7.
Trích từ bài viết Chuyện hậu trường "Gặp nhau tháng Năm", N.T.T., đăng trên Tạp chí Văn học và Nghệ thuật, số 203 (20YY).
"Tôi dám cam đoan rằng bất kỳ ai từng sống dưới những đêm đèn hoa và pháo giấy sáng rực trời ấy, chẳng thể nào quên khoảnh khắc trọng tài hô vang tên Văn Huyền Tuấn giữa sàn đấu thế vận hội hoa lệ. Nhưng ít ai biết rằng, trước khi ánh đèn sân khấu cuộc đời tắt hẳn, người hùng ấy đã sống những ngày tháng lặng lẽ nhất trong căn phòng bệnh nhỏ bé, nơi những tấm huy chương vàng được cất vào ngăn tủ, nhường chỗ cho những lọ thuốc và nhật ký điều trị.
Tôi gặp cô Lê Thị Mai, hộ lý phụ trách chăm sóc ông những tháng ngày cuối đời vào một chiều mưa tháng Năm. Căn phòng nơi cô làm việc vẫn còn vương mùi cồn y tế, nhưng vẫn mang cảm giác ấm cúng lạ thường.
Cô kể cho tôi về ông cụ mà cô từng chăm sóc ở cái thời mà cô mới chập chững vào nghề. Giọng cô kể nghe hoài niệm, thân thiết như thể đang nói về một người thân chứ không phải bệnh nhân. "Ông ấy hiếm khi nói về những chiến thắng," cô cầm trên tay quyển sổ da cũ kĩ, "mà chỉ toàn kể với tôi những chuyện vụn vặt..."
Chiếc máy ghi âm của tôi chạy êm, ghi lại từng câu chuyện nhỏ về một Văn Huyền Tuấn khác hẳn hình ảnh của ông trước công chúng. Có lẽ, chúng ta hay cố gắng vĩ nhân hoá một con người khi họ đạt được những thành tích lớn lao, đến nỗi đôi khi quên mất rằng đằng sau những ánh hào quang rực rỡ chiếu rọi vào người, họ vẫn còn cuộc sống hằng ngày thật giản dị và bình thường.
[...]
Những điều cô Mai nói tôi đều đã đọc qua trong những quyển hồi kí, những bài phân tích, nghiên cứu về cuộc đời Văn Huyền Tuấn trước đó. Thú thật, tôi đã mong đợi một điều gì mới hơn thế.
Khi chọn làm một bộ phim điện ảnh về cuộc đời của vị VĐV huyền thoại này, tôi đã mong muốn được khai thác một khía cạnh mới hơn, rộng hơn và 'đời' hơn là những câu chuyện được kể đến trăm lần về các bài huấn luyện khắc nghiệt, những khoảnh khắc nghẹt thở trên sàn đấu, hay là câu chuyện tuổi thơ vượt khó của ông.
Vì đời người nào chỉ là những nốt son chói lọi.
Những khoảnh khắc đỉnh cao được giới truyền thông, báo chí xào đi xào lại qua nhiều năm chẳng qua chỉ là 1% trong cuộc đời của các vĩ nhân. 99% còn lại chính là những thước phim hằng ngày lặp đi lặp lại, có thể nó nhàm chán, tẻ nhạt, nhưng cuộc đời chính là như thế!
Còn tôi, một người hâm mộ trung thành của ông Tuấn, muốn biết được 99% cuộc sống ấy của ông như thế nào.
Tôi đành hỏi cô Mai về một thứ khác, nhằm đánh lạc hướng cô khỏi tình tiết trận đấu Olympic mà cô đang kể lại.
Và tôi đoán rằng chính quyết định vô tình này đã tạo nên sự thành công của "Gặp nhau tháng Năm", một sự chuyển hướng đến cả tôi cũng không lường trước được.
"Quyển sổ da cô đang cầm có ý nghĩa gì đặc biệt không ạ?"
"Ô, tôi không nên cầm nó khi xuất hiện trong khung hình của cậu à? Vậy để tôi bỏ nó ra..."
"Không không. Cháu chỉ muốn hỏi về nó chút thôi. Do cháu cảm nhận được là cô rất trân quý quyển sổ này."
"À, đúng rồi. Haha cậu tinh mắt đấy. Tôi đúng là quý quyển sổ này lắm. Thứ này được ông Tuấn để lại cho tôi đấy. Ông nhất quyết phải đưa tôi giữ chứ không đưa cho con cháu hay họ hàng gì khác. Điều này làm tôi tự hào lắm."
Cô cười phớ lớ. Mắt cô sáng rực lên, nom rất vui vẻ khi cuối cùng tôi cũng hỏi đến quyển sổ này.
Tôi dè dặt nhìn cô với ánh mắt đầy mong chờ. Cô thấy tôi như thế thì bật cười. Cô ngoắc tay kêu tôi dịch ghế lại gần, rồi lật mở từng trang của quyển sổ, hoặc đúng hơn phải gọi là quyển album.
"Nói thật với cậu nhé, tôi nghĩ tôi đang giữ kho báu của nhân loại đấy. Mặc dù rất nhiều anh phóng viên, nhà văn, nhà báo đã đến đây để hỏi chuyện tôi về ông Tuấn, nhưng chẳng mấy ai hứng thú với quyển album này. Hoặc họ cũng chỉ lấy vài bức ảnh làm tư liệu. Hoặc nói sơ qua trong tác phẩm của họ rằng ông Tuấn có thói quen chụp ảnh lại cuộc sống hằng ngày lúc về già. Tôi đã mong họ nhìn thấy được câu chuyện sau quyển album này, vậy mà..."
"Câu chuyện đằng sau quyển album ạ? Cô biết điều gì sao?"
Cô khẽ lắc đầu.
"Không, tôi không biết. Tôi chỉ biết rằng nó chứa một câu chuyện, nhưng tôi không có khả năng viết nó ra, hay truyền đạt nó hay như giới viết lách các cậu. Nên tôi cứ chờ đợi."
Xong, cô nhìn vào tôi rồi cười hiền từ.
"Tôi hy vọng cậu sẽ là người viết cho tôi câu chuyện đó."
Cô lật nhẹ những trang đầu tiên.
Không có gì quá đặc biệt. Chỉ là ông Văn Huyền Tuấn và những hoạt động hằng ngày. Độ này chắc ông khoảng 19 - 20 tuổi. Những tấm hình chụp ông đang ăn, đang ngủ, đang tập luyện. Từ góc chụp và khoảng cách có thể nhận thấy người chụp có lẽ là một người rất thân thiết với ông, luôn sát bên ông trong những hoạt động thường nhật.
Trong đầu tôi bỗng loé lên một ý nghĩ.
"Thưa cô, chẳng lẽ, chủ thật sự của quyển album này là..."
"Ha ha ha, đúng rồi. Chính là người bạn cùng xe buýt của ông ấy đấy. Ông ấy không gọi người anh cùng tên của ông là 'anh yêu' hay biệt danh gì đó sến sẩm đâu. Để nhắc đến người ấy, ông ấy sẽ gọi là 'anh đi cùng xe buýt' này, 'anh cùng trường' này, rồi 'anh cùng nhà' nữa. Tôi chẳng biết hai ông ấy yêu nhau kiểu gì."
Rồi cô lật tiếp từng trang. Hơn ⅔ những trang đầu tiên chỉ đơn giản là những tấm ảnh đời thường, chủ yếu là Văn Huyền Tuấn, đôi khi lại là ông Trần. Đôi lúc cũng sẽ có những bức ảnh đôi tương đối ngọt ngào, một số tấm cũng đã được đăng công khai lên mạng trước đấy.
Cô ấy chỉ vào một tấm ảnh rồi nói với tôi.
"Tấm này cậu nhớ không? Cái tấm ảnh mà ông Trần đăng lên sau tấm HCV thứ hai của ông Văn đấy. Ha ha lúc trước khi gặp ông Văn, mỗi lần tôi nhìn thấy tấm ảnh này là tôi xúc động lắm. Nhìn này, 2 tay đan vào nhau, mỗi người đều đeo huy chương vàng, ông Văn còn đang nhìn lén ông Trần nữa chứ. Lãng mạn quá, nhỉ?"
"Nhưng cậu biết gì không, thực ra cầm tay nhau chứ không phải ôm hay hôn và vì ông Trần ngại" Cô vừa kể vừa cười khúc khích. "Tôi biết thế là cứ trêu ông Văn suốt. Cứ thi thoảng là tôi sẽ nhắc "Sao bảo kiếm 2 cái huy chương vàng để chụp hình đôi mà hai ông chỉ nắm tay là như thế nào?" Thế là ông Văn sẽ chửi tôi um sùm lên. "Lúc ấy mà anh cùng nhà tao cho là tao 'hun' ảnh lâu rồi! Cần chờ chúng mày nhắc à?" Đấy ông hay chửi tôi như thế."
"Ông còn kể là ông Trần cứ nhằn ông suốt đấy. Này cậu nhìn ảnh này. Tấm này, tấm này nữa. Ông Văn cứ nhìn ông Trần mãi thôi. Nên thành ra không có tấm nào đàng hoàng để đăng lên mạng cả. Ông Trần ghét ông Văn vụ đấy lắm nên mắng ông Văn suốt. Ông Văn lại kể lại cho tôi, thế là tôi cũng phải nghe mắng cùng. "Camera nó ở đằng kia chứ ở trên mặt anh đâu mà cứ nhìn đây hoài thế? Em có chịu hợp tác không thì bảo?" "
Cô lại chỉ vào những bức ảnh nhóm.
"Này là nhóm bạn thân của ông ấy này. Cậu có thấy ai quen không?"
Tôi nheo mắt nhìn kĩ vào khuôn mặt từng người một rồi thốt lên.
"Ôi có pianist Bùi Đỗ Hiền này. Thầy này từng là giáo sư dương cầm dạy cháu hồi còn ở Nhạc Viện."
"Chà, tôi không rành người này lắm. Nhưng cậu để ý này. Bên phải đây là 2 cầu thủ bóng đá trong đội tuyển quốc gia từng nổi tiếng cả một thời đấy: Minh Hùng và Minh Đức này. Cặp bài trùng hai tiền vệ một thời đấy, cậu còn nhớ không?"
"Đúng rồi nhỉ! Cháu có đọc được trong một số bài viết bảo là mối quan hệ giữa họ rất tốt, nhưng giờ mới được thấy tận mắt."
"Minh Hùng và Minh Đức xuất hiện trong nhiều ảnh lắm đấy. Đoạn sau còn có nhiều nữa.
Hai ông có một nhóm bạn chung chơi thân lắm. Theo như ông kể thì có ông Kiên này là giáo viên này, ông Hiển này cũng vậy; ông Vinh này thì làm chủ tịch tập đoàn đồ gia dụng nè; ông Chi này cũng là VĐV Taekwondo, ông Hiền thì là giáo sư đại học, thầy Hùng HLV của ông Văn cũng thi thoảng xuất hiện. Trời đất, giờ kể ra mới thấy, nhóm bạn của hai ông ai cũng giỏi cả nhỉ?"
Những bức ảnh nhóm thường khá là lộn xộn. Tôi có thể hiểu tại sao ông Trần - một người theo chủ nghĩa hoàn hảo - lại không hay đăng hình nhóm lên mạng xã hội. Những bức ảnh thường được chụp trong các bữa tiệc, những buổi tụ tập hay chỉ đơn giản là đến nhà nhau chơi. Những con người ấy – ai cũng ưu tú và thành đạt trong lĩnh vực của mình – lại hiện lên trong những tấm ảnh nhóm với vẻ nhếch nhác, bần hàn đến khó tin. Ông Trần thực sự đã chụp được những bức ảnh đủ để tống tiền bất kì ai xuất hiện trong đám ảnh đó.
Lại nói về khiếu chụp ảnh của ông Trần, cá nhân tôi đánh giá bằng một từ thôi: xấu. Không biết là vô tình hay cố ý, nhưng những bức ảnh ông chụp đều trông xấu lạ, xấu ấn tượng và xấu đặc sắc.
Nếu nói có duy nhất một ngoại lệ ông Trần chụp đẹp thì có lẽ là ông Văn.
Càng về sau quyển album, những tấm hình chụp ông Văn càng xuất thần. Có những tấm chụp đẹp đến mức khiến tôi không kìm được mà thốt lên.
Dù các bạn không coi phim của tôi, hẳn các bạn cũng biết đến phân cảnh "ngủ gục trên sofa" rầm rộ khắp cõi mạng một thời. Khung hình đó chính là thành quả của việc tôi cố gắng tái hiện lại chân thật nhất tấm ảnh ông Trần chụp người yêu của mình.
Có lẽ, đúng như người ta vẫn nói, người tình trong mắt hoá Tây Thi.
Nhưng cũng có lẽ, ông Trần đã chụp người yêu nhiều đến mức, chỉ cần giơ máy lên, ông biết chính xác đâu là góc khiến người kia rực rỡ nhất.
[...]
"Từ trang này trở đi cậu có nhận ra cái gì khác đi không?"
Tôi cố gắng soi từng chi tiết theo lời gợi ý của cô Mai, cố gắng tìm ra sự khác biệt mà cô nói đến.
"Cháu không." Tôi lắc đầu, "Khác chỗ nào vậy ạ?"
"Bắt đầu từ trang này, ông Tuấn không còn xuất hiện trong ảnh nữa. Chỉ còn phong cảnh, vài đồ vật, hoặc thỉnh thoảng lắm mới thấy thấp thoáng bóng một người bạn cũ."
Cô tiếp tục lật từng trang. Và càng lật, tôi càng cảm nhận được điều cô đang nói.
Không chỉ là sự vắng mặt của ông Tuấn, mà là của cả bầu không khí trong ảnh.
Những bức ảnh từ những trang trước – dù bố cục lệch lạc, đôi khi cháy sáng, thậm chí mờ nhòe – vẫn tràn đầy sức sống. Mỗi tấm ảnh như đang thở, như giữ được nguyên vẹn cảm xúc của người chụp ở thời khắc đó.
Còn bây giờ, ánh sáng cũng vậy, căn phòng cũng thế, mọi thứ như bị phủ một lớp bụi mỏng của cô đơn.
Một chiếc cốc đánh răng đặt lặng lẽ bên lavabo.
Một bát cơm còn dang dở trên bàn.
Một chậu linh lan bên bệ cửa sổ đang nở rộ.
Nhưng không có người nào xuất hiện sau đó.
Không gian trong ảnh thu hẹp dần, như chính thế giới của người đứng sau ống kính. Từ quảng trường, bãi tập, sân khấu, nhà ga, giờ chỉ còn những bức tường cũ, góc bàn quen, và vài gian phòng nhỏ.
Lặp đi lặp lại như thế.
Rồi không gian ấy lại đổi thành viện dưỡng lão.
Ông vẫn tiếp tục giữ thói quen chụp ảnh ấy.
Ở viện ông lại chụp bồn hoa đồng tiền trước cửa viện, chụp cái ghế đá trước sân, cái khoảnh trời hoàng hôn buồn hiu hắt qua tấm kính cửa sổ.
Tôi cứ vô thức lật từng trang như vậy.
Tôi nghĩ rằng, ngay từ sau khi cô Mai hỏi tôi về sự thay đổi của những bức ảnh, tôi đã nhận ra điều gì đó.
Chỉ là... qua từng trang album, qua từng tấm polaroid đã mờ viền và ố màu thời gian, tôi đã vô tình cùng hai người ấy đi qua cả một quãng đời.
Từ những ngày còn khoác trên mình bộ đồng phục học sinh,
đến lúc ông Trần bước vào giảng đường đại học,
rồi đi làm,
còn ông Văn thì đoạt lấy tấm huy chương vàng đầu tiên,
rồi thứ hai.
Từ những chiều đèo nhau trên chiếc xe máy cũ,
đến ngày cùng nhau chọn mua chiếc ô tô đầu tiên,
rồi căn nhà đầu tiên,
rồi bữa cơm đầu tiên trong căn bếp có ánh nến vàng mà họ cùng thắp.
Tôi đã thấy họ trưởng thành.
Từ lúc mái tóc của họ đang còn xanh màu tuổi trẻ
cho đến khi lấm tấm bạc.
Tôi đã vô tình thấy ánh mắt mà họ trao cho nhau, vô tình nhìn thấy tình yêu của họ, thấm qua từng tấm phim cũ, như muốn vượt không gian và thời gian mà tràn vào cuống tim tôi.
Một cách vô tình, tôi phát hiện ra định nghĩa của chữ "yêu".
Vậy nên, thật đau đớn biết bao...
Tôi chẳng thể đối diện với câu trả lời mà bản thân đã có sẵn.
Cô Mai nhẹ nhàng vuốt lên mép tấm phim cũ kĩ, giọng cô khàn khàn.
"Máy ảnh của ông Trần," Cô thở dài não nề, "đổi chủ rồi"
[...]
"Cậu hỏi về những tấm này hả?" Cô nói và chỉ vào những tâm ảnh in với màu sắc rực rỡ và sắc nét. "À, bắt đầu từ trang này là tôi chụp."
Cô khẽ cười ngượng trước ánh nhìn đầy nghi vấn của tôi. Vẫn tiếp tục lật từng trang, cô giải thích.
"Máy ảnh của ông lúc đó hư rồi. Anh để ý mấy tấm ảnh trước sẽ thấy, đôi lúc sẽ có vài tấm ảnh bị cháy sáng nặng. Sau này mới biết là máy của ông bị hỏng màn trập rồi, với mấy thứ gì nữa ấy, nhiều lắm, tôi mang đi sửa mấy lần mà cứ lại đâu vào đấy. Bảo mua máy khác cho thì ông lại không chịu. Thế nên tôi đành phải tự sắm một cái máy cơ để chụp "giúp" ông."
Cô nói rồi cười gãi đầu. Cô lúc này trông như trẻ ra vài tuổi, như đang sống lại thuở cô mới vào nghề, vào cái thuở mà sự nhiệt tình của cô lớn đến mức sẵn sàng trích tiền túi ra mua hẳn một chiếc máy cơ để mua vui cho ông lão mà mình chăm sóc.
"Chụp là phải chụp lén đấy. Ông biết là ông không chịu đâu. Tôi phải canh lúc ông đi ăn hay đi nghỉ mà ra mấy chỗ ông chụp để "tái tạo" lại ảnh cho ông. Tôi còn cố chỉnh màu làm sao cho ảnh nó trông cũ cũ đi tí, cho giống khi chụp bằng cái máy của ông thì ông mới chịu mà bỏ vào quyển sổ. "
"...Mà từ lúc cái máy phim của ông bị hỏng, tôi hay lấy cớ "máy sửa xong phải nhờ thợ mới xuất ảnh ra được" để lấp liếm. Có lẽ vậy mà ông cũng tụt hứng, ông ít chụp ảnh đi hẳn...."
Ánh mắt tôi lướt qua dòng chữ được ghi thật nhỏ dưới một bức ảnh.
"Anh không nhìn em nữa sao?"
"..."
Tôi lật sang trang sau. Đó là tấm ảnh chụp một cô gái rất trẻ. Cô mặc trên mình bộ đồ hộ lý, tóc búi thấp gọn gàng, khuôn mặt tròn tròn với đôi mắt to long lanh, một tay đang ôm chậu linh lan, tay còn lại giơ cây kéo, nhìn vào máy ảnh cười rạng rỡ. Bức ảnh này nhìn rất tươi, rất mới, không những về không khí trong ảnh mà còn đang nói về chất lượng của bức ảnh đấy, nổi bật lên hẳn với những bức ảnh vật dụng ảm đạm trước đó.
Cô Mai cười mỉm đầy tự hào giới thiệu.
"Tôi đấy. Bức này chính tay ông Tuấn chụp cho tôi. Hôm ấy, không biết tại sao ông lại kêu tôi đứng ra để ông chụp cho một bức. Thế là tôi tiện ôm luôn chậu linh lan đang thay đất, rồi đứng ra đấy để ông chụp. Ổng mượn cái máy tôi - cái máy cơ tôi vẫn lén dùng chụp cho ổng mấy bữa trước ấy, bảo máy tôi chụp 'sáng, rõ, đẹp hơn' nên muốn chụp tôi một bức đàng hoàng. Chụp xong, ổng còn xin lại tấm hình đó, nói là để dán vào sổ.
Lúc đó tôi cứ tưởng ông đùa. Ai ngờ hôm sau mở sổ ra, thấy ông dán bức ảnh ngay ngắn vào giữa hai tấm chụp hoa linh lan của ông thật.
Hỏi thì ông cười bảo: 'Dán cho đầy trang.' ."
[...]
Những tấm ảnh ngày càng thưa đi.
Rồi vắng hẳn.
Trang cuối cùng của quyển sổ đính một tấm hình duy nhất, nằm ngay ngắn giữa trang.
Tôi nhìn sang cô Mai, lặng lẽ chờ đợi cô tiếp tục kể chuyện.
Từ đầu buổi đến giờ, cô Mai tựa như một người hướng dẫn viên tận tâm, giới thiệu kỹ càng cho tôi từng khung hình, từng câu chuyện đằng sau mỗi bức ảnh với sự nhiệt tình lấp lánh trong ánh mắt.
Ấy thế mà đến bức hình này, cô lại nghẹn lại rất lâu.
Tôi cũng không giục cô. Nhìn bàn tay thô ráp run run của cô lướt nhẹ trên tấm ảnh, tôi hiểu được cô cần thời gian.
Cô cẩn thận gỡ tấm hình ra khỏi khung và đưa cho tôi, đặt vào lòng bàn tay tôi với một sự trân trọng khiến tôi phải nín thở.
Đó là một tấm ảnh phim đã hỏng nặng, ánh sáng trắng xóa nuốt chửng gần như toàn bộ khung hình. Chỉ còn lờ mờ một bóng người ngồi cong lưng bên mép trái, tay nắm thứ gì đó vuông vắn. Khuôn mặt đã tan biến vào vệt sáng loang lổ, như thể chính thời gian cũng không nỡ lưu giữ hình ảnh ấy trọn vẹn. Phía sau là những vệt mờ đen sẫm, có lẽ là một khung cửa sổ, hoặc một bức tranh treo tường.
"Hôm ấy, ông đột nhiên gọi tôi vào lúc 3 giờ sáng. Tôi vừa mới kết thúc công việc vào lúc 2 giờ hơn và vừa mới chợp mắt. Bây giờ thì tôi không còn nhớ cụ thể chuyện gì đã xảy ra, nhưng chỉ biết rằng ngày hôm trước thật sự rất tồi tệ. Vậy nên, lúc ông gọi tôi đến phòng, tâm trạng tôi đang rất tệ rồi." Giọng cô bỗng hơi run rẩy. Qua cái cách cô kể chuyện, tôi thậm chí còn lờ mờ đoán được chuyện sắp xảy đến, và có vẻ, đó không phải là một kí ức quá tốt đẹp với cô.
"Tôi đến nơi với đầu tóc rối bời, bộ quần áo hộ lý vừa mới cởi ra chưa được 30 phút giờ lại phải đem ra mặc vào. Tôi chạy thục mạng tới phòng ông, chỉ sợ ông bị ngã hay lên cơn đau tim gì đấy. Dù gì lúc ấy người ông cũng nhiều bệnh.
Thế nhưng, lúc tôi đến, đèn phòng ông Tuấn sáng trưng. Ông mặc lên mình bộ comple sang trọng mà ông hay trưng diện những lúc được phỏng vấn hoặc được các quan chức cấp cao đến thăm, đội cái mũ nồi đen che đi mái đầu bạc đã lưa thưa tóc, mang cả chiếc đồng hồ tinh xảo mà ông thích nhất.
Ông ngoắc tôi vào, rồi đặt lên tay tôi chiếc máy phim cũ.
Ông bảo tôi chụp cho ông một kiểu ảnh.
Tôi thực sự đã phát điên lên vào lúc đó. Tôi không còn nhớ nổi tôi đã nói với ông những gì vào khoảnh khắc mất bình tĩnh ấy, cũng không nhớ biểu cảm của ông lúc ấy như thế nào..."
Cô kể đến đây thì nín lặng. Cô nhìn trân trối vào bức ảnh đầy những mảng trắng xoá loang lổ, như thể đang cố nhớ lại khuôn mặt của người đàn ông trong bức ảnh.
"Cuối cùng, chúng tôi vẫn chụp ảnh. Tôi mất kiên nhẫn đợi ông ngồi xuống chiếc ghế gỗ đệm da, chỉnh sửa lại tóc tai, trang phục, trước khi tôi hằn học mà nhấn mạnh xuống nút chụp.
Tấm ảnh được in ra, toàn những mảng trắng xoá.
Từ những đường nét lờ mờ trên tấm ảnh, tôi chợt nhận ra thứ mà tôi đã bỏ lỡ từ lúc tôi bước vào căn phòng này với đầy sự bất mãn và hằn học.
Thứ vuông vắn mà ông Tuấn đang ôm trên tay là bức ảnh người yêu đã mất của ông.
Và lần chụp ảnh đó là lần đầu tiên ông Tuấn chủ động chụp ảnh bản thân sau một quãng thời gian rất dài cả quyển album của ông chỉ có cỏ cây và những vật vô tri vô giác.
Như thể chỉ đến lúc tôi nhìn vào cái tấm hình trắng xoá này, lương tri của tôi mới trở về. Cảm giác xấu hổ và hối hận nhấn ngập tôi khi tôi đưa cho ông cái tấm hình cháy sáng không ra hình ra dạng gì ấy.
Tôi đã đợi ông mắng tôi, hoặc chì chiết tôi vì đã bấm máy một cách vô tâm như vậy.
Thế nhưng ông chỉ cười rồi bảo tôi nên về ngủ."
Cô ngừng lại, hít thật sâu để kìm lại cảm xúc đang trào dâng trong đáy mắt, rồi lại tiếp tục kể với giọng nghẹn ngào.
"Tôi đã bật khóc khi nghe ông nói như vậy. Tôi xin lỗi ông và xin ông cho tôi chạy về để lấy cái máy cơ của tôi, rồi chụp lại cho ông một tấm rõ mặt cả hai người, nhưng ông chỉ xua tay, bảo tôi về.
Ông còn an ủi tôi rằng 'chỉ cần ủ tấm ảnh này thêm một chút là ảnh sẽ hiện rõ lên thôi' và hứa với tôi ngày mai sẽ lại mặc comple để tôi chụp một tấm bằng chiếc máy cơ của mình."
Cô vuốt nhẹ bóng người trên tấm ảnh, rồi thở dài:
"Khoảng 6h30' sáng, chuông giường ông réo lên.
Các bác sĩ và y tá vật lộn trong căn phòng của ông suốt 5 tiếng liền, cố gắng để giành lại sự sống cho vị VĐV từng lừng lẫy một thời.
Đám nhà báo, phóng viên đứng chật kín cổng viện tôi khi đánh hơi được tin ấy."
Cô Mai nghẹn ngào đặt tấm ảnh về chỗ cũ.
"Tôi nào có biết cái tấm ảnh lúc 3 giờ sáng đó lại là tấm ảnh cuối cùng của ông và người yêu. Tôi nào có biết...
Giá như tôi đừng nặng lời...
Giá như tôi chịu quay lại phòng, chỉ một chút thôi... thì đã có một bức ảnh trọn vẹn."
Cô đưa hai tay bưng kín lấy khuôn mặt. Những ngón tay bấu chặt vào vầng trán nhăn nheo, trông thật khổ sở.
Bức ảnh cháy sáng ấy có vẻ vẫn là cái dằm trong tim cô, nhức nhối đến tận hôm nay, không thể nào gỡ bỏ.
[...]
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip