Tập 59 - Hoàng Phúc (Takeshi - Jimmy)
Tôi còn định để Song Đăng ở lại nhà chơi đến chiều, nhưng nó hối quá, mẹ nó ở nhà một mình chăm ba nó bệnh, có nó ở nhà là đỡ biết bao nhiêu. Mà... dù sao cũng cần chừa đường đại ca và Trân tạo dựng những khoảnh khắc mặn nồng khi ở cùng nhau nữa. Vợ chồng xa cách mười mấy năm, bây giờ con cái thì lớn tướng hết, người trẻ đang muốn mình già đi, còn độ tuổi vẫn còn tràn trề tinh lực như hai anh chị nhà luôn mong ước được trở lại như hồi đó hoài. Nhiều lúc ở nhà có mặt ba anh em tôi, tuy ba luôn tỏ vẻ hài lòng, nhưng nếu tống khứ chúng tôi ra khỏi nhà càng sớm, đó mới là điều khiến ba hài lòng nhất.
"Thôi, mày ở nhà đi, tao tự về được."
"Mày khùng hả Đăng? Mày thấy trời nắng bể đầu chưa? Mày nghĩ sao mày xách cái balo nặng trịch, rồi còn phải cuốc bộ về nữa Đăng? Hoi hoi, Trân bắt tao phải chở mày về á, tao hỏng ngại, mày đừng ngại nha Đăng."
Nó cứ đứng chần chừ một lúc lâu, sau khi ba đứng trước nhà, đóng cửa kéo màn lại như thể muốn đuổi hai đứa tôi đi, nó mới chịu bước lên yên sau ngồi. Tôi không rành đường ở đây cho lắm, nhưng nếu Song Đăng ngồi phía sau, tôi chắc sẽ yên tâm hơn. Cái mà bây giờ cần để ý, là tôi có trở về nhà an toàn sau chuyến đi phượt mười mấy cây số không nữa đây nè.
"Á đù, trời nắng gắt cỡ đó mà mày đi như vậy từ thứ hai tới thứ sáu hả cưng?"
"Ừm, đi riết rồi quen."
Tôi mặc áo khoác, đeo khẩu trang và găng tay kín cỡ đó mà còn không hứng nổi cái nhiệt độ như cái lò bánh mì trên Sài Gòn, Song Đăng là người hay là thần? Nhà nó khúc Bình Chánh, là gần quốc lộ 1A, tôi nghe Trân kể chỉ cần xuống chút nữa thì sẽ tới thẳng mấy vùng miền Tây sông nước. Bình Chánh thật ra giáp với Hồ Chí Minh, nên nhiều khi có mấy chỗ chưa được quy hoạch nhìn chung thì cực ô nhiễm. Người ta tới trường chỉ mất nửa tiếng đổ lại, còn Song Đăng nó mất tới một tiếng rưỡi để chạy tới trường. Sao có nhiều người giàu thì giàu nứt vách, mà người nghèo thì nghèo mạt rệp dữ vậy ta? Cuộc sống này không công bằng bộ nhân loại trên thế giới sống không nổi ha gì?
"Mày á nha, đi riết mốt lớn chân có vấn đề á nha. Nè, tiền còn dư, mày đi mua xe đạp mày chạy cho đỡ."
"Thôi Takeshi ơi, tiền mua thuốc cho ba tao còn thiếu lên thiếu xuống, tiền đâu mua nổi chiếc xe đạp? Tao nói rồi, tao đi bộ riết tao quen."
"Má thiệt chứ, nói mày mà mày lỗ tai cây! Xía, ngồi cho đàng hoàng, tao bắt đầu phóng 'zìn zìn' đó nho!"
Tôi chưa từng có chuyến đi dài trên xe máy như vậy, hay thậm chí cả máy bay còn không đua nổi cuộc rượt đuổi ly kỳ dưới cái nắng cháy da cháy thịt này được lâu. Lưng tôi mỏi khi thời gian cầm lái qua một tiếng, Song Đăng chỉ tôi ra khu vực Bình Chánh, thì ra chỗ này là Bình Chánh sao? Sâu khuất dưới con hẻm nhỏ, đường không được lát gạch hẳn hoi, toàn sỏi đá chất đống. Tính ra so với chỗ Trân và Tinnie ở, chỗ này còn tệ hơn gấp mấy lần. Rác thì ba ngày mới đổ, nhà Song Đăng chịu hết mùi hôi thối tận ba ngày, sao nó hay dữ vậy ta?
"Takeshi nè, mày chở tao tới đây thôi. Cảm ơn mày nha, về nhà chỉ cần dò lại đường cũ là được."
"Ê ê, no way! Trân nói rồi, chở bạn về nhà là phải chở bạn về tận nhà thì Trân mới an tâm! Đâu? Nhà mày đâu, tao chở vô luôn nè!"
"Trời ơi thôi! Nhà tao ở tuốt tuốt dưới nữa, trỏng dơ với hôi lắm, mày vô mày thấy gớm liền!"
"Tch, gớm hơn phim kinh dị thì tao mới thấy gớm thiệt sự. Bộ mày nghĩ Takeshi tao đây là thiếu gia nhà giàu nên khinh miệt dân đen hả mạy? Hồi nãy đứa nào gật đầu đồng ý kết bạn với tao? Bộ mày mất trí nhớ rồi?"
Tôi không đợi Song Đăng trả lời, lấn tiếp lên câu hỏi về nhà nó ở đâu. Đúng như tôi nghĩ, căn gác xập xệ nằm chính giữa ngã ba chật chội. Nhà nó không có cửa, chỉ đơn giản treo ra cái màn che cũ mèm, thấp thoáng bên trong đặt thêm manh chiếu nhỏ. Người phụ nữ vì sức lực cạn kiệt mà vết chân chim được tôi thấy rõ ràng, người đàn ông gầy gò nằm trên đấy gắn dây nhợ chằng chịt. Đập vào mắt tôi khung cảnh đó, nước từ hốc mắt tự nhiên chảy ra. Song Đăng là đứa học sinh chuyên cần nhất lớp T2, tại sao nó phải chịu cuộc sống khổ cực như vậy chứ?
"Thưa ba mẹ con mới đi học về."
"Ờ, Đăng về đó hả con? Ông ơi, con trai ông đi học về rồi nè, ông dậy nhìn nó đi."
Tôi dựng xe sát vách, chân tôi đứng nép qua góc cửa sổ, nhìn mẹ nó đang chỉnh trang lại mái đầu hơi rối của nó. Ba nó bị tai nạn giao thông, dẫn đến tình hình não bộ ngày càng nghiêm trọng, nhưng chú vẫn nhận thức được. Chú chậm rãi mở mắt, cánh tay gầy trơ xương quơ quào trước mặt Song Đăng. Bạn tôi nó cười hạnh phúc, nó nói chỉ cần nhìn ba còn có khả năng nhận ra nó, thì mẹ con nó bữa đó đã lấy thêm nhiều tia hy vọng rồi.
"Con chào cô chú, con..."
"Ủa Takeshi, sao mày chưa về?"
"À... Thì dù gì tao cũng chở mày về, tao cũng phải vô nhà để ba mẹ biết mày bạn bè mày chứ."
"Đăng, bạn con đó hả?"
Người phụ nữ trước mắt, nghe nói cổ chỉ mới ba mươi bốn, nhưng do làm lao động quá sức, cộng thêm chuyện chăm sóc chồng con, tôi tưởng cổ hơn bốn mươi. Cổ nhỏ hơn mẹ Trân hai tuổi, mà nhìn khác nhau một trời một vực luôn. Cổ ăn bận lôi thôi, dáng hình này làm tôi nhớ đến mấy hoàn cảnh cơ nhỡ tôi thường bắt gặp ngoài đường. Tôi theo lễ nghi, cúi đầu chào cô chú một tiếng. Cổ nhìn tôi thì mừng ra mặt, bảo Song Đăng vô nhà lấy nước rồi lấy ghế cho tôi ngồi chơi. Tôi phải can ngăn quá chừng thì cổ mới thôi, tôi đó giờ chả cần câu nệ gì hết đâu, phiền hà lắm.
"À mẹ, giới thiệu với mẹ, đây là bạn của con, Kawanishi Takeshi."
"H-Hả? Tên... Tên gì con?"
"Dạ cô, con sinh ra ở Nhật, nhưng do mẹ con là người Việt Nam, cô cứ gọi con Hoàng Phúc là được rồi ạ. Hì hì, con với Song Đăng sau này sẽ chơi rất thân luôn á cô."
"Ây trời ơi, vậy ra con là Việt kiều rồi hả? Hèn gì, nhìn cái mặt đẹp trai sáng sủa, cô cứ tưởng nghệ sĩ tới viếng thăm không chớ. Nè, uống nước đi con. Cô cảm ơn con nha, được con chở Đăng nhà cô về, Đăng nó may mắn lắm mới có bạn tốt như con."
"Trời trời, cô quá khen rồi cô! Con là bạn của Đăng mà, con chở có xíu chả phiền con đâu cô."
Tôi nhìn xung quanh nhà, nhà nó phía trên chỉ có mái tôn che lắp, lỡ như có bão lũ kéo tới, thì chẳng còn thứ gì có thể bảo vệ được gia đình nó đâu. Đã vậy còn thủng nhiều lỗ, ngày nắng nóng hổi, ngày mưa ngập nước. Bình Chánh là nơi tập trung triều cường cao nhất Sài Gòn, gia đình ba người sống kiểu gì có thể qua được ngày hôm nay thì tôi cũng bái phục lắm.
"Cô ơi, nhà cô xa vậy, cô hổng mua cho Đăng xe đạp để đỡ Đăng cô?"
Tôi bất cẩn quá, tiền bạc chính là điểm yếu trí mạng của gia đình Song Đăng. Tôi sơ ý nói ra từ xe đạp, lập tức cổ chuyển biến sắc mặt liền. Cổ cúi thấp đầu, nắm chặt tay Song Đăng, rồi cứ thế mà khóc thút thít. Tôi thấy cổ khóc tội quá trời, mình người phụ nữ phải gánh trên lưng chồng con, thêm cơm áo gạo tiền trang trải qua ngày. Cổ chả có việc làm gì, mà nếu được việc, thì cổ cũng không làm trọn vẹn hết cho người ta, tại còn ba Đăng ở nhà nữa mà. Tôi liếc nhìn chú, dường như chú cũng đang đưa mắt nhìn tôi, tôi theo lễ cúi chào chú thêm lần nữa. Chú vẫy tay liên tục, Song Đăng bảo tôi không cần bận tâm, nhưng có gì đó thôi thúc làm tôi buộc phải ngồi cạnh chú.
"Con ơi, ba thằng Đăng giờ nửa tỉnh nửa mơ, không phân biệt rõ ai mới là con mình. Con thông cảm cho gia đình cô nha con."
"Dạ hổng sao hổng sao. Con nghĩ chú biết hết á cô, mà chắc chú đang muốn nói với con điều gì nữa á."
Chú đã bệnh não mười mấy năm, không thể ăn nói bình thường như hồi đó được. Tôi cố gắng cúi xuống, đặt tay ông vào tay mình, những câu từ vụn vặt khi trôi qua tai, khiến khóe môi tôi chẳng thể giữ nguyên hiện trạng được. Tôi và chú có thể giao tiếp được trơn tru qua mấy phút đồng hồ, làm hai mẹ con Đăng ngạc nhiên. Tôi đoán do định mệnh, duyên số dẫn dắt tôi và Đăng được làm bạn với nhau, tôi nói rồi, ông Trời luôn tạo cơ hội cho con người chúng ta được thực hiện những điều tốt đẹp hết mà.
"Takeshi, ba tao nói gì mà mày cười toe toét như điên vậy?"
"Há, mày đoán coi!"
"Bé Phúc nè, cô cảm ơn con nhiều lắm luôn. Cô làm phiền con quá, con tới nhà mà cô cũng không thể tiếp đãi trà bánh con đàng hoàng, trong khi con giúp nhà cô nhiều như vậy... Trời ơi, mẹ biết làm sao đây Đăng ơi...?"
Tôi cố ngồi lâu thêm, khuyên nhủ cô đủ điều, mọi chuyện đều sẽ được giải quyết nếu như cô giữ vững tinh thần và không chịu bỏ cuộc. Mục đích tôi muốn tới đây là vì lẽ này, tôi xem trọng Song Đăng giống một người bạn của tôi thật sự, và thể theo những gì ba mẹ đã dặn, họ khuyến khích tôi làm những điều bản thân đã muốn làm bấy lâu nay. Hơn ai hết, ba Taichi và mẹ Rumi vốn dĩ đã sở hữu tấm lòng nhân hậu từ trước khi họ có ba anh em tôi rồi, họ mong sao con cái cũng sẽ giống họ về vốn đạo đức ấy.
"Cô ơi, con biết. Con biết là cô nuôi Đăng ăn học đã rất mệt mỏi, còn phải nuôi người bệnh suốt mười mấy năm trời, cô chịu nhiều khổ cực lắm đúng không cô?"
"Trời ơi, từ lúc ba thằng Đăng bị tai nạn giao thông tới giờ, cuộc đời cô lúc nào cũng là màu đen hết con ơi. Con thấy đó, thằng Đăng nó ham học, lúc nhỏ nó còn muốn sau này tốt nghiệp Đại học ra làm bác sĩ, để nó được chữa trị cho ba. Huhu... Nếu mà ba nó không được giải phẫu sớm, thì Đăng cũng sẽ mất đi cơ hội làm bác sĩ luôn... Cô thấy cô có lỗi với Đăng lắm con ơi..."
Nhân lúc Đăng vào nhà sau dọn dẹp, tôi mới tận mắt chứng kiến những giọt nước mắt đau khổ từ người phụ nữ vất vả này tuôn ra. So với mẹ Trân, đáng lẽ cô nên tận hưởng một cuộc sống êm đềm cùng người chồng chịu khó và đứa con trai mát lòng mát dạ như thằng Đăng mới đúng. Đằng này khó quá, tai nạn giao thông năm đó mà chú gặp phải khá nghiêm trọng. Chú đi chở bia cho người ta, đường vắng nên xe hơi được dịp lạng lách, nó tông trúng chú, đầu chú không may va vào cột điện bên vỉa hè. Không một lời xin lỗi, không một lời hỏi han, chủ nhân chiếc xe bỏ trốn suốt mười hai năm trời. Cổ chỉ nghe công an nói rằng, người cầm lái chỉ mới mười tám, nhưng do người ta là con nhà chức quyền, chả ai dám truy cứu hết. Thế là, gia đình cô mới chịu cảnh chật vật như vậy suốt ngần ấy năm luôn. Thằng đó mà biết hối cải, tiền bồi thường của nó chắc sẽ đủ để chú làm phẫu thuật lâu rồi.
"Cô ơi cô, tuy Đăng không nói, nhưng con biết Đăng rất là thương cô với chú á nha cô. Con thì... chỉ học chung với Đăng được mấy tháng, mà thấy Đăng học chăm lắm ạ. Đăng nói Đăng ráng thi điểm cao, để làm quà mừng cho ba mẹ nhà nó hoài luôn á. Dạ! Cô yên tâm đi cô! Nhân danh là một người bạn tốt nhất của Đăng, con hứa!"
"Con hứa cái gì?"
"Con hứa, con sẽ giúp đỡ gia đình Đăng thoát khỏi cuộc sống đen tối này, giúp tới khi nào... cuộc đời cô toàn là màu hồng thì thôi!"
--
Tôi về nhà khi nắng chiều đã tắt, quán gỏi cuốn cô Huyền dường như mang theo thế lực nào đó, khiến mọi người quanh xóm đều mê mệt lên xuống. Tôi thấy cổ có duyên với nghề bán đồ ăn thiệt, bán gì cũng đắt khách, bán gì cũng được ủng hộ nhiệt tình. Mấy bà hàng xóm từ lúc thấy ba tôi về đây, thì cái miệng cũng bớt lanh chanh hơn xíu. Cô Huyền không muốn mẹ Trân chịu ủy khuất, lâu lâu ngồi tám ra hết chuyện ngày xưa của mẹ cho mọi người nghe.
Cô Huyền nói, ba mới là người mang danh phận chính thất của mẹ, còn mấy người đàn ông thường xuyên tới lui, chỉ được mác bạn bè không hơn không kém. Các cô các dì thay đổi thái độ ngay lập tức, hồi đó chửi mẹ Trân lăng loàn bầy hầy này kia, giờ thì cái miệng dẻo quẹo, nói mẹ Trân xinh xắn đáng yêu đồ. Lúc thấy mẹ Trân ở nhà thì qua bắt chuyện làm quen, chắc mấy người nghe tin ba tôi làm Chủ tịch Chủ ơ, thấy sang bắt quàng làm họ miết. Mẹ Trân công nhận có sức chịu đựng ghê gớm, người ta chửi mẹ không ra cái gì, nhưng mẹ vẫn nhịn nhục để giúp đỡ người ta.
Đó, như bà Liễu răng hô, con gái bả nhảy việc như nhảy lò cò, nhờ mẹ Trân nói ngon nói ngọt với ba, mà nhỏ đó được slot thực tập trong công ty ba rồi đó. Hay mẹ Giàu mở tiệm gội đầu, hồi đó mẹ Trân hay qua ủng hộ thì bả khinh ra mặt, bây giờ bả thấy mẹ thì như thấy vàng, nịnh nọt mẹ lên tận mây xanh. Bả cũng dữ dằn lắm, biết mẹ Trân khoái ai khen mẹ đẹp, nên mỗi lần mẹ đi gội đầu về, thường bả sẽ được mẹ boa cho năm trăm tại bả khen mẹ không ngớt.
"Cô Huyền, lấy con năm cuốn không rau đi cô."
"Cái thằng, mày với má mày tập ăn rau cho tốt đi."
"Hoi, rau có mùi kỳ lắm cô Huyền!"
Cô Huyền được mẹ Trân kính trọng nhất, ngày xưa nếu không có cổ, chắc Tinnie cũng không được sống tốt như bây giờ. Cổ bị hiếm muộn con cái, ông chồng thì bỏ xứ đi lấy vợ mới. Làm như tai mắt ở đâu cũng có hay sao, hôm bữa ổng tìm tới nhà mẹ Trân làm rùm beng um sùm. Ổng thấy cô Huyền làm ăn khấm khá, rồi còn được ba mẹ tôi chiếu cố, chắc muốn vòi tiền để nuôi con vợ ăn nằm ở không trong nhà ổng chứ gì? Đàn ông thảm hại quá, bản thân tôi cũng là nam giới, nhưng nếu tôi sở hữu mấy tật xấu đó, thà tôi làm thái giám luôn cho rồi.
Cũng may mẹ Trân cứng rắn, mẹ ra cước ổng mấy cái, miệng cảnh cáo ổng như đang chửi thẳng mặt ổng vậy. Mẹ dặn rồi, nếu trong xóm này ai phát hiện ông già đó tới làm loạn, thì mẹ sẽ hậu tạ người đó thật xứng đáng. Mẹ làm nhiều cái coi bộ trịch thượng ghê, có lần tôi hỏi, mẹ nói rằng mẹ làm vậy chỉ muốn trả thù mấy má hàng xóm ngày trước thôi à, không dã tâm gì hết nên tôi đừng lo.
"Ba mẹ con đâu mà phòng ốc tối thui vậy trời?"
"Con nghĩ ba mẹ con giờ ở nhà rảnh rang thì làm gì? Thông cảm cho ba trẻ mẹ trẻ đi Chim mỳ ơi, người ta cũng lâu rồi mới được hú hí với nhau mà."
"Ha, sao cô Huyền chịu được, mà Trân chịu không được chứ? Ngộ ghê, này chắc bị đại ca dụ mua cho đôi bông tai hay sợi dây chuyền nên mới nghe lời dữ dị."
"Haha, mới tí tuổi đầu, dám đi guốc trong bụng mẹ mày là mày sai lắm nha con!"
Tôi trò chuyện cùng cô Huyền đến khi ăn tới cây gỏi cuốn thứ năm, thời tiết dạo này nắng nóng nên tôi làm biếng ăn cơm. Tôi chạy vô phòng bếp mở đèn, mẹ Trân chả nấu nướng gì để dành cho ba anh em tôi hết. Nghe nói anh Tommy bị vụ nào đó chấn động cả trường, ba đang cân nhắc rút hồ sơ rồi chuyển ảnh qua chung trường với bọn tôi luôn nè. Hay thật chứ, cái đám con nhà giàu mà ngỗ nghịch như dân mồ côi không được dạy dỗ đàng hoàng. Nói chứ tôi mà là anh hai, tôi lôi cả lò tụi nó ra chửi cho đã cái miệng tôi rồi.
"Ba, ba 'hành hạ' Trân xong chưa dạ? Con vô phòng á nha! Ba! BAAA!!!"
Tôi tự làm thêm dĩa mỳ Ý ăn cho chắc bụng, miếng cuối cùng được đưa gần tới miệng, bỗng dưng xuất hiện một âm thanh lớn. Tôi giật bắn mình, từ lầu 1 tới dưới đây quả nhiên cách nhau rất xa, ông ba tôi đã có tuổi mà chả đứng đắn chút nào. Tiếng lớn vọng ấy mà tôi nghe thấy, chính xác là tiếng thanh giường bị gãy rồi sập xuống chứ đâu?
"Bé con, muốn nói chuyện gì thì xuống phòng khách rồi nói."
"Ai biết được ông lại bắt Trân làm trò mèo gì với ông nữa! Mở cửa ra, MỞ CỬA! Giờ không mở hả? Không mở thì... thì tui xông dô! Hây da!"
Chân tôi như được bôi dầu, hai cẳng giò nhảy một lần mấy bậc cầu thang, vài giây ngắn ngủi đã lên tới trước cửa phòng. Phòng Trân hình như mới được ba cho người dán cách âm, dù tai thính như tôi cỡ nào, cũng không thể phán đoán được cuộc hỗn chiến đã trở nên 'ướt át' đến độ ra sao. Tôi liên tục đập cửa, miệng thì như cái bô xe, ông ấy chỉ nhắn tin vào điện thoại tôi câu cộc lốc ấy. Hừm, cơ hội trả thù cho những trận đòn khôn lường ngày trước đã chín muồi, đại ca nên biết cảm nhận đau đớn một chút thì mới công bằng đúng không? Sau bốn rưỡi thì không biết vị thế ai sẽ hơn ai, nhưng sau năm giờ, cỏ lúa luôn được san bằng hết.
"Trời mẹ ơi!"
Cửa không khóa, tôi cứ thế mà xông vào như lúc tướng quân cầm cờ đánh quân xâm lược. Mẹ Trân quần áo chỉnh tề ngồi trên bàn trang điểm lướt điện thoại, đại ca nhà tôi thì cởi trần dựa lưng vào giường đánh máy tính. Tôi nhảy một phát lên giường làm ba không ngăn cản nổi, ba chỉ kịp đặt laptop sang một bên, dùng hai cánh tay vạm vỡ chắn người tôi lại. Cơ thể ông ta làm bằng sắt thép, eo tôi rất nhanh liền cảm nhận đau nhức. Tôi la hét khắp phòng, tay chân không được bám trụ vào cái gì, vẫn lơ lửng như vậy trong cái nhìn sắc bén của ba.
"Ah! Ah! Đau quá ba! Đau đau đau! Thả con xuống! Hộc, biết sai rồi! I'm sorry bro!"
"Ba là anh con sao?"
"Ok! I'm sorry dadi! Dadi mau thả con xuống, hông... sốc hông quá rồi!"
"Bae, anh bỏ bé con xuống đi. Muốn gãy thêm thanh chắn giường bên kia nữa hả?"
Mẹ Trân là đấng cứu thế, chỉ một câu nói nhỏ nhẹ cũng đủ chứng tỏ hết vị trí của từng người trong nhà. Tôi được ba đặt xuống giường, người tôi cong như con tôm luộc, lúc nãy ăn no quá nên khiến hông tôi khó chịu. Một vòng tay cẩn thận ôm sát nó, ba kéo tôi dựa vào lòng, hơi ấm từ người ba tỏa ra thật sự không phù hợp với tình cảnh lúc này cho lắm. Trời bên ngoài thì nắng chang chang, gặp ba cứ chăm chăm hôn hít vào mặt, hơi thở tôi dần trở nên khó khăn.
"Báo con, hôm nay còn dám xông vào phòng ba mẹ?"
"Con xông vào hồi nào? Con xin phép rồi thì mới xông vào chứ bộ?"
"Lắm lời, giống y hệt mẹ."
"Nè đại ca, nó trong bụng tui hơn tám tháng trời, nó không giống tui thì chắc nó giống anh hả đại ca?"
Mẹ Trân từ tốn tiến lại, mẹ để mặt mộc có khi còn rạng ngời hơn lúc mẹ dặm đầy phấn son. Hương sắc ngút ngàn này là thứ khiến ba Taichi phải lăn lộn suốt mười mấy năm mà chẳng muốn rời bỏ đây sao? Mẹ Trân tài giỏi lắm! Mẹ thật sự rất đẹp, khi tấm màn trên cửa sổ được kéo lên, bật lên làn da mẹ Trân màu trắng hồng ngọt lịm, đỏ mặt và mồm miệng lắp bắp là cách ứng xử tốt nhất mà tôi dành cho mẹ rồi đó.
"Sao hả? Con có chuyện gì?"
"Ba, ba nói là con với Tommy có sổ tiết kiệm riêng đúng không ba?"
"Hửm?"
"Ba, hay là... ba trích ra cho con một phần... để con giúp đỡ gia đình bạn con được không ba?"
Tôi ngồi giữa ba mẹ, khóe môi tôi liến thoắng kể cho họ nghe về chuyến đi phượt cùng Song Đăng đã mang lại biết bao cảm xúc thăng trầm thế nào. Mẹ Trân thì chỉ biết sơ qua tình hình bạn tôi hồi đó, còn ba Taichi tất nhiên là như người tối cổ. Tôi thấy sắc mặt ba giữ nguyên vẻ lãnh đạm, nhưng mẹ Trân đa sầu đa cảm, nghe được chút xíu thôi là hàng mi rưng rưng liền. Đúng thật, hoàn cảnh Đăng tội nghiệp quá, mạnh thường quân thì cắp hết tiền bỏ mặc mẹ nó hết. Nếu giờ thân là bạn bè tốt mà lần nữa rũ bỏ trách nhiệm, chắc Kawanishi Takeshi tôi đây sẽ là người ân hận tới cuối đời mất.
"Ba! Ba nói gì đi mà..."
"Sổ tiết kiệm đó là của con."
"Thì là sổ tiết kiệm đứng tên con, con có xin tiền ba làm đâu mà ba cứ im ỉm hoài vậy? Ba, đi mà ba... Người ta tội nghiệp lắm ba, chú bị u não đang cần tiền phẫu thuật đó ba..."
"Tí Đô, bé con nhà anh đang muốn làm việc tốt."
"Anh biết."
"Thế tại sao anh còn không chịu gật đầu cho con nó vui?"
"Anh đang cân nhắc thôi. Ba bạn Đăng của con, rốt cuộc là cần bao nhiêu tiền?"
"Trời ơi, bệnh não đó ba! Đụng tới thần kinh thì ba nghĩ mấy triệu của con là cái đinh gì? Nếu ba không tin, hay là ba đến nhà nó thử coi, dẫn Trân theo luôn đi nè, con không thèm nói dối mọi người đâu..."
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip