i. đồ mít ướt

Những ngày gần đây, Ái Phương thường lui đến bệnh viện sau giờ tan học. Hoặc là, khi trời bất chợt vần vũ mây đen rồi trở lạnh hay đơn giản hơn chỉ là tính khí nàng dửng dưng đâm ra trái thói, nàng sẽ cúp luôn cả ngày hôm đó, để lại cho người bạn ngồi cạnh một tin nhắn cụt lủn nhờ báo trước với giáo viên, còn bản thân thì lẳng lặng đeo cặp bước ra khỏi trường.

Phan Lê Ái Phương không tự quấn theo thân mình bất kể lý do gì để đến gặp Lan Hương của nàng dù đã từng bị em cằn nhằn đến đinh tai điếc óc rằng học sinh cuối cấp thì phải chăm chỉ ngồi ở lớp hơn là nhẩn nha cuốc bộ qua hai con phố chỉ để chui đầu vào bệnh viện tìm người tâm sự: "Bà lúc nào cũng thái quá như vậy," rồi em phụng phịu giấu mặt vào chăn. Nàng bật cười, theo thói quen dỗ dành và để bên giường em mấy quyển tạp chí dài kỳ ưa thích đã cập nhật số mới từ tuần qua: "Càng lúc càng giống mẹ tôi rồi." Nhưng thực tình, Ái Phương chẳng mấy bận tâm đến lời Lan Hương cho lắm.

Hạ đến, nhanh hơn Ái Phương nghĩ. Và cũng nhạt nhòa, cô đơn, buồn bã. Nàng không lui đến nơi nào ngoài trường học và bệnh viện, đôi khi, nhà mình, ngồi bên cạnh ban công u tối và nhìn về phía ban công của căn nhà đối diện, nhìn về phía cửa sổ của căn phòng trên tầng hai đã rất lâu chưa từng mở sáng đèn và chủ nhân của nó thì đã đánh mất mùa hè trong không khí sặc mùi thuốc sát trùng.

Lan Hương yếu dần đi ở những năm đầu cấp ba, bắt đầu bằng mấy cơn ho hen trái khoáy và đôi lần đau thắt lồng ngực, dần dà, chúng di căn thành một căn bệnh cắm rễ sâu trong máu huyết và đến mỗi kỳ hạn nhất định sẽ quặn lên trong em những cơn dày vò khủng khiếp. Ái Phương thì không thể làm gì. Nàng chỉ nghe được từ mẹ mình, "Con bé bị ốm," và chẳng ngờ đến, cơn ốm đó kéo dài suốt mấy tháng ròng rã.

Phan Lê Ái Phương duy trì vị trí cao trong các kỳ thi bằng việc cày đề gần như xuyên đêm và để dành đôi buổi tự học trên lớp để đến chăm sóc Lan Hương đang cô đơn trong căn phòng bệnh chỉ có mình em nằm. Tất nhiên, những bữa đầu tiên bao giờ Ái Phương cũng phải trù bị một tinh thần đủ vững mạnh trước cái tính ưa cằn nhằn của nàng mèo hàng xóm thân yêu, chịu đựng vài hôm giận dỗi trẻ nít rồi lại dỗ ngọt em với mấy món bánh kẹo ngon lành: "Bà không thể làm gì khác ngoài nhận chúng đâu," Nàng bĩu môi, không thể thú nhận với Lan Hương rằng mình đang vui vẻ khi trông thấy em ăn hết số bánh đó, nàng chỉ muốn tỏ ra bình thường nhất có thể bởi lẽ chẳng muốn cô nàng ưa ỉu xìu đang ngồi trước mặt mình nghĩ rằng bản thân đã làm phiền người khác.

Ái Phương luôn sẵn sàng nếu đó là Lan Hương, dù em có những yêu cầu quá quắt hay bướng bỉnh, Ái Phương sẽ làm mọi cách để khiến em tươi cười như ngày cũ. Chí ít là để căn bệnh hay dở chứng bất chợt này không phủ nhuộm lên trí nghĩ em bất kỳ một ý niệm u ám nào.

"Mưa rồi," Có tiếng rơi nhẹ hẫng liên tục gõ lên lớp kính cửa sổ và lọt vào mắt Lan Hương qua khoảng cách hờ hững để lộ giữa hai tấm rèm buông. Đã bấy lâu, em chưa thể chạm tay vào nắng ấm, cũng đã lâu rồi kể từ lần cuối cùng cả hai còn bước chung trên một con đường. Mỗi bận nghĩ đến, Ái Phương thường sầu muộn, riêng việc kề cạnh với người nọ như thói quen từ thuở tấm bé giờ bất chợt đứt đoạn, nàng có gắng gỏi kiểu gì cũng chẳng thể thích nghi được.

Không phải vì Ái Phương sợ hãi, mà là chính nàng không buồn tiếp nhận sự đổi thay. Và nếu cho Ái Phương đủ thì giờ nàng khả dĩ liệt kê được tất cả mọi lý do để giữ khư khư hết thảy mọi điều liên quan đến Lan Hương ở trong lòng, trí nghĩ, và đặc biệt là ở bên mình - với nàng, em đã luôn thường trực trong đời sống ở bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào dù chỉ là một khoảnh khắc, dù đó là những thứ vô hình vô dạng, những ký ức đã cũ càng trong năm tháng, hoặc như, những mùa hè chẳng bao giờ trở lại.

Nên khi Lan Hương cất lời cảm thán về một cơn mưa mà Ái Phương đã đi qua biết bao nhiêu lần để đến đây, nàng cảm thấy có cái gì càn quấy trong mình; trộm nghĩ giá mà có thể mang em đi được, giá mà có thể quấn em trong tấm áo len dày và kéo cao đôi vớ trắng, dìu tay Lan Hương chậm rãi từng bước dưới tán ô nàng chỉ nghiêng về phía em, để em nhìn ngắm đủ thứ mặc cho trong mắt Ái Phương, chẳng có thứ gì thuộc về con phố này khả dĩ thu hút nàng.

Lan Hương có lúc phải công nhận Ái Phương quả tình là hơn em rất nhiều khi nói đến độ ương gàn khó bảo, nhất là khi nói đến những chuyện về sức khỏe của em. Ái Phương tin rằng em sẽ chóng khỏe. Suốt cả mùa xuân và lưng chừng đôi ngày hè đằng đẵng, nàng vẫn tin như vậy, đến mức trong cả nét cười tưởng như cũng đã in dấu niềm hy vọng nhỏ xíu ấy. Em vươn cánh tay gầy guộc còn ghim dây truyền nước lên khẽ khàng vuốt nhẹ mái tóc màu nâu bóng của người bạn thơ ấu cùng tuổi, "Rồi chúng ta sẽ lại đi dưới nó lần nữa, Phương nhỉ?"

Nàng gật đầu.

"Bất cứ khi nào Hương muốn."

-

Sẽ thật khó tin nếu Ái Phương nói rằng giữa nàng và Lan Hương tồn tại một liên kết vô hình kể từ thuở hai đứa mới lọt lòng. Ái Phương vốn không tin, ở những ngày còn nhỏ, nàng cho rằng đó là sự thân thiết cần có bởi bố mẹ của mình giao thiệp khá tốt với nhà nọ - những con người mà Ái Phương trước nay chưa từng nhớ rõ mặt mũi. Lúc đó, Ái Phương còn quá nhỏ. Điều duy nhất nàng khả dĩ nhớ được về căn nhà đối diện nhà mình là cái ngày họ chuyển đến, vỏn vẹn mấy thùng đồ đóng gói gọn ghẽ và Lan Hương nằm yên trong vòng tay mẹ bế, nhỏ xíu và thiu thiu ngủ; tất cả diễn ra lặng lẽ và nhanh chóng, như thể giữa ban trưa bất chợt thoảng qua một cơn gió rồi nó vội biến đi mất, đến khi nhận ra thì sự hiện diện trước mắt đã trở thành dĩ nhiên.

Mẹ nàng nói rằng họ đã ghé qua với vài món quà bánh từ quê hương, gửi lời hỏi thăm đứa con gái nhỏ của gia đình mà họ chưa thấy mặt và mong rằng trong tương lai hai đứa nhỏ - nàng và cái cục bé xíu xiu say ngủ thơm mùi sữa ấy, sẽ chơi thân cùng nhau. Ái Phương chỉ còn nhớ cái xoa đầu nhẹ nhàng của mẹ khi bà đáp lại. Và, vị bánh rất ngon. Nàng nghĩ rằng mỗi lúc nhìn sang căn nhà kia, một chút nào đó của hương thơm ngọt ngào từ chiếc bánh mà nàng tưởng đã quên mất mùi vị bất chợt cuộn lại trên những nụ vị giác. Lần lần, như ký ức, như một nỗi bận tâm không nói thành lời. Những ngày đó, Ái Phương nhớ ra, mình còn chẳng biết tên của cục bông được mẹ nàng ưa khen là dễ thương đáo để kia.

Lòng nàng chỉ nhen nhóm tò mò, tay vô thức siết chặt con gấu bông mềm và ngước mắt nhìn qua lớp kính cửa. Mưa. Căn nhà đối diện không còn rõ ràng trong tầm nhìn của Ái Phương nữa, nó nằm lại trong màn mưa mịt trời và âm u ủ dột, có lẽ nàng nên trở về phòng, Ái Phương lủi thủi bước những bước nhỏ lên cầu thang, lẳng lặng khép cửa và nhìn thêm lần nữa, về phía bên kia, như thể có lực hút kỳ lạ đã kéo trí nghĩ nàng nán lại ở cánh cổng đen thường khép chặt cả ngày ấy; đoạn, nàng mới kéo rèm lại, nhanh chóng leo lên giường và rúc mình trong chăn ấm. Ngày mai, Ái Phương trộm nghĩ, mình sẽ ghé qua đó.

Đó là khoảng thời gian tươi sáng nhất cuộc đời Phan Lê Ái Phương, nàng võ đoán, và cả với Lan Hương, cái miệng sữa la oai oái hay ríu rít đuổi theo Ái Phương ở bất cứ đâu.

Lan Hương vốn yếu ớt hơn, bởi ngay từ lúc còn bé em đã thường mắc vài căn bệnh vặt mà bởi lẽ đó Ái Phương càng có thêm lý do để mắt đến em nhiều hơn kể từ ngày Lan Hương mới đến lớp mẫu giáo. Cả hai ngồi chung trên những chuyến xe từ trường mẫu giáo về nhà, nơi có những đứa trẻ trạc tuổi đang cười đùa khóc lóc hoặc say ngủ, Lan Hương thích đung đưa đôi chân và hát líu lo mấy điệu nhạc đã được dạy, nhanh nhảu tìm trong túi mấy món kẹo ngọt mà em nhận được từ các bạn trong lớp và đem chia cho Ái Phương. Em nói rằng em chẳng buồn ăn một cái nào: "Phương ăn đi, mặt xệ hết cả rồi này," và như vậy nên tất thảy những gì tốt đẹp nhất em đều lẳng lặng cất lại trong chiếc túi rút bằng vải nhỏ xíu nằm gọn một góc cặp, chờ đợi để được gặp Ái Phương và khiến nàng cong môi cười.

Về phần Phan Lê Ái Phương, mấy cô giáo nhà trẻ thường phát ốm với tính khí đôi khi ương bướng của nàng vào mỗi trưa đứa nhỏ khăng khăng phải chạy xuống những lớp ở tầng dưới cốt chỉ để xem Lan Hương của nó có ngủ ngoan hay không. Những ngày đầu, cô giáo trẻ thậm chí không hiểu Ái Phương thực tình muốn ám chỉ điều gì (bọn trẻ ở đây lắm khi nói những điều chẳng tài nào lý giải nổi), tuy nhiên chỉ vài hôm sau đó, trông thấy Ái Phương ưa dắt tay một bé gái trông có vẻ trạc tuổi ung dung bước xuống từ xe buýt đưa trẻ, nhân vật Lan Hương kia cuối cùng cũng không còn là một ẩn số.

Có điều, ngay khoảnh khắc giữ tay đứa nhỏ đang la oai oái, các cô chỉ trộm nghĩ, người duy nhất không ngoan là đứa nhỏ xinh xắn họ Phan này mới phải. Họa hoằn, dăm ba buổi trưa còn dư dả ít thời gian, Ái Phương được ưu ái dắt xuống tận cửa lớp của Lan Hương chỉ để ngó mắt vào độ hai phút nhằm chắc chắn rằng em vẫn ổn; đoạn, nàng bất ngờ trở nên ngoan ngoãn hơn hẳn, khẽ giật giật tay áo cô giáo và ngúng nguẩy bảo rằng nàng đã buồn ngủ rồi.

Thế là, Ái Phương trở về lớp, còn Lan Hương mãi đến sau này mới biết được từng có người mỗi ngày ghé lớp trông mình ngủ trưa.

_

"Tôi luôn có cảm giác rằng bà sẽ đi mất ấy," Ái Phương bĩu môi, tay xoa xoa đến rối cả mớ tóc mềm của con mèo ngồi bên cạnh, "Nhỡ Hương đi lạc thật rồi sao?"

"Nói vớ vẩn gì đấy? Tôi ở đây còn gì." Lan Hương phá lên cười, cảm giác chính em mới là người hay dỗ dành người bạn lớn này hơn, "Con gấu mít ướt quá đi."

"Bà mới mít ướt, Bùi Lan Hương là đồ mít ướt," Ái Phương phản bác lại.

Để rồi suốt chặng đường về nhà đó, cả hai tranh qua cãi lại chỉ vì chuyện xem ai là người hay khóc hơn ai. Mà Ái Phương, vốn tính muốn làm "người lớn" để Lan Hương bé nhỏ dựa dẫm, luôn mực khẳng định đến ngần tuổi này (dù vẫn còn đi mẫu giáo) rồi thì nàng chẳng bao giờ khóc nữa đâu, còn Lan Hương thì vẫn nhỏ lắm, và "Bà nên khóc nếu thấy buồn bực khó chịu", Ái Phương lí nhí. Bởi nàng sẽ không khóc, và Lan Hương sẽ được thỏa chí khóc khi em thấy có điều gì mang lại cho mình nỗi đau.

Ví như căn bệnh, hay chỉ đơn giản là thức giấc sau một buổi trưa hè nồng nực giương tay quơ quàng nhưng chẳng thấy bóng dáng Ái Phương đâu: tiếng khóc của em cất lên như những ngày còn thơ, cất lên để Ái Phương tức tốc chạy đến cạnh bên dỗ dành an ủi.

Rồi như chỉ cần có sự hiện diện của người kia, trái tim cũng tự khắc trở nên ấm áp dịu dàng, những nhịp đập bình lặng, nhịp thở phập phồng khuôn ngực nhỏ và cơn mơ êm đềm quay trở lại; hai đứa trẻ lần nữa nghiêng người đối mặt nhau, mí mắt díu lại và thiêm thiếp ngủ dưới tấm chăn mùa hè mỏng tanh vắt ngang mình.

Nàng đã ràng rịt điều đó trong suy nghĩ của mình rất lâu, rất lâu, gần như xem đó là tia sáng bất kham trong trí óc và kể cả khi những ngày dài về sau Lan Hương có trở thành một cô gái hay cười mà chẳng còn mau nước mắt, nàng vẫn sẽ hiểu được lúc nào thì em cần chỗ ngả lòng. Nhẽ rằng thuở thơ ấu có thể kéo dài hơn chút nữa, chút nữa, khi mà ký ức và tâm trí em luôn phủ nhuộm trong một không gian tràn đầy ánh sáng, có đôi cuộc rong ruổi ham chơi và những ngày hè lao mình trên mấy ngả đường rợp bóng cây xanh; Lan Hương hồn nhiên và ngây dại, tiếng cười em ngân vang để lại dư âm trong trí nhớ của Ái Phương cả một thời thơ trẻ mà nàng nghĩ rằng nó sẽ diễn ra dài lâu hơn và rực rỡ hơn.

Song, mọi sự chừng đã biến tan bởi một cơn sốt bất chợt ghé đến vào đêm mưa buồn tẻ.

Mười ba tuổi.

Mẹ em bảo rằng vào mỗi giai đoạn nhất định trong năm, những cơn sốt sẽ tái phát như một chứng bệnh không cách nào chữa được, buộc Lan Hương giữa đôi ngày vui vẻ tận hưởng cuộc sống ở trường học phải nằm yên một chỗ trong căn phòng bệnh sặc mùi thuốc. Kể từ đó, Ái Phương nhận ra cảm giác ngày xưa của mình chưa từng sai, hoặc là vì nguyên cớ đáng ghét nào mà nó thực sự ứng nghiệm với em: nàng luôn cảm giác Lan Hương sẽ biến mất mà chẳng nói lời nào. Bất kể tay nàng có đang níu lấy tay em, bất kể em có thút thít nức nở khóc trong đau đớn và nàng đã lao đến ngay khi có thể, bất kể lúc nào, bất kể là Ái Phương có cố ý ngoái nhìn em thật lâu khi cả hai nhẩn nha tản bộ trên đường về nhà, cảm giác ấy không cách nào biến mất.

Như thể em sẽ đi, nếu nàng không giữ em lại, Lan Hương sẽ đi dẫu cho giữa nàng và em vốn đã hiện tồn một mối dây đời khó lòng đứt đoạn kể từ giây phút những ngón tay bé xinh của em nắm lấy đầu ngón tay nàng. Ái Phương mường tượng, thứ gì đó không thể gọi tên liên kết giữa nàng và em chỉ có mỗi mình nàng là cảm thấy, lẽ đó nàng luôn lo lắng và âu sầu, lẽ đó mà dù cho nàng chỉ ngồi dưới bóng cây rợp mát còn em ngồi vắt vẻo đôi chân trên cành cây lớn vươn dài về phía trước, Ái Phương cũng sợ em sẽ lẩn đi đâu đó trong đám lá xanh ngợp và dày đặc, sợ rằng những tiếng ve kêu giữa hè cũng sẽ mang em đi khi chúng tắt ngúm. Ái Phương đã sợ. Rất nhiều, như thể nỗi sợ đã hiện sinh từ rất lâu.

Ngày đó nàng đã chạy đi với chiếc cặp còn chưa đóng khóa, đứng trong hành lang bệnh viện mà chẳng biết phải gọi tên em bằng cách nào. Ái Phương đã nghĩ, giá mà em cất tiếng để nàng nghe thấy, giá mà em có thể nói cho nàng hay rằng em đang ở đằng sau cánh cửa nào, đang chịu đựng những dày vò khốn khổ ra sao; giá mà nàng biết được. Cơn run rẩy choáng lấy cả nhịp thở của Ái Phương khi nàng lê từng bước chân trên hành lang người người qua lại, chậm rì và nặng trịch như đeo gông, Ái Phương không kiềm được những giọt nước mắt đang từ từ bò xuống hai bên gò má mình: "Lan Hương."

Cái gì đó dấy lên từ tận sâu trong đáy lòng, một xúc cảm quen thuộc mà cũng lạ lẫm, lưng chừng giữa cái lằn ranh muốn nàng nhận ra mà cũng giống như mong nàng phớt lờ đi tất cả. Phan Lê Ái Phương không rõ, rốt cuộc hết thảy mọi thứ đương xoay quanh nàng là sao, tâm trí của một đứa trẻ thậm chí chẳng cho phép nàng được thắc mắc và bận tâm về nó. Vì nàng không thể gọi tên nó, Ái Phương chỉ còn cách gọi ra những thứ ẩn ức trong nàng bằng việc kêu tên em, trong tiếng nấc liên tục khôn dứt, bám víu lấy áo những cô điều dưỡng đi ngang qua và hỏi han cho đến khi được dắt đến tận phòng mà theo họ là Lan Hương đang được chăm sóc. Cánh cửa im lìm, bên tai nàng hồ như cũng bặt tiếng.

"Em ổn chứ?"

Ái Phương ậm ờ nói cảm ơn rồi chạm tay nắm cửa, kéo nhẹ về phía bên phải và chẳng hiểu sao lại nhắm tịt mắt lại. Bất chợt nàng mới ngỡ ra, ngày nhỏ nàng cũng đâu mấy ưa mùi thuốc sát trùng, thứ mùi mà mỗi khi ngửi đến lại gợi nhắc trong trí óc bọn trẻ con hình ảnh mũi kim tiêm nhọn hoắc; nhưng bây giờ, nàng chẳng bận tâm bao nhiêu nữa. Điều nàng muốn thấy chỉ có Bùi Lan Hương.

Mưa.

Trí nhớ nàng hồ như luôn nhớ những cơn mưa.

Nhưng lần này nó lớn quá, át qua cả lớp vôi vữa dày đặc và đánh thẳng vào tai nàng. Thứ thanh âm rợn ngợp lặp lại không hồi kết, xối ào ào xuống tâm trí của Ái Phương và rửa trôi tất cả mọi thứ, để lại cho nàng một cảnh tượng về sau chẳng tài nào quên được. Đôi chân nàng chừng đã cắm rễ trên nền đất, còn con ngươi đã chết sững lại. Lan Hương nằm giữa một đống máy móc không ngừng kêu vang hỗn loạn cùng tiếng mưa rơi dữ dội như vũ bão; em thở đầy nặng nhọc, những nhịp thở trì trệ tưởng là đá tảng đè chồng trên lồng ngực.

Nàng muốn lao đến, chẳng ai nói cho một đứa trẻ hay rằng khung cảnh này sẽ khiến nó đau đớn và bàng hoàng như thế nào. Giọng nói của những con người trước mắt nàng trộn vào với nhau, ồn ã và căng thẳng, cô điều dưỡng ban nãy giật lui một bước và kéo vội tay nàng rời khỏi, cánh cửa xám xịt đóng xoạch và chốt lại, thanh âm của ổ khóa khiến nàng giật thót tim kéo nàng trở lại với thực tại trước mắt. Ái Phương không nhớ thêm điều gì nữa.

Dường như ngày hôm đó nàng đã khóc rất to.

Rõ ràng Bùi Lan Hương mới là đồ mít ướt.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip