Thương Nhớ Liễu Trì


Ngọn sóng thứ 4 "Thương Nhớ Liễu Trì" - uphorment_
 

   

      "Tôi luôn nhớ thương tuổi trẻ, tuổi của tình yêu nồng nàn. Khi tôi yêu thương cái tuổi đời ngào ngạt hương hoa này thì đồng thời tôi cũng yêu một cõi đời tôi đã mất."
-Trịnh Công Sơn
    

1.

     Lẽ đời, giữa lứa người với lứa người, đó gọi là tham phú phụ bần, còn đây là giữa người với cảnh.

      Huân nhìn trạc chừng mười bảy, chuẩn bị đến ngưỡng trưởng thành, nó bỏ học từ năm nó mười bốn nên chẳng mong gì đến mấy cái bằng cấp quèn, nó chỉ cần tiền. Chí Huân nó sống ở thôn Liễu Trì từ thuở mới sanh, cái thôn quê mà mệnh danh là nghèo vẫn hoài nghèo, dân ở đó khốn khổ, muốn giàu chỉ có cách lên thành phố đổi đời, mà ngặt nỗi là nghèo thấy mẹ, tiền đâu lên châu thành lập nghiệp, mà đổi với chả đời?

      Chưa kể, Chí Huân nó dân Liễu Trì, mà lạ ghê, nó ghét Liễu Trì lung lắm, phải nói là nó ghét cay ghét đắng quê hương của nó. Có lắm đêm, nó nằm vắt tay lên trán dưới cái ánh đèn dầu leo loét để trên cái bàn gần chõng tre nó ngủ, nó than trời trách đất sao mà lấy của nó hết, mẹ bà nó sống gì mà xui dữ thần ôn, sống vậy sống chi nữa? Rồi nó rảnh rỗi, gom lại cả đống nỗi đau âm ỉ mà nó chịu gần mười bảy năm nay ra mà hàn lại thành cả chuỗi khổ ải bi ai. Cha nó bỏ đi khi nó mới lọt lòng, ông chẳng chịu nổi cái cuộc sống nghèo quèn này ở Liễu Trì mà bỏ mẹ con nó đi sang xứ khác mần ăn, nó hận cha mà cũng hận cả Liễu Trì, ơn phước Liễu Trì nghèo quá mà cha nó hết thương, Huân còn lại mỗi má. Xui sao, năm nó vừa mừng xong cái sinh nhật thứ sáu, má nó đột quỵ khi đang làm đồng, mất, để lại mình nó mang cái gánh bẽ bàng của cuộc đời. Khuyết cha mất mẹ từ lúc mới biết bập bẹ vài câu đã đành, vừa lớn thêm tí đã phải gượng gồng thêm chén cơm manh áo, Huân nó khổ gì mà khổ dữ thần. Rồi nó tự hỏi, đến bao giờ nó mới hết khổ?

      Than thì than vậy, chứ nó đâu có thay đổi được gì. Nói chứ, thân trai lắm hoài bão ước mơ, nó nghe mấy thanh niên cỡ cỡ nó đồn về cái chốn châu thành phồn hoa mà ham, vốn nó nghĩ, ai lên đó cũng sẽ đổi đời hết, dạng như một bước lên mây, không còn sống trong cái cảnh khổ ải túng thiếu này nữa. Huân nung nấu ý định lên Sài Thành, không tiền, không vốn liếng lập nghiệp, với hai bàn tay trắng thôi nó nuôi ước mơ của cả ngàn người.

..

     " Huân, mặt nom buồn vậy mày? Làm sao, lại tiền nong à?"

     Thằng Thanh Khải thấy nó nằm trên chõng, đưa qua đưa lại trông buồn đời, gạn hỏi nó. Khải đặt lên bàn mấy củ khoai mì má thằng ấy mới được cho, rồi thằng Huân nhìn Khải, đầu óc lại mơ màng nghĩ đến việc thằng Khải hên hơn Huân gấp vạn lần, cha mẹ thằng Khải còn đủ, mỗi tội cha nó không ở đây với mẹ con nó, ổng lang bạt ngoài trùng khơi tận đẩu tận đâu, sống luôn ở cái làng chài gần biển để ổng đánh bắt cho dễ, mấy tháng ổng mới về một lần, mỗi lần ổng về là lại mang cả cục tiền, rồi mấy thùng cá to chảng về cho hai mẹ con thằng Khải. 

   "Qua đây làm đếch gì, về đi."

     " Má tao kêu mang khoai mì qua cho mày, máy ngày nay mày cày cuốc quần quật ngoài ruộng, có ăn cái chi đâu?"

      " Kệ tao, không muốn ăn. Tao đang mệt lắm, nhìn đồ ăn là lại phát nôn ra"

      Thằng Khải thở dài hồng hộc, khoai mì là món nó khoái nhất mà nay bảo không thèm, có cho tiền thằng Khải còn không dám tin. Khải nhìn bạn mình uể oải, vật nhau với cái chõng mà rầu thúi giúp bạn, thằng ôn này nó nghèo quá hóa khùng đến nơi. Rồi Khải lấy mấy củ khoai mì, xếp ra dĩa để lên bàn cho nó, Khải cất lời:

     "Nói mày mấy lần rồi, ngu. Mày có chí cầu tiến, lại còn có tài năng, mày lên Sài Thành mà học hỏi người ta, lập nghiệp ở trển, đổi đời. Cứ dậm chân mãi ở Liễu Trì, miệng cứ bảo hận Liễu Trì do nó nghèo, khiến mày vạ lây cái nghèo mãi, rồi mày có làm được gì khác ngoài than thở đâu hả thằng ôn?"

     " Nói hay quá, vậy sao mày còn ở đây? Nhà mày cũng đỡ, sao không lên thành phố lập nghiệp đi, ở lại Liễu Trì làm chi? Mày á Khải, chỉ giỏi nói."

      " Ông lạy mày Huân ơi. Má tao bả còn ở đây, bả già rồi mày, cha tao còn đang xa quê, tao ở lại chăm nom bả nữa, sẵn nhang khói cho ông bà luôn. Giờ tao mà lên thành phố, má tao thân cô thế cô dưới Liễu Trì, hương tàn nến đổ trên bàn thờ gia tiên nhà tao không ai lo về sau, tao nỡ đành hả mày? Nói chung, đừng có bảo cái chi đến tao hết, tao khuyên mày lên thành phố đi. Tiền nong ấy.. có gì tao xoay xoay, tao cho mày mượn mà làm vốn liếng. Thành tài ở châu thành rồi về trả tao nghen."

     Thằng Huân nó bật dậy khỏi võng, tiếng thống thiết của nỗi khổ từ cõi lòng nó như được trút bỏ, mắt nó sáng ngời ngợi như cả bể sao trời rắc vào. 

     "Mày nói thiệt hả Khải? Mày giúp tao hả Khải? Trời ơi, tao đội ơn mày! Khải ơi mày tuyệt vời quá!"  

      Huân từ lúc đó nó vui hoài, miệng nó đi đâu cũng cười toe toét. Nó sắp được đổi đời, nó sắp được lên thành phố, nó sắp được hưởng cái giàu sang, nó sẽ có công ăn chuyện làm, nó sẽ thực hiện được ước mơ mà cả đám thanh niên trong làng thèm muốn.

      Rồi mấy ngày sau, thằng Khải đến nhà nó như lời đã hứa, đưa cho nó một cái cục tiền gói ghém trong cái bọc đen quấn băng keo, vùi vào tay thằng Huân thêm mấy túi khoai mì.

     " Mai bắt xe đò đi, còn khoai mì này cho mày, để dành đi đường lấy ra dằn bụng. Lên thành phố nhớ đừng quên thằng bạn già còn dưới quê nghen mậy"

      Nó ờ ờ, cảm ơn thằng Khải rối rít, miệng cười tươi. Chốc sau Huân gom hết đồ đạc, nó nằm lên chõng đung qua đưa lại. Tối đó, Huân mất ngủ, ngày mai là nó xa cái nơi nó không thương nổi, nó xa hết nỗi bẽ bàng ở quá khứ còn lưu lại ở đất Liễu Trì.

    Nó thèm hương vị giàu sang lắm rồi, Huân nó đã nghèo đến từng này, đừng bắt nó nghèo túng thêm nữa.

2.

      Chuyến xe đò cuối cùng đưa nó vào bến đã là chuyện của ngày hôm sau. Trịnh Chí Huân vật vờ bước xuống xe, khệ nệ vác theo ba lô và cái túi đan mây, ôm khư khư trong lòng. Nó mặc cái quần lụa đen rộng thùng thình phải lấy dây thun buộc ở cạp quần, nó nghe qua vài cái mốt, mô-đen ở trên thành thị, muốn tí tởn theo mà khổ cái là cái quần của nó rộng chết, y chang cái thùng. Còn áo nó mặc trùng màu với vận của Chí Huân, nó nghe bảo Bạch Lạp Kim sẽ hợp với màu vàng, thế là Chí Huân quất nguyên cái áo vàng khè lên người với mong muốn là ngày đầu nó xa quê nhà, sẽ may mắn và thuận lợi, lộc phát ùa vào nó.

     Mà hên gì đâu hổng thấy, thấy nó rơi ví trên đường rời khỏi bến xe bà rồi.

     Huân nó giữ khư khư cái túi đan mây trong tay, quên mất cái ví tiền để trong túi, giấy tờ tùy thân với số tiền thằng Khải đưa Huân nó dồn vô đó hết, thế mà mất ví tận mười lăm phút đồng hồ nó còn không hay. Nó đi dép tông lào, dép va chạm với đường đá kêu lạch bạch, Huân dừng ngay đèn xanh đèn đỏ trên phố, bỡ ngỡ không thôi. Ở đây bạn hàng quán đông dầy dầy, có lắm cô gái thành phố đẹp mê hồn mặc cái áo dài trắng chạy xe đạp bon bon trên đường, hội cô thì ngồi ăn chè bên kia đường. Sài Thành tấp nập, ồn ã, sầm uất hơn Liễu Trì vạn lần, khác với cái cảnh mặt trời lên tới đỉnh mà khung cảnh vẫn yên ả, chẳng có lấy bóng người ló mặt ra ngoài.

     "Cậu gì ơi! Cậu rơi ví này!"

     Huân nó còn đang loay hoay không biết qua đường như thế nào, bỗng dưng có tiếng gọi to phía sau khiến nó tò mò quay lại. Đằng sau nó là một chàng trai đeo mắt kính gọng đen, mặc cái áo sơ mi trắng ngà, quần âu đen, và điểm trên gương mặt của cậu chàng ấy là đôi môi na ná loài mèo, với vẻ hớt ha hớt hải. Cậu chàng chạy đến trước mặt nó, thở hồng hộc, tay cầm cái ví nâu trông quen quen chìa ra trước mặt của Huân.

     "Cậu làm rơi ví ở bến xe này. Sau cẩn thận nghen cậu, mất cái gì chứ mất ví tiền đồ là cực nữa. Cậu giữ đồ giá trị cho kĩ nghen!"

    Huân kiểm tra lại túi quần, thấy túi lủng một lỗ to, ái ngái nhận lại cái ví tiền, miệng cảm ơn người nọ rối ra rối rít.

     Cậu trai cười cười ý bảo không có chi, tính rời đi mà tự dưng lại để ý thấy Huân cứ đứng nhấp nhổm ở khúc ngã tư đèn xanh đèn đỏ, trán nó đổ mồ hôi hột nhìn dòng xe qua lại nườm nượp. Cậu trai đoán ngay, Huân ắt hẳn là dân quê mới lên phố lần đầu, không biết qua đường làm sao đây mà.

      " Cậu ơi, cậu cần tui giúp cái chi hông? Trông cậu như đang rối chuyện gì ấy"

       " Ờ.. tui mới lên Sài Gòn lần đầu, hổng có biết qua đường như nào."

       " Thôi, để tui giúp cậu qua đường cho. Ở đây xe cộ nhiều, đi không khéo, nguy hiểm lắm!"

      Nó ái ngại gãi gãi tóc mai.

      Mà nó để ý, nhìn cậu trai nọ cứ hiền hiền, trông cậu đẹp lung lắm, không phải cái dáng vẻ quầy quậy mà Huân vừa quét mắt qua đám thiếu gia bóng bẩy phì phèo điếu thuốc lá dưới gốc phượng già, cậu mang nét đẹp thơ thơ, dân dã, chân chất thiệt thà làm sao. Rồi nó thấy đèn dành cho người đi làn bộ vừa chuyển xanh, cậu đã nắm lấy tay nó đi lên cái vạch trắng dưới lòng đường. Màn trời xanh trong, cao vời vợi gửi gắm làn gió dìu dịu thoảng qua mái tóc màu đen cháy xém màu nâu hạt dẻ của chàng thơ thành phố, mang cái mùi hoa oải hương thoảng qua đầu mũi của Trịnh Chí Huân, thơm ơi là thơm, đúng dân thành thị có khác hen, khác xa với cái người đổ mồ hôi mồ hôi mồ kê ròng ròng, hôi hôi như nó.

     Cậu trai dẫn nó qua đến bên kia đường, cái thả tay tự dưng làm nó tiếc tiếc, rồi cậu căn dặn nó mấy câu:

    " Sau cậu qua đường, cậu cứ đợi đèn dành cho người đi làn bộ nhảy xanh xong cậu đi trên cái vạch trắng này là qua được thôi! Đi như vậy hổng có cái xe nài dám rớ tới cậu đâu, yên tâm nghen!"

      Chí Huân nó ngẩn ngơ, gật gù như đã hiểu. Cậu trai liếc mắt nhìn chiếc đồng hồ đeo tay đời mới, bày ra vẻ ngạc nhiên, cậu vội vã chào Huân, chưa kịp để nó cảm ơn lấy một lời. Giữa dòng người, tiếng nói của cậu cất lên vang trời, nói với Huân rằng cậu có công chuyện gấp dữ lắm, cậu đi trước. Mới lần đầu lên đô thành, thứ khắc sâu vào trái tim non nớt của Chí Huân là nụ cười tươi tắn của chàng thơ Sài Gòn, cái ánh mắt, đôi môi như hoa hè, cái khoảnh khắc mà cả đời cả kiếp nó không thể quên.

3.

    Huân không người thân, thậm chí còn chẳng quen biết ai trên châu thành. Không có nơi lưu trú gì, tự dưng, nó thấy mình lạc lõng, cứ thế mà đi chẳng biết mình đi đâu về đâu. Rồi nó thấy ở cái biển quảng cáo trên lề phố với cái tiêu đề cho thuê trọ, nó chợt nhớ đến lời thằng Thanh Khải dặn rằng: "Lên thành phố có mình ên, không có nơi trú phải đi tìm cái nhà trọ nào giá tốt mà thuê", thế là nó mừng rơn. Mà Huân do dự, nó cứ sờ sợ làm sao dù chẳng ai đả động gì nó. Chí Huân đứng dòm khu nhà trọ cũ, trông nó như đã mở từ rất lâu lắm mới được tân trang lại chút đỉnh, giờ nó không vào thì đêm nay nó lạnh cóng ngủ lang ở ngoài đường, nghĩ đến đấy Huân quyết định bước vào ngay.

      Cái sàn đá hoa cương buốt giá truyền cái lạnh đến bàn chân của nó, bốn bức tường tróc mảng, gian nhà thì tối om om, chẳng thấy ai tiếp khiến nó toát hết mồ hôi. Bỗng dưng, giọng nói của một người phụ nữ trung niên cất lên:

     "Gì đây? Thuê trọ à? Thuê trọ sao còn đứng im im đấy, qua kia làm giấy tờ rồi đặt cọc đi"

      Huân nhìn bả, thấy mà ghét, không có ưa từ cái nhìn đầu. Bả trông cũng lớn tuổi, không còn thời con gái mới lớn son sắc mặn mà gì mà mặc cái đầm dây đen kịt, lông vũ gì tua rủa ở phần ngực áo hết, móng tay bả lẫn môi cùng một màu đỏ chói, tóc bả thì xoăn xoăn vàng nâu trông chả hợp với tuổi của bả là bao, miệng mồm thì phì phèo điếu Bastod đỏ đang cháy, rồi nhả ra làn khói trắng xám bụi bặm của thuốc lá. Còn nữa, giọng bà chua loét, thé thé rất nhức tai.

      Huân không nói gì, lẳng lặng nghe theo bả đi đến cái bàn gỗ to. Bà chủ nhà trọ Lang Hoài lấy ra xấp tờ giấy A4 và cuốn sổ xanh biển ghi ghi chép chép, kêu nó lấy giấy tờ tùy thân ra đưa bả coi.

     "Ở đây tiền trọ là một tháng là năm triệu rưỡi, cọc trước một triệu hai. Phòng mười hai mét vuông, có nội thất cơ bản đầy đủ, còn muốn xài điều hòa thì tự lắp."

      "Một tháng mà năm triệu rưỡi hả cô? Cháu dân quê mới lên thành phố làm ăn, chưa có tiền nhiều, có gì mấy tháng đầu cô thư thả giảm tiền cho cháu với.."

       Chí Huân nài nỉ, bà cô chủ trọ Lang Hoài thì cau mày, tỏ vẻ không đồng ý. 

      " Giảm là giảm như nào? Ở đây ai đến thuê cũng đồng ý khoản đó, có người thích quá đưa ngay năm triệu rưỡi vào ở luôn, giờ cậu bảo giảm là giảm thế nào? Đắt quá thì đi chỗ khác mà thuê, nói trước, ở đây tôi đảm bảo an ninh hơn mấy khu nhà trọ khác"

      Huân bối rối chẳng biết sao, tiền thằng Khải cho nó mượn không nhiều không ít, giờ đổ hết vào tiền nhà trọ mỗi tháng ngay khi nó còn chưa có vốn lập nghiệp, có mà di dịch nơi nó nghèo thôi chứ có khá khẩm gì hơn đâu? Khi nó định rời đi, tự nhiên có cái chất giọng lảnh lót quen thuộc truyền đến tai nó:

     "A, cái cậu ở bến xe Hoa Ngữ nè phải không? Trùng hợp vậy, cậu đến đây thuê trọ hả, hay sao?"

    Cái "chàng thơ Sài Gòn" vừa giúp nó ở bến xe chạy ton ton ra trước mắt Chí Huân, bất ngờ reo lên. Huân theo đó, tiếp lời cậu trai:

      " Ừ, tui đến thuê trọ, mà ngặt nỗi hổng có đủ tiền, tui định đi qua chỗ khác thuê. À, nãy anh đi nhanh quá, tui chưa kịp cảm ơn anh đã nhặt ví giúp tui ở bến nữa"

      "Ôi dào, có cái chi đâu mà cảm ơn. Mà cậu có bao nhiêu, sao hổng đủ tiền thuê trọ hàng tháng ở đây?"

      " Tui mang có mười hai triệu lên đây, mà tiền trọ hết nửa rồi, sao đủ tiền làm vốn lập nghiệp nữa anh. Thôi để tui kiếm chỗ khác, ở tàm tạm rồi chừng nào có tiền tui thuê chỗ tốt"

      Cậu trai dường như hiểu ra cái gì đó, chau mày lại đi đến phía bàn gỗ nơi người đàn bà trung niên đang đứng hút thuốc.

     "Má, con bảo má bao nhiêu lần rồi má? Trọ này là trọ cho sinh viên khó khăn, tiền trọ có hai triệu một tháng, sao má cứ đôn giá lên hoài vậy?"

       Bà cô tặc lưỡi, liếc cậu trai một cái rồi bỏ đi vào nhà trong, trước khi vào còn nói với lại:

      "Mày muốn làm cái khỉ gì mày làm, cái nhà trọ rách nát thằng cha mày để lại cho tao chả kiếm được đồng xu cắc bạc nào ra hồn. Mẹ bà, tao kiếm tiền nuôi mày đấy, bày đặt nghĩa hiệp"

       Bả đóng cửa cái rầm, mặc kệ vẻ khó chịu của cậu trai. Rồi cậu xoay qua nó, miệng cười cười, chẳng hiểu sao nó thích cái nụ cười này của cậu quá chừng, trông dễ thương ghê vậy đó.

        "Cậu đừng để tâm nghen, má tui bả vậy. Cậu dân quê lên thành phố lập nghiệp, tui giảm tiền trọ mấy tháng đầu cho cậu xuống còn một triệu, cậu lên xem phòng ốc ổn không rồi cọc hay đóng tiền luôn cũng được, hổng có sao."

       " Ờ.. ờ, tui đưa tiền tháng giờ luôn cũng được, khỏi xem phòng, sao tui cũng ở được hết trơn á anh. À đây nè.. giấy tờ tùy thân của tui, anh xem qua nghen"

     Cậu trai cầm cái căn cước lẫn giấy tờ của nó lên xem qua, gật gù rồi ghi ghi chép chép vào sổ. Chí Huân để sẵn lên bàn hai tờ năm trăm ngàn đồng, ngó nhìn cái dảng vẻ làm việc nghiêm túc của cậu trai.

       "Trịnh Chí Huân, cậu họ Trịnh à? Họ này tui hiếm thấy ở đô thành lắm á. Ơ.. cậu dân thôn Liễu Trì à?"

      Bất chợt cậu lướt mắt đọc qua thẻ căn cước của nó, ngẩng mặt lên, mắt xoe tròn nhìn Huân.

       " À ừ.. tui dân Liễu Trì, mà dưới đó nghèo quá, tui bỏ quê lên đây lập nghiệp, định ở luôn"

      "Ai dè tui cứ thấy nét quen thuộc, tui cũng dân Liễu Trì nè hì hì. Mà hồi tám tuổi cha tui bế tui lên Sài Gòn, sống ở đây tới giờ luôn."

      "À này.. không biết anh có giống tui không? Tui sanh ra ở Liễu Trì, mà ghét Liễu Trì thấy sợ. Tui ấy, tui không thương Liễu Trì.."

       "Ngày trước, tui cũng giống cậu Huân. Từ năm sáu tuổi tui đã hổng thích Liễu Trì. Liễu Trì nghèo quá, cực nữa, bởi vậy mà hồi đó lúc nào tui cũng sống trong cảnh túng thiếu, thế là cha tui ổng không chịu nổi, bế tui lên đây sống rồi mở cái nhà trọ Lang Hoài này nè cậu. Mà lạ thay, lúc tui rời Liễu Trì rồi, tự dưng tui lại nhớ!"

        " Sao? Liễu Trì có cái chi đâu mà anh nhớ?"

       " Cậu Huân hổng biết đó thôi, chứ tui không thương Liễu Trì, mà Liễu Trì thương tui. Tui lúc đó nhớ bạn bè dưới Liễu Trì, nhớ mấy cái bữa ăn nhạt nhẽo, vừa đủ no cùng cha chứ không phải cái cảnh giàu, dư cái ăn rồi chỉ ngồi một mình một bàn. Tui cô đơn lắm"

       Huân nó im bặt, cậu nói cũng đúng đúng, mà nó không dám thừa nhận. Cậu trai cười phì một cái, đưa cho nó cái chìa khóa rồi kéo ghế đẩu ra, đứng dậy thẳng thớm hẳn hoi, cậu nói:
  
       "Huân đi theo tui nghen, tui dẫn cậu lên xem phòng trọ."

     Huân ợm ừ, có một điều mà nãy giờ nó thắc mắc mãi chả dám nói năng tiếng nào, nó ngại. Mà thằng Huân ở Sài Gòn tự nhiên nó gan dạ ngang vậy đó, nó gạt phăng cái dè dặt trong lòng, đánh bạo hỏi:

     "Này anh.. Tui có thể gọi anh là gì?"

      "Ô, tui quên mất giới thiệu, xin lỗi cậu à! Tui tên Lý Tương Hách, cậu cứ gọi tui là Tương Hách nghen!"

   Lý Tương Hách, Tương Hách..
   Cái tên đẹp, đẹp như chủ nhân của cái tên đó. Lý Tương Hách, và ngàn đời sau nữa Trịnh Chí Huân sẽ khắc cốt ghi tâm cái tên này. Nó bất giác, thương.

4.

     Kể từ khi lên thành phố, Trịnh Chí Huân chỉ có mỗi Lý Tương Hách để bầu bạn, nó không có ai chơi cùng, một phần vì nhìn nó quê quê, một phần vì nó chẳng có nhu cầu kết bạn là bao, trong tiềm thức của Chí Huân, nó chỉ cần mỗi Tương Hách làm bạn của nó.

      Huân nó siêng, để có tiền trang trải, nó làm hết tất cả những việc nó có thể làm ở trên thành thị. Nó đi phát tờ rơi; đi bán báo tuần, tạp chí Cô Ba; đánh giày cho mấy ông Tây, ai kêu nó lại thì nó đánh giày cho sạch bong kin kít; hôm thì nó lại phụ khiêng vác thùng trái cây đến sạp trong chợ Bến Thành, mỗi lần như thế lại được người ta cho hai, ba chục nghìn, cũng đủ để nó mua cái bánh mì và ly cà phê đen. 

      Đúng là khi bản thân có cái ta mong muốn, ta lại mang kì vọng cao hơn. Trịnh Chí Huân muốn lên thành phố, nó lên rồi; giờ nó lại muốn trở thành nghệ sĩ guitar bass vì nó có năng khiếu, Huân muốn giống Như Khiêm ban nhạc Phượng Hoàng nó hay thấy trên báo đài, poster hay tivi, trông ngầu đét. Nó mang ước mơ to lớn rằng mình sẽ nổi tiếng, sẽ có nhiều người tung hô nó trên sân khấu ca nhạc.

     Đặng đó, Tương Hách tự dưng hỏi nó chuyện về ước mơ làm nghệ sĩ guitar bass của nó, dù nó chưa kể với cậu bao giờ:

     "Huân muốn thành nghệ sĩ guitar bass giống anh Như Khiêm hả, dữ dằn hôn? Rồi sao rồi, cậu thực hiện được đến đâu chưa?"

      "Tui chỉ mới biết đàn thôi anh, ráng tập cho chuyên nghiệp, mơi mốt tui đi đăng ký vào gánh hát hay ban nhạc liền

      Nó nói chuyện phiếm, cười khằng khặc như tên dở. Nó nghĩ bản thân chỉ nói đùa, vì để trở thành nghệ sĩ guitar bass giỏi nó còn phải học nhiều thứ, đầu tư nhiều điều lắm! Thế mà ngày hôm sau, Tương Hách lại báo với nó ngay một tin rằng cậu đã nộp hồ sơ của nó vào gánh hát Hoa Liên, cái gánh hát lớn nhất Sài Thành hiện tại và được người ta duyệt cho.

     Khỏi phải nói, Chí Huân nó mừng lung lắm, hoàn thiện được ước mơ, ai mà chả ham?

      Huân vui vẻ, hát hò cả ngày hôm ấy. Tương Hách vì thế cũng vui lây. Không biết sao, cậu thích nhìn Huân nó vui, cái cách cậu nhìn nó tình ơi là tình, như muốn đem cả bể tình của cậu cho Chí Huân nó. Từ đó, cậu biết cậu thương nó mất tiêu, hổng biết vì sao thương, tự nhiên cái thương nó ngang vậy đó. 

      " Tương Hách, sau này tui giàu lên, tui có nhiều tiền tui nuôi anh cả đời này! Rồi anh đợi tui nghen!"

      "Đợi cậu chi? Nói chuyện đâu đâu không hà, lo mà ăn nốt bát cơm đi ông tướng! Xong thì nghỉ sớm, mai đi bán nữa. Mà nhớ đó nghen, chiều hôm sau nhớ sang gánh hát Hoa Liên người ta kiểm duyệt lần nữa, rồi cậu vào diễn thử một đêm, được thì người ta nhận luôn"
     

      Tương Hách cười mỉm, khoái thấy bà. Trịnh Chí Huân thì gãi tóc mai như một thói quen, cười hì hì nhìn cậu. Chưa một lời ngỏ, nhưng tình thì cứ nồng đậm lên dần dần. Hách vẫn chưa biết Huân có thương cậu không, mà thương hay không, cậu hổng có để ý mấy. Nếu mà thương thì cậu muốn cùng nó hạnh phúc, còn nếu mà không thương thì Hách muốn nhìn nó hạnh phúc.

5.

      Trịnh Chí Huân nó có tố chất của một nghệ sĩ guitar bass - bác quản lí gánh hát Hoa Liên đã nói thế. Chủ chốt lần này ổng muốn có một nghệ sĩ guitar bass trong tay vì xu hướng nhạc pop hiện đang phát triển ở Sài Thành lúc bấy giờ. Vì có tài năng, nó được đưa thẳng lên dàn guitar bass, cho đi diễn thử một đêm. Kết quả hơn cả mong muốn, tiền cát xê ngày đầu của nó cao ngất ngưỡng, nhiều hơn cả tiền nó làm quần quật từ sáng đến tối chỉ để mua một ổ bánh mì và ly cà phê. Ông quản lí vỗ vai nó, mặt ổng tươi hết sức tươi vì khán giả hôm nay đi đông hơn bình thường.

      "Tiền này là cát xê của cậu, có thưởng thêm mấy trăm cho cậu đấy! Tốt lắm Chí Huân, ngày mai bắt đầu diễn luôn nhé!"

      Nó mừng rơn, cảm ơn rối rít. Huân cầm số tiền lớn nó kiếm được sau một đêm về đến trọ, thấy Hách ngồi kéo cái khung cửi dệt vải trước hiên lại vui mừng chạy đến, những lúc này nó chỉ muốn chia sẻ thật nhiều với Hách. Nó kể về những gì nó đã học, buổi diễn tối qua như thế nào và cảm xúc cao trào khi nhận được số tiền nhiều ơi là nhiều đầu tiên mà nó tự tay kiếm được. 

        Rồi Chí Huân nó nảy ra ý tưởng, vội vội vàng vàng kéo Tương Hách đứng dậy, kéo cửa cẩn thận, cầm theo số tiền nó vừa kiếm mà chạy đi. Tương Hách mừng cho nó, nhưng hành động của nó khiến cậu chẳng hiểu ất giáp gì, cứ mặc nó kéo mà sải bước chân đi theo.

      "Huân! Mình đi đâu đây? Cậu kéo tui đi đâu thế hả?"

      "Hôm nay tui khao anh chầu hủ tiếu mì Minh Ký bằng số tiền mà tui đã kiếm được nghen! Anh phải ăn cho thiệt no đó! Người gì đâu mà gầy như con tép khô!"

       Nhìn thấy Huân tự tin, hào hùng lẫn vẻ vui tươi làm cho cõi lòng Tương Hách ấm áp lên trông thấy. Kế bên Chí Huân, Tương Hách lại nở nụ cười duyên dù trước đó cậu không có thói quen hễ nhìn ai là cười này. Nụ cười của cậu là chỉ dành cho một người duy nhất, một người cậu thương đến thấu lòng.

     Từ tận sâu bên trong cậu, từng âm thanh vẳng lên bên trong như muốn nói lên rằng:

      "Nếu Huân có thương tui thiệt, Huân nhớ thương cho đặng. Đừng nửa vời, tui mà thương thì sâu nặng lung lắm."

     Hổng biết Huân có nghe thấy tiếng lòng của cậu không, mà cậu cứ nói vậy đó, nói cho thỏa cái tâm, cho đỡ nghĩ nhiều về gánh tình trai này.

6.

       Lên Sài Gòn để đổi đời, nên lòng người cũng dễ mà đổi thay.

      Từ lúc Huân làm nghệ sĩ guitar bass, nhờ tài nghệ xuất chúng mà Huân dần nổi tiếng khắp Sài Thành. Đôi khi Hách đi chợ, lại thấy vài ba cô em đứng dưới tấm poster lớn của Trịnh Chí Huân mà tạo dáng điệu đà chụp ảnh. Tương Hách mừng thay cho sự thành công của Chí Huân. 

   Chắc vì dần nổi tiếng nên Huân cũng bận bịu công việc, có lắm hôm phải vài ba bữa, có khi là mấy tuần Huân mới về nhà trọ một lần làm cậu buồn buồn. Cậu quên hết dáng vẻ của Huân ở tuổi mười tám, mười chín; Chí Huân ở tuổi hai mươi, hai mốt lạ lắm, không còn mang dáng vẻ hiền hiền của cái thời Huân mới lên đô thành, Chí Huân giờ đây chỉ mang trong mình nỗi khát vọng và tiền tài, công danh.

      Mấy dạo lại đây, Chí Huân được ghép đôi với cô Ba Sài Thành giàu nức tiếng tên Trân Mĩ. Cổ đẹp, cổ tài giỏi, cổ thục nữ, và hơn hết thì cổ là con gái. Qua mấy trang báo lá cải, Tương Hách thấy hình ảnh của Chí Huân và cô Ba Trân Mĩ tương tác với nhau, có chút đắng cay, buồn thay trông nó với cổ hợp đôi đến lạ lùng. Dù cậu với nó chưa hề bước vào mối quan hệ, hay đau đớn hơn đó là chưa thành bất cứ gì của nhau, cậu vẫn cảm thấy đắng cay với buồn lung lắm, dạng như thất tình.

     Gánh hát Hoa Liên vì thế mà ngày một đi lên, tiền nong từ các buổi diễn gì đổ về như dòng nước chảy xiết, trong đó hơn phân nửa số tiền đổ về gánh hát nhờ có thần tài Trịnh Chí Huân, với khao khát to lớn.

...

      Hôm đó nó bỗng dưng về trọ chứ không ở lại đoàn như mọi khi, trời đổ cơn mưa rào. Đúng như lời những người đi trước bảo, trời mưa khiến tâm trạng ta xấu đi. Trịnh Chí Huân về đến với tâm trạng tệ không thôi, buổi diễn của nó bị hoãn lại căn do có lục đục bên ban quản lí, nó khó chịu cùng cực, tiền cát xê cho buổi diễn này rất cao, nó chẳng muốn bỏ lỡ một tí ti nào nhưng rồi đến cuối vẫn phải bỏ.

     Tương Hách vẫn như mọi khi, luôn chờ nó trước cửa và đợi nó về nhà, dù cho đêm đó nó có về hay không. Người Trịnh Chí Huân ướt nhẹp do dính mưa, nó hắt xì mấy cái như cảm, mẹ bà, nay ăn cái gì mà xui dữ thần ôn. Tương Hách thấy nó ướt như chuột lột thì vội chạy lại giúp nó cởi cái măng tô ra vắt lên giá, cậu chau mày:

     "Huân đi đâu hổm nay, đến lúc về thì về tối muộn vậy hả? Trời mưa to, sao cậu không mang theo dù? Rồi ướt mưa, cảm lạnh ai mà lo đây? Với tui nói cậu quài mà cậu hổng nghe gì hết trơn hết trọi, làm việc vừa vừa thôi, nghỉ ngơi nữa, người gầy nhom hết rồi này-"

       "Anh ngừng lải nhải đi Tương Hách, tôi đủ mệt cả ngày nay rồi. Anh thôi việc lè nhè bên tai được không?"

    Chí Huân đột nhiên cáu bẳn, chân mày nó chau lại, tạo nên cái dáng vẻ cáu gắt hiếm thấy mỗi khi nó ở cùng Lý Tương Hách, dường như đây là lần đầu tiên nó gắt gao với cậu.

      "T-Tui xin lỗi, Huân mệt sao? Có cần tui pha trà gừng cho cậu không?"

      "Không cần. Anh để Huân tôi nghỉ ngơi là tôi mừng rồi."

      Chí Huân bỏ đi, để lại lời nói lạnh như dao găm, mổ xẻ trái tim cằn cỗi của Lý Tương Hách không thương tiếc. Cậu cúi gằm mặt, lòng cay đắng khi nghe người cậu thương đến chết rầy cậu. Đến chừng Huân đi đến nửa cầu thang, Hách đột nhiên mở lời:

      "Huân.. không còn như ngày trước nữa. Huân bây giờ, tệ quá chừng"

     Trịnh Chí Huân khựng lại, nó ngoái đầu lại nhìn bóng lưng u hoài, lặng lẽ của Tương Hách, bỗng dưng nó khó chịu sanh ra cáu gắt.

       " Tệ? Công việc của tôi vốn dĩ là như thế rồi, anh. Anh có hiểu được không? Người ta lên Sài Gòn là để đổi đời, để thay đổi cả tương lai, tôi có tương lai, lo được cho anh rồi, anh muốn cái khỉ gì nữa?"

     Tương Hách nghe từng lời, tim cậu như vỡ thành vụn. Tay Tương Hách run run, mắc cái măng tô lên giá, khe khẽ đáp lại lời cay nghiệt:

      "Huân sai rồi. Người ta lên Sài Gòn là để thay đời, chứ không phải để thay lòng. Đến cuối cùng cả Liễu Trì với Sài Gòn, cậu đều đối xử với nó như nhau."

      "Anh đúng là điên, tôi không nói nữa, đủ rồi, đến đây thôi. Coi như công đó giờ anh giúp đỡ tôi, tôi trả anh từ từ."

     Nói rồi Chí Huân bước xuống phía dưới, giật lấy cái măng tô rồi bỏ đi ra ngoài. Nó không muốn nhìn thấy người khiến cơn tức giận nó bùng phát, nó sợ bản thân sẽ chẳng kiểm soát nổi sự điên tiết. Nó cho rằng, Lý Tương Hách chẳng biết gì hết. Trịnh Chí Huân rời trọ, hết chỗ đi, đành ghé tạm qua nhà cô Ba Sài Thành Đặng Trân Mĩ ở nhờ mấy hôm, rồi thuận đó mà đi diễn ở gánh hát Hoa Liên mấy tháng trời, không thèm về nhà trọ Lang Hoài. Tánh nó trẻ con, Huân nó định đợi đến khi Lý Tương Hách quýnh quáng lên đi tìm, nó sẽ về. 

     Mà nó đợi hoài, đợi mãi, khoảng thời gian dài đằng đẵng nó dùng để chờ Lý Tương Hách kiếm tìm nó sao mà vô nghĩa. Tương Hách cậu không tìm nó, nó không thấy cậu đâu cả.

7.

     Sau đêm diễn cuối cùng ở gánh hát Hoa Liên, tâm trạng của Huân không thôi bứt rứt. Nó cứ day dứt mãi điều gì trong lòng, rồi đôi lúc lòng nó nhói lên từng đợt bất ngờ mà chẳng biết vì sao. Rồi trong cái đêm sau khi vừa xong đêm diễn cuối, cả đoàn ăn mừng tiệc còn Huân thì bỏ về giữa chừng, mặc Trân Mĩ í ới gọi lại.

      Chí Huân về nhà trọ Lang Hoài, trong khu trọ tối om om chẳng thấy bóng dáng ai quen thuộc, nó đứng ngoài cổng, ngó nghiêng vào. Cổng thì khóa chặt, ngặt nỗi nó chẳng thèm mang theo chìa khóa. Vốn Huân nghĩ, Tương Hách sẽ luôn ngồi trước hiên đợi nó về.

    Bỗng dưng bà Lữ, chủ quán hủ tiếu Minh Kỳ đến đưa bàn tay lắm vệt đồi mồi lên vỗ vai nó, mắt bà nheo nheo, vết chân chim càng hiện rõ, bà Lữ chưa già lắm chỉ là sương gió đời người nó khiến bà trông như già đi vạn tuổi. 

     "Huân phải không cháu? Cháu về Lang Hoài chi vậy, Hách nó gửi đồ của cháu bên quán bác này, qua mà lấy."

      "Gửi đồ đạc của cháu bên quán bác? Sao lại thế ạ? Với.. cho cháu hỏi Tương Hách đâu rồi bác Lữ? Sao cháu về mà nhà tối om thế hở bác? Có chuyện gì sao?"

      "Tương Hách chưa nói cho cháu nghe à? Lạ nhể? Bà Lý khó ưa ấy, bả lấy tiền đi đánh bài đánh bạc, chơi số đề, giờ vỡ nợ bọn giang hồ nó tới kiếm đòi tiền nợ chớ gì nữa. Thằng Hách rao bán cái khu trọ Lang Hoài này cả tháng nay rồi. Nói mà tội thằng nhỏ ghê, vừa đẹp vừa tài, vậy mà ông trời ổng không thương nó."

      Trịnh Chí Huân được phen ngỡ ngàng, nó chết trân nhìn người đàn bà trước mắt, rồi lại nhìn về Lang Hoài. Bấy giờ nó mới để ý, cỏ cây ở sân khu trọ đã mọc um tùm nhưng chẳng ai cắt tỉa, căn do Lý Tương Hách đã chẳng còn ở đây mà săn sóc mảnh sân nhỏ ấy.

       "B-bác.. bác Lữ! Tương Hách có nói với bác rằng anh ấy đang sống ở đâu không hở bác? Nói cho cháu với, cháu xin bác.."

       Bà Lữ ngạc nhiên, bỗng dưng thằng nhóc này nó hoảng dữ dội. Nhưng nhắc bà mới nhớ, chỉ nghe Tương Hách bảo rời đi chứ chẳng biết cậu đi đâu, về đâu mà lần đường cho Huân nó. Bà Lữ lắc đầu, ý bảo không biết, Chí Huân càng thêm rối bời. Cả đời này nó chưa nghĩ đến việc Tương Hách sẽ rời bỏ nó.

    Giờ đây cậu với nó, sao mà xa vời quá.

7.

      Trịnh Chí Huân lục tung hết cả châu thành xa hoa, rộng lớn để tìm kiếm một bóng người duy nhất. Như mò kim đáy bể, nó tìm ngày tìm đêm để rồi bất lực mà mệt mỏi, òa lên khóc sau cánh gà. Không lý nào mà một người như vậy biến mất khỏi tầm mắt của nó, không một vết tích.

      Nó nhớ cậu, nhớ cùn cực, nhớ đến lực bất tòng tâm, trái tim nó âm ỉ khao khát cái ôm âu yếm của Lý Tương Hách. Trịnh Chí Huân bắt đầu cảm nhận lại được hương vị đau đớn của tình yêu, đau đến khó tả. Nếu ông trời cho nó một nghìn điều ước, thì nó chắc chắn sẽ dùng hết một nghìn điều ước cầu mong Tương Hách quay về.

    Nó cho rằng cậu đi xa quá, bởi thế, nó khó tìm.

...

       Mấy tuần sau đó, báo tuần lẫn tạp chí đều rầm rộ nội dung gánh hát Hoa Liên với dàn nghệ sĩ tài hoa bậc nhất Sài Thành đi làm thiện nguyện ở các huyện lị, tỉnh thành hay thôn làng nghèo khó, giúp đỡ bà con chút đỉnh. Trịnh Chí Huân vác theo một tâm khảm trầy trụa chẳng thể nào vá khâu nếu không phải một người nọ đến nơi thiện nguyện đầu tiên, miệng nó gượng cười dù vẻ mệt mỏi dường như lấn hết. Nó hay tin, cái chốn đầu tiên nó đến là nơi đất mẹ của Chí Huân, nơi nó lớn lên trong nỗi hận quê nhà - thôn Liễu Trì.

      Cái trường tiểu học làng nghèo dường như vừa mới mở ở thôn Liễu Trì, vì khi nó còn ở đây, khu đó chỉ là mảnh đất trống huơ trống hoác mà đám trẻ hay kéo bày lũ ra đó vật nhau hoặc đá banh vào sớm chiều. Chí Huân vật vờ giúp đỡ đoàn hát mang đồ thiện nguyện vào trong trường, những đứa con nít tung hô réo rắt, ồn ã vô cùng. Chúng nó đều là những người con của Liễu Trì, những đứa trẻ ở cái thôn quê nghèo khó, rồi một mai trong những đứa trẻ đó sẽ khát khao đến thành thị phồn hoa.

8.

      Trịnh Chí Huân bất ngờ gặp lại Lý Tương Hách khi cậu đang là giáo viên của cái trường làng này. Huân như chẳng thể tin vào mắt mình, người nó thương, nó nhung nhớ ở ngay trước mắt mà sao đối với nó như điều viển vông, xa vời. Có lẽ đối với Chí Huân, ước mơ gian khó nhất của nó bây giờ là được thương Lý Tương Hách một lần nữa.

     Tương Hách chơi đùa cùng lứa trẻ, nụ cười nó say mê đã lâu rồi nó chưa thấy hiện diện trên gương mặt của người kia, nó nhớ lung lắm. Tương Hách cậu vẫn chẳng thay đổi là bao, vẫn với dáng vẻ đó, chỉ là trở thành ước mơ của nghệ sĩ guitar bass thành thị. Đột nhiên ánh mắt cậu chạm mắt nó, cậu không một vẻ bối rối ngượng ngùng đỏ mặt lúc trước, giờ đây chỉ là ánh nhìn lạ lẫm khiến Huân tan nát lòng. Rồi Huân cất giọng, mở lời với cậu:

        "Anh.. cho lứa trẻ ra kia nhận quà bánh đi. Bên bển mấy anh chị phát gần xong hết bánh rồi, anh cho tụi nhỏ ra chậm hồi tụi nhỏ không có bánh ăn"

        " A, cảm ơn cậu Huân nhắc nghen, tui quên béng mất. Tui đưa lứa nhỏ ra liền, cậu cũng ra đi kẻo họ đợi"

     Rồi cậu dẫn đám nhỏ ra phía đông vui, Tương Hách cũng mừng khi thấy những nụ cười non nớt này.

       "Thầy Hách, nước của thầy. Thầy vào trong bóng râm đứng kẻo nắng lại sanh cảm"

       Huân đứng từ xa trông vào, cảm giác hụt hẫng dâng trào trong cõi lòng nó. Ông thầy cao hơn Tương Hách nửa cái đầu, tay thầy ta cầm nước đưa cho cậu, ánh mắt hiền nhìn vào Tương Hách, phía trước Trịnh Chí Huân như cuốn phim tuyệt đẹp về tình yêu. Và đây rồi, ánh mắt mà ngày trước Lý Tương Hách dùng để nhìn Trịnh Chí Huân, cái ánh mắt tình si ngỡ chỉ dành cho một người là nó ấy, nay lại chăm chú trên gương mặt ai.

     Tâm can nó như ai xé ra thành từng mảnh, thêm nhiều vết rách tâm khảm vào trái tim của Chí Huân tuổi hai mươi hai. Nó không thể biết cậu có thương chàng giáo kia không, càng không thể biết cậu có thể vì nó mà đừng thương chàng giáo kia không, nó không biết bất cứ cái gì hết, chỉ là nó bỗng dưng thấy đau dữ thần ôn lắm kìa. Tương Hách có vẻ như thấy bóng hình nó ở gần đó, cậu khẽ ngoảnh đầu nhìn lấy nó, có lẽ đó là ánh mắt cuối cùng cậu dành cho nó. Miệng cậu mấp máy, như ngày trước cậu với nó thì thầm với nhau.

   Tui thương Huân, đã từng rất thương Huân.

     Rồi cậu tặng cho nó nụ cười hiền. Chí Huân nhận lấy chúng như nhận lấy hàng vạn cơn đau thấu trời, lặng lẽ bước về đoàn.

   Ông trời luôn công bằng. Chí Huân, nó được cái này nó mất cái kia, cái đó gọi là lẽ đời.

8.

     Mấy ngày sau đó, Chí Huân vẫn trở về Sài Gòn và làm nghệ sĩ guitar bass. Trịnh Chí Huân lại nhớ thương những tháng ngày cũ ở Liễu Trì, cái chừng mà nó còn buồn rầu trong yên bình. Có lẽ cả đời này, Chí Huân sẽ không thể nào quên người con trai mang dòng máu của Liễu Trì mình từng thương.

    Và nó cũng biết, dù nó đang sống trong lời ca tụng và hào quang của đời sự nghiệp diễn ca, dù sau này nó có thêm nhiều mối tình trắc trở hay thuận xuôi nữa, hay nó lưu lạc ở đâu đi chăng nữa, thì nó vẫn hoài mang trên vai gánh tình đứt gãy, thuở yêu thương dang dở, những ước mơ chưa đến đoạn cùng đã vỡ dành cho một người con trai duy nhất, tất cả gói gém lại thành gánh tình nặng nề nó vác trên vai, là để suốt đời suốt kiếp nó không thể nào lãng quên.

     

Hãy đón chờ ngọn sóng thứ 5 "Katzenbaby" - mucnhoithit
    

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip