc tôi, lại tiếp tục ru hời. Chờ đến khi tôi thôi không còn khóc nấc nữa, bà mới dựng tôi dậy, lau nước mắt cho tôi. Bu tôi lại nói:

"Chuyện của hai đứa, bu biết từ chiều qua rồi. Hồi hôm qua bu thấy Quốc với Kỳ đứng trước cổng nhà mình, hai đứa nó to tiếng lắm, thế là bu nghe, bu biết rồi."

"Nhưng Tích con ơi, con cũng đừng trách Doãn Kỳ quá. đành thà rằng nó cũng không đúng, nhưng cũng không có nghĩa con không sai. Tích à, con cũng nên hiểu cho nó. Nó yêu con gần 15 năm nay, nó chờ con như thế, nó cũng sợ mất con lắm ru. Huống chi con xa xứ, hơn mười năm nay con chẳng về, hiếm hoi lắm mới có bận con về chơi đôi bốn ngày, há thằng Kỳ dễ để con đi thế ư? Nó chỉ sợ con đi chuyến này, nó phải đợi thêm mười năm nữa."

"Tích à, nếu đặt con vào vị trí của nó, liệu con có đợi đặng 25 năm cho một mối yêu xa không? hay con còn chưa chắc tròn trịa được 10 năm đặng như nó? Tích, con nghĩ cho kỹ heng, bu chỉ răn con, chỉ bảo cho đến vậy. Bu thương con nên không ép uổng, con nghĩ sao muốn gì bu cũng chịu con heng."

Tôi nghe lòng mình lặng thinh, mũi lại cay nhưng nước mắt đã khô từ bao giờ. biết trước công danh tình duyên khó đặng vuông tròn, nhưng khi đứng trước lựa chọn, tôi vẫn lại muốn khóc.

"Bu à, hạ chí con về bu heng. con nghe lời bu, bu cho con thời gian sắp xếp công chuyện heng."

.

Bến sông ngày này lại tấp nập người đi, kẻ ở. Biết bao người con quê theo đò xa xứ đều tiễn biệt người thân tại nơi này, kẻ khóc người rưng rưng, bến quê lúc nào cũng nhuốm buồn.

Ông Ba Giang đang xem lại động cơ máy nổ, chuẩn bị cho chuyến đò cuối trong ngày. Người đàn ông sống nửa đời với sông nước này vẫn luôn chứng kiến cảnh chia xa ấy, ông Giang quá hiểu, quá trơ rồi. Nên dầu giữa muôn vàn tiếng thút thít sụt sùi, ông cũng chẳng hề thấy cảm động chút nào.

Duy chỉ có tôi là ngoại lệ. Khi tôi cùng bu thầy xách hành lý ra bến, tôi thấy ông Giang buồn. Ông vốn thương tôi như con cháu trong nhà, xa tôi chắc ông buồn lắm chứ.

"Ông à, sau này cháu còn về mà ông. Ông còn có điều chi mà ông buồn?", tôi xoa xoa tấm lưng rám nắng, cố mong vuốt ngược dòng nước mắt của ông Giang, an ủi ông bớt buồn rằng tôi sẽ còn về sớm. Ông Ba Giang gật gù ừ ừ mấy tiếng, ông bảo ông sẽ không buồn nữa. tôi cười nhẹ an ủi thêm chút rồi theo ông xuống đò, sắp đến giờ đò đi rồi.

Ngước lên bờ, bu thầy tôi vẫy chào, gọi với tôi lên đường bình an. Tôi vâng dạ nghe theo, hứa rằng mình nghe lời. tôi cười, nhưng lòng thì buồn đến cháy dạ.

Doãn Kỳ không có ở đây, anh ấy không đến tiễn tôi đi.

.

Chiền chiện thôi hót dưới ánh tà dương yếu ớt, tôi mệt mỏi tỉnh dậy trong cơn đê mê. Tôi đã ngủ quên trong nỗi buồn được bao lâu rồi?

Tôi nhắm mắt lại, giờ này chắc Tích đi rồi. Cũng tốt, chúng tôi chia tay để em lên đường công danh đang rộng mở, để em không còn vướng lo gì gánh nặng ở nơi này. Nhưng như thế tức là duyên mình phải chấm dứt em ơi.

Và liệu rằng thiếu nửa kia của mình, cả hai chúng tôi đều sẽ sống tốt chứ? Hay lại cứ mãi trong dằn vặt đau khổ? Tôi càng không muốn như vậy chút nào cả. Tích ơi, làm sao anh mới tốt cho cả hai đứa mình đây?

Anh có nên ích kỷ một lần cuối, ngu ngốc cố chấp một lần cuối để cố níu tình này không?

Kìa, mặt trời sắp lặn, sắp hết hoàng hôn. Có lẽ giờ này chuyến đò cuối của ông Ba Giang vẫn chưa rời bến đâu. Tôi vội vã bật dậy, muốn đi tiễn em Tích tôi.

Vội vội vàng vàng, tôi ngã lăn từ trên phản xuống đất, đau nhức toàn thân nhưng vẫn mặc kệ. Thậm chí tôi còn chẳng kịp xỏ dép, chân để trần mà chạy đi luôn. Vì lòng tôi giờ đây đang thấp thỏm, tôi sợ mình chậm trễ thêm giây nào nữa là sẽ thiệt cả một đời.

Chẳng thà là tôi sẽ thôi bộc trực nóng vội như vậy nữa, rồi quyết định đợi em trở về, còn hơn là xa em mãi mãi mà chẳng có cơ hội bên nhau.

Tích ơi, anh biết lỗi rồi, tại anh ngu ngốc em ơi.

.

Trời đã xây xẩm tối, chuyến đò cuối ngày của ông Ba Giang đã rời bến từ lâu. Người qua người lại cũng dần thưa thớt, chỉ còn lại Doãn Kỳ đứng lẻ loi bên bờ. Nom hắn đứng lặng thinh, đăm đăm hướng mắt về phía xa mà người người đau xót. Tiếc hùi hụi, tình đẹp làng Bồ ấy vậy lại chẳng tròn duyên.

Thôi đành cầu hai đứa Kỳ Tích được sống an ổn, chứ chẳng ai còn tham cái đám dạm của hai đứa nữa.

.

Ngày tháng con én thoi đưa, xuân qua hè tới.

Hạ chí Tích lại về làng.

Hè sang làng Bồ nô nức.

Chứng kiến cảnh rước dâu của nhà Mẫn.

Kẻ khóc người cười.

Nên duyên.

Hoàn chính văn.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip