I - đôi ta.

" Tôi " : Thôi Thắng Huyễn

..

.
Chúng tôi sống ở một vùng đất mà trời đất và lòng người đều có phần cổ kính. Ấy là một huyện nông thôn, vỏn vẹn vài nóc nhà ngói lợp rêu phong, chạy dọc theo một thị trấn nhỏ như nắm tay khum lại cũng vừa đủ để che cả thôn làng. Và không xa đó - là dòng suối trong veo như mắt người thiếu nữ lần đầu biết yêu. Nó êm đềm, trầm mặc như thể một chứng nhân bất tận của bao đời trai gái trong làng đã từng nắm tay nhau đi qua - bước chân đều đều mà lòng lại rộn ràng, miệng ngân nga những khúc dân ca cổ kính từ lão Bồ đã hom hem không còn răng, nhưng giọng vẫn ngân vang đến tận bờ bãi.

Tối đến, đèn dầu lại được thắp lên - đôi ba ngọn thôi, nhưng đủ để dẫn lối cho đám trẻ về nhà, cho dân làng tránh lạc lối trong mảnh đất mênh mang mà heo hút sương lạnh ấy. Tôi, một thằng trai tráng cỡ tuổi trăng gió, không biết từ bao giờ đã được giao cái trọng trách ấy như một lẽ sống đương nhiên của kiếp người trong làng: giữ lửa và giữ lối.

Tôi vẫn hay tự hỏi, cõi ngoài kia rộng bao nhiêu, đẹp đến dường nào khi về đêm. Liệu có đom đóm nhiều hơn lũ chúng tôi bắt chơi quanh lũy tre không? Có tiếng hát ru dịu dàng hơn tiếng mẹ tôi khi mệt nhoài còn khe khẽ ru Tèo ngủ? Tôi không biết. Bởi chưa một ai trong làng tôi từng ra đi và trở về để kể về cái thế giới kỳ diệu ngoài kia. Với tôi, cả đời chỉ biết đến cánh đồng, đến tiếng gà gáy mỗi sáng, đến tiếng sáo diều mỗi độ trưa hè oi ả và những khúc mơ chưa thành tên.

Nhà tôi nghèo - cái nghèo không thảm hại, nhưng cũng chẳng đủ để ngẩng cao đầu. Không có chuồng bò chuồng heo như nhà ông Ba, chỉ có đôi chuồng gà mà đời ông bà để lại, nuôi hoài chẳng đứa nào chết, như một điều kỳ tích nho nhỏ của làng.

Tôi là anh cả. Dưới tôi là thằng cu Tèo - nhỏ hơn tôi gần chục tuổi, nhưng gắn bó như hình với bóng, từ lúc còn đỏ hỏn trên tay mẹ đến tận giờ. Có lẽ vì má bận quá - mò cua bắt ốc, gánh lúa, hái rau - nên tôi thành ra làm cha làm mẹ lẫn anh cho nó. Ngày nào đi học về cũng vậy, quăng cặp cái "phịch", là phải quăng luôn cả mỏi mệt mà bồng bế nó, dỗ dành nó. Thằng nhỏ dường như quen hơi tôi hơn cả má nó.

Thằng Tèo lanh lợi, sáng mắt như con mèo vừa mở. Mới mở mắt là nó đã sà ra sân giành đất với thằng Tị, mà tụi tôi - một lũ con trai chưa đủ tuổi nổi mụn nhưng đã biết đến những tranh đấu nho nhỏ của một thời thơ dại - vẫn thường quây quần. Tôi, thằng Tị, Tèo, và thằng Long.

Mà nhắc đến thằng Long... Tôi lại thấy lòng mình xốn xang.

..

Đám thằng Tị có tôi là lớn nhất, rồi đến nó, đến thằng Tèo, rồi cuối cùng là thằng Long – đứa ở nhà cuối xóm. Thằng Long ít nói, tính tình nhút nhát như con sóc sợ người. Cô chú trong làng thì cứ bảo: "Mai mốt nó lớn lên chắc sẽ thiệt thòi." Nhưng tôi thấy... có gì đâu. Chỉ là đám trẻ không chơi với nó. Khi tụi tôi hò reo, nhảy múa, giành bi bắn súng cao su, thì nó cứ ngồi thinh một mình trong xó.

Tôi thấy lạ, mà lại thấy tội. Lâu lâu cũng ráng dợm hỏi nó:

"Sao mi không ra chơi với tụi tao?"

Nó vẫn vậy. Mấp máy môi nhỏ một chút, rồi lại thôi. Lắc đầu nguầy nguậy mà không nói gì thêm. Tôi hết cách. Lặng lẽ rời đi.

..Nói thật.

- Tôi vẫn thương nó , dù mái tóc nó lúc nào cũng như keo mà dính dài bệt trên cái làn da non dại của nó, mùi quần áo lúc nào cũng như ám mùa chua ngoa ảm đạm của những trận mưa thôi thúc dính trên người nó - song vẫn chẳng thể lấn át đi được sự trong sáng ,trắng trẻo hiền lành và dễ thương của nó. Gương mặt hài hoà và nước da trong trẻo sáng bừng ấy là thứ duy nhất khiến người ta còn có chút nhẫn nhịn mà coi rằng nó vẫn chỉ là một đứa nhỏ - nhưng cũng thế mà chì chát nó vô tội vạ.

-------

Mười năm sau đó,..

Hôm ấy, tôi;  Huyễn – vẫn như bao buổi chiều khác, sau khi tan ca làm ở thành phố, chân lê bước về căn trọ nhỏ nằm lọt thỏm giữa khu tập thể đầy hơi ẩm và mùi ẩm mốc, đôi vai trĩu nặng, chực chờ sập xuống bởi những tháng ngày bươn chải. Đèn đường chưa kịp tỏ, màn đêm đã kịp thở dài lên vỉa hè đầy rác báo cũ.

Tôi nằm vật xuống giường, chẳng thiết ăn uống, cũng chẳng còn sức để nghĩ suy. Trong cơn mê man lơ lửng giữa tỉnh và mộng, tôi lại thấy bóng cũ quen thuộc - thằng Long; như hiện lên giữa một buổi chiều quê đượm khói bếp. Tôi thấy em vẫn là thằng nhỏ gầy nhom, tóc rối như rơm mới gặt, tay nắm chặt mẩu bánh mì đã khô, mắt ngước lên nhìn tôi – cái nhìn trầm mặc, ngập ngừng, vừa thân thuộc vừa khiến tim tôi nhói lên.

Tôi bước lại gần, tưởng như chỉ một tay là chạm được. Nhưng không – em cứ lùi. Lùi dần. Rồi cả người em tan vào làn sương, nhẹ như khói nhang buổi sáng ở đình làng. Tôi chới với, muốn níu, muốn gọi, nhưng miệng tôi chỉ bật ra một hơi thở mệt nhoài.

Tôi giật mình tỉnh dậy, người rịn đầy mồ hôi như vừa chạy qua cánh đồng hoang trong giấc mơ. Phòng vẫn tối, tiếng xe ngoài phố vẫn hú dài. Tôi ngồi thẫn thờ như tượng gỗ – không phải vì mộng, mà vì những điều giấc mơ vừa khơi dậy.

Tôi nhớ Long.

Nhớ cái cách em ngồi thụp một mình trong góc sân ngày ấy. Nhớ những buổi chiều tôi lén dúi cho em trái ổi, em không nói gì, chỉ cầm, rồi cười mím chi như sợ tiếng cười sẽ làm rớt mất điều gì quý giá trong lòng.

Rồi tôi nhớ cái hôm tôi đi. Đúng hơn là ngày tôi quyết định rời quê, lên thành phố học, rồi làm việc, rồi cuốn vào dòng người như nước cuộn. Tôi không nói với ai. Cũng chẳng từ biệt. Nhưng tôi biết... em biết. Tôi thấy em đứng sau lũy tre chiều ấy – nửa mình khuất sau tàu lá chuối, mắt nhìn tôi, không trách, không gọi, chỉ nhìn... như thể biết rằng; từ giây phút đó, có lẽ tôi sẽ mãi là người đi, còn em... mãi là người ở lại.

Giờ đây, ngồi giữa lòng thành phố này – nơi người ta chẳng nhớ mặt nhau dù sống cùng dãy trọ, tôi lại nhớ em đến muốn khóc. Nhưng không. Tôi không khóc được. Giống như ngày đó, em cũng không khóc khi tôi đi. Cái nỗi buồn này, nó âm ỉ, nó đắng như thuốc Bắc, như rượu ngâm lâu ngày – không ồn ào, không gào thét, mà chỉ rã rời gặm mòn từng chút một.

Tôi không biết em giờ ra sao. Vẫn ở làng chứ? Có còn đứng bên suối không? Có còn giấu bánh trong áo để dành cho tôi như ngày xưa không?

Hay em đã lớn, đã quên, đã khác?

Còn tôi thì... tôi vẫn là tôi – cái thằng trai quê lọc cọc lên thành phố, mãi nhớ một người không dám nói, không dám giữ, không dám quay về.

----

...

.

Thành phố dẫu náo nhiệt đến mấy, cũng có những ngày đêm trở gió. Những đêm như thế,  tôi hay ra ban công, rót cho mình một ly rượu nhỏ, uống lặng lẽ như thể đang trút xuống đáy lòng một thứ gì lâu năm chưa gọi tên được.

Mười năm rồi... kể từ ngày bỏ quê mà đi, tay trắng vào thành phố, rồi cặm cụi, ngụp lặn trong cơm áo, danh phận. Giờ đây, tôi đã có tất cả - một công việc đứng đắn, một người vợ hiền, hai đứa con nhỏ chạy lon ton trong sân, và một ngôi nhà đủ rộng để chứa những giấc mơ từng thiếu thời tôi từng ủ trong ngực áo.

Vậy mà, cũng chính trong những đêm yên tĩnh đến lạ đó, Long lại về.

Không phải bằng xương, bằng thịt. Mà bằng những giấc mộng. Lặng lẽ, như thuở xưa em hay lặng lẽ đứng sau lũy tre, mắt không cười, môi cũng không buồn, chỉ lặng như tro bếp cũ. Trong giấc mơ, em vẫn gầy gò, vẫn mặc cái áo vá ở cùi tay, tay nắm một nhánh cỏ gà. Mắt em nhìn anh, không trách, không chờ, chỉ có cái nhìn buốt đến tận xương sống.

Đêm nào Long cũng về. Dăm bữa một lần. Thoạt đầu, tôi còn cho là do lòng mình còn khắc khoải. Nhưng dần dà, cái bóng ấy cứ rõ dần, những chi tiết cứ sáng lên trong cơn mơ, như thể có một điều gì đó đang cố được nói ra, mà không được. - Mỗi lần tỉnh dậy, tôi cảm thấy như mình vừa sống sót qua một trận hoang tàn. Tấm lưng thấm ướt mồ hôi, mắt đau rát vì những hình ảnh lẩn khuất không tan được.

...

Tôi bắt đầu thấy mình như một người khách trọ trong chính căn nhà của mình. Ở giữa những buổi tiệc nhỏ, những lời mời trà, những tấm bằng khen trên bàn làm việc – bản thân dường như càng lúc càng xa một thứ gì đó quan trọng lắm, đã từng là máu, là tim, là tuổi trẻ của tôi.

Rồi một hôm, như có cái gì thúc giục, tôi quay về quê. Mảnh đất ấy – từng là tất cả những năm tháng tuổi nhỏ của tôi; giờ đã như bị xới tung. Cây cầu tre xưa đã bị mưa mùa làm mục. Con đường đất dẫn vào làng đã bê tông hóa, nhưng vẫn không giấu được vết cằn cỗi của một miền quê đã bị thời gian bỏ lại.

.
Tôi đi qua con suối cạn nước, qua cánh đồng mùa gặt. Làng chỉ còn dăm nóc nhà lụp xụp. Người cũ – chẳng còn ai. Tôi dò hỏi mãi, mới nghe bà lão bán nước bên đình nói khẽ:

"Nhà cái thằng Long hả? Cháy rồi... cháy cái năm mưa bão đó. Mấy người chết hết. Cũng chẳng còn ai nhắc đâu con..."

Không kèn, không trống. Không ai đưa tang. Trận cháy năm đó cuốn đi cả một gia đình.

Tôi đứng chết lặng. Cả thân thể như bị vắt khô. Tôi bước lên nền tro ấy, cúi xuống. Cát bụi đã lấp đầy tuổi thơ, lấp cả những lần đi qua con suối, những buổi chiều nằm nghe Long thổi sáo bằng ống trúc nhỏ.

Tôi rùng mình.

Tự dưng thấy đời mình sao mà vô nghĩa.

Tất cả những năm tháng qua – nhà lầu, xe hơi, tiếng cười con trẻ, ghế da trong phòng họp – bỗng chốc nhạt như nước lã. Bởi thứ tôi nợ, thứ tôi trốn, chính là một ánh mắt. Một câu hẹn chưa kịp nói. Một giấc mơ tuổi nhỏ bị vùi chết trong ngọn lửa mà chính mình không hay biết.

Tối hôm đó, tôi không về thành phố ngay.

Tôi ngồi lại bên bờ ruộng. Uống rượu một mình. Trời đổ mưa nhỏ, như sương.

Và trong màn đêm âm ẩm ấy, tôi như nghe thấy tiếng Long. Không rõ ràng. Chỉ như một cơn gió xước ngang tai.

"Anh đi thiệt rồi hả?"

Tôi rút khăn lau mặt, cười khẽ như người mất trí..

"Ờ, nhưng giờ anh về rồi, Long à... Em vẫn không đợi anh về."

..

















.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip